»

Thứ sáu, 29/11/2024, 05:48:46 AM (GMT+7)

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Phá sơn lâm, đâm hà bá

(07:57:47 AM 09/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Theo Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nếu không tuân thủ đúng pháp luật và tính toán chính xác về tác động môi trường thì việc triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đồng nghĩa “phá sơn lâm, đâm hà bá” và cái giá phải trả sẽ rất lớn

Đã diễn ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nhà khoa học và đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường xung quanh 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 6A tại hội thảo “Các khuyến nghị quá trình ra quyết định của Ủy ban Thế giới về đập” do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức ở Hà Nội sáng 8-11. 

Quá cẩu thả

 

Tham luận của TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ, với tiêu đề “Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Nhận xét của VRN về báo cáo đánh giá tác động môi trường” trình bày tại hội thảo được rất nhiều đại biểu chú ý. Ông Tuấn nghi ngại về chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này vì không đáng tin cậy, chủ yếu dựa trên các đánh giá chủ quan và có nhiều điểm không khả thi.
 
 
Cụ thể, đó là việc thủy điện Đồng Nai 6, 6A phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhưng báo cáo không đề cập. Vườn Quốc Gia (VQG) Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thì phải chọn đây là ưu tiên cao nhất, nếu đặt mục tiêu làm thủy điện là vi phạm điều 11 Luật Đa dạng sinh học.
 

Ngoài ra, TS Tuấn còn cho rằng báo cáo ĐTM còn bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng như không tính đến diện tích rừng bị phá khi làm đường dây tải điện. Phần nghiên cứu động đất kích thích viết rất sơ sài, thiếu thận trọng, dẫn nguồn từ tài liệu tham khảo không đáng tin cậy ở quốc gia không có cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học đề xuất trong ĐTM là không tưởng, thiếu cơ sở thực tế để triển khai thực hiện.

 

TS Đào Trọng Tứ (đứng) tranh luận cùng ông Nguyễn Vũ Trung (người cầm micro). Ảnh: PHÁP DÂN
 

Ông Lê Đức Thắng, Hội Điện kỹ thuật công trình điện, đã vạch rõ tính cẩu thả của báo cáo ĐTM khi cho rằng sẽ trả lại nguồn cá bằng cách nghiên cứu loại turbine để cá chạy qua mà không bị chém nhưng sau đó lại đề xuất sử dụng turbine do Trung Quốc sản xuất là rất mâu thuẫn. “Với vòng quay 200 vòng/phút của turbine cộng với áp lực nước rất lớn, không loại cá nào sống sót khi bơi qua turbine. Nếu chủ đầu tư nghiên cứu sản xuất được loại turbine này thì chuyển sang sản xuất turbine có lãi hơn làm thủy điện” - ông Thắng gay gắt.

 

Khó giữ đất rừng

 

Theo TS Lê Anh Tuấn, diện tích rừng bị mất chắc chắn lớn hơn con số được chủ đầu tư dự tính. Nghiên cứu của VRN tại nhiều thủy điện cho thấy trong thực tế, diện tích rừng bị mất do làm thủy điện ở nhiều dự án lớn hơn 30%-35% so với báo cáo. Vấn đề bảo vệ rừng đã được Việt Nam rất coi trọng, từng lấy năm 2011 là năm bảo vệ rừng nhưng cùng thời gian này, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đánh giá Việt Nam là nước phá rừng nguyên sinh lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.
 
 
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là phát triển thủy điện ồ ạt. TS Lê Anh Tuấn cũng nghi ngờ về các tính toán thủy văn và lượng bùn bồi lắng lòng hồ và tỏ ra thất vọng khi báo cáo ĐTM chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa, xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vực bị ảnh hưởng. Các biện pháp nhằm ngăn ngừa giảm thiểu tác động trong ĐTM là không đầy đủ và không bảo đảm tính công bằng xã hội. Nếu thực hiện hai dự án này, nhà đầu tư giàu đến mấy cũng không đủ tiền trả cho những thiệt hại về môi trường.
 

TS Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, cho biết chưa thủy điện nào ở Việt Nam thực hiện tái tạo rừng đúng diện tích đã lấy đi như cam kết. Khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, rừng bị cạo trọc, hỏi chủ đầu tư khi nào hoàn lại diện tích rừng thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có câu trả lời. “Phải thận trọng vì xây một đập thủy điện giữa rừng sẽ có tác động lớn đến hệ sinh thái, không giống như đào một cái ao trong vườn” - TS Tứ cảnh báo.

 

Không vì Sông Tranh 2 mà nghi 6, 6A (!)

 

Điều làm mọi người bất ngờ là  những ý kiến đánh giá của giới khoa học về báo cáo ĐTM của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đã bị ông Nguyễn Vũ Trung, Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) phản ứng rất gay gắt: “Tôi đề nghị, kêu gọi tất cả mọi người phải công bằng khi đánh giá, đừng phiến diện, so đo”.
 
Ông Trung viện dẫn rằng hiện tại có 40.000 doanh nghiệp đang chết, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân vì bị đối xử thiếu bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước. Thủy điện Tuyên Quang hoặc Sông Tranh 2 đều do EVN làm, còn thủy điện Đồng Nai 6, 6A là do tư nhân làm. Các nhà máy thủy điện này hoàn toàn khác nhau. Thủy điện Tuyên Quang và Sông Tranh 2 là thủy điện hồ chứa, còn thủy điện Đồng Nai 6, 6A là đập dâng, không thể thấy Sông Tranh 2 đang có sự cố mà nghi ngại thủy điện Đồng Nai 6, 6A!
 

“Tôi yêu cầu báo chí, nhà khoa học phải khách quan, trung thực, thể hiện danh dự, lòng tự trọng và tính chịu trách nhiệm của mình. Không thể à ơi theo tâm lý bầy đàn. Các phóng viên, các nhà khoa học có mặt tại hội thảo cần nhìn về tương lai của đất nước, của con cháu mà sống có trách nhiệm. Những phát ngôn trước công luận phải gắn với tự trọng, danh dự, phẩm giá của mình” – ông Trung nói và cho rằng “rất đau lòng” khi phải kêu gọi công bằng, đừng hắt hủi doanh nghiệp tư nhân vì những đóng góp lớn của họ cho đất nước.

 

Phản ứng có phần thái quá của ông Trung khiến các đại biểu ồn ào phản ứng. TS Lê Anh Tuấn đáp lại: “Tôi nghiên cứu khách quan, độc lập, không phụ thuộc nguồn tài trợ nào. Tôi đã có nghiên cứu về vấn đề này ngay sau khi có chủ trương làm thủy điện Đồng Nai 6, 6A nên không thể nói là tâm lý bầy đàn”.
 
Ngay sau đó, một đại biểu hỏi TS Tuấn rằng vấn đề thủy điện Đồng Nai trở lên phức tạp có phải do có lợi ích nhóm hay không, TS Tuấn khẳng định có và đó là một trong những lý do khiến phản biện của giới khoa học, các tổ chức độc lập rất có thể bị hạn chế tiếp thu.
 
Ngồi đối diện với ông Trung, bà Lâm Thị Thu Sửu, điều phối viên của VRN, định đứng lên phát biểu nhưng không có cơ hội vì TS Đào Trọng Tứ,  người điều hành phiên thảo luận, đã hỏi ngay: “Vậy thì hội đồng có quyết ngay không?”. Ông Trung phản ứng lại: “Chúng ta nói quá nhiều về báo cáo ĐTM, phải hiểu nó là cái gì và đó chỉ là một công cụ”.
 
 
Không đồng tình, ông Tứ vặn lại: “Đó là một căn cứ để Chính phủ xem xét quyết định có đầu tư hay không!”. Lúc này, ông Trung cho biết Bộ Tài nguyên - Môi trường không có thẩm quyền dừng đầu tư dự án, chỉ thẩm định báo cáo ĐTM để tham mưu cho Chính phủ, còn việc quyết định đầu tư là việc của Chính phủ. Việc lập báo cáo ĐTM là của chủ đầu tư, cơ quan quản lý không làm thay và nếu có sai phạm thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
 
 
Chủ đầu tư “né” các vấn đề quan trọng
 
 
Nhiều câu hỏi liên quan đến tính pháp lý của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đã không được chủ đầu tư giải đáp thỏa đáng
 

Cùng thời điểm Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức hội thảo thì Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) cũng tổ chức họp báo về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 6A tại Hà Nội. Thay vì trả lời toàn bộ những câu hỏi báo giới đặt ra về sự ảnh hưởng của 2 thủy điện này đối với môi trường và xã hội thì ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ĐLGL, lại quay sang “kết tội” báo chí và một bộ phận tỉnh Đồng Nai câu kết với nhau để làm “tội” doanh nghiệp.

 

Đồng thuận cao sao nhiều tỉnh phản đối?

 

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động cùng các cơ quan báo chí khác về việc tỉnh Đồng Nai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng phản đối việc xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Bùi Pháp một mực cho rằng 2 dự án được nghiên cứu toàn diện và bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến môi trường thiên nhiên, đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương. Ông Pháp, tự tin: “Đến lúc này, tỉnh Đồng Nai chưa có văn bản nào nói rõ là đề nghị dừng thực hiện 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”.

 

Khảo sát thực địa tại VQG Cát Tiên (Ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp)
 

Tuy nhiên, tại văn bản gửi Thủ tướng ngày 31-10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị: “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 6A khi triển khai có thể đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường hết được. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định không đầu tư 2 thủy điện này”. Song song đó, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Vũ Công Tiến cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ tỉnh Đồng Nai phản đối việc xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

 

Đặc biệt, tại Công văn số 45 (ngày 31-8-2011), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục đích và nội dung xác lập VQG Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thì dừng xây dựng dự án”. Vậy không hiểu lãnh đạo Tập đoàn ĐLGL dựa vào đâu cho rằng có sự đồng thuận cao của các địa phương và bộ, ngành?

 

Bỏ ngỏ nhiều câu hỏi

 

Báo giới cũng đã tập trung đặt vấn đề về việc 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 6A vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm Nghị quyết 49 của Quốc hội, quy định: “Tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải giải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thuộc công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng - đất vườn quốc gia và rừng phòng hộ từ 50 ha trở lên”. Ông Pháp trả lời: “Việc trình ra Quốc hội quyết định là việc của Chính phủ chứ không phải việc của chúng tôi!”.

 

Ngoài ra, VQG Cát Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản Văn hóa. Ngoài ra, nếu chuyển đổi mục đích để làm thủy điện là vi phạm điều 7 của Luật Đa dạng sinh học. Phóng viên Báo Người Lao Động còn đặt nhiều câu hỏi, như 17 thành viên của đoàn tư vấn đánh giá báo cáo ĐTM của 2 dự án thủy điện này không có chuyên gia nào có chuyên môn về khoa học xã hội và ĐTM chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa, xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vực bị ảnh hưởng?
 
 
Các đánh giá về di tích và khảo cổ học khu vực lòng hồ cũng không được xem xét trong ĐTM? Khu vực gần dự án là vùng đất của Vương quốc Phù Nam xưa; không gian quần thể văn hóa của người Mạ cổ xưa sống dọc sông Đồng Nai (trong đó có khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) đang trong quá trình làm hồ sơ đệ trình UNESCO để được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới có nguy cơ bị từ chối khi dự án thủy điện ở vùng này làm xáo trộn và biến mất các di thể ở đây? Tuy nhiên, các lãnh đạo của Tập đoàn ĐLGL đều né trả lời.
 
 
Gỗ rừng chỉ đáng giá 4,5 tỉ đồng!
 
Trước lo ngại tài nguyên rừng nhiệt đới ẩm vô cùng quý giá tại Cát Tiên sẽ bị “ngoạm” khi 2 thủy điện được xây dựng, ông Bùi Pháp cho rằng “giá trị gỗ khai thác từ diện tích làm thủy điện chỉ là 6,5 tỉ đồng và bán ra thị trường chỉ 4,5 tỉ đồng. Rừng tại vị trí làm thủy điện không có gỗ quý hiếm bạt ngàn, không có cây mấy người ôm không hết và không có tê giác!”.
 

Trong khi đó, sở dĩ UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai (trong đó có VQG Cát Tiên), cũng như Việt Nam đang đệ trình tổ chức này công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới cũng chính vì tính đặc trưng rừng nhiệt đới ngập nước nguyên thủy mọc trên nền núi lửa cổ hiếm hoi còn sót lại trên thế giới, với đặc tính rừng hỗn giao, tre nứa, rừng nghèo. Việc rừng nghèo nếu xét trên khía cạnh kinh tế, giá trị gỗ không cao nhưng các nhà khoa học xem đây là nguồn sống, sinh cảnh sống của nhiều động vật nằm trong Sách Đỏ đang sinh sống tại khu vực này.

 

Sẵn sàng đối thoại để bảo vệ quan điểm 

Cuối phiên thảo luận, TS Đào Trọng Tứ cho rằng các cơ quan chức năng cần cân nhắc được, mất khi làm thủy điện Đồng Nai 6, 6A; đồng thời khẳng định VRN đã có những nghiên cứu sâu về vấn đề này và sẵn sàng đối thoại với các cơ quan tham mưu cũng như Chính phủ để bảo vệ quan điểm của mình.

 

Nhóm lợi ích cản trở dự án? 

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo, ông Bùi Pháp đã cáo buộc: “Các cơ quan báo chí, nhất là Báo Người Lao Động và Báo Sài Gòn Tiếp Thị…, đã có nhiều bài viết không đúng về dự án. Thủy điện không nằm trên đất Đồng Nai nên tỉnh Đồng Nai phản đối là thông tin không đầy đủ. Tôi cho rằng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chưa nắm rõ thông tin; rồi một số bộ phận, một nhóm lợi ích cấu kết với một số tờ báo đưa thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, nhằm cản trở dự án”.

 

 

(Nguồn:NLĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Phá sơn lâm, đâm hà bá

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đại diện Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT đánh giá cao vai trò của VACNE trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước

Đại diện Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT đánh giá cao vai trò của VACNE trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước

(Tin Môi Trường) - Tại Hội nghị BCH Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) năm 2024 diễn ra ngày 26/11, tại Hà Nội, đại diện các Bộ: Nội vụ và Bộ TN-MT đều phát biểu, đánh giá cao vai trò cuả Hội trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước; đồng thời bày tỏ hy vọng VACNE thực hiên tốt Nghị định số 126/2024/NĐ-CP, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, có hiệu lực từ ngày hôm nay.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI