»

Thứ ba, 26/11/2024, 04:34:41 AM (GMT+7)

Tây Nguyên: Nghiên cứu trồng 250.000ha cây mắc ca trong 5 năm tới

(10:37:35 AM 08/02/2015)
(Tin Môi Trường) - Với những tiềm năng, vị thế của cây Mắc ca có thể phát triển rộng rãi tại Tây Nguyên và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao bằng cách trồng xen canh với các loại cây công nghiệp khác, sáng 7.2, tại TP.Đà Lạt, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội thảo nghiên cứu “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”.

[-]Nghiên[-]cứu[-]trồng[-]250.000ha[-]cây[-]mắc[-]ca[-]trong[-]5[-]năm[-]tới[-]tại[-]Tây[-]Nguyên

Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ chủ trì Hội thảo chiến lược phát triển cây Mắc ca tại Tây Nguyên.

 

Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên và GS-TS Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế TƯ chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các vị khách quốc tế, các nhà khoa học, bà con nông dân.


Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS Vương Đình Huệ, Trưởng ban kinh tế trung ương, cho biết cây mắc ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu. “Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển cây mắc ca để trở thành trung tâm mắc ca không chỉ của khu vực mà còn thế giới. Chúng ta có thể tin tưởng mắc ca Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cần phải tránh bẫy phát triển cây mắc ca giá rẻ” -Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh.


Nghiên[-]cứu[-]trồng[-]250.000ha[-]cây[-]mắc[-]ca[-]trong[-]5[-]năm[-]tới[-]tại[-]Tây[-]Nguyên

 Toàn cảnh hội nghị

 

Đề cập tới chiến lược phát triển cây mắc – ca, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam cho rằng, chỉ có công nghệ tiên tiến mới là chìa khóa cho chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Ông Minh đề xuất “Chính phủ cần có chính sách quy hoạch và sản xuất quy mô lớn cho ngành mắc ca, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách cổ phần hóa đặc thù với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó quy định nông dân có thể góp cổ phần bằng ruộng/đất và trong trường hợp doanh nghiệp cổ phần thua lỗ hoặc phá sản, người nông dân không bị mất ruộng/ đất”.


Về vốn tín dụng cho giống cây trồng này, hiện nay có 2 ngân hàng là Agribank và Ngân hàng chính sách Xã hội đang cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca.


Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch  LienVietPostBank khẳng định sẽ cho người nông dân vay tín chấp với vườn mắc ca thời hạn từ 7 – 10 năm với lãi suất dưới 10%. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cho vay thế chấp bằng vườn mắc ca.


Đại diện cho Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ mở rộng phạm vi quy mô phát triển cây mắc ca theo hướng rút kinh nghiệm từ các cây nông nghiệp khác. Từ nay đến thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để xây dựng gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với đặc thù của cây mắc ca.


Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải nghiên cứu tổng thể, sâu hơn nữa khi phát triển loại cây này. 


Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca cho rằng, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha. GS. Hoàng Hòe cho biết, khảo sát tại Tây Nguyên có 1 triệu ha phù hợp với cây mắc ca. Tuy nhiên theo giáo sư Hoàng Hòe, trước mắt chỉ nên trồng khoảng 1/5 diện tích với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Quá trình phát triển cần phải thận trọng, trong đó cần coi trọng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả; coi trọng khâu chế biến…


Ông Martin Novak - một chuyên gia trong ngành mắc ca đến từ Australia cũng khẳng định giá trị kinh tế cao của cây mắc ca. Trong khi đó, cây mắc ca phải trồng trên loại đất tốt nên rất nhiều nước không thể trồng được loại cây này. Ông đánh giá, Tây Nguyên có thuận lợi là mắc ca có thể trồng xen vào các loại cây công nghiệp khác. Hơn nữa, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Việt Nam rất thuận lợi nên có thể nâng cao được sản lượng. Ông tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.


Chuyên gia sinh học – Giáo sư Nguyễn Lân Hùng Tổng thư ký các ngành sinh học Việt Nam tỏ ra rất tin tưởng về giá trị kinh tế của cây mắc ca. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết, hạt mắc ca là loại quả khô ngon nhất thế giới. Nó ngon hơn cả hạt điều, hạt hạnh nhân và hạt hạch đào. Dầu và hạt mắc ca còn được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng và  được ưa chuộng. 


Đại diện một số nông dân trồng cây mắc ca phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Tuấn Hòa - một nông dân tại Tây Nguyên đã trồng mắc ca khẳng định, cây mắc ca dễ trồng, cho lợi nhuận cao và tốn ít công sức. Tuy nhiên điều các hộ nông dân băn khoăn lo lắng là đầu ra của cây mắc ca sẽ như thế nào, mong muốn có nhà máy chế biến và các khâu tiêu thụ khép kín.


Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định lợi thế, tiềm năng kinh tế to lớn của cây mắc ca tại Tây Nguyên và vùng Tây Bắc. Đại tướng nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu đưa cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, thường trực ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ NNPTNT và các cơ quan chức năng sớm đề xuất bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành chủ trương, chính sách khuyến khích việc trồng, tiêu thụ sản phẩm loại cây này. 


Đề nghị Bộ NNPTNT thúc đẩy nhanh việc xây dựng chương trình quốc gia về phát triển cây mắc ca trên cơ sở phối hợp với các địa phương có tiềm năng như Tây Nguyên; chú trọng việc trồng và sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tận thu các sản phẩm từ mắc ca. Tiến tới đưa mắc ca thành sản phẩm quốc gia, đưa Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ mắc ca thế giới mà kỳ vọng Việt Nam sớm trở thành một trong những cường quốc mắc ca thế giới.


Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” đã có gần 20 ý kiến phát biểu tham luận, 40 bài tham luận và sự tham dự đông đủ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các vị khách quốc tế, các nhà khoa học, bà con nông dân.


 

Thanh Liêm/LĐ
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tây Nguyên: Nghiên cứu trồng 250.000ha cây mắc ca trong 5 năm tới

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI