»

Chủ nhật, 24/11/2024, 05:06:00 AM (GMT+7)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát đê biển vùng đất cực nam

(20:49:39 PM 04/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Tiếp tục lộ trình dọc tuyến đê chắn sóng ven biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong 2 ngày 3-4/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác gồm lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm tra các điểm đê xung yếu; thăm các cơ sở kinh tế - xã hội gắn với kinh tế biển trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Cần Thơ.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát tuyến đê, kè biển xung yếu ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

 

Di chuyển trên phương tiện canô, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác qua cửa biển Khánh Hội, đến hiện trường đoạn đê biển thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tại hiện trường, Chủ tịch nước cùng các chuyên gia đã quan sát chế độ nhật triều ở bờ biển phía Tây Cà Mau; kiểm chứng những biến đổi bất thường của biến đổi khí hậu. Với vị trí 3 mặt giáp biển, có chiều dài bờ biển 254 km, địa hình thấp hơn so với mặt nước biển, tỉnh Cà Mau là địa phương chịu nhiều tác động của thiên tai. Những năm gần đây, đỉnh triều cường năm sau đều cao hơn năm trước kèm theo mức độ gia tăng về thiệt hại. Đặc biệt tại ven biển Tây Cà Mau, nơi đoàn công tác khảo sát, trước đây chỉ có hiện tượng bồi tụ, nay đã diễn ra tình trạng sạt lở, cho thấy diễn biến khó lường; cảnh báo nguy cơ hiển hiện. Nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay, trong thời gian tới Cà Mau sẽ mất khoảng 90.000ha đất sản xuất. Hiện tỉnh Cà Mau đã tập trung xử lý khắc phục sạt lở bằng nhiều giải pháp, lồng ghép nhiều nguồn vốn, nhưng hiệu quả chưa cao.

Nghe lãnh đạo địa phương và các chuyên gia trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu phân tích tác động và báo cáo phương hướng khắc phục, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tình hình biến đổi khí hậu hiện đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách. Việc đầu tư thi công các công trình; ứng dụng các giải pháp là cấp thiết nhưng phải tính toán hiệu quả để không lãng phí; đặc biệt là phải giảm được suất đầu tư trên mỗi công trình. Chủ tịch nước cho rằng, tính chất biến đổi khí hậu ở mỗi vùng miền ở Tây Nam bộ diễn ra đa dạng, do vậy cùng với theo dõi đánh giá sát sao mọi diễn biễn biến, mỗi địa phương cần linh hoạt thí điểm nhiều giải pháp; qua đó tìm ra phương án ưu việt nhất. Chủ tịch nhấn mạnh, thi công các công trình đê biển, kinh phí tốn kém gấp nhiều. Nếu không cẩn trọng khảo sát và tính toán kỹ, có thể dẫn đến những hậu quả thiệt hại khôn lường khi áp dụng một cách cứng nhắc. Với những nơi xung yếu đe dọa đời sống dân sinh, các địa phương cần cấp bách giải quyết sớm, nhưng phải tìm được công thức an toàn để thi công. 

Trước đó, để tìm hiểu các mô hình kinh tế biển gắn với chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tham quan dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, Thành phố Bạc Liêu với nguồn vốn trên 5.200 tỷ đồng. Sau 9 tháng vận hành, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã phát lên lưới quốc gia hơn 20 triệu kWh, đạt doanh thu 35 tỷ. Công trình có ưu điểm tận dụng sức gió, không chiếm diện tích đất nông nghiệp, giảm chi phí bồi thường, giải tỏa; đồng thời tạo được bãi bồi ven biển, góp phần hình thành các cơ sở kinh tế, khu du lịch sinh thái trong tương lai. 


Nghe lãnh đạo nhà máy giới thiệu về quy mô dự án, công suất phát điện, thời gian triển khai dự án, vốn đầu tư công trình, Chủ tịch nước đánh giá cao việc chủ đầu tư đã chọn công nghệ tiên tiến để thi công; góp phần khai thác hiệu quả kinh tế biển. Chủ tịch nước đề nghị chủ đầu tư cần tìm thêm các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi hơn để triển khai giai đoạn 2 của dự án, bởi đây là nguồn năng lượng sạch được Trung ương đang khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện. Chủ tịch căn dặn trong tương lai, khi dự án điện hoàn vốn, chủ đầu tư cần tính đến việc giảm giá bán điện để hỗ trợ bà con nông dân, đặc biệt ở những vùng nông thôn đang "khát" điện cho nuôi trồng thủy sản, thắp sáng sinh hoạt. 

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Với vốn đầu tư ban đầu là 10 tỷ đồng trên 1 hecta, năng suất tôm đạt 50 tấn/ha, dự án đã bước đầu thành công trong việc tạo ra giá trị thương phẩm lớn trên 1 diện tích nuôi trồng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, là mô hình sản xuất mới, công ty cần lưu ý đến việc để tạo nguồn tôm giống, chủ động hơn trong sản xuất; đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nghiên cứu đánh giá về hiệu quả kinh tế của mô hình để phát huy nhân rộng.

Trong chuyến công tác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm người dân xóm chài Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Chủ tịch nước đã ân cần hỏi thăm cuộc sống của bà con; đề nghị chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho bà con trong phát triển kinh tế, tập trung vào nghề chính là nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Ghi nhận kiến nghị của bà con về cho vay vốn đóng tàu và hỗ trợ xăng dầu cho đánh bắt cá xa bờ, Chủ tịch nước lưu ý các bộ ngành tháo gỡ trong thời gian tới. 

Kiểm tra tình hình quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Chủ tịch ghi nhận: năm 2013, mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, đời sống kinh tế xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%; sản lượng lúa đạt 24,8 triệu tấn; tăng 500.000 tấn so với cùng kỳ. Chủ tịch nước nhấn mạnh, vùng Tây Nam bộ có ý nghĩa đặc biệt, là niềm tự hào của cả nước về sản xuất lương thực, thủy hải sản. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo trên địa bàn; cùng các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; chăm lo đời sống an sinh, đẩy nhanh phát triển kinh tế. Những năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, diễn biến phức tạp đã làm biến đổi môi trường sinh thái; đe dọa cuộc sống người dân và kinh tế xã hội cả khu vực. Đây là điều các cấp lãnh đạo cần hết sức đáng lưu ý trong định hướng chiến lược của địa phương. Cùng với chăm lo cuộc sống người dân, Chủ tịch đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo các tỉnh thành chú trọng khai thác và phát huy thế mạnh; đẩy mạnh hàng nông phẩm xuất khẩu; nâng cấp hạ tầng xã hội; để Tây Nam bộ phát triển tương xứng với tiềm năng. Đi đôi với cơ cấu mùa vụ, ngành nghề, Chủ tịch nước đề nghị cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và đóng vai trò của quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

Nghe lãnh đạo Quân khu 9 báo cáo về tình hình hoạt động quân sự quốc phòng trên địa bàn, Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, củng cố thế trận lòng dân, không để bị động trong mọi tình huống. Chủ tịch nước mong muốn lãnh đạo Quân khu cùng các địa phương chủ động rà soát, chăm lo thân nhân gia đình các đối tượng chính sách đã có nhiều cống hiến trong các cuộc kháng chiến.

Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhà Mát tại Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và Đồn Biên phòng Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Đây là hai đơn vị biên phòng không chỉ có nhiều đóng góp cho việc đảm bảo an ninh quốc phòng, mà đã làm tốt công tác chăm lo đời sống ngư dân ven biển, chủ động ứng phó với với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Kiểm tra tình hình hoạt động tại hai đơn vị, Chủ tịch đánh giá cao lực lượng biên phòng tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, nhiều năm qua đã phát huy truyền thống trung dũng, thực hiện phương châm lấy đồn là nhà, biên giới là quê hương; gắn bó với đồng bào dân tộc như anh em ruột thịt. Chủ tịch đề nghị cán bộ, chiến sĩ biên phòng tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền; giữ vững an ninh vùng biển của Tổ quốc và tích cực hỗ trợ bà con ngư dân an tâm đánh bắt trên biển.

Chủ tịch đã tặng quà các gia đình chính sách, người có công ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Cà Mau.

. Hoàng Giang - Kim Há (TTXVN)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát đê biển vùng đất cực nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp

Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp

(Tin Môi Trường) - Ngày 21/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi Trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) tổ chức Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam”.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI