(Tin Môi Trường) - Phật giáo đã được truyền vào Đồng Nai từ những thế kỷ đầu Công nguyên và đã từng là một trong những cái nôi của Phật giáo Đàng Trong thời các chúa, các vua nhà Nguyễn, có ảnh hưởng không những đối với Phật giáo ở Nam bộ mà còn ảnh hưởng cả đến Phật giáo ở miền Trung.
Cổng chùa sắc tứ Hộ Quốc Quan (TP.Biên Hòa)
Trong quá trình xây dựng chính quyền ở Đàng Trong nói chung và ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng, nằm trong chủ trương phát triển Phật giáo, các chúa Nguyễn đặc biệt chú ý đến việc ban và gắn biển ngạch cho các ngôi chùa sắc tứ.
* Chùa sắc tứ Hộ Quốc Quan
Biển ngạch là phương tiện để chính quyền chúa Nguyễn xiển dương Phật giáo với chức năng đề cao vị thế cho các ngôi chùa sắc tứ nhằm phân biệt chùa sắc tứ với các ngôi chùa tổ, chùa làng... Biển ngạch còn có vai trò, ý nghĩa như là sự khẳng định quyền lực nhà nước và tính chính danh
của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có hai ngôi chùa được sắc tứ là chùa Vạn An ở thôn Phước An (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và chùa Hộ Quốc ở thôn Đắc Phước, H.Phước Chánh (nay là P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa).
Sách Gia Định thành thông chí
của Trịnh Hoài Đức viết: “Chùa Sắc Tứ ở bờ Nam Phước Giang, cách trấn về phía Đông 8 dặm, do Chánh thống suất Nguyễn Vân kiến lập. Năm Giáp Dần đời Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế thứ 10 (Ninh vương Nguyễn Phúc Chu) (1734) (Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 3, Đại Thanh Ung Chính thứ 12), ngự ban biển ngạch chữ vàng, đề chữ: Sắc tứ Hộ Quốc tự, bên trái khắc: Long Đức tam niên. Tuế thứ Giáp Dần trọng thu. Bên phải khắc: Vân Tuyền Đạo nhân viết. Nét chữ mạnh mẽ; cảnh chùa trang nghiêm, cửa thiền thanh tịnh, thật là nơi lạc thổ
của Nam tông (do Lục tổ Huệ Năng sáng lập). Sau bị Tây Sơn phá hủy tượng Phật, cột mái đều hư hỏng, nay làm nhỏ lại và lợp tranh, vẫn còn di tích”.
Về việc mở mang bờ cõi, bình định Chân Lạp cùng việc vỗ yên dân chúng, Quốc sử quán triều Nguyễn đánh giá Nguyễn Cửu Vân như sau: “Về việc mở mang bờ cõi Nam, công (Nguyễn Cửu) Vân rất nhiều, ông tuyên thị đức ý triều đình, người Chân Lạp mến phục”. Công lao
của Nguyễn Cửu Vân trong việc khai khẩn vùng đất
phương Nam là rất lớn, được chúa Nguyễn phong tước chính Thống Vân trường hầu.
Sách Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử Đồng Nai viết: Chùa Sắc Tứ Hộ Quốc thuộc số A1/114, KP.1, P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chùa được xây dựng năm 1712, trùng tu năm: 1955, 1996, 2005. Chùa có kiến trúc dạng chữ tam gồm: Chánh điện, nhà giảng và hậu tổ. Mặt tiền chùa kiểu lầu chuông và lầu trống, trên nóc mái bài trí bộ 3 tượng Phật: Thích Ca vấn y, Dược Sư và Di Lặc. Tiền điện thờ Tiêu Diện, Hộ Pháp. Chánh điện thờ bộ tượng Phật Di Đà Tam tôn, Thích Ca, Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng, bộ Phật Dược Sư (7 tượng), Di Lặc, Phật Đản sinh. Hậu điện thờ Tổ Sư Đạt Ma, Phán Quan, Ngọc Hoàng, Phật Chuẩn Đề, Thập Điện Minh vương, Linh Sơn Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân… Chùa thuộc hệ phái Bắc tông cổ truyền, hàng năm lễ vía chính vào ngày Phật Đản 15 tháng 4 âm lịch, cúng Tổ ngày 30 tháng 8 âm lịch.
Hán tự trên bảng hiệu ở cổng Chùa Sắc Tứ (bản dịch): “Sắc ban Chùa Hộ Quốc Quan/ Tất cả do Quốc chủ (nhà Vua) viết/ Ngày lành tháng 8 năm Ất Mão (1735) năm thứ tư niên hiệu Long Đức”.
Hán tự trên bảng hậu tổ Chùa Sắc Tứ (bản dịch): “Sắc ban Chùa Hộ Quốc Quan/ Ngày lành mùa Thu năm Ất Mão (1735) năm thứ tư niên hiệu Long Đức/ Tất cả do Quốc chủ (nhà Vua) viết”.
Đối chiếu các nguồn tư liệu hiện biết, có thể nhận định chùa sắc tứ Hộ Quốc Quan do Chánh thống suất Nguyễn Cửu Vân kiến lập; năm thành lập có thể là 1712 (sau khi ông được thăng Trấn Biên doanh phó tướng - 1711) và Sắc ban chùa Hộ Quốc Quan là vào mùa thu năm Ất Mão (1735). Với những giá trị lịch sử, văn hóa nêu trên, chùa sắc tứ Hộ Quốc Quan - một trong hai ngôi chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban và gắn biển ngạch sắc tứ xứng đáng được ghi danh vào danh sách di tích lịch sử, văn hóa
của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Vai trò của Nguyễn Cửu Vân đối với vùng đất phương Nam
Nguyễn Cửu Vân (cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII), quê Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Hà Long, H.Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Ông là phó tướng, trấn thủ dưới thời chúa Nguyễn. Vốn xuất thân trong dòng dõi con nhà tướng, từ nhỏ ông đã hăng say luyện tập võ nghệ, hàng ngày đam mê đọc sách, trí dũng song toàn.
Năm 1698, tướng nhà Trịnh là Trịnh Huyên làm trấn thủ Nghệ An, kiêm trấn châu Bắc Bố Chính (tỉnh Quảng Bình ngày nay) có ý định đánh chiếm châu Nam Bố Chính. Để bảo vệ cho lãnh thổ, chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh cho cai cơ Nguyễn Cửu Vân và Nguyễn Hữu Khánh chỉ huy quân lính, đem binh thuyền phòng thủ ở cửa biển để ngăn chặn sự tiến công
của quân đội Trịnh, khiến Trịnh Huyên từ bỏ ý định xâm chiếm vùng đất Thuận Hóa.
Nhiều nhà sư nối tiếng ở Đàng Trong đã từng tu hành, hoằng hóa ở Đồng Nai và có nhiều đệ tử nổi danh khác đi hoằng hóa ở các nơi. Đồng Nai có nhiều ngôi chùa cổ kính, trong đó có 3 ngôi chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là: Long Thiền, Đại Giác và Bửu Phong.
Tháng 7-1705, Nặc Ông Yêm sang cầu cứu nhà Nguyễn đang đóng ở dinh Phiên Trấn (Gia Định) để chống lại vua Chân Lạp là Nặc Ông Thâm và quân Xiêm La. Trước sự cầu viện
của nước Chân Lạp, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Cửu Vân chỉ huy quân vào Nam để đánh quân Nặc Ông Thâm. Ở Sầm Khê (Chân Lạp) được sự giúp đỡ
của quân đội nhà Nguyễn, Nguyễn Cửu Vân đánh được quân Xiêm La và giúp Nặc Ông Yêm trở về thành La Bích (La Vách) làm vua.
Nguyễn Cửu Vân được chúa Nguyễn Phúc Chu giao làm Thống lĩnh quân thủy bộ Gia Định tiến đánh nước Chân Lạp là Nặc Ông Thâm để ngăn chặn âm mưu xâm chiếm nước Chân Lạp
của vua Xiêm. Sau khi đánh tan quân phiến loạn ở Xiêm tại Sầm Khê, ông xin chúa Nguyễn cho đóng quân tại Rạch Gầm với mục đích đề phòng quân Xiêm quay lại đánh phá.
Để phòng giữ miền biên cảnh và vùng đất Mỹ Tho, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một chiến lũy dài từ quán Thị Cai đến Bến Tranh (chợ Lương Phú). Bên ngoài lũy, ông còn cho đào một con mương hào sâu rộng nối liền rạch Vũng Gù (Tân An) và rạch Mỹ Tho, mà sau này (năm 1819 đời Gia Long) người ta đào sâu thêm thành đường kênh, đó chính là kênh Bảo Định (nay gọi là sông Bảo Định), một con kênh đào đầu tiên ở Nam bộ.
Chùa sắc tứ Hộ Quốc Quan (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa)
Cùng với việc xây dựng hệ thống phòng thủ, Nguyễn Cửu Vân cho tiến hành khẩn hoang đất đai để mở rộng đồng ruộng, đẩy mạnh việc sản xuất lương thực, thực phẩm nhằm đề phòng khi chiến tranh xảy ra có thể đảm bảo lương thực cho quân đội nhà Nguyễn.
Năm 1711, Nguyễn Cửu Vân được thăng Trấn Biên doanh phó tướng. Ông cùng với Trần Thượng Xuyên (là võ tướng nhà Minh cùng với Dương Ngạn Địch - tổng binh nhà Minh sang thần phục chúa Nguyễn và cho vào khai phá vùng đất Biên Hòa và Mỹ Tho), chăm lo việc an dân nơi vùng đất mới, trong đó có công kiến lập chùa sắc tứ Hộ Quốc Quan.
TS Nguyễn Hồng Ân