»

Chủ nhật, 26/01/2025, 07:09:01 AM (GMT+7)

Bất thường các dự án nạo vét: Làng mạc sẽ biến mất

(07:44:29 AM 26/05/2015)
(Tin Môi Trường) - Không chỉ gây xói lở bờ sông, việc xã hội hóa nạo vét luồng tuyến chỉ là cái cớ để không đóng thuế tài nguyên và không ký quỹ môi trường

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chấp thuận 50 dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Trong đó, 46 dự án đã được phê duyệt, triển khai.


Chống xói lở kiểu đối phó


Quảng Bình là một trong những địa phương có nhiều dự án nạo vét được cấp phép. Trong số 6 dự án xã hội hóa nạo hút cát ở các cửa sông -  lòng sông do Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa cấp phép, có 3 dự án đã đi vào hoạt động, còn lại đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khai thác.


Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa trên sông Son, từ xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) tới xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), do Cục Đường thủy nội địa cấp phép cho Công ty TNHH MTV Tràng An nạo vét thông luồng các đoạn cạn có tổng chiều dài lên tới 36 km với mục đích phục vụ khách vận tải du lịch bằng đường thủy tham quan Phong Nha - Kẻ Bàng.

 

[-]Bất[-]thường[-]các[-]dự[-]án[-]nạo[-]vét:[-]Làng[-]mạc[-]sẽ[-]biến[-]mất

Nạo vét cát gây xói lở bờ kè nghiêm trọng tại thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

 

Theo ông Hoàng Công Sự - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn - địa phương này có gần 1/3 dân số sống trên cồn nổi hằng ngày phải chống chọi với nạn sạt lở bờ sông hết sức nghiêm trọng. “Trước đây, tỉnh cũng đã đầu tư cho xã một đoạn kè chống xói lở nhưng do kinh phí eo hẹp nên việc xây dựng bờ kè cũng mang tính đối phó là chính. Trong khi chưa hết lo việc xói lở thì bỗng dưng xuất hiện một doanh nghiệp hút cát cả ngày lẫn đêm khiến người dân rất bất an vì sẽ sinh ra sạt lở trầm trọng, các làng mạc biến mất lúc nào không hay” - ông Sự lo lắng.


Ngoài ra, người dân phản ánh thời gian gần đây, dưới chân cầu Gianh xuất hiện một khu chuyển tải cát do doanh nghiệp này khai thác rồi đem về bán cho Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Được biết, số lượng cát trên đều nhiễm mặn. Theo ông Nguyễn Ngọc Giai, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Quảng Bình, việc khai thác cát trên sông Son có thể nói là nguy hiểm nhất trong các dự án nạo vét cát ở tỉnh này. “Nếu để doanh nghiệp hút cát 1 năm trên sông Son thì hàng chục hecta đất quanh bờ sông sẽ bị cuốn trôi ra biển gây xói lở nặng, còn những người dân sinh sống trên các bãi cồn này sẽ phải di dời khi mùa bão lũ tới” - ông Giai nói.


Bộ GTVT tự mâu thuẫn


Năm 2013, Bộ GTVT ra Thông tư 37 quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cạn, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm; danh mục các vị trí bãi cạn thực hiện việc nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên đường thủy nội địa quốc gia năm 2014. Tuy nhiên, quá trình cấp phép và triển khai dự án lại có nhiều bất thường.


Trước năm 2010, cảng Nhật Lệ (Quảng Bình) nằm trong quy hoạch hệ thống cảng Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam từng lập đề án Đánh giá sơ bộ điều kiện tự nhiên, khả năng bồi lấp cửa sông, luồng tàu vào cảng Gianh, Nhật Lệ. Giải pháp giảm thiểu được đề xuất là nạo vét bằng nguồn lực xã hội hóa nhưng khối lượng chỉ 280.000 m3. Năm 2010, Bộ GTVT ra quyết định đóng cảng hàng hóa, cửa Nhật Lệ chỉ còn thuyền nhỏ của ngư dân ra vào. Bốn năm sau, Cục Đường thủy nội địa bất ngờ cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Kim Việt thực hiện dự án nạo vét luồng thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn cửa ra biển trên sông Nhật Lệ. Khối lượng nạo vét lên đến 2,2 triệu m3 cát nhiễm mặn để xuất khẩu sang Singapore. Dự án này làm người dân TP Đồng Hới cũng như nhiều cơ quan chức năng lo lắng về nguy cơ sạt lở 2 bên bờ, đặc biệt là bán đảo Bảo Ninh.


Tương tự, sự ra đời của dự án nạo vét, duy tu luồng tuyến sông Đồng Nai cũng khá kỳ lạ. Ngày 24-8-2011, trong văn bản chấp thuận dự án, Bộ GTVT khẳng định sông Đồng Nai từ cầu Đồng Nai đến rạch Ông Nhiêu cần nạo vét đến độ sâu 10 m để đáp ứng cho tàu biển có tải trọng 10.000 tấn. Tất nhiên, các hồ sơ kỹ thuật lẫn pháp lý liên quan đến dự án đều nghiên cứu để phục vụ cho tàu 10.000 tấn. Thế nhưng trước đó, chính Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, nêu rõ khu cảng trên sông Đồng Nai chỉ phục vụ cho tàu 5.000 tấn, bắt buộc giữ nguyên hiện trạng luồng sông Đồng Nai từ mũi Đèn Đỏ đến cảng Đồng Nai. Phát hiện sự “tróe ngoe” này, UBND TP HCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ GTVT. Sau đó, Bộ GTVT đã hạ mục tiêu nạo vét của dự án từ phục vụ tàu 10.000 tấn còn 5.000 tấn! Dẫu vậy, kỹ thuật và các số liệu liên quan đến dự án vẫn không được nghiên cứu và đánh giá lại. UBND TP HCM cũng phản đối dự án nạo vét của Công ty Hiệp Phước vì là hình thức lợi dụng để khai thác cát. Dự án triển khai không tốn chi phí mà lợi nhuận mang lại rất lớn từ tiền bán cát. Vì thế, danh nghĩa xã hội hóa chỉ là cái cớ để không đóng thuế tài nguyên, không ký quỹ môi trường.


Trong khi đó, mới đây, Bộ Xây dựng đã liên tiếp cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ 3 dự án nạo vét trên sông Nhật Lệ (Quảng Bình) của Công ty Hoàng Kim Việt, cửa Đề Gi (Bình Định) của Công ty CP Khoáng sản Kiến Hoàng và sông Trường Giang (Quảng Nam) của Công ty TNHH Đại Dương Xanh. Tổng lượng cát nạo vét và xuất khẩu đến cuối năm 2015 của 3 dự án này là 3 triệu m3.

Thêm doanh nghiệp xin nạo vét sông Đồng Nai


Tiếp bước Công ty Hiệp Phước, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hoàng Minh cũng vừa xin phép UBND TP HCM được nạo vét, duy tu luồng sông Đồng Nai, từ phà Cát Lái đến rạch Ông Nhiêu, theo hình thức tận thu bù chi, không sử dụng ngân sách. Mục tiêu là nạo sâu 15 m, phục vụ tàu tải trọng 80.000 tấn. Tuy nhiên, Sở GTVT TP cho biết luồng tuyến này chỉ đáp ứng cho tàu tải trọng 30.000 tấn theo quy hoạch của Bộ GTVT. Vả lại, việc nạo vét có khả năng thay đổi cơ lý của nền đất, chuyển vị, nứt vỡ… các công trình hiện hữu. Trên cơ sở tham mưu của Sở GTVT, UBND TP không chấp nhận dự án của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hoàng Minh.

Nhiên Di - Hoàng Phúc/NLĐ
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bất thường các dự án nạo vét: Làng mạc sẽ biến mất

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI