Tin tức » Tin thế giới
Kinh hoàng hành trình thu gom xác người đã phân hủy ở Tacloban
(10:34:58 AM 19/11/2013)Một ngày để nôn và đếm xác
Tám ngày sau khi bão Haiyan qua đi, Tacloban mới lập được đội tìm kiếm, quy tập thi thể nạn nhân bão Haiyan đầu tiên. Hai ngày đầu, có lẽ rút kinh nghiệm từ sự cố sảy miệng của viên cựu cảnh sát trường khi công bố con số nạn nhân thiệt mạng lên tới 10.000 người nên số xác người thu gom được được giấu kín, nhưng theo chứng kiến của phóng viên Đời sống và Pháp luật Online, không dưới 100 nạn nhân đã được riêng đội SF 01 thu gom trong ngày thứ hai. Ở Tacloban có gần chục đội như thế.
Đội tìm kiếm đang quy tập thi thể nạn nhân bão Haiyan.
Ngay trong ngày đầu tiên, rất nhiều phóng viên đã theo chân đội thu gom. Nhưng phần lớn thời gian chỉ để cho việc nôn ọe: Không một loại khẩu trang nào đủ sức ngăn chặn thứ mùi khủng khiếp từ xác đồng loại đang phân hủy bốc lên. Thời gian còn lại dành cho việc ngồi thở dốc và cố gắng trấn tĩnh….
Sáng sớm 18/11, phóng viên Đời sống và Pháp luật có mặt tại City Hall – tòa nhà của chính quyền thành phố để tìm cách bám theo một đội tìm kiếm thu gom xác bất kỳ. Cả toà nhà bị “xông” trong thứ mùi khủng khiếp, mùi của địa ngục, bởi ngay ở phía đối diện phía bên bờ biển, vốn là một địa điểm sinh hoạt văn hóa giờ biến thành nơi tập kết xác các nạn nhân xấu số của Haiyan.
Xác người tìm kiếm được từ khắp nơi trong thành phố đều tập kết tại đây. Sau đó, những xác được nhận diện, có người thân nhận thì được đưa đi mai táng riêng; số còn lại được coi là vô thừa nhận, sẽ được đưa đến các hố chôn tập thể ở ngoại thành, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km.
7h30 sáng, nhanh chóng trèo lên chiếc xe tải hạng nặng Hino, chen vai thích cánh với các thành viên SF 01, sau một hồi tranh cãi, thiếu úy Roel A Clima buộc phải cho tay phóng viên ngoại quốc cứng đầu đi theo. Theo kế hoạch, hành trình thu gom hôm nay của SF 01 là xóm chài nghèo đối diện sân bay Tacloban, Paranggi 61, cách City Hall khoảng 4 km.
Trong ngày tìm kiếm thu gom, bầu trời Tacloban sau bão thật đẹp. Nắng từ sáng sớm. Nhưng điều đó lại là một cực hình với những người như các thành viên đội SF 0, nhiệt độ cao nhưng ngày nào cũng có một cơn mưa nhỏ khiến xác người và động vật càng phân hủy nhanh hơn…
Tang tóc xóm chài nghèo
“Khẩu trang y tế của anh đâu”?”, thiếu úy Roel A Clima hỏi tôi khi đến đầu xóm. Khi thấy tôi lôi ra chiếc khẩu trang y tế mỏng manh, anh khẽ lắc đầu ái ngại: Đeo hai cái vào! Cùng lúc, Roel lôi ra chiếc mặt nạ đặc chủng, tròng vào đầu mình.
Nằm ngay trên con đường chính từ sân bay về trung tâm thành phố nhưng xóm chài Paranggi 61 nghèo xơ xác, không có nổi một căn nhà kiên cố. Ấy là tôi đoán thế vì trong đống đổ nát còn lại, chỉ toàn gỗ tạp và mái tôn. Thật ngạc nhiên, ngay đầu xóm là tòa nhà trung tâm thương mại bề thế, một cấu trúc năm tầng duy nhất còn sót lại sau bão. Cạnh tòa nhà này cũng là nơi cộng đồng người Việt bé nhỏ đã từng sinh sống ở Tacloban trước siêu bão.
Những người dân rách rưới hai ven đường, người thì lúi cúi nhặt nhạnh đào bới trong đống đổ nát, người thì ngồi chờ ven đường, đờ đẫn ngó theo đoàn xe. Một vài người dân vẫy vẫy, chiếc xe dừng lại trên bãi cỏ bên nách trung tâm thương mại. Theo hướng cánh tay của người dân này, không khó khăn gì để nhận ra bốn chiếc xác đã được xếp ngay ngắn.
10 ngày đã trôi qua. Quần áo phần mục nát vì nước biển, phần đã quá nhỏ bé so với thân hình của những con người bất hạnh đã bị ngâm nước và phơi nắng quá lâu…
Rất chuyên nghiệp, cả đội SF 01 bắt tay vào việc: Người khéo léo lật xác, người đặt biển số, rút máy ảnh ra chụp. Sau đó, bốn người còn lại nhanh chóng túm bốn góc. Chỉ trong chưa đầy 10 phút, cả bốn cái xác được đưa lên thùng xe, nơi chúng tôi vừa đứng, nơi hôm qua và hôm kia nó đã làm đúng phận sự của mình.
Chiếc xe chầm chậm luồn lách tiến vào giữa xóm. “Stop here”, thiếu úy Roel A Clima lại ra lệnh khi nhìn thấy người dân đứng chờ sẵn ven đường. Gần mười cái xác tiếp tục được đưa lên thùng xe…
Các thi thể bốc mùi được đưa lên xe.
Chỉ trong một tiếng buổi sáng, trên con đường 300 mét của xóm chài đối diện sân bay Tacloban, SF 01 đã thu nhặt gần 40 xác người. “Xóm tôi có 300 nóc nhà với 1.000 nhân khẩu, chỉ trong một đêm, 60 người đã chết, nhiều người mất tích. Cả xóm không còn một ngôi nhà nào”, ông trưởng xóm Jaime L.Monito cho biết.
Người sống cũng sẽ chết, nếu…
Sau bão, những người sống sót bỏ chạy hết, một số có người thân quen bên Cebu thì đã ra sân bay Tacloban chờ cơ hội đi nhờ được máy bay quân sự hoặc vượt đường về Ormoc để tìm cách qua phà biển sang bên đó. Sau ít ngày, những người còn lại tìm về chốn cũ, một số xin được lều cứu trợ thì dựng ngay trên bãi cỏ, số khác nhặt nhạnh gỗ, tôn dựng lều sống tạm.
“Tôi đói!”, góa phụ Elmie P.Ticoy thều thào khi nhầm tưởng những vị khách thăm là các nhà cứu trợ người Nhật Bản. Chồng chị nằm trong số những cái xác được SF 01 tìm kiếm. Giờ ba mẹ con chỉ còn bộ quần áo trên người và số đồ ăn ít ỏi những người hàng xóm san sẻ. Nhưng ngày tới, nếu hàng cứu trợ không tới, không chỉ chị mà cả xóm này cũng sẽ chết vì đói.
Còn ông trưởng xóm Jaime L.Monito thì phàn nàn: Chính phủ chúng tôi cứu trợ quá chậm, cứu hộ cũng chậm.
Cái đói khiến người ta không đủ sức hoạt động. Điều bây giờ nguy hiểm nhất có lẽ chưa phải là lương thực mà chính là nguy cơ dịch bệnh. Sau siêu bão, nguy cơ bùng phát dịch tả, kiết lị là hiển hiện. Địa điểm đầu tiên SF 01 thu hồi bốn cái xác, cả bốn chỉ cách những chiếc lều cứu hộ người dân được phát chưa đầy hai chục mét. “Tôi sợ lắm, giờ chỉ còn cách là cố gắng kiếm nước sạch về dùng. Đó là cách phòng bệnh duy nhất”, chị Elmie P.Ticoy lo lắng.
Gần chục xác tiếp theo, nằm rải rác ngay ven đường, giữa những chiếc lều gỗ ép người dân vừa dựng tạm. Nước ăn và bọn trẻ tắm rửa ngay cách đó không xa…
16h. Cả thùng xe tải đầy ắp. Trở về địa điểm tập kết đối diện City Hall. Các đội khác cũng lục tục kéo về. Cả khoảng sân bê tông rộng mênh mông giờ đầy ắp những chiếc túi đựng xác. Cả đen lẫn trắng. Chúng sẽ còn lưu lại ở đây, ngoài trời, dưới mưa nắng một vài ngày. Nếu không có người thân đến nhận, tất cả lại được bốc lên xe, đưa tới hố chôn tập thể.
Một ngày mệt nhoài kết thúc. Mùi của tử thần ám cả vào đầu tóc, quần áo, không cách gì gột rửa. Nước sạch ở Tacloban giờ cũng chỉ đủ dùng dè sẻn. Không thức ăn, cả nhóm ngồi trệu trại nhai lương khô, không ai dám động tới món thịt hộp. Gió từ vịnh Leyte vẫn mơn man thổi, cùng với gió là thứ mùi đặc trưng của Tacloban từ biển vào cũng len lỏi khắp nơi.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
- Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đầu tiên hỗ trợ phát thải bằng 0 trong AZEC
- Động đất tại Trung Quốc: Số nạn nhân tăng lên hơn 100 người
- Indonesia đề xuất nhiều biện pháp tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC)
- Voi chết hàng loạt ở Botswana do thiếu thức ăn
- Địa điểm lý tưởng nhất thế giới để chiêm ngưỡng nhật thực năm 2024
- Rực rỡ bức tranh "mèo ôm cá" trên cánh đồng lúa ở Thái Lan
- Tuyết dày gần 40 cm bao phủ 90% lãnh thổ Mông Cổ
- “Loạn giá” khí thải carbon của các doanh nghiệp
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/01/2025, UBND thành phố Bến Tre long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận cây Thiên tuế tại đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.
Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
(Tin Môi Trường) - Bộ Nông nghiệp và Môi trường là tên gọi thống nhất sau hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.