Theo ông Kiểm, gỗ đổi màu chưa có tên gọi cụ thể. Nạn khai thác trái phép loại gỗ này rộ lên trên địa bàn Krông Năng từ giữa tháng 10.
Nhiều người dân đổ xô vào khu vực rừng phòng hộ H.Krông Năng và cả Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thuộc địa bàn H.Ea Kar bên cạnh để săn tìm gỗ.
Hiện lực lượng kiểm lâm đang triển khai kế hoạch phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển gỗ đổi màu ngay từ rừng và kiểm tra, thu giữ gỗ đổi màu không có giấy tờ hợp lệ tại các xưởng mộc, xưởng gỗ.
Một số xưởng mộc ở H.Krông Năng cho biết gỗ đổi màu thường để làm các đồ vật trang trí trong nhà; có đặc tính lạ thu hút người mua là sau khi chế tác vài ngày thì gỗ chuyển sang màu xanh thẫm hoặc xanh ngọc, tùy theo ánh sáng, nhiệt độ trong ngày. Mỗi khúc gỗ khoảng nửa mét tiện thành vật trang trí có thể bán với giá từ một đến vài triệu đồng, tùy theo vân gỗ và màu sắc biến đổi.
Một cán bộ giảng dạy môn Cây rừng-Khoa Nông lâm, ĐH Tây Nguyên đã tiến hành giám định cây đổi màu và cho rằng đây là cây thuộc họ Trôm (Sterculiaceae), có thể là loài Trường hùng trái to (Reevesia macrocarpa), không thuộc danh mục cây quý hiếm.