Điện Biên: Rừng già đầu nguồn suối Huổi Lực lại bị tàn phá
(09:29:55 AM 04/04/2013)Rừng bị tàn phá nghiêm trọng- Ảnh báo điện biên
Rừng già bị tàn phá
Sau hàng chục phút vật lộn với những con dốc cao ngất, những cung đường vòng vèo uốn lượn lưng chừng của những dãy núi cao trên 1.000 m so với mặt nước biển để vượt gần 10 km trên con đường tuần tra biên giới, chúng tôi đã có mặt tại địa điểm được mệnh danh là "điểm nóng" về tình trạng khai thác rừng trái phép: Suối Huổi Lực của xã Mường Pồn- Nơi cách bản Pá Trả khoảng 5km bằng con đường bộ độc đạo. Trước lúc xâm nhập vào địa bàn “nóng” tình trạng “xẻ thịt” rừng, chúng tôi đã phải cất giấu xe máy trong bụi rậm ven rừng và ngụy trang thêm bằng cỏ tranh, lau lách.
Chúng tôi bắt gặp cảnh tượng đại ngàn rừng đầu nguồn Mường Pồn bị “xẻ thịt”. Một gốc cây đại thụ bị lâm tặc triệt hạ bằng cưa xăng được chúng tôi phát hiện lưng chừng núi, ở độ cao khoảng 20m. Tại hiện trường đo được, gốc cây này có chu vi gần 4 m. Tại đây, chúng tôi dễ dàng nhận ra hệ thống giàn giáo mà lâm tặc đã dựng lên quanh gốc đại thụ bằng những thân cây có kích cỡ to, nhỏ khác nhau để tạo vị trí thuận tiện cho việc triệt hạ đại thụ trong rừng già.
Cách gốc cây này không xa là một thân cây to có chu vi một người ôm không xuể, dài gần chục mét đang nằm dọc lưng núi mà lâm tặc chưa kịp cưa khúc, vận chuyển khỏi hiện trường. Ngổn ngang dưới khe suối Huổi Lực đang mùa cạn trơ đá gan trâu, nhiều muỗi, vắt là cảnh những khúc gỗ tròn có chiều dài hàng mét được lâm tặc cưa, cắt từ thân cây đại thụ nằm la liệt dưới lòng suối.
Tiếp tục hành trình cắt rừng,…. chúng tôi “lạc” vào một “khai trường” khác của lâm tặc với mức độ, quy mô tàn phá rừng đến mức báo động. Khai trường thứ 2 này cách điểm triệt hạ cây rừng mà chúng tôi tiếp cận trước đó khoảng 300m, nằm xuôi về phía hạ lưu con suối Huổi Lực. Tại địa điểm này, có gần 10 tấm ván vỏ có kích thước rộng 60cm, dài 250cm mà lâm tặc để lại còn nằm ngổn ngang; Phần gỗ chính đã bị lâm tặc vận xuất khỏi hiện trường. Lớp mùn cưa dày 3 đến 4cm vung vãi khắp nơi, tỏa mùi ngai ngái. Một phần thân cây đại thụ dài gần 10m cũng được chúng tôi bắt gặp nằm dọc sống núi. Leo dọc theo thân cây này ngược lên núi, chúng tôi phát hiện ra gốc cây đại thụ có chu vi hơn 500 cm mà lâm tặc sau khi “triệt hạ” đã dùng những cành cây nhỏ phủ lấp lên, che dấu vết tích…
Việc hạ cây đại thụ của lâm tặc đã dẫn đến thực tế, trên diện tích rộng hàng trăm m2 rừng bị cày xới, ngả nghiêng do cành, lá, thân cây đại thụ đổ xuống; những cây gỗ có kích thước lớn nhỏ khác nhau bị quật ngã, trơ những vết gãy ở những vị trí khác nhau trên thân cây.
Chính quyền địa phương phủ nhận
Tại trụ sở xã Mường Pồn, điều làm chúng tôi hơi bất ngờ là khi rừng già thượng nguồn suối Huổi Lực, bản Pá Trả bị xẻ thịt, tàn phá với mức độ đáng báo động như đã nêu, người dân ở bản Pá Trả ai cũng biết thì chính quyền xã Mường Pồn lại không hề..cập nhật thông tin. Theo lãnh đạo xã Mường Pồn, việc cây đại thụ trong suối Huổi Lực bị triệt hạ chỉ là phương thức “chặt tỉa” thủ công bằng rìu mà người dân trên địa bàn có nhu cầu về gỗ làm nhà ở (nhà sàn truyền thống) lên chặt hạ, quy mô và mức độ tàn phá không đáng quan ngại.
Ông Lò Văn Liến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, cho biết: “Gọi là phá rừng thì cũng không hẳn là phá, bảo là phá rừng thì nó cũng quá nặng nề… Dân làm nhà không đủ (gỗ) thì người ta vẫn tiếp tục, có người lên mua thì người ta cũng tỉa bán dần đi một số (cây gỗ) chứ phá rừng thì không phải lên đó mà phá…”. Về cách thức, phương thức đốn hạ đại thụ có chọn lọc trong rừng già suối Huổi Lực của “người dân” được ông Liến khẳng định:"Chỉ bằng rìu thôi chứ không thể bằng hình thức nào khác”.
Trước câu hỏi mà chúng tôi nêu ra nhằm kiếm chứng lại lời khẳng định của ông Liến, bản thân ông cho biết: “Thật ra mà nói thì tôi cũng chưa đi Pá Trả, chưa làm việc với dân lần nào cả thì tôi không khẳng định là thật hay giả vì tôi không liên quan làm việc này”.
Khi nào rừng mới ngừng...“nóng”
Trong khi chính quyền xã Mường Pồn không hay biết về tình trạng phá rừng, “xẻ thịt” rừng khiến những cây đại thụ có độ tuổi hàng chục năm ở suối Huổi Lực bị triệt hạ thì ngành kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã xác nhận thực tế tình trạng lâm tặc ngang nhiên lộng hành khi vác cưa xăng vào tàn sát rừng ở suối Huổi Lực là có thật.
Theo ông Phạm Văn Khiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “ Việc khai thác rừng trái pháp luật đầu nguồn suối Huổi Lực, thuộc bản Pá Trả của xã Mường Pồn xảy ra từ đầu năm 2013. Nhận được nguồn tin từ quần chúng nhân dân, Đội Kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã đến kiểm tra khu vực này, xác lập hồ sơ để xử lý đối với 13 cây gỗ vối thuốc (gỗ ngứa). Đến nay vụ việc đã được xử lý. Ngoài 13 cây gỗ này, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên tiếp tục phát hiện 17 cây nữa. Hiện nay, Đội kiểm lâm cơ động đã xử lý 2 đối tượng liên quan trú quán ở bản Tâu, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Còn lại 17 cây gỗ không có người nhận, Hạt Kiểm lâm đang thụ lý, tổ chức tạm giữ, hợp đồng với nhân dân bản Pa Trả trông coi để tiến hành xác minh các đối tượng khai thác rừng trái pháp luật.
Theo ông Khiên, 30 cây gỗ bị lâm tặc triệt hạ này đa phần là cây gỗ ngứa (vối thuốc) nhưng cũng có một số loại cây gỗ khác quý hiếm, có giá trị, đường kính các cây gỗ đo được từ 25cm đến 30cm với tổng khối lượng trên 70m3. Những cây bị triệt hạ có tính chất chọn lọc trong cánh rừng, nằm rải rác, không tập trung. Việc này đã chứng minh rằng lâm tặc đã hoạt động rất manh động, làm rất khẩn trương.
Cũng theo ông Khiên, nguyên nhân dẫn đến thực trạng rừng già ở thượng nguồn suối Huổi Lực trở thành "điểm nóng" về tình trạng lâm tặc khai xẻ thịt rừng bởi cánh rừng Huổi Lực có trữ lượng gỗ dồi dào, có vị trí rất thuận lợi cho khai thác." Khu rừng này phát triển trên một địa hình khá dốc, từ độ dốc như vậy thì khi khai thác cây rừng thì người ta vận xuất xuống khe suối thuận lợi hơn. Cái thuận lợi nữa là gần đường tuần tra biên giới (đường bê-tông dài gần 10km nối với Quốc lộ 12), khu rừng này chỉ ngăn cách với đường tuần tra bằng suối Huổi Lực. Do vậy các đối tượng khai thác rừng đã “tận dụng” lợi thế này để thực hiện hành vi”- ông Khiên nói.
Liên quan đến tình trạng rừng già Huổi Lực bị tàn phá, xẻ thịt. Trước đó, vào tháng 8/2011, PV TTXVN đã phản ánh trong loạt tin, bài: “ Lâm tặc hạ 13 cây cổ thụ với khối lượng trên 30m3”; “Ngang nhiên chặt phá rừng đầu nguồn Mường Pồn”. Như vậy, v iệc 30 cây đại thụ bị triệt hạ trong năm 2013 này đã minh chứng một điều: Bạt ngàn đại thụ ở suối Huổi Lực vẫn đang đứng trước nguy cơ xóa sổ từng ngày. Lâm tặc vẫn thách thức cơ quan chức năng, ngành Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, chính quyền địa phương.
Rừng già suối Huổi Lực được ví là “tấm áo phòng hộ”, do đó nếu cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, chính quyền địa phương chỉ “hô hào” khẩu hiệu mà không có hành động bảo vệ, gìn giữ mang tính hữu hiệu hơn thì nguy cơ rừng già dọc khe suối Huổi Lực dần bị “xóa sổ” là điều khó tránh.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023
- Dấu hiệu El Nino ở Thái Bình Dương, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng kỷ lục
- Cà Mau: Hơn 3.540 ha rừng ở cấp báo động cháy nguy hiểm
- Dấu ấn bất hòa với thiên nhiên
- Tàn phá thiên nhiên và cái giá phải trả
- Cà Mau nỗ lực bảo vệ hơn 41.000 ha rừng trong mùa khô
- 4 nước sở hữu "lá phổi xanh" của Trái đất đánh mất rừng nhiều nhất thế giới
- Biến đổi khí hậu khiến cây cối tiết ra chất độc chết người
- Lâm Đồng tăng cường quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
(Tin Môi Trường) - Nhận định xu thế thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Miền Bắc khả năng có rét đậm vào khoảng 28 tháng chạp và duy trì nền nhiệt thấp đến những ngày chính Tết.
Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum
(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 8/12, một trận động đất có độ lớn 3.8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.
Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.