Dấu răng khủng long vừa được phát hiện ở Hàn Quốc - Ảnh: Korea Herald |
Theo hãng thông tấn Yonhap, những dấu răng trên được tìm thấy trên xương đuôi của một con khủng long ăn cỏ của loài Pukyongosaurus, sống ở thời gian đầu của kỷ Bạch phấn thuộc Đại trung sinh. Những dấu răng này dài 17 cm, rộng 2 cm và sâu 1,5 cm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Paik In-sung (Đại học Quốc gia Pukyong) khẳng định đây là những dấu răng khủng long dài nhất và sâu nhất thế giới được phát hiện tính đến nay. Hóa thạch xương đuôi của con khủng long Pukyongosaurus được tìm thấy vào năm 2008 ở huyện Hadong, tỉnh Nam Gyeongsang, cách thủ đô Seoul khoảng 470 km về phía đông nam.
Các dấu hình chữ W cho thấy 2 chiếc răng tạo nên những đường sắc nét trên xương của con khủng long mồi. Nhiều dấu răng thuộc đủ kích cỡ và hình dạng cũng được tìm thấy trên xương đuôi, cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn hành vi “ăn uống” của những con khủng long ăn thịt tồn tại trên trái đất cách đây khoảng 120 triệu năm. “Việc phát hiện nhiều dấu răng trên một khúc xương cho thấy các loại khủng long ăn thịt có thói quen nhấm nháp chỉ một con mồi, tương tự như những động vật ăn thịt hiện đại”, giáo sư Paik nói.
Kết quả cuộc nghiên cứu được Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc tài trợ này đã được đăng trên chuyên san Palaeogeography, Palaeoclimatology, Palaeoecology của Mỹ.Theo Yonhap, hồi năm 2009, các nhà khoa học Hàn Quốc cũng tuyên bố phát hiện dấu chân khủng long nhỏ nhất thế giới. Dấu chân hóa thạch này của loài khủng long Theropoda, chỉ dài 1,27 cm và rộng 1,06 cm, nhỏ hơn 29% so với bất kỳ mẫu dấu chân nào được tìm thấy tính đến thời điểm đó.
Các chuyên gia cổ sinh vật học cho rằng, khủng long sinh sống ở Hàn Quốc cách đây khoảng 80-120 triệu năm, trải qua phần lớn kỷ Bạch phấn, giai đoạn cuối của Đại trung sinh và đây cũng là thời hoàng kim của chúng. Hóa thạch khủng long được khám phá và bảo tồn kỹ lưỡng trên một khu vực trải dài qua các bờ biển phía nam Hàn Quốc.