»

Thứ bảy, 18/01/2025, 18:25:29 PM (GMT+7)

Ba năm kêu cứu không ai giải quyết !

(15:24:59 PM 29/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Tại buổi tọa đàm "Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM" do Tin Môi Trường tổ chức sáng ngày 29/03/2012, bà Trần Anh, một người dân đã trình bày nỗi bức xúc của mình khi phải chịu đựng cảnh ô nhiễm suốt 3 năm qua. Theo bà Anh, suốt ba năm qua, bà đã gõ cửa khắp nơi để cầu cứu nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Quang cảnh buổi tọa đàm "Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM" do Tin Môi Trường tổ chức

 

 

Gia đình tôi có 3 người, trong đó mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi, trước đây cuộc sống bình thường, mọi người đều khỏe mạnh. Mặt trước nhà tôi cho thuê. Tuy nhiên, từ khi căn nhà bên cạnh (số 26 đường Phong Phú, P.12, Q.8) được bán cho ông Khưu Kim Minh Thiện vào tháng 03/2009, rồi được ông Thiện cho bà Khưu Thị Minh Tâm (chị gái ông Thiện) mở cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát, thì gia đình tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động của cơ sở sản xuất bánh mỳ này.

 

Cụ thể, không khí trong nhà lúc nào cũng hết sức ngột ngạt, nồng nặc mùi bánh mỳ, dầu mỡ và chất độc hại, khiến sức khỏe mọi người đều bị giảm sút nghiêm trọng, thường xuyên bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm họng và ho kéo dài, phải liên tục uống thuốc điều trị. Lúc nào gia đình tôi cũng phải đóng cửa, và đặt một chiếc quạt công nghiệp công suất lớn ngay trước cửa để thổi khí nóng từ lò bánh mỳ phả vào nhà, nhưng vẫn khó chịu, nếu tắt quạt khoảng 30 phút thì không chịu nổi.

 

Bởi vậy, từ tháng 04/2010, gia đình tôi đã phải đi thuê nhà bên Bình Dương để ở tạm. Mặt dù nhà tôi nằm ở mặt đường thuận tiện cho việc kinh doanh nhưng vì ảnh hưởng của hai lò sản xuất bánh mỳ công suất lớn đặt sát vách nhà nên không ai thuê nữa, chúng tôi cũng không thể buôn bán gì được. Mặt bằng bị để trống, mất thu nhập không nhỏ, trong khi tôi và mẹ tôi không có nguồn thu nhập nào khác.

 

Mấy năm ròng rã tôi mang đơn đi khiếu nại, đến các cấp chính quyền, sở và ban ngành, thậm chí gửi cả đơn cầu cứu đến lãnh đạo Thành phố nhưng cuối cùng vẫn chưa được giải quyết. Gia đình tôi đã bỏ nhiều công sức ra với mong muốn có được một môi trường sống lành mạnh và bình yên như trước nhưng mọi việc vẫn lực bất tòng tâm.

 

Pháp luật quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư đã được quy định rất rõ và cụ thể tại phụ lục 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động được ban hành kèm theo Quyết định số 3733/2002/ QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 10/10/2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động.

 

Theo đó, việc sản xuất bánh mỳ nằm trong danh mục sản xuất có phát thải các yếu tố độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Quyết định này quy định tiêu chuẩn khoảng cách từ nơi sản xuất bánh mỳ đến khu dân cư tối thiểu là 100m.

 

Luật quy định đã rõ, những tưởng vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhưng đã mấy năm sống trong cảnh “đóng cửa nhà mình, gõ cửa cơ quan chức năng” mà vẫn không được giải quyết triệt để vấn đề. Dù được cơ quan chức năng cấp trên chỉ đạo để giải quyết vụ việc trên, nhưng UBND quận 8 cứ đùn đẩy trách nhiệm và cố tình làm lơ.

 

Ngày 27/12/2010, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 9575/VP-ĐTMT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Thành Tài: “Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND quận 8 kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định”; thế nhưng, các cơ quan chức năng ở quận 8 vẫn không chịu thực thi theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ngày 25/3/2011, Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường vào Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở TN&MT, UBND quận 8 và UBND phường 12 tổ chức buổi làm việc với gia đình tôi, đồng thời tiến hành khảo sát thực tế tại cơ sở bánh mì Tiến Phát và khu vực dân cư xung quanh.

 

Bà Trần Anh bức xúc trình bày hoàn cảnh của mình tại buổi tọa đàm

 

Theo đó, ngày 1/4/2011, Chánh Thanh tra Tổng cục môi trường ông  Lương Duy Hạnh, đã ký văn bản số 72/TN-PMN gửi ông Bùi Cách Tuyến và các cơ quan chức năng, UBND quận 8 và gia đình tôi, nội dung có ghi:

 

"Qua khảo sát thực tế và nghiên cứu hồ sơ liên quan; căn cứ quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 122 của Luật Bảo vệ môi trường; Điều 20 của Luật Khiếu nại, tố cáo và Khoản 5, Điều 6, Điều 12 của Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo thì vụ việc nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận 8. Thanh tra Tổng cục đã chuyển đơn của bà đến UBND quận 8 để được giải quyết theo đúng qui định của pháp luật.”.

 

Ngày 24/5/2011, UBND quận 8 đã tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại của gia đình tôi, cuộc họp do ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8 chủ trì.

 

Tại cuộc họp tôi đã tiếp tục nêu lên ý kiến: “Do cơ sở sản xuất bánh mì đặt cạnh nhà gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nên đề nghị dời lò bánh mì sang vách phía bên (địa chỉ số 24 Phong Phú). Vì như hiện trạng cũ đã gây cho gia đình rất nhiều khó khăn về sức khỏe. Nếu dời qua phía bên kia thù dù sao cũng đỡ hơn. Nếu được như vậy tôi sẽ không khiếu nại nữa”.

 

Ý kiến của phòng TNMT quận 8 cho rằng: theo đề nghị của các cơ quan chức năng của thành phố và Tổng cục Môi trường, phòng TNMT đã yêu cầu  nâng ống khói cao hơn nhà tôi (theo yêu cầu của gia đình tôi). Các cơ quan chức năng đã kiểm tra và có kết luận rõ: Cơ sở sản xuất không gây ô nhiễm môi trường (theo quy định).

 

Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 19/1/2011 do Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT Lê Thị Kim Oanh tổ chức giải quyết đơn khiếu nại của gia đình tôi. Tôi đã nêu ý kiến với 2 điểm: “Lò bánh mì Tiến Phát phải dời sang số 24 Phong Phú và phải nâng cao ống khói  theo qui định”.

 

Tuy nhiên, cơ sở bánh mì Tiến Phát chỉ thực hiện một nửa yêu cầu đó, tức là nâng cao ống khói (theo tư vấn của các cơ quan chức năng) còn việc dời sang số 24 thì các cơ quan chức năng cho rằng không thể được. Trả lời ý kiến của tôi tại cuộc họp, cơ quan chức năng quận 8 cho rằng dời sang số 24 sẽ bị nhà số 22 kiện.

 

Như vậy, tự thân việc cơ sở bánh mì Tiến Phát “nâng cao ống khói” đã thể hiện rõ ràng cơ sở sản xuất bánh mì Tiến Phát gây ô nhiễm là có thật, các cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy điều này. Nhưng, tại sao không yêu cầu di dời hoặc rút giấy phéo cơ sở theo quy định của Bộ Y tế?      

 

Điển hình như, trong công văn số 341/TNMT-MT phòng Tài Nguyên UBND quận 8, nội dung có ghi: “Cơ sở sản xuất Tiến Phát hoạt động sản xuất, theo giấy phép đăng ký kinh doanh số 41H8011185 cấp ngày 17/02/2009 tại UBND quận 8[… ] cơ sở đang hoạt động sản xuất bánh mỳ, với công suất 2000 ổ/ngày, cơ sở trang bị 1 lò nướng[…]”.

 

Câu trả lời trên là không đúng với thực tế. Vì căn cứ vào biên bản kiểm tra của phòng Cảnh sát Môi trường thành phố, thì cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát hoạt động từ 12 giờ đêm tới 10 giờ sáng và từ 12 giờ trưa đến 6g30 chiều; cơ sở Tiến Phát có 2 lò bánh mỳ phục vụ cho sản xuất, bình thường hoạt động cả 2 lò. Cơ sở này hoạt động chuyên sản xuất bánh mỳ với công suất lớn: một mẻ nướng có 16 ngăn, mỗi ngăn khoảng 15 ổ, như vậy cho ra 240 ổ. Mỗi tiếng đồng hồ cho ra 4 mẻ, mỗi ngày hoạt động 16 tiếng rưỡi. Trung bình một ngày cơ sở này cho ra lò khoảng 30 nghìn ổ bánh  mỳ. Cơ sở Tiến Phát hoạt động với công suất quá lớn mà đăng ký dưới dạng hộ kinh doanh cá thể.

 

Ngày 15/6/2011, Sở TN-MT TP.HCM có công văn số 3524/TNMT-TTS trả lời về việc giải quyết khiếu nại của tôi và Công văn số 2856/TNMT-TTS ngày 19/5/2011 của Sở TN-MT TP.HCM gửi UBND Thành phố và trả lời báo Người cao tuổi, nội dung cũng ghi rõ: “Về việc bà Trần Anh đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh của Cơ sở sản xuất bánh mì Tiến Phát  theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế cụ thể cơ sở vi phạm về khoảng cách an toàn và việc sản xuất bánh mì nằm trong danh mục có phát thải các yếu tố độc hại đối với môi trường, nội dung này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận 8 và Sở LD-TB xã hội không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT”.

 

Ngày 13/09/2011, UBND quận 8 có công văn số 1993/UBND-KT, trả lời: “ủy ban cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho bà Tâm (chủ cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát) là đúng thủ tục quy trình và không thuộc ngành nghề kinh doanh bị cấm, hoặc điều chỉnh trong khu dân cư tập trung”.

 

Qua những văn bản trả lời, rõ ràng UBND quận 8 giải quyết khiếu nại của tôi không thoả đáng, cố tình né tránh quy định của pháp luật và thậm chí bao che cho cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát, vì:

 

Thứ nhất, theo quy định điểm 4.10.2 khoản 4 mục II quyết định 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10/10/2002 về tiêu chuẩn khoảng cách bảo vệ vệ sinh, đối với sản xuất bánh mỳ là 100m tính từ cơ sở sản xuất đến khu dân cư. Như vậy, rõ ràng việc cơ sở sản xuất Tiến Phát đặt 2 lò bánh mỳ sát nhà tôi là sai quy định. Vậy mà không hiểu vì sao UBND quận 8 lại cho rằng đã cấp đúng, đã căn cứ vào quy định 3733/2002 của Bộ Y tế?!

 

Thứ hai, đối với loại hình kinh doanh cá thể: chủ yếu là kinh doanh quy mô nhỏ, còn nếu là sản xuất thì hiển nhiên phải thực hiện các điều kiện/ quy định của nhà nước. Chính vì sản xuất bánh mỳ là ngành nghề gây ô nhiễm có phát thải các yếu tố độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người, nên Bộ Y tế mới đưa vào danh sách trong quyết định 3733/2002. Lẽ ra, khi giải quyết khiếu nại, UBND quận 8 phải kiểm tra về khoảng cách an toàn và hiển nhiên sẽ thấy cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát đã vi phạm về khoảng cách cho phép theo quy định.

 

Thứ ba, trên thực tế, tôi đã đi tìm hiểu nhiều nơi, thì chưa thấy nơi nào lò sản xuất bánh mỳ lại có diện tích nhỏ như thế mà được phép đặt cùng lúc 2 lò nướng có công suất lớn như vậy ngay sát nhà người dân. Nếu lò sản xuất nằm trong khu dân cư đông đúc, thì ít nhất nó cũng phải có diện tích rộng. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, tôi có đề nghị chủ cơ sở sản xuất di dời 2 lò bánh mỳ chuyển sang số nhà 24 thì được ông Phó chủ tịch UBND quận 8 Hồ Văn Hải cùng với chủ cơ sở cho rằng: “Nếu di dời qua số 24 thì chủ nhà số 22 sẽ kiện thì sao”? Như vậy đã quá rõ ràng, nếu không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và vi phạm pháp luật thì tại sao người ta lại đi kiện cơ sở sản xuất làm gì?

 

Đặt trường hợp cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát nằm cách khu dân cư theo đúng quy định hay thậm chí chỉ cần 20m thôi thì đã không có chuyện gia đình chúng tôi bức xúc, phải kêu cứu, khiếu nại ròng rã suốt mấy năm qua.

 

Bên cạnh những cố gắng của gia đình, thời gian qua, các cơ quan báo chí cũng đã vào cuộc, lên tiếng bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân nhưng đã hơn 3 năm rồi UBND quận 8 vẫn chưa có quyết định giải quyết dứt điểm vụ việc bằng văn bản. Chủ tịch UBND quận 8 đã làm trái Luật khiếu nại tố cáo và làm trái quyết định số 3733/2002 của Bộ Y tế.

 

Hôm nay, tôi rất vui mừng khi được trình bày vấn đề bức xúc của gia đình trong buổi tọa đàm “Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM” do Tin Môi Trường tổ chức. Tôi xin chân thành cảm ơn quý đại biểu, nhà khoa học và các cơ quan báo đài đã lắng nghe và chia sẻ với hoàn cảnh của tôi. Hy vọng rằng tiếng nói của những người dân như chúng tôi được chính quyền lắng nghe và giải quyết hợp tình hợp lý. Hiện nay, cũng không ít gia đình phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường sống do sản xuất trong khu dân cư. Chúng tôi mong muốn toàn xã hội hãy cùng chung tay và góp sức vào việc bảo vệ môi trường sống lành mạnh và thân thiện, vì thế hệ tương lai.

Trần Anh (Q.8)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ba năm kêu cứu không ai giải quyết !

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.

Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI