Tài nguyên - Thiên nhiên » Năng lượng
Tận thu vàng ở lòng hồ Tả Trạch
(20:56:57 PM 20/09/2011)Tan nát khe vàng
Khe vàng cùng với khe 57 là tên hai con suối lớn nối liền nhau, nằm trong khu vực lòng hồ Tả Trạch thuộc địa phận xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, khởi điểm từ thượng nguồn sông Hương. Đúng như tên gọi của dân gian, đây là một con suối chứa một trữ lượng rất lớn vàng sa khoáng.
Xe múc đang đào vàng tại khe vàng ngày 16.9. |
Theo người dân địa phương, họ không biết chính xác là hai con khe này chứa trong đó bao nhiêu vàng, chỉ biết, đây là những mỏ vàng đã được người Pháp phát hiện và khai thác từ trước đó rất lâu. Những năm sau này, người dân địa phương cũng có vào khai thác, nhưng chủ yếu là làm thủ công theo kiểu “đãi cát tìm vàng” nên kết quả thu được cũng không đáng kể.
Khi UBND tỉnh quyết định xây dựng hồ chứa nước Tả Trạch, khu vực khe vàng, khe 57 nằm trong khu vực lòng hồ. Và bắt đầu từ tháng 7.2011, đây bắt đầu trở thành một điểm nóng về khai thác vàng trái phép. Người dân địa phương, đặc biệt là một số doanh nghiệp chuyên khai thác cát sạn (Cty thương bệnh binh và người tàn tật, Cty Liên Bằng) và khai thác gỗ (Cty Tấn Lộc) đã đưa người và phương tiện cơ giới (xe múc, giàn lọc, máy nổ, máy phát điện...) vào dựng lán trại để khai thác trái phép với quy mô lớn cả ngày lẫn đêm.
Phương tiện (mỗi xe múc giá thời điểm này hơn 3 tỉ đồng) thì do các doanh nghiệp đầu tư; con người, ngoài bộ phận giám sát và cung cấp lương thực, còn lại là người làm thuê đến từ các địa phương phía bắc như Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình... Khi được hỏi, một người đàn ông tầm 35 tuổi, nói tên là Bình, quê ở Nam Định cho biết mình được người ta thuê làm ở đây với tiền công ngày 100 ngàn, cơm ăn ngày ba bữa, còn lại mọi thứ đều không nghe, không biết, không thấy, kể cả “người ta”, tức ông chủ thuê mình là ai. Sau này chúng tôi mới biết, “không nghe, không biết, không thấy” và “chúng em mới vào làm đây có 3 hôm” là nguyên tắc chung và là điều kiện để được nhận vào làm việc tại đây.
Theo ông Lê Thanh Thuỷ - Xã đội trưởng UBND xã Dương Hoà - thì lúc cao điểm, ở khu vực này có đến 6-7 lán trại, gần 50 người cùng khoảng 15 xe múc khai thác suốt ngày đêm theo kiểu cuốn chiếu từ dưới lên phía thượng nguồn. Bởi vậy chỉ trong vòng mấy tháng, cả hai khu vực khe vàng và khe 57 vốn phong cảnh thơ mộng, nước trong vắt nay trở thành đục ngầu và bị đào xới tan nát như vừa bị đánh bom. Báo cáo của UBND xã Dương Hoà cho biết là việc khai thác vàng tại đây đã làm “ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn xã”.
Khe vàng bị băm nát bởi đủ loại phương tiện khai thác vàng. Ảnh: H.V.M |
Còn ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng ban Quản lý dự án Tả Trạch - cho biết: “Việc khai thác vàng trái phép ở đây đã “gây mất trật tự khu vực lòng hồ, vi phạm Luật Tài nguyên môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy hạ du công trình, trong đó có khu vực đang xây dựng công trình đầu mối hồ Tả Trạch”. Đặc biệt, việc khe vàng và khe 57 bị đào xới, băm nát đã làm cho “nước sông Tả Trạch, đoạn chảy qua khu vực thi công công trình Tả Trạch rất đục, rất khó khăn cho các nhà thầu thi công bêtông tràn xả lũ và các hạng mục khác”.
Nghịch lý là trong khi người dân và 3 doanh nghiệp nói trên ồ ạt đưa người và phương tiện cơ giới tân tiến, hiện đại nhất vào khu vực khe vàng và khe 57 để khai thác trái phép, biến tài nguyên quốc gia thành tài sản cá nhân, trong khi ngày 31.8.2011, Đảng uỷ, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ xã Dương Hoà đồng gửi một báo cáo về tình hình khai thác vàng trái phép nói trên đến UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các sở, ban ngành liên quan.
Trong văn bản này, UBND xã Dương Hoà cho biết “hiện nay hai khu vực đang khai thác vàng sa khoáng trái phép trên thuộc vùng ngập nước của lòng hồ Tả Trạch”, nên xin chủ trương “cho phép UBND xã Dương Hoà tận thu hai khu vực này cho các đơn vị khai thác để thu ngân sách xã hiện nay rất khó khăn (mỗi năm thu được khoảng 50 triệu đồng), nhằm mục đích sử dụng vào việc xây dựng cơ bản và thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới”. Tuy nhiên đến thời điểm này, theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Dương Hoà - thì “chủ trương trên vẫn chưa được các cấp thẩm quyền có ý kiến”.
Rất nhiều lán trại được dựng trong khe vàng để khai thác cả ngày lẫn đêm. Ảnh: H.V.M |
Cơ quan chức năng bất lực(!?)
Thời điểm tháng 7.2011, khi tình hình khai thác vàng trái phép ở khe vàng và khe 57 bắt đầu bùng phát cho đến nay, UBND xã Dương Hoà đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế 6 lần vào kiểm tra, truy quét... và đã lập biên bản tịch thu 6 máy nổ, 4 xe múc mang về chờ xử lý. Tuy nhiên sau một đợt truy quét như vậy, tình hình chỉ tạm lắng đi một vài ngày và sau đó lại... bùng lên với quy mô lớn hơn, phức tạp hơn.
Thậm chí, theo một nguồn tin giấu tên thì hình như đã có một đường dây giữa một số người trong các cơ quan chức năng và các “ông chủ” khai thác vàng được thiết lập rất chặt chẽ, nên mỗi khi “có động” là các “ông chủ” chỉ đạo cho quân mình nằm im, hoặc chỉ khai thác cho có lệ. Vậy nên phần lớn các cuộc kiểm tra, truy quét, hiện thực mà các cơ quan chức năng nhìn thấy ít và khác đi rất nhiều so với hiện thực đã và đang diễn ra hằng ngày.
Đường vào khe vàng bị xe múc cày xới. |
Thậm chí ngày 14.9 mới đây, khi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để vào kiểm tra việc khai thác vàng trái phép, cả hai khu vực khe vàng và khe 57 đều không có một bóng người, tất cả các phương tiện, kể cả những chiếc xe múc to kềnh đều được cất giấu hoặc rút ra khỏi hiện trường để đối phó với các cơ quan chức năng.
Nhưng khi đoàn kiểm tra rút đi, mọi việc đâu lại vào đấy. Bởi vậy tại cuộc làm việc sau đó hai hôm với chúng tôi, ông Huỳnh Hiệp - Phó Trưởng ban Quản lý dự án Tả Trạch - đã khẳng định là việc khai thác vàng trái phép tại hai điểm khe vàng và khe 57 thuộc khu vực ngập nước của dự án Tả Trạch do ông quản lý đã được xử lý xong. Bởi vậy ông Hiệp đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi khẳng định là tại thời điểm đó, ở khe vàng và khe 57 có đến 5 chiếc xe múc đang đào vàng.
“Đừng nói lung tung” – ông Hiệp đã không kiềm chế được khi nghe chúng tôi khẳng định là trong số 5 xe múc đang khai thác vàng trong đó, có 2 xe rất mới, vừa được đưa vào hiện trường từ tối hôm trước. Ông khẳng định là “không hề có chuyện đó (chuyện đưa xe vào) vì mấy hôm nay chúng tôi bảo vệ rất nghiêm ngặt và đã có lệnh cấm các xe múc ra vào khu vực lòng hồ khi chưa có sự đồng ý của tôi”. Tuy nhiên, khi chúng tôi trưng bằng chứng ảnh chụp và băng quay, ông Hiệp lại dịu giọng nói “để sẽ kiểm tra lại”.
Vấn đề nữa đặt ra là vì sao cả 3 doanh nghiệp nói trên không có giấy phép khai thác vàng, nhưng vẫn được phép đưa xe múc (lúc cao điểm có đến 15 chiếc) vào khu vực lòng hồ mà cơ quan chức năng, ở đây cụ thể là Ban quản lý dự án Tả Trạch lại không biết? Ông Hiệp trả lời là “chúng tôi có biết”, nhưng không thể ngăn họ được vì trong số 3 đơn vị nói trên, hai doanh nghiệp là Cty thương bệnh binh và người tàn tật, Cty Liên Bằng được Tổng Cty Xây dựng thuỷ lợi 4 - nhà thầu chính của công trình hồ chứa Tả Trạch - thuê vào đó để khai thác cát sỏi chở ra phục vụ việc xây dựng công trình, sau đó họ lợi dụng việc này để... đào vàng. Tương tự, doanh nghiệp Tấn Lộc được cấp phép vào khu vực lòng hồ để tận thu gỗ, còn đào vàng là... làm thêm(!).
Cũng theo ông Hiệp, vẫn biết là việc khai thác vàng trái phép ở đây ảnh hưởng lớn đến việc thi công công trình hồ chứa Tả Trạch; tuy nhiên, “do tiến độ thi công năm 2011 phải đẩy nhanh nhằm đảm bảo mục tiêu chặn dòng đợt 2 vào đầu tháng 1.2012 nên toàn bộ cán bộ ban quản lý dự án phải tập trung vào công tác thi công, mặt khác khu vực khai thác (vàng) cách xa khu vực công trường. Do vậy, Ban quản lý dự án Tả Trạch không thể quán xuyến hết các vấn đề liên quan”.
Theo Lao Động
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
- Tua bin điện gió ảnh hưởng gì đến cây trồng, vật nuôi?
- Chưa nghiệm thu, hai nhà máy điện gió vẫn được cấp phép vận hành thương mại
- Chuyển đổi năng lượng sạch, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0
- Đánh giá tác động của các dự án điện gió
- Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam đề xuất kịch bản phát triển để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050
- Phiên họp đầu tiên của Nhóm Công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng trong giai đoạn mới
- Nhiều nhà đầu tư điện gió lo phá sản
- Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.