Tài nguyên - Thiên nhiên » Năng lượng
Loại khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện
(08:13:34 AM 15/10/2013)Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-10 - Ảnh: Phương Hoa
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đưa ra khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các DATĐ và vận hành khai thác các công trình thủy điện ngày 14-10.
Chất lượng quy hoạch rất hạn chế
Lý do của việc phải loại bỏ khỏi quy hoạch nhiều DATĐ như vậy, theo ông Hoàng, là “tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác”. Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát 158 DATĐ và không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 đối với 4 DATĐ bậc thang và 132 DATĐ nhỏ nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, điều kiện thực hiện thuận lợi.
Đề nghị lùi thời hạn thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh 10 năm
Cùng ngày, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi nghị quyết của Quốc hội Khóa X về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo tờ trình, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa thực hiện được việc thông xe toàn tuyến vào năm 2010 như mục tiêu ban đầu. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội nhất trí lùi thời hạn thông tuyến hai làn xe từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) đến năm 2020. Dự tính để thông tuyến dự án này cần số vốn đầu tư thêm khoảng 42.000 tỉ đồng (ngoài 10.000 tỉ đồng dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ để làm quốc lộ 14). Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất băn khoăn về khả năng huy động số vốn lớn này. |
“Sau khi loại bỏ các DATĐ nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ. Trong đó đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5MW), đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017” - ông Hoàng nói.
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, “chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Số liệu trong báo cáo cho thấy số DATĐ nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch là tương đối lớn (khoảng 37% tổng số dự án trong quy hoạch)”.
Đối với DATĐ Đồng Nai 6 và 6A, tuy Thủ tướng đã chỉ đạo loại ra khỏi quy hoạch nhưng ủy ban yêu cầu “cần làm rõ nguyên nhân, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn hỏi quan điểm của Chính phủ đối với DATĐ Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My (Quảng Nam) có loại bỏ khỏi quy hoạch không, Bộ trưởng Hoàng đáp Chính phủ rất cẩn trọng trong việc đánh giá mức độ an toàn của công trình này, hiện chỉ cho phép tích nước trên mực nước chết 4-5m, sau quá trình quan trắc Chính phủ mới quyết định cụ thể.
“Nhiều rủi ro khó lường”
Ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường - phân tích: “Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thật sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão... Không ít chủ đầu tư dự án thủy điện có năng lực chuyên môn và tài chính đều hạn chế”.
Một trong những rủi ro tiềm ẩn khác cũng được đề cập: “Việc không thông báo xả nước tại phần lớn các thủy điện nhỏ; chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão”.
Chưa hài lòng với báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị cần nêu rõ các sự cố tại các nhà máy thủy điện vừa qua. “Sự cố đó xuất phát từ đâu: do quy hoạch, thiết kế hay quá trình vận hành? Các sự cố ấy đã gây ra thiệt hại như thế nào? Diện tích rừng đã bị tổn thất bao nhiêu? Diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân bị mất bao nhiêu và được bồi hoàn như thế nào?” - ông Phước đặt hàng loạt câu hỏi.
Và chính ông bình luận: “Đi một loạt thủy điện thì thấy rừng chỉ có mất đi chứ không được trồng thêm. Nguyên tắc khi làm DATĐ là bà con đến nơi tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhưng qua các cuộc giám sát thì có bức tranh chung là: phát triển sản xuất tại nơi ở mới khó khăn do chất lượng đất sản xuất không tốt, thu nhập bình quân của người dân chỉ trên mức nghèo một chút”. Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa Chính phủ sẽ nghiên cứu thêm, báo cáo đầy đủ để Quốc hội có cơ sở đánh giá.
Đối với tình trạng chuyển nước một số dòng sông để làm thủy điện, ông Hoàng thừa nhận: “Một số trường hợp việc khai thác thủy điện theo hình thức chuyển dòng, tuy đem lại hiệu quả cao về khai thác thủy năng nhưng đã dẫn đến tranh chấp về nguồn nước. Để khắc phục hạn chế này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo nghiên cứu các biện pháp đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ du (chẳng hạn như tại các DATĐ Đắk Mi 4 và An Khê - Ka Nắk)”. Ông Ksor Phước bình luận: “Chuyển nước rất nguy hiểm, hiện nay một loạt huyện ở Gia Lai thiếu nước, Phú Yên cũng vậy. Tôi chưa hiểu là bộ, ngành nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này”.
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo, trong đó phân tích rõ “mặt trái” của quy hoạch thủy điện và việc triển khai các DATĐ trong thời gian qua. Báo cáo sẽ được trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp tới và dự kiến Quốc hội sẽ có nghị quyết về việc này.
Sẽ phê chuẩn người thay ông Vũ Đức Đam
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Theo đó, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp vào ngày 21-10 và dự kiến làm việc trong khoảng 40 ngày với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng: xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xem xét, đánh giá, quyết định nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, 2014, giai đoạn 2011-2015; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội...
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định nhân sự của Chính phủ và nhân sự một số ủy ban của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét việc miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam; Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự thay thế ông Nhân và ông Đam.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
- Tua bin điện gió ảnh hưởng gì đến cây trồng, vật nuôi?
- Chưa nghiệm thu, hai nhà máy điện gió vẫn được cấp phép vận hành thương mại
- Chuyển đổi năng lượng sạch, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0
- Đánh giá tác động của các dự án điện gió
- Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam đề xuất kịch bản phát triển để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050
- Phiên họp đầu tiên của Nhóm Công tác kỹ thuật về Thị trường năng lượng trong giai đoạn mới
- Nhiều nhà đầu tư điện gió lo phá sản
- Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.