(Tin Môi Trường) - Báo cáo “Cuộc đào thoát khỏi than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới” do Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE chia sẻ cho các nhà báo tại khoá tập huấn “Kỹ năng viết báo về vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng” do CHANGE phối hợp cùng GreenID tổ chức ngày 10 và 11/11/2017 tại An Giang đã cung cấp một thông tin quan trọng, đó là: có 37 ngân hàng lớn đang các nhà đầu tư lớn nhất vào nhiệt điện than trên toàn cầu - họ đang gián tiếp góp phần làm biến đổi khí hậu hiện nay.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE chia sẻ Báo cáo “Cuộc đào thoát khỏi than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới”
Những con số biết nói …
Báo cáo “Cuộc đào thoát khỏi than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới” do Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc
CHANGE chia sẻ cũng cho biết, lượng phát thải CO 2 chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra trình trạng nóng lên toàn cầu hiện nay. Trước Cách mạng công nghiệp, trong suốt hàng ngàn năm, lượng CO 2 trong khí quyển là 275 phần triệu (Ppm). Giới hạn tối đa cho hành tinh là 350 Ppm. Đến năm 2013, nồng độ Co 2 lần đầu tiên vượt ngưỡng lên đến 400 Ppm. Đỉnh điểm là năm 2016, nhiệt điện toàn cầu nóng nhất lịch sử (phá kỷ lục năm 2015, 2014,2010, 2005). Số sự kiện thời tiết cực đoan tăng 1,5 lần so với trung bình 30 năm trước đó. Diện tích băng thu hẹp chưa từng thấy. Nhiều quốc gia gặp hạn hán kỷ lục.
Năm 2015 tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21 tổ chức ở Paris - Pháp, chính phủ các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay khoảng 15 độ C.
Đây là một Thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đi đến một Thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Bản Thoả thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của Thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên thực tế chỉ có 190 quốc gia nộp lại báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC).162 INDC (trong đó có 1 INDC của EU đại diện cho 28 quốc gia) - đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia mình. INDC Việt Nam cam kết giảm 8%.
Những con số này liên tục nhảy múa, vì một số gia quốc gia chưa tìm được tiếng nói về nghĩa vụ cũng như trách nhiệm để ngăn ngừa trình trạng nóng lên toàn cầu. Tình hình khó khăn như vậy, nhưng trong tháng 5 năm 2017, Tổng thống Donald Trump (Mỹ) đã thông báo rút khỏi thoả thuận Paris khiến mục tiêu chống biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu càng khó khăn hơn.
Trước thềm COP 23 diễn ra từ ngày 6-17/1/2017 ở Bonn (Đức), trong ngày 4/11 đã có 25.000 người tuần hành - trở thành tuần hành lớn nhất tại Đức kêu gọi các biện pháp quyết liệt hơn để ứng phó với BĐKH. Đến ngày 5/11, hơn 4500 người tuần hành đã tới phong toả mỏ than lộ thiên Hamback ở gần Bonn, để kêu gọi Đức nghiêm túc hơn trong việc thực hiện thoả thuận khí hậu của mình.
Việc ngăn ngừa lượng CO 2 phát sinh đang trở thành mối lo cho người dân toàn cầu. Tuy nhiên, điều trái khoáy là hiện nay các ngân hàng lớn nhất thế giới đang khiến khí hậu biến đổi thêm vì cách họ đầu tư vào những nhiên liệu hóa thạch cực đoan (là những nhiên liệu hoá thạch được khai thác bởi những hình thức cực đoan, rất có hại cho môi trường).
Báo cáo “Cuộc đào thoát khỏi than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới” ở nội dung “Ai cung cấp tài chính cho biến đổi khí hậu” của Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANE đã tiết lộ thông tin quan trọng, đó là, có 37 ngân hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Canada và Úc đang tiếp tục khiến khí hậu biến đổi bằng cách đã chi 290 ti USD đầu tư vào những nhiên liệu hoá thạch cực đoan này.
Danh sách 37 ngân hàng lớn ở Mỹ, châu Âu, Canada và Úc đang tiếp tục khiến khí hậu biến đổi bằng cách đã chi 290 ti USD đầu tư vào những nhiên liệu hoá thạch cực đoan.
Các ngân hàng đang tiếp tay cho biến đổi khí hậu
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANE cho biết, con số cụ thể này cũng chính là một phần nội dung quan trọng trong báo cáo đã được đưa ra ngày 21/06/2017 bởi Rainforest Action Network (Mạng lưới Hành động vì Rừng mưa), BankTrack, Sierra Club và Oil Change International, hợp tác cùng với 28 tổ chức khắp thế giới, trong đó có CHANGE.
Năm 2016, thực ra là năm chứng kiến các ngân hàng giảm đầu tư vào những nhiên liệu hóa thạch cực đoan – Tuy nhiên, dù cho có sự suy giảm về tổng thể thì các ngân hàng vẫn còn đầu tư vào những dự án nhiên liệu hóa thạch cực đoan ở tốc độ mà sẽ khiến nhân loại vượt quá giới hạn tăng 1,5 độ C biến đổi khí hậu mà Thỏa thuận chung Paris về khí hậu đã xác định.
Cụ thể, trong năm 2014, các ngân hàng lớn đã đổ 92 tỉ USD vào nhiên liệu hóa thạch cực đoan. Con số này tăng lên thành 111 tỉ USD vào năm 2015. Và là 87 tỉ USD trong năm 2016. (Tổng cộng là 290 tỉ USD).
Điều đáng chú ý là có nhiều ngân hàng đã thể hiện tầm nhìn ngắn hạn khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, họ đã hoàn toàn đi lệch khỏi các mục tiêu dài hạn về khí hậu của thế giới. Việc đầu tư của họ đã châm ngòi cho chiến dịch thoái vốn dẫn đầu bởi người dân bản địa nhắm vào các ngân hàng đã đầu tư cho những dự án năng lượng bẩn này.
Ý nghĩa của phong trào kêu gọi thoái vốn (Divestment) cũng được bà Hoàng Thi Minh Hồng chia sẻ, phong trào thoái vốn khỏi năng lượng hoá thạch đã được khởi động từ năm 2015 kêu gọi các tổ chức, công ty chính phủ và cắt đứt mối quan hệ với ngành công nghiệp phi đạo đức: các khoản đầu tư, tài trợ, hợp tác, tài khoản ngân hàng…Việc vì sao phải kêu gọi thoái vốn thì do quan niệm lâu nay việc tàn phá khí hậu là sai thì việc thu lợi nhuận từ việc tàn phá này cũng chính là sai. Mặc khác, việc để giữ tăng nhiệt độ dưới 2 độ C - như hiệp định Paris về biến đổi khi hậu đã ký kết thì chỉ có thể phát thải thêm 565 Gigatons CO 2, trong khi đó ngành năng lượng hoá thạch dự tính sẽ thải ra 2,795 Gigatons CO 2 (tăng gấp 5 lần).
Phong trào kêu gọi thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch và đề xuất các
hoạt động với giới đầu tư tại Việt Nam hiện cũng đang được các tổ chức dân sự Việt Nam quan tâm và cùng với các tổ chức dân sự toàn cầu họ đang tiến hành những
hoạt động kêu gọi ủng hộ, đó là nhằm mục tiêu: "Cần phải gữ 80% nhiên liệu hoá thạch trong lòng đất để xoay chuyển tình hình BĐKH".
"Cần phải gữ 80% nhiên liệu hoá thạch trong lòng đất để xoay chuyển tình hình BĐKH".
Rất đáng lo ngại !
Trong báo cáo “Cuộc đào thoát khỏi than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới” cũng cho thấy, hiện có 775 công ty kinh doanh trong ngành công nghiệp năng lượng hoá thạch (than đá) toàn cầu, 120 công ty lớn nhất phát triển nhiệt điện than.Tính đến ngày 9/1/2017 đã có 840.000 MW công suất nhiệt điện than mới trên toàn cầu, với 1.600 nhà máy tại 850 địa điểm tại 62 quốc gia.
Điều đáng lo là Việt Nam hiện xếp thứ hạng 5 trong danh sách đề xuất xây các nhà máy mới tại 25 quốc gia lớn nhất hiện nay. Theo kế hoạch, Việt Nam chuẩn bị xây dựng thêm hàng chục nhà máy nhiệt điện than từ nay tới 2030.
Thông tin trong báo cáo “Cuộc đào thoát khỏi than đá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới” cũng chỉ rõ, hiện nay tại Việt Nam các nhà máy có 13.400 MW công suất đã xây dựng, và sẽ tiếp tục xây mới 44.757 MW đứng thứ 5 thế giới. Trong đó, 1/3 được sỡ hữu bởi các công ty Việt Nam: EVN (7.142MW), PetroVietnam (3.600 MW), Vinacomin (3510 MW). Còn lại là các công ty nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Maliasia, Thái Lan và Hàn Quốc.
Nhiệt điện than Việt Nam hiện đang huy động vốn với tổng số vốn đầu tư khoảng 90 tỷ USD (trong đó, vốn đã huy động gần 40 tỷ USD, dự kiến huy động trong tương lai 46 tỷ USD). Thực tế vốn đã huy động là 39.789 triệu USD (trong nước: 17%, nước ngoài: 52%, không xác định: 31%).
Nguồn vốn đã huy động cho nhiệt đện than đến từ nhóm tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển cung cấp khoản vay ưu đãi với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA:1,8 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): 0,9 tỷ USD. Tài chính huy động cho nhiệt điện than theo quốc gia - có 9 quốc gia với tổng là 16.533 triệu USD. Đứng đầu là Trung Quốc với 50%, tiếp theo là Nhật Bản 23%, Hàn Quốc 18%…cuối cùng là Singapore với 0,2%.
Báo cáo của bà Hoàng Thị Minh Hồng cũng cho biết: Việc huy động nguồn vốn huy động quá nhiều dành cho năng lượng hoá thạch sẽ có các thách thức lớn trong thời gian tới tại Việt Nam, bởi hiện nay Chính phủ nhiều nước và ngân hàng đang ban hành chính sách hạn chế đầu tư công cho khai thác và sử dụng than (Quốc gia: Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển và Vương quốc Anh. Ngân hàng: Wold Bank, Ngân hàng đầu tư Châu Âu, Ngân hàng tái thiết và phát triển Châu Âu, ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ.)
Trong khi đó, theo Thoả thuận của OECD tháng 1/2017, Việt Nam cần áp dụng công nghệ trên siêu tới hạn mới có thể vay vốn. Các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu hạn chế đầu tư cho nhiệt điện than: HSBC, Societe Generale, BNP Paribas, JP Morgan Chase. Ngoài ra, việc vay quá nhièu sẽ rủi ro về tỷ giá hối đoái - Chính phủ sẽ bị trả nợ nhiều.
Thực tế này cũng là nỗi lo lớn của bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE: "Việc Việt Nam chuẩn bị xây dựng thêm hàng chục nhà máy nhiệt điện than từ nay tới 2030 là rất đáng quan ngại, khi Việt Nam đã đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm cũng như chịu những hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan".
Bà Hoàng Thị Minh Hồng cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi tha thiết đề nghị các ngân hàng đang đầu tư vào các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam hãy cân nhắc lại, vì đây sẽ là những khoản đầu tư đầy rủi ro, khi chúng có nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội. Thay vào đó, các ngân hàng có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, vừa giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo một môi trường trong sạch hơn cho người dân, tạo nhiều “việc làm xanh” cho cộng đồng và nền kinh tế địa phương.
Trong đà phát triển năng lượng tái tạo đang diễn ra như vũ bão trên thế giới, Việt Nam cần bắt kịp xu thế này, để đảm bảo thực hiện những cam kết về phát triển bền vững của đất nước, và khối ngân hàng đóng một vai trò rất lớn trong quá trình này. Tôi hy vọng ban lãnh đạo các ngân hàng cũng nhận ra được điều này và sẽ sớm có điều chỉnh kịp thời trong chính sách đầu tư của mình”.