Kho chống “giặc đói”
|
Giữa tuần này, tuyến đường ĐT604 đi vùng cao Đông Giang, Tây Giang bị chia cắt tại 2 điểm chính tại địa phận H.Hòa Vang (Đà Nẵng) và H.Đông Giang (Quảng Nam). Ở phía tây nam, đường lên vùng cao Nam Trà My, Bắc Trà My cũng bị “chặn” lại ở ngầm sông Trường do nước lũ dâng cao… Trước đây, những tin xấu về diễn biến thời tiết luôn kéo theo nguy cơ khan hiếm lương thực và các mặt hàng thiết yếu ở vùng cao. Còn nhớ năm 2009, sau gần 20 ngày tắc đường do bão số 9 và lũ quét, vùng cao Tây Giang bị cô lập hoàn toàn. Ở các huyện miền núi khác như Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn… cũng tương tự, khiến cả chục ngàn hộ dân hoang mang.
Mới đây, 230 tấn gạo dự trữ quốc gia được chuyển đến để “tiếp sức” cho các bản làng vùng cao H.Nam Trà My. Chính quyền hy vọng mùa mưa lũ đầu tiên không còn cảnh đứt bữa đối với học sinh bán trú và những gia đình đặc biệt khó khăn. |
Gần đây, mọi lo lắng đã giảm thiểu. Các kho dự trữ lương thực ở các xã khu 7 Tây Giang (sát biên giới Việt - Lào) và vùng cao Nam Trà My như Tắk Pỏ, Trà Cang, Trà Vân, Trà Nam, Trà Dơn… đã phát huy tác dụng. Trong đợt mưa lũ đang diễn ra từ giữa đầu tháng 10 này, gạo dự trữ đã giúp đồng bào Cơtu, Xêđăng, Cadong “ấm cái bụng”.
Đồng bào vùng cao đã hợp sức làm kho chống “giặc đói” với nhiều tên gọi khác nhau như kho thóc tình thương, kho dự trữ, kho thóc tiết kiệm, quỹ lúa rẫy... Ở Tây Giang, đồng bào Cơtu sớm lập nên mô hình kho thóc tình thương (tiếng Cơtu là Cr’lăng haroo cr’miêh). Cuối mùa lúa rẫy, người dân mang thóc đến góp vào kho, khoảng 7-14 kg/hộ tùy theo số lượng nhân khẩu để giúp những gia đình khó khăn hơn. Trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh hoành hành hay mùa màng thất bát, “quỹ lúa rẫy” này được mang ra phân phát đều cho mọi người, chìa khóa nhà kho được giao cho người có uy tín trong làng giữ.
Vẫn chưa hết lo
Từ khả năng ổn định an ninh lương thực tại chỗ ở vùng cao trước khi lực lượng chức năng đến cứu trợ, mô hình kho “chống giặc đói” được UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá rất cao và đang nhân rộng ở nhiều địa bàn khác.
Những kho thóc mới nhất tại Quảng Nam được xây dựng hồi cuối tháng 9.2011 ở xã Trà Vân (H.Nam Trà My). Nhà kho được thanh niên Xêđăng dựng nên với diện tích khoảng 3m2, sàn cách mặt đất từ 1,5 - 2m để chống ẩm thấp; tường đan bằng phên tre, mái lợp tôn. Kho đặt ở bìa rừng, gần với khu vực người dân sinh sống. Ông Hồ Văn Rớt (thôn 2, xã Trà Vân) bảo rằng, khi mang thóc đến góp, đồng bào đã xem kho như chái bếp nhà mình. Ngay đến các giáo viên người Kinh cắm bản cũng tỏ ra yên tâm hơn vì sẽ được đồng bào san sẻ, chấm dứt tình cảnh ăn uống rất kham khổ vào mỗi mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, nguy cơ cô lập vẫn đang là nỗi ám ảnh thường trực ở Quảng Nam, đặc biệt là vùng cao. Ứng phó với bão số 5 hồi cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam trong công điện khẩn gửi các địa phương đã yêu cầu khâu dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm phải “bảo đảm phục vụ sử dụng tại chỗ tối thiểu trong vòng 10 ngày”. Năm 2009, khi mưa lũ chia cắt vùng cao Tây Giang, thóc dự trữ đã được “mở kho” nhưng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu cho đồng bào khoảng 3 tuần. Kho thóc dự trữ trong dân dù chủ động và thật cần thiết mỗi khi hữu sự, nhưng vẫn chưa phải là chỗ dựa chắc chắn nhất nếu cảnh giao thông bị chia cắt kéo dài.
Doanh nghiệp ngại trữ hàng hóa
Ngày 19/10, ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND H.Hòa Vang cho biết huyện đã dự trữ số lượng mì gói trị giá 600 triệu đồng sẵn sàng cấp phát cho người dân vùng bị ngập lũ ở các xã trên địa bàn. Trước đó, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cũng đã dự trữ được 6.700 thùng mì gói, 2.500 tấn gạo và 354 tấn nhu yếu phẩm trị giá gần 50 tỷ đồng kịp thời bình ổn thị trường mùa bão lũ.
Ông Bh'riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) cho hay mỗi xã đã dự trữ được 3 tấn lúa đề phòng mưa lũ chia cắt dài ngày. Đến nay, huyện Tây Giang cũng đã cấp 120 tấn gạo cho 6 xã vùng thấp, riêng 60 tấn gạo còn lại đang chờ thông đường để đưa lên 4 xã vùng cao là Gary, Ch’ơm, Axan và Tr’hy.
Trong khi đó, dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão năm 2011 ở Quảng Nam rất bị động, chủ yếu do nguồn vốn hạn hẹp của các công ty thương mại. Lãnh đạo Công ty cổ phần Thương mại Giằng cho biết nguồn hàng chủ động dự trữ được sẽ chẳng thấm tháp là bao nếu mưa lũ kéo dài hơn nửa tháng. Một số doanh nghiệp thậm chí không dự trữ xăng dầu vì lo lỗ vốn. Công ty Sông Vàng (H.Đông Giang) chỉ dự trữ 50 tấn gạo, còn xăng dầu (khoảng 160.000 lít) thì “chưa tính đến”. H.X.Huỳnh - Ng.Tú |
Mỗi phường, xã “lập kho” ít nhất 2,5 tấn lương thực
Ông Lê Phước Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về dự trữ hàng hóa tại Thừa Thiên - Huế.
Để chủ động đối phó với mùa mưa bão năm nay, từ ngày 23.8, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có công văn số (3635/UBND-TC) chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp với các ban ngành, địa phương chuẩn bị 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền.
Phương án dự trữ hàng hóa để phòng chống lụt bão được triển khai đồng bộ ở 4 cấp từ tỉnh đến các phường xã. Tại cấp tỉnh, Sở Công thương đã ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp dự trữ gạo 100 tấn là Công ty Lương thực Thừa Thiên- Huế và Công ty Thương mại Quảng Điền. Bên cạnh đó, Sở cũng ký hợp đồng với 8 doanh nghiệp khác dự trữ 100 tấn mì ăn liền. Các doanh nghiệp được ký hợp đồng phải chuẩn bị đủ và luôn sẵn sàng xuất kho khi có yêu cầu.
Chính sách, UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất ngân hàng (tính theo lãi suất vay do Chi nhánh Ngân hàng Công thương Thừa Thiên Huế công bố tại thời điểm 15.9.2011), tỷ lệ hao hụt, chi phí lưu kho, vận chuyển…trong thời gian dự trữ.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm chủ động dự trữ thêm 300 tấn gạo và 200 tấn mì ăn liền để đề phòng tình huống khi có sự cố bão lụt, ách tắc giao thông. Công ty Xăng dầu Thừa Thiên- Huế dự trữ 100.000 lít xăng, dầu để phục vụ công tắc phòng chống bão lụt của tỉnh.
Đối với cấp huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế đã dự trữ 195 tấn gạo, 145 tấn mì ăn liền; đối với cấp xã, phường, thị trấn, UBND huyện cấp kinh phí để các xã, phường, thị trấn tiến hành ký hợp đồng mua dự trữ 387 tấn gạo, 216 tấn mì. Bình quân hiện mỗi xã, phường hiện tại đều có 1,5 tấn gạo và hơn 1 tấn mì được chuẩn bị để sẵn sàng xuất kho khi có tình huống bão lụt nghiêm trọng xảy ra.
Ngoài ra, tại huyện A Lưới, UBND tỉnh cũng đã cấp 20 tấn gạo, 5 tấn mì ăn liền gửi vào các kho biên phòng, UBND xã… để sẵn sàng xuất khi cần thiết. Bên cạnh lượng lương thực dự trữ của các cấp chính quyền, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân chủ động dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm… tối thiếu phải bảo đảm đủ để sinh hoạt từ 7 -10 ngày trong trường hợp có sự cố bão lụt, cô lập.
Sau khi triển khai, Sở Công thương thường xuyên đi kiểm tra và đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp, địa phương đã chuẩn bị rất tốt phương án dự trữ hàng hóa để phòng chống lụt bão. B.N.Long (thực hiện) |