»

Thứ bảy, 18/01/2025, 13:11:35 PM (GMT+7)

Tan nát hai bờ sông Tiền, sông Hậu

(22:22:23 PM 08/07/2011)
(Tin Môi Trường) - Sông Tiền và sông Hậu ở ĐBSCL đang là miếng mồi ngon cho “cát tặc”. Ở đây “cát tặc” lộng hành suốt ngày đêm, bất chấp sự phản ứng dữ dội của người dân địa phương.

>> Kỳ 1:“Cát tặc” tác oai tác quái

 

Ghe khai thác cát lậu hoạt động trên sông Tiền giữa ban ngày (đoạn huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) - Ảnh: NGỌC HẬU

 

Nạn khai thác cát lậu đã làm sạt lở đất hai bờ sông Tiền và sông Hậu, khiến nhiều người mất đất, mất nhà phải bỏ xứ đi.

 

Bỏ xứ mà đi

 

Khi biết chúng tôi sẽ đến cồn Phú Đa (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) tìm hiểu tình trạng khai thác cát lậu, một vị lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường Bến Tre cảnh báo: “Lên đó phải cẩn thận nha. Các đối tượng khai thác cát lậu rất hung hăng, sẵn sàng tấn công những người dòm ngó việc làm của họ”. Vị này cũng nói lực lượng thanh tra rất mỏng, không thể đi kiểm tra đơn độc vì có thể bị tấn công và mất người như ở Sở Tài nguyên - môi trường Tiền Giang vài năm trước.

 

Men theo con đường mòn sình lầy chừng vài cây số, chúng tôi đến được đầu cồn Phú Đa, giáp tỉnh Vĩnh Long. Khu đất này là nhà của anh em ông Cao Trí Tâm và Cao Trí Tính. Mọi người đang thu dọn đồ đạc rất khẩn trương. Ông Tâm buồn bã: “Tụi tui bán đất rồi, giờ bỏ xứ đi chú ơi. Ở đây chịu không nổi nạn khai thác cát lậu ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Đất đai của gia đình tui bị sạt xuống sông mất gần hết rồi”.

 

Ông Cao Trí Tính nói trước đây cồn Phú Đa cũng bị sạt lở nhưng không đáng kể. Thế nhưng khoảng 6-7 năm nay, khi xuất hiện tình trạng khai thác cát lậu thì tốc độ sạt lở rất khủng khiếp. Ông Tính dẫn chứng: “Trước đây gia đình tôi phải cuốc bộ cả cây số mới tới đầu cồn để đi đò qua Vĩnh Long, nay bến đò đã ở sát nhà tôi rồi, tức cồn Phú Đa đã bị mất cả cây số”. Còn theo UBND xã Vĩnh Thành, diện tích đất cồn bị mất trong mấy chục năm qua khoảng 50ha, đặc biệt năm năm qua mất tới 32ha.

 

“Đại công trường”

 

Trên sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp, hoạt động khai thác cát rất sôi động. Tại huyện Hồng Ngự, khu vực đầu cù lao Long Khánh, ở đây giống như một đại công trường với những xáng liên tục lấy cát đổ cho cả chục sà lan vây quanh.

 

Dọc cù lao này tàu ghe mặc sức bơm hút, cứ hết lượt này tới lượt khác. Ở đây, bờ sông gia tăng sạt lở trên chiều dài 4km, khu vực đình làng đã biến mất, tuyến dân cư mới xây dựng bố trí nơi ở mới cho người dân tiếp tục bị đe dọa.

 

Ông Dương Trung Kỉnh, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Hồng Ngự, cho biết việc kiểm tra khai thác cát lậu được thực hiện thường xuyên nhưng người dân lại nói nạn lấy cát trộm vẫn tồn tại, vào ban đêm các phương tiện được cấp phép cũng “xé rào” tiến sát bờ lấy cát.

 

Dọc hai bờ sông Tiền thuộc địa phận huyện Thanh Bình, đặc biệt phía cù lao Tây, nhiều năm nay bị sạt lở nghiêm trọng, người dân mất dần đất đai. Tuy nhiên trên đoạn sông này vẫn tồn tại mỏ khai thác và vô số ghe bơm hút cát lậu.

 

ĐỨC VỊNH

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, khu vực cồn Phú Đa tỉnh không cấp phép khai thác mỏ cát nên nếu có phương tiện khai thác đều là lậu. Nhiều người dân ở cồn Phú Đa cho biết ngày bình thường có 10-20 chiếc ghe “đổ quân” tới khu vực đầu cồn bơm hút cát. Còn những lúc cao điểm người dân đếm được hơn 100 chiếc, thậm chí có cả ghe 70-100 tấn tham gia bơm hút sát bờ cồn. Hằng ngày, ghe cát “đổ quân” bơm hút từ 3g sáng và ngang nhiên hoạt động đến 21g mới nghỉ.

 

Bà Nguyễn Thị Chấu, bí thư chi bộ ấp Phú Đa (xã Vĩnh Bình), cho biết người dân địa phương rất bức xúc với tình trạng khai thác cát lậu. Rất nhiều lần họ cho ghe chạy ra sông dùng gạch đá tấn công, dọa đốt ghe tàu hút cát lậu.

 

“Người dân còn dùng ná thun bắn đá lên sà lan để phản ứng nhưng chẳng ăn thua gì” - ông Nguyễn Văn Bê, trưởng ấp Phú Đa, nói. Bà Chấu còn nói: “Bơm hút cát lậu ầm ầm vậy, nhưng khi người dân gọi điện báo đoàn kiểm tra của tỉnh lên thì không còn chiếc nào. Rất khó hiểu!”.

 

Ông Nguyễn Hải Châu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bến Tre, thừa nhận những đối tượng khai thác cát lậu có “ăngten” khắp nơi. Việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thì phải lên kế hoạch và thông báo đến các đơn vị chức năng, nên không thể tránh khỏi tình trạng rò rỉ thông tin. Khi đoàn kiểm tra xuất quân thì chẳng bắt được bao nhiêu trường hợp.

 

Hết chỗ dời nhà

 

Tại An Giang, dọc tuyến sông Hậu đoạn cù lao Bà Hòa, huyện Châu Thành thường xuyên có mấy chiếc xáng cạp liên tục thả gàu lấy cát đổ lên cho các sà lan vây quanh. Cạnh đó còn nhiều ghe thả vòi bơm cát, chiếc này vừa hút đầy cát lao đi lập tức lát sau có chiếc khác tới.

 

“Tối nào cũng vậy, luôn có ghe đến lấy cát trộm thâu đêm, chừng 7g sáng họ tản đi hết” - cánh dân chài cho biết.

 

Từ nhiều năm nay đoạn sông Hậu nằm giữa hai huyện Phú Tân và Châu Phú có cả chục điểm khai thác cát, trong đó nhiều điểm lấy cát lậu. Kể từ đó bờ sông sạt lở ngày một gia tăng, đoạn từ Phú Bình tới Phú Hiệp (Phú Tân dài hơn 7km) bị lở nặng, hàng trăm hộ dân lần lượt mất đất, mất nhà. Tỉnh đã cho cắm các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nhưng ngoài sông hoạt động khai thác cát vẫn tiếp tục và ghe bơm hút cứ thi nhau lấy cát ngày đêm.

 

“Ban đêm nó tiến sát bờ lấy cát, đất cứ tiếp tục lở. Tụi tui đã mấy bận dời nhà, nay không còn chỗ để dời nữa rồi” - ông Nguyễn Văn Thum cùng nhiều hộ ở xã Phú Bình bức xúc.

 

Cù lao Bà Hòa cũng là điểm nóng khai thác cát. Về đêm, nhất là mùa lũ, những chiếc xáng thường lấy cát sát bờ gây sạt lở khiến mấy năm nay đất sản xuất mất dần. Ông Huỳnh Văn Phước cho biết nhà ông có hơn 6.300m2 trồng hoa màu, nay chỉ còn hơn 2.000m2; có hộ toàn bộ diện tích canh tác đã biến mất xuống sông.

 

“Trước đây khu vực này được bồi, từ khi cho phép khai thác cát thì đất bị sạt lở rất nhanh. Bờ sông hiện đang bị lở trên đoạn dài hơn 2.000m, có nơi sâu vào bờ 10-15m. Không chỉ người dân mà chính quyền cũng rất bức xúc” - lãnh đạo xã Bình Thạnh cho hay.

 

Ở huyện Châu Phú, bờ đông cù lao Bình Thủy hiện tiếp tục sạt lở trên chiều dài 3,5km với hàng trăm nhà dân và 10 cơ sở sản xuất gạch ngói nằm trong vành đai nguy hiểm. Người dân cho rằng trước đây hằng ngày trên đoạn sông này luôn có hơn chục chiếc sà lan mặc sức lấy cát, từ đó gây nên sạt lở. Dù họ đã nhiều lần ngăn chặn nhưng hiện về đêm xáng múc cứ tiến sát vào bờ, ghe bơm hút vẫn ngang nhiên lấy cát.

 

Ông Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở TN-MT An Giang, thừa nhận: “Khai thác cát trái phép không được kiểm soát đã gây sạt lở đất bờ sông và thực tế đã xảy ra ở một số nơi”.

 

 

Bó tay với “cát tặc” trên sông Cái

 

Mỗi ngày có hàng chục ghe ồ ạt hút cát trái phép trên sông Cái thuộc địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Người dân kêu trời vì dòng chảy thay đổi, ruộng vườn bị sạt lở, trong khi cơ quan chức năng nói thiếu phương tiện kiểm soát tình trạng này.

 

Mới 6g sáng, tại sông Cái (khu vực giáp ranh giữa hai xã Diên Phước và Diên Lâm, huyện Diên Khánh), ghe hút cát đã ầm ầm hoạt động. Chỉ một đoạn sông dài chưa đầy 1km nhưng có đến tám ghe cùng hút cát. Cứ 15 phút có một chiếc ghe hút đầy cát rồi chở vào bến bãi, ghe nào cũng hút từ sáng tinh mơ đến tận tối mịt.

 

Ông Nguyễn Hùng (xã Diên Phước) cho biết mấy năm trước ở đây là bãi bồi có thể lội bộ qua sông, nhưng đến nay lòng sông sâu 4-8m. Mùa hè ghe hút cát lậu làm tụt cát dưới đáy, đến mùa mưa đất vườn hai bên bờ sạt xuống trôi theo sông.

 

“Mỗi khi thấy ghe hút sát bờ, tôi chạy ra xua đuổi thì chúng còn chửi lại thách thức. Cách đây không lâu, một người dân quá bức xúc do đất vườn bị sạt lở đã dùng thuyền nhỏ bơi ra sông cắt dây neo ghe hút cát lậu, liền bị chúng quần cho thuyền của ổng chìm luôn”- ông Hùng kể.

 

Bà Võ Thị Thu, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường UBND huyện Diên Khánh, nói mỗi khi công an xã hay đội liên ngành xuất hiện thì chúng nhấn chìm ghe rồi tẩu thoát, thậm chí còn hăm dọa người thi hành nhiệm vụ.

 

Còn ông Nguyễn Đình Bá, chủ tịch UBND xã Diên Phước, khẳng định: “Kỳ họp tiếp xúc cử tri nào người dân cũng phản ảnh gay gắt việc hút cát lậu. Tôi đã kiến nghị lên cấp trên đề nghị có biện pháp ngăn chặn nhưng chẳng thấy khả quan gì”.

 

Thượng tá Đào Ngọc Châu, đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Diên Khánh, cho biết hiện nay dọc sông Cái chảy qua địa bàn huyện dài khoảng 12km có khoảng 30 ghe hút cát lậu phục vụ 18 bến bãi.

 

Theo thượng tá Châu, phương tiện để kiểm tra và bắt giữ ghe hút cát chỉ có duy nhất chiếc canô phòng chống bão lụt mượn của huyện đội. Mỗi lần kéo canô xuống sông chạy ầm ầm nên “cát tặc” phát hiện và báo cho nhau để né hết.

 

Một bến đổ cát lậu hoạt động công khai tại xã Diên Lâm - Ảnh: VĂN KỲ

VĂN KỲ

 

NG.HẬU - T.TÚ - Đ.VỊNH
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tan nát hai bờ sông Tiền, sông Hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI