(Tin Môi Trường) - Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, gây mất đất ở, đất sản xuất của hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu.
Mặc dù đã được Trung ương hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn, người dân cũng kiến nghị dừng khai thác cát sỏi để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông nhưng việc khai thác cát sỏi tại khu vực này vẫn tiếp tục được cấp phép trong thời gian dài nữa.
Nạn khai thác, sỏi trên Thạch Hãn gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nặng.
* “Tiến thoái lưỡng nan” vì khai thác cát
Những ngày giữa tháng 1/2018, đã giữa trưa nhưng nhiều tàu công suất lớn hút cát sỏi trên sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) vẫn hoạt động nhộn nhịp. Giữa dòng sông, những chiếc máy hút cát sỏi hoạt động hết công suất, phát ra chuỗi tiếng kêu xình xịch mà từ xa cũng có thể nghe thấy. Trước đây, để chống sạt lở cho bờ sông Thạch Hãn, người dân địa phương đã trồng những dãy tre dọc theo bờ con sông này. Giờ những dãy tre đang dần “biến mất”, trong đó một số cây bị ngã đổ xuống lòng sông do bờ sông sạt lở không còn đất để tre bám trụ, số khác đã nghiêng ngả về phía lòng sông và
việc “biến mất” chỉ còn là vấn đề thời gian.
Các loại cây trồng ngắn ngày, cây lâu năm cũng đã và đang mất dần do bờ sông Thạch Hãn sạt lở gây mất đất. Ở một số điểm, tình trạng sạt lở bờ sông đã tiến sát mép con đường chính đi qua xã Hải Lệ. Nghiêm trọng hơn là nhà ở và các công trình của người dân đã không còn “đường lùi”. Cụ thể, ở phía bờ sông Thạch Hãn, tình trạng sạt lở đã áp sát đến các công trình, phía trước nhà ở là mặt đường. Theo người dân địa phương, họ đang phải sống trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi phía sông Thạch Hãn tàu hút cát hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm; phía trước nhà ở là con đường mà xe tải chở cát chạy qua, khiến đường bụi mù mịt mỗi khi trời nắng, nhếch nhác khi có mưa. Tất cả khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Bà Nguyễn Thị Sen, 65 tuổi, sinh sống ở ven bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ đã 27 năm qua. Bà Sen còn nhớ, trước đây bờ sông Thạch Hãn còn cách xa căn nhà hiện tại nhiều mét. Khi chưa có khai thác cát sỏi, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn chưa nghiêm trọng như bây giờ. Bà Sen cho biết: Từ khi có khai thác cát sỏi, bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở nghiêm trọng; người dân phản đối, kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa thấy trả lời. Bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở như hiện nay, hộ nào cũng lo sợ và đề nghị không cho khai thác cát nữa. Nếu cứ khai thác cát sỏi, gây sạt lở nữa là cả dãy nhà ở đây không còn.
Tương tự, bà Ngô Thị Hiền, 63 tuổi, sinh sống ở ven sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ cũng đã 30 năm. Trong trí nhớ của bà Hiền, trước đây bờ sông Thạch Hãn còn cách vị trí hiện nay đến 8m. Bà Hiền chia sẻ: Bây giờ, bờ sông Thạch Hãn sạt lở đã vào sát nhà ở, người dân lo sợ và không yên tâm làm ăn. Theo bà Hiền, tình trạng khai thác cát thời gian qua đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thạch Hãn,
việc khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm với nhiều tàu thuyền hoạt động. Người dân đề nghị cơ quan chức năng dừng không cho khai thác cát nữa để không ảnh hưởng đến đời sống của bà con, không gây thêm sạt lở bờ sông Thạch Hãn.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Hải Lệ, trên sông Thạch Hãn đoạn qua địa phương, thời gian qua có một đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi. Đơn vị này vừa được tỉnh gia hạn khai thác cát trên sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ. Bên cạnh đó, có một số đối tượng từ địa phương khác đến khai thác cát trái phép. Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết thêm, địa phương có khoảng 60 hộ cần phải di dời do bờ sông Thạch Hãn sạt lở nghiêm trọng.
* Vừa di dân, chống sạt lở… vừa cấp phép khai thác cát
Hệ quả từ khai thác cát sỏi là làm thay đổi dòng chảy và sạt lở bờ sông đã được người dân, các nhà khoa học, nhà quản lý chỉ ra và khuyến cáo. Thế nhưng khi đề cập đến tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, các cơ quan chức năng của địa phương lại mới chỉ ra một trong những nguyên nhân là do lũ lụt.
Theo UBND xã Hải Lệ, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn xã bị sạt lở có chiều dài đến 1.200 m, trong đó chủ yếu ở thôn Như Lệ. Những năm qua, do ảnh hưởng của bão lụt nên một số đoạn của bờ sông Thạch Hãn bị xói lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đất sản xuất và đời sông của người dân. Trong số các hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông Thạch Hãn, UBND xã Hải Lệ đã lên phương án di dời tạm thời 40 hộ với tổng số 148 nhân khẩu. Theo đó, đối với 20 hộ gồm 73 nhân khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở cao, địa phương vận động người dân di dời đến nhà người thân để đảm bảo an toàn. Với 20 hộ còn lại, địa phương tiếp tục vận động họ tìm nơi ở mới nằm trong khu vực quy hoạch dân cư của xã. Địa phương cũng kiến nghị, cần có hỗ trợ kinh phí, lương thực cho những hộ di dời để có điều kiện đến nơi ở mới...
UBND tỉnh
Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-UBND về việc, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị”. Theo đó, dự án có tổng diện tích trên 35,5 ha tại xã Hải Lệ với các hạng mục: Đất khu dân cư 68 lô bao gồm đất ở và đất vườn với diện tích gần 8,5 ha; đất cơ sở hạ tầng xã hội gần 3,6 ha; đất hạ tầng kỹ thuật trên 2,6 ha; diện tích đất còn lại được sử dụng vào mục đích khác…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị, vừa phân bổ vốn đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở, vừa tiếp tục cấp phép khai thác cát sỏi dưới lòng sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ. Cụ thể, ngày 4/1/2018, UBND tỉnh
Quảng Trị ban hành Quyết định số 03/QĐ-UBND về việc, phân bổ 50 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 10 và số 12 năm 2017; trong đó dành 14 tỷ đồng đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Thạch Hãn, qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Cùng ngày, UBND tỉnh
Quảng Trị ban hành Quyết định số 08/QĐ-UBND quết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư là Hợp tác xã Sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác cát sỏi Như Lệ khai thác cát, sỏi lòng sông Thạch Hãn làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Dự án có quy mô gần 3 ha, trong đó 2,8 ha cấp phép khai thác mỏ, diện tích còn lại làm bãi tập kết vật liệu và lán trại. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2,1 tỷ đồng, hoạt động trong 3 năm, công suất 20.000 m3 cát, sỏi/năm.