Nhà nhà mua cát để cải tạo đất trồng tỏi khiến đảo Lý Sơn “sốt” cát - Ảnh: Hiển Cừ |
Để ruộng tỏi cho năng suất cao, củ tỏi có hương vị cay, thơm nồng, cứ đến vụ tỏi mới người dân trên đảo buộc phải cải tạo đất, cào hết lớp cát cũ thay vào đó là phủ lên bề mặt một lớp cát mới. Theo tính toán của Phòng Kinh tế - hạ tầng và nông thôn H.Lý Sơn, mỗi năm nông dân trồng tỏi trên đảo cần khoảng 1 triệu m3 cát để cải tạo hơn 300 ha đất trồng tỏi.
Tuy nhiên từ nhiều năm qua, nguồn cát ven bờ biển trên đảo cạn kiệt nên nhiều người đã dùng bè ra biển cách bờ chừng vài trăm mét để hút cát. Khi cát đã đầy, họ kéo bè chạy vào bờ và cho cát xuống biển, rồi sau đó mới hút cát lên trên bờ để bán. Song, hiện tại nguồn cát biển gần bờ cũng không còn, họ phải đưa bè ra biển cách bờ chừng 2 km và hút cát ở độ sâu hơn 15m.
Ông Dương Ra (ở xã An Hải) - một chủ bè cho biết: “Ở đây có 10 bè làm nghề hút cát biển, bình quân mỗi bè một ngày ra biển 2 chuyến và chỉ hút được hơn 20m3 cát. Lúc đầu lượng cát dưới đáy biển dày hơn cả mét nhưng hút riết giờ cũng đã hết dần, nên việc khai thác cát trên biển ngày càng khó”.
Lượng cát hút được từ đáy biển ngày càng ít nhưng nhu cầu cần cát mới để cải tạo đất trồng tỏi của nông dân vẫn giữ nguyên như mọi năm. Hệ quả là những ngày qua, nhà nhà, người người đi mua cát nên Lý Sơn xảy ra tình trạng “sốt”... cát.
Đứng bên đống cát vừa mới mua được, bà Nguyễn Thị Liên (ở xã An Hải) thở phào: “Gia đình tui đã đặt trước cả tuần, giờ mới có được xe cát đủ để cải tạo 350m2 đất trồng tỏi. Thời điểm này, ai cũng sợ hết cát nên tranh thủ đặt mua. Vì thế giá cát đang “nóng” lên từng ngày”. Theo ông Trương Văn Đồng (xã An Hải), để cải tạo 2 sào đất trồng tỏi, chỉ riêng việc mua 6m3 cát biển đã mất hơn 800.000 đồng. “Giá cát mỗi năm một tăng, từ vài chục ngàn bây giờ đã hơn 100 ngàn đồng/m3, chưa kể tiền đầu tư phân, thuốc nên tính ra trồng tỏi chỉ lấy công làm lời”, ông Đồng than thở.
Điều đáng lo ngại là việc ồ ạt dùng bè hút cát từ dưới đáy biển sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển, gây nguy cơ sạt lở, xâm thực bờ biển khiến diện tích đất đảo ngày càng teo tóp dần, mỗi năm hơn 1 ha đất bị triều cường xóa sổ. Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng và nông thôn Lý Sơn thừa nhận: “Chính quyền địa phương đã nhìn thấy hiểm họa từ việc dùng bè khai thác cát dưới biển sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn, nhưng nếu cấm thì lấy cát đâu ra để cải tạo đất trồng tỏi”. Theo ông Lê, đã có nhiều đề tài nghiên cứu giải pháp thay thế nguồn cát biển trong việc cải tạo đất trồng tỏi nhưng các mô hình đều thất bại. “Địa phương chỉ còn cách vận động những chủ bè hút cát nên tránh khai thác ở những rạn san hô, ở gần vùng biển sát bờ”, ông Lê nói.
Bài toán về nguồn cát biển phục vụ cho trồng hành, tỏi ở Lý Sơn và nạn triều cường xâm thực bờ biển vẫn trong vòng luẩn quẩn, không có lối thoát. Chẳng bao lâu nữa lượng cát dưới đáy biển gần bờ sẽ hết, những bè hút cát phải móc sâu hơn vào lòng biển. Xem ra ở Lý Sơn, cát vẫn “nóng” và “sốt” dài dài.
Theo Hiển Cừ/Thanh Niên