»

Thứ bảy, 18/01/2025, 13:04:20 PM (GMT+7)

Kiên Giang: Ồ ạt “làm thịt” tài nguyên khoáng sản

(19:52:28 PM 06/10/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Ở ĐBSCL, tỉnh Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại khoáng sản. Thế nhưng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào bậc nhất trong vùng này đang bị bào mòn vì nạn khai thác ồ ạt.

Khai thác đá tại núi Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang - Ảnh: Tấn Thái

 
Có mặt ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất - nơi có mỏ đá lớn nhất Kiên Giang, nhìn lên ngọn núi Hòn Sóc chúng tôi thấy núi bị “xẻ thịt” nhiều nơi loang lổ.
 
 
Bốn mặt núi bị “xẻ thịt”
 

"Các đơn vị được cấp phép khai thác chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản. Tác động tích cực của khai thác khoáng sản đến phát triển kinh tế - xã hội ở các nơi có mỏ ít".
 
Bà Võ Thị Vân (phó giám đốc Sở TN-MT Kiên Giang)

Cả vùng núi rừng này như một đại công trường nham nhở. Tại vị trí khai thác của doanh nghiệp Quốc Thắng, chúng tôi thấy nhiều xe cuốc đang vươn vòi cào xới ầm ầm, hàng tốp công nhân hì hục khoan đá. Ông Nguyễn Văn Út (công nhân khai thác đá) ngồi chẻ đá dưới chân núi cho biết: “Hiện nay đã gần hết đá nên họ chỉ cho một ít xe máy vô mót lại, chứ trước đây khai thác dữ lắm”.

 

 

Cách khu vực này không xa là đại công trường khai thác của các công ty như: Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Kiên Giang, Công ty 622, doanh nghiệp Nguyễn Bay... diễn ra ồ ạt. Hàng chục xe ben ra vào dập dìu lấy đá khai thác từ núi Hòn Sóc túa đi các ngả đường. Xung quanh bốn mặt của núi Hòn Sóc đều bị các đơn vị khai thác đá bao vây và thi nhau “xẻ thịt”.
 
 
Theo một cán bộ Phòng tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT Kiên Giang), mỏ đá Hòn Sóc có diện tích 128ha, trữ lượng khoảng 32 triệu tấn. Hiện nay có 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác và đã khai thác hết khoảng 5 triệu tấn. Cũng theo vị cán bộ này, tới đây do nhu cầu đá xây dựng tăng nên các doanh nghiệp sẽ tăng công suất khai thác, dự báo năm 2020 núi Hòn Sóc sẽ bị san phẳng.
 
 
Dãy núi Moso, núi Khe Lá, Bãi Voi (huyện Kiên Lương)... sừng sững ngày nào nhưng nay cũng tan hoang, ngọn núi bị cắt ngày càng thấp xuống. Ông Nguyễn Văn Đợi ở xã Bình An, huyện Kiên Lương than: “Nếu cứ khai thác kiểu này thì chẳng bao lâu nữa Kiên Giang sẽ không còn núi”.
 
 
Khai thác ồ ạt
 
Theo Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đến năm 2020. Theo quy hoạch này, Kiên Giang có các loại khoáng sản được khai thác như: đá xây dựng, đá vôi, sét gạch ngói, vật liệu san lấp, than bùn. Hiện ngoài 6/8 mỏ đá vôi đã được Bộ TN-MT cấp phép khai thác, tỉnh đã cấp thêm 11/14 mỏ.
 

 

Tương tự, đá xây dựng đã cấp phép 6/7 mỏ... Tình trạng cấp phép khai thác thoải mái cũng diễn ra đối với khoáng sản là vật liệu san lấp và than bùn.

 

Khi được hỏi khai thác khoáng sản đem lại lợi ích gì cho địa phương, bà Võ Thị Kiều Dung - phó chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất - than thở: “Mất nhiều hơn được. Khai thác khoáng sản ồ ạt khiến môi trường bị ô nhiễm, đường sá hư hỏng nặng nề do xe chở đá quá tải và tai nạn giao thông gia tăng”.
 
Theo bà Võ Thị Vân, phó giám đốc Sở TN-MT Kiên Giang, việc khai thác khoáng sản chưa đúng với thiết kế được phê duyệt. Nguồn thu của Nhà nước từ khoáng sản chưa tương xứng với kết quả đã khai thác. Cũng theo bà Vân, hiện nay cán bộ quản lý về tài nguyên khoáng sản của tỉnh thiếu trầm trọng. Trong khi đó, các mỏ thường phân bổ ở các khu vực địa hình núi hiểm trở, xa các trục đường giao thông nên công tác quản lý gặp khó khăn.
 
Trước thực tế này, mới đây tại buổi làm việc với Sở TN-MT, ông Lê Văn Thi, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo: “Từ năm nay tỉnh sẽ không tiếp nhận hồ sơ mới về chủ trương khảo sát, thăm dò khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
 

Quên ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường
 
Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn. Theo đó, đoàn đã phát hiện nhiều đơn vị khai thác trái phép, hết hạn khai thác nhưng vẫn tiếp tục khai thác, cụ thể như các doanh nghiệp Nguyễn Bay, Quốc Thắng, Quang Tuyến.
 
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác chưa đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, Công ty TNHH Quý Hải - AMC, Công ty TNHH Kiên Hà, chi nhánh Công ty cổ phần khai thác Biển Tây “quên” ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

 
TẤN THÁI (Tuổi trẻ)

 

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Kiên Giang: Ồ ạt “làm thịt” tài nguyên khoáng sản

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI