Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Pi Toong, Sơn La
(10:47:36 AM 26/01/2013)
Ngổn ngang công trường
Theo chân một người dân bản địa, chúng tôi ngược về phía thượng nguồn con suối Toong chảy qua địa phận 3 bản Lứa, Hua Nà và Nà Phìa của xã Pi Toong để tiếp cận khu khai thác vàng trái phép. Vượt hành trình chưa đầy 1km, không gian yên tĩnh của làng bản bỗng biến mất mà thay vào đó là tiếng máy nổ ầm vang vọng cả một vùng. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các nhóm từ 4 đến 5 người cả nam và nữ đang dầm mình trong dòng suối giữa trời lạnh để đào, đãi vàng. Hầu hết họ đều dùng tay và các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng và các sàng vàng làm bằng gỗ đễ đãi vàng.
Hướng tầm mắt về một khu đất ngay bên cạnh dòng suối, chúng tôi nhận ra nhiều hố rộng vài chục mét, sâu hàng chục mét. Dưới đó là những nhóm khoảng 4 người đang đãi vàng và điều khiển những chiếc máy bơm nước cỡ lớn hoạt động hết công suất. Từ các hố vàng này, những dòng nước đục ngầu bùn đất được hút lên và đổ vào dòng suối Toong. Người dẫn đường cho biết, những nhóm nhỏ đang đào đãi vàng ở dọc suối chỉ là những người dân trong bản, do không có việc làm nên vào đây để mót vàng. Những nơi có máy nổ là khu vực của các hộ dân đào vàng trên chính mảnh đất của gia đình họ. Tiếp tục theo người dẫn đường đi sâu vào khu khai thác vàng, dọc đường chúng tôi đếm được hơn 10 nhóm nhỏ đang đào, đãi vàng trên các nhánh suối và hơn 20 chiếc máy nổ ở dưới lòng các hố sâu. Đến khu vực đầu nguồn của con suối, chúng tôi nhận thấy ở đây có xuất hiện thêm nhiều những thiết bị quy mô lớn như: máy xúc và sàng vàng… Mỗi chiếc sàng vàng bằng sắt cao khoảng 2mét, rộng 1mét. Xung quanh khu vực khai thác vàng, nhiều lán tạm đã được người dân dựng lên để sinh hoạt, nghỉ ngơi sau khi khai thác. Người dẫn đường cho chúng tôi biết thêm, khu vực này trước đây là sườn núi, nhưng để khai thác vàng người dân đã dùng máy xúc khoét sâu vào các sườn núi, tạo thành bãi đất rộng với nhiều hố sâu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc khai thác vàng tại xã Pi Toong đã có từ lâu, chủ yếu chỉ khai thác thủ công, nhỏ lẻ và dùng sức người là chính. Nhưng khoảng từ năm 2010 đến nay, do mang lại lợi nhuận cao nên việc khai thác vàng trở nên rầm rộ hơn. Nhiều hộ dân đã sắm cả máy xúc, máy sàng, máy bơm nước để đi khai thác vàng. Thống kê chưa đầy đủ của chính quyền xã Pi Toong, hiện trên địa bàn xã có 4 hộ dân đã mua máy xúc với số tiền từ 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/chiếc. Họ mua máy xúc không chỉ phục vụ việc khai thác vàng trên đất của mình mà còn cho các hộ dân thuê lại với giá 1 triệu đồng/giờ. Việc khai thác vàng không chỉ diễn ra theo dọc con suối Toong mà ngay trong bản Lứa, có hộ dân đã dỡ nhà để tìm vàng. Chưa biết có tìm thấy vàng hay không, nhưng hệ luỵ nhãn tiền là nhiều hộ dân trong bản đã và có nguy cơ mất đi những diện tích đất ruộng nuôi sống gia đình bao năm qua. Điển hình như ông Lò Văn Đinh ở bản Lứa, gần như toàn bộ diện tích đất của gia đình ông đã trở thành một cái ao rộng hàng trăm mét vuông và sâu gần 10 mét.
Hệ lụy khôn lường
Việc khai thác vàng trái phép đã khiến gần 90 hộ dân tại bản Lứa lâm vào tình trạng không có việc làm do nguồn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp đã cạn kiệt. Người dân ở đây cho biết, cánh đồng bản Lứa từng là một trong những vựa lúa lớn của xã Pi Toong và huyện Mường La. Nhưng giờ đây, những thửa ruộng chỉ trơ lại gốc rạ, đất đai khô cằn, nứt nẻ, chằng chịt vết chân chim. Con suối Toong, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho việc sản xuất nông nghiệp chỉ còn là một dòng chảy nhỏ, đục ngầu bùn đất. Theo ông Lò Văn An, trưởng bản Lứa cho biết: “Nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm trong bản là do các hộ dân khi khai thác vàng đã đào các hố sâu hàng chục mét khiến nguồn nước ngầm tập trung vào các hố này. Bên cạnh đó, để phục vụ việc đào, đãi vàng họ lại bơm nguồn nước này ra ngoài cùng với bùn đất nên nguồn nước ngầm trong bản cạn kiệt. Còn trên dòng suối Toong, nước đã nhiễm bùn đất không sử dụng được”. Ông An cũng cho biết thêm: Cuộc sống của người dân trong bản chủ yếu phụ thuộc vào 12ha ruộng, nhưng không có nước nên người dân không thể sản xuất. Hộ nào cố trồng chỉ thu được rơm rạ để làm thức ăn cho trâu bò, chứ cây lúa thì không có hạt. Vì thế, những hộ có đất ở dọc suối Toong mới có thu nhập từ việc đào vàng, còn những hộ còn lại hầu hết không có công ăn, việc làm.
Không giấu nổi bức xúc, anh Lường Văn Diễn, bản Lứa cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 ha ruộng, nhưng gần 3 năm nay không thể cấy lúa được, nay lại đến vụ đói giáp hạt, cả nhà chưa biết trông cậy vào đâu”. Nguy hại hơn, nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân tại bản Lứa cũng đang dần mất đi. Các mó nước là nơi cung cấp nguồn nước chính cho người dân trong bản sinh hoạt hàng ngày, nhưng hiện nguồn nước này cũng không còn đủ để người dân sử dụng. Trưởng bản Lứa cho biết, trước đây các mó nước trong bản lúc nào cũng đầy ắp nước, chảy cả ngày cũng không hết. Nhưng hiện nay, người dân phải dùng gạch xây quanh các mó nước tạo thành các bể chứa thì mới hi vọng có nước để dùng. Các giếng nước trong bản cũng đang phải chịu tình trạng tương tự. Nhiều hộ dân tại bản Lứa cho biết, vài năm trở lại đây, năm nào họ cũng phải đào thêm đáy giếng sâu xuống khoảng 1 mét để có nước dùng, nhiều giếng đã sâu hơn 10 mét nhưng chỉ có khoảng 1 mét nước, chỉ đủ bơm trong một buổi sáng, chứ không như trước đây bơm cả ngày không hết.
Nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp đã mất, để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, không còn cách nào khác người dân lại đi khai thác vàng. Dù năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng hàng ngày bà Quàng Thị Ku ở bản Lứa vẫn phải vào khu khai thác vàng làm việc. Bà cho biết, gia đình bà cũng có ruộng, trước đây còn nước thì có thể cấy lúa, nhưng giờ nước hết rồi nên phải đi “mót” vàng
Cần có giải pháp triệt để
Việc khai thác vàng tại xã Pi Toong đã diễn ra từ lâu và để lại những hậu quả nặng nề đối với người dân tại đây. Điều này, chính quyền địa phương không phủ nhận, nhưng thực tế hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề này. Ông Quàng Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Pi Toong cho biết: “Trước thực trạng khai thác vàng trái phép của người dân, chính quyền đã tổ chức các đoàn kiểm tra, cưỡng chế thu máy móc, phương tiện khai thác vàng của người dân trên địa bàn. Nhưng xã cũng chỉ có quyền xử phạt hành chính đến mức tối đa là 2 triệu đồng nên chưa thể răn đe người dân”.
Ông Phan Tiến Diện, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mường La cho biết, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành để xử lý nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép tại xã Pi Toong. Tuy nhiên, việc “dẹp nạn” khai thác vàng tại địa bàn xã Pi Toong vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Nguyên nhân là khi tổ công tác đến kiểm tra thì người dân đã phát hiện và báo cho nhau để dừng việc khai thác.
Theo Chủ tịch UBND xã Pi Toong, tình trạng khai khai thác vàng xuất hiện ở 7 bản, trong đó tại bản Cang cũng có nhiều điểm khai thác trên các thửa ruộng. Nhưng bản này lại nằm một bên con đường vào xã và những vị trí này chỉ cách UBND xã chưa đầy 500m. Vì vậy, khó có chuyện người dân khai thác vàng mà lực lượng chức năng không biết ! Lãnh đạo Phòng tài nguyên& Môi trường huyện Mường La cho biết, việc xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm về thăm dò khai thác vàng trái phép cũng gặp khó khăn. Vì theo quy định, nếu vi phạm lần đầu sẽ bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng, lần thứ hai sẽ xử phạt nặng hơn. Tuy nhiên, người dân sau khi vi phạm lần đầu lại không trực tiếp đứng ra khai thác mà “nhường lại” cho anh em, người thân tiếp tục làm nên việc xử phạt vẫn tính là lần đầu. Nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ dân đều khai thác trên ruộng, đất của nhà mình và đứng tên trong sổ đỏ. Nên nếu nói rằng không xử lý được triệt để thì thật khó hiểu.
Thiết nghĩ, nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép tại xã Pi Toong xảy ra một phần là do người dân chưa nhận thức được hậu quả mà mình phải trực tiếp gánh chịu. Nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn không sớm có giải pháp hữu hiệu và minh bạch để dẹp bỏ nạn khai thác vàng "chui” ở đây thì không biết đến bao giờ con suối Toong mới thôi hết “quặn dòng”, cuộc sống của người dân các bản quanh khu vực mới hết khó khăn./.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.