Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Khai thác titan tại Ninh Thuận: Người dân không đồng tình
(23:18:00 PM 04/12/2012)Khai thác titan tại Ninh Thuận: Người dân không đồng tình - Ảnh minh họa
Phước Dinh là vùng bãi ngang của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dù địa phương có nhiều dự án được triển khai đầu tư, nhưng Phước Dinh vẫn là xã nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thực trạng đã vậy, nay Phước Dinh lại đối mặt với nhiều khó khăn hơn kể từ khi dự án khai thác, thu hồi sa khoáng titan được Công ty Quang Thuận triển khai tại đây. Trước bức xúc của người dân, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công ty tạm dừng hoạt động khai thác, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành chức năng trong tỉnh tiến hành kiểm tra. Qua đó đã phát hiện Công ty Quang Thuận khoan 7 giếng nước, mỗi giếng có đường kính 900mm, đường kính ống bơm nước là 200mm, có sử dụng bơm chìm để bơm hút nước với công suất 35m3/giờ sử dụng để đãi quặng. Các giếng khoan này nằm gần vị trí, khu vực có moong khai thác để cung cấp nước cho hệ thống đãi, tuyển quặng. Mặc dù Công ty chưa được thuê đất để khai thác mỏ theo quy định; chưa được cấp có thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ khai thác, thu hồi quặng titan, nhưng bắt đầu từ tháng 8/2012, Công ty đã tổ chức hoạt động khai thác.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận, ông Lê Huyền khẳng định: Việc Công ty sử dụng nước dưới đất để phục vụ khai thác quặng titan khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Chính hoạt động này đã gây ra hiện tượng hụt nước các giếng sinh hoạt, vị trí khai thác gần sát nhà của người dân, dẫn đến nguy cơ sạt lở. Về đất đai, Công ty chưa ký hợp đồng thuê đất theo quy định; giám đốc điều hành mỏ chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; chưa ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường nhưng đã tổ chức khai thác là không đúng theo giấy phép khai thác khoáng sản, vi phạm luật khoáng sản, đất đai và môi trường. Không những thế, theo kiểm tra, đánh giá của Sở Công Thương tỉnh, vị trí của 3 moong khai thác chưa bám sát với hồ sơ thiết kế được duyệt trước đó. Quá trình khai thác đã tạo góc nghiêng sườn tầng quá lớn từ 45 độ đến 80 độ, gây mất an toàn cho người lao động cũng như người dân trong vùng dự án.
Nhiều hộ dân ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh bức xúc và yêu cầu tỉnh, huyện cần làm rõ vì sao khi chấp thuận chủ trương cho phép Công ty này khai thác, thu hồi sa khoáng titan lại không thông báo rộng rãi cho người dân biết. Khi vỡ lẽ, người dân kiến nghị với chính quyền địa phương thì nhận được câu trả lời là "chúng tôi cũng không hay biết". Mới đây khi bức xúc của người dân lên đến cao trào, không ít việc đã xảy ra nhưng không cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết, sẻ chia nỗi khổ đó cùng người dân, thậm chí không hay biết.
Tại cuộc họp tìm hướng giải quyết do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Hòa cho rằng, trong quá trình triển khai, Công ty chưa báo cáo với các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, hoàn tất các thủ tục. Tuy nhiên Công ty và các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp, hoàn tất các thủ tục còn lại để tiếp tục hoạt động khai thác nhưng phải đảm bảo về môi trường và an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Mặc dù Phó Chủ tịch Trần Xuân Hòa có yêu cầu Công ty phải cam kết với người dân về trách nhiệm khi để xảy ra sự cố, có chính sách để hỗ trợ người dân..., tuy nhiên yêu cầu đó là quá chậm, bởi mọi việc cũng đã xảy ra và việc khắc phục hậu quả do Công ty thực hiện như khoan giếng lấy nước sinh hoạt cho người dân quá trễ, không đủ đáp ứng.
Buổi họp lại tiếp tục diễn ra vào chiều 3/12 tại trụ sở UBND xã Phước Dinh với sự tham dự của các Sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Thuận Nam, chính quyền địa phương cùng đông đảo người dân xã Phước Dinh. Tại đây, mặc dù ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Công ty khẳng định là đã tạm thời khắc phục sự cố bằng cách khoan mới 2 giếng nước cho hai hộ dân, đồng thời cam kết tiếp tục khảo sát khoan mới 17 giếng nước còn lại trong vùng để người dân sử dụng. Tuy nhiên những gì Công ty đã làm và cam kết thực hiện vẫn không thỏa đáng đối với người dân, bởi 2 giếng mà Công ty khoan mới cũng không đủ nước sinh hoạt, khoan nhiều hơn nữa cũng thế.
Ông Đỗ Văn Đức (59 tuổi), ở thôn Sơn Hải 1 bức xúc cho rằng; Phước Dinh là vùng bãi ngang của tỉnh, bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc chỉ có phía Tây là có mạch ngầm nước ngọt, phục vụ đầy đủ nước cho sinh hoạt. Còn phía Nam phục vụ nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải, phía Bắc cũng phát triển nuôi tôm, phía Đông lại giáp sát với biển. Từ khi Công ty Quang Thuận tiến hành khai thác thu hồi sa khoáng titan đã làm đảo lộn đời sống người dân, nhất là vấn đề nước sinh hoạt, bởi Công ty đã đào quá sâu lấy titan, hơn nữa lại lấy nước ngầm bơm lên dùng đãi quặng. Chính lẽ đó nước ngầm đã rút đi hết, 19 giếng nước sinh hoạt của người dân đã trơ đáy. Không chỉ vậy, hiện nay nước biển cũng đã có dấu hiệu xâm thực vào làng, nhà cửa, vật kiến trúc hư hại là không thể tránh khỏi.
Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Võ Văn Tiến trấn an: Biết được bức xúc của người dân, lãnh đạo huyện đã có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để tìm ra hướng giải quyết. Huyện cũng sẽ tiến hành giám sát, ngăn chặn hoạt động khai thác của Công ty đến khi nào có giải pháp thiết thực, được dân đồng thuận. Huyện cũng thừa nhận thiếu sót đó là không thông báo rộng rãi chủ trương này đến với người dân, hơn nữa lại quá chậm trong tiếp thu, xử lý vụ việc. Tuy vậy, người dân vẫn không chấp nhận, bởi thiệt hại thì đã rõ. Quyết không đồng tình cho Công ty tiếp tục khai thác, đồng thời phải hoàn thổ lại nguyên trạng như ban đầu để con em ở Phước Dinh sau này còn có nước ngọt để sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng thường xuyên bỏ tiền túi mua nước từ nơi khác về sinh hoạt, đó là mong muốn lớn nhất của người dân Phước Dinh hiện nay.
Như tin đã đưa, Công ty Quang Thuận được UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép khai thác, thu hồi khoáng sản quặng sa khoáng titan - zircon tại khu vực dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, thuộc thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, với diện tích 83,7 ha, thời gian khai thác là 48 tháng kể từ ngày cấp phép (22/6/2012). Khi bước vào đầu tư xây dựng công trình, Công ty này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo môi trường tại Quyết định số 2248/QĐ - BTNMT ngày 9/12/2012.
Tại thời điểm trên, Công ty đã xây dựng nhà làm việc, nhà xưởng lắp ráp thiết bị và đã tổ chức khai thác tại 3 vị trí khác nhau. Vị trí 1 có một moong khai thác với diện tích khoảng 400m2, chiều sâu moong khai thác khoảng 20 - 25m, trong lòng moong khai thác có 4 bè hút cát, phía trên có 4 hệ thống vít đãi, tuyển quặng. Mép moong khai thác phía Đông cách nhà dân gần nhất khoảng 30m, gốc nghiêng sườn khai thác khoảng 70 - 80 độ. Vị trí 2 có một moong khai thác với diện tích rộng khoảng 300m2, chiều sâu phía Đông moong khai thác khoảng 5 - 6m, phía Tây khoảng 10 - 15m, mép moong khai thác phía Đông cách đìa tôm của người dân khoảng 15 - 20m, trong moong có hai bè hút cát, phía trên có hai hệ thống vít đãi, tuyển quặng, gốc nghiêng sườn khai thác phía Đông khoảng 45 - 50 độ. Vị trí 3 có một moong đang chuẩn bị khai thác với diện tích rộng khoảng 50m2, chiều sâu moong khai thác khoảng 2 - 3m, trong lòng moong có 2 bè hút cát, phía trên có 1 hệ thống vít đãi và 2 khung chuẩn bị lắp vít đãi, gốc nghiêng sườn khai thác phía Đông khoảng 45 - 50 độ. Chính việc khai thác như vậy đã làm cạn kiệt nguồn nước ngọt sinh hoạt, có dấu hiệu sụt lún nhà cửa..., làm người dân bức địa phương vô cùng bức xúc.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.