Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Khai thác khoáng sản biển sâu - định hướng nào cho Việt Nam ?
(08:19:32 AM 23/09/2011)Khai thác khoáng sản biển sâu - Cần định hướng cho Việt Nam - Ảnh minh họa
Các khoáng sản biển sâu như sulphide đa kim, trầm tích chứa kim loại, các kết hạch manganese, vỏ sắt manganese giàu cobalt và hydrate gas đang thu hút sự quan tâm của thế giới với kỳ vọng bổ sung cho sự thiếu hụt nguồn tài nguyên trên đất liền.
Nhìn ra thế giới
Từ đầu những năm 1960, sự gia tăng giá trị thương mại của đồng, niken và cobalt đã thu hút sự chú ý vào các kết hạch manganese biển sâu. Từ những năm 1970 các nước công nghiệp như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật, Đức đã tập trung chú ý đến triển vọng đặc biệt của các kết hạch đa kim trên đáy biển, sẵn lòng chi những khoản chi lớn để thăm dò, khảo sát và nghiên cứu thử nghiệm. Tuy nhiên, vào những năm 1980, sự nhiệt tình của các nước công nghiệp phương Tây đối với việc khai thác kết hạch đa kim đã trở nên nguội dần và hầu hết các hỗ trợ về mặt tài chính cho việc khai thác khoáng sản biển sâu đã bị cắt bỏ do những quan ngại về tác động tới môi trường của việc khai thác mỏ và tính kinh tế của việc khai thác.
Trung tâm nghiên cứu của thế giới về khai thác kết hạch đa kim đã chuyển về phương Đông. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lúc đó đã theo đuổi quyết định kỹ nghệ hóa các nghiên cứu mà phương Tây đã thực hiện về tìm kiếm, thăm dò và công nghệ khai thác các kết hạch đa kim ở đại dương. Có 4 công ty khai mỏ đa quốc gia đã vào cuộc và chính phủ các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ đã bảo trợ cho công việc khai mỏ biển sâu. Gần 0,5 tỷ đô la đã được chi cho phát triển công nghệ và các phương pháp cần thiết cho việc thu hồi các kết hạch manganese biển sâu.
Tháng 7/2009, Nga đã khám phá mỏ quặng hỗn hợp rất giàu tại khu vực dải núi ngầm giữa Đại Tây Dương ở độ sâu gần 4 km với dự đoán tài nguyên hơn 13 tỷ tấn. Gần đây nhất, Nga đã phát hiện vỉa quặng kim loại hỗn hợp lớn, bao gồm sắt, đồng, kẽm, nikel trên đáy Đại Tây Dương. Tập đoàn Nga “Polimetall” đang nghiên cứu vỉa quặng cobalt ở Thái Bình Dương. Hiện Tập đoàn Khoáng sản Liên Bang Nga đã có 1 Hợp đồng ký năm 2001 với Cơ quan quyền lực về thăm dò khoáng sản đáy đại dương.
Trung Quốc bắt đầu thăm dò tài nguyên khoáng sản trên các vùng biển sâu vào giữa những năm 1970. Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Tài nguyên Khoáng sản Đại dương Trung Quốc (COMRA) là cơ quan đảm nhiệm việc nghiên cứu, thăm dò để tiến tới khai thác khoáng sản đáy đại dương.
Trung Quốc đã xây dựng Chương trình quốc gia để điều tra, nghiên cứu và phát triển tài nguyên khoáng sản biển sâu. Hàng chục cuộc khảo sát đã được thực hiện tại Thái Bình Dương với diện tích tổng cộng hơn 2.000.000 km2. Tổng số 60 triệu USD đã được chi cho các lĩnh vực thăm dò. Kết quả là Trung Quốc đã khoanh định được 300.000 km2 phía nam Clarion- lipperton ở Thái Bình Dương. Năm 2001, COMRA đã ký Hợp đồng về thăm dò, khai thác quặng ở khu vực rộng 150.000km2. Khu khai thác quặng đặc quyền thứ hai ở vùng biển quốc tế cũng đang được xem xét.
Từ 1969 đến 1971, một dự án điều tra cơ bản để phát triển tài nguyên khoáng sản biển sâu đã được thực hiện bằng nguồn tài chính đặc biệt của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Năm 1972, chương trình 5 năm “Điều tra cơ bản để thăm dò tài nguyên khoáng sản biển sâu” đã được thực hiện với nguồn ngân sách đặc biệt của cơ quan Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản. Phần lớn diện tích khảo sát nằm ở vũng Mariana và dãy núi ngầm Magellan. Các kết hạch sắt manganese đã được thu thập từ nhiều vị trí ở độ sâu trên 5000m. Nhiều chương trình nghiên cứu công nghệ khai thác kết hạch đã được duy trì từ đầu những năm 1980. Năm 1982, chính phủ đã thông qua về mặt pháp luật việc thành lập Hiệp hội nghiên cứu công nghệ hệ thống khai mỏ các kết hạch manganese gồm 20 công ty Nhật Bản và Viện Khoa học công nghiệp, kỹ thuật và công nghệ cao Quốc gia (AIST).
Năm 2010, ngoài việc nghiên cứu các vùng biển xa, Nhật Bản đang tích cực đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản quanh các vùng biển sâu gần Nhật Bản với số vốn đầu tư lên đến 4 tỷ yên nhằm tìm quặng kim loại dưới đáy biển như manganese, cobalt, chì và kẽm.
Công ty phát triển Khoáng sản đáy đại dương (DORD) của Nhật Bản đã ký hợp đồng thăm dò, khai thác khoáng sản đáy đại dương với Cơ quan quyền lực đáy đại dương vào ngày 20 tháng 6 năm 2001. Công ty hiện vẫn chưa tiến hành hoạt động thăm dò nào nhưng các số liệu đã thu thập trước đó đang được tiến hành phân tích để nghiên cứu các phương án đầu tư và thiết kế các pha thăm dò tiếp theo.
Ấn Độ tiến hành điều tra nghiên cứu về kết hạch đa kim từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Cục Phát triển đại dương (DOD) là cơ quan thực hiện các chương trình với sự tham gia của các Bộ, sở, ngành, các cơ quan Chính phủ và các tổ chức khu vực tư nhân. Ấn Độ chuẩn bị gia nhập Chương trình Khai thác Đại dương Hợp nhất (IODP), một liên minh gồm 17 nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Tháng 8 năm 1987, Ấn Độ được giao khu vực 150.000 km2 ở miền Trung Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng đã hợp tác với các nước như Liên Xô (Nga), Đức, Nhật… trong điều tra, thăm dò khoáng sản kết hạch đa kim.
Năm 1991 đến 1993, chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị một chiến lược cho chương trình khai thác khoáng sản biển sâu. Từ năm 1992, Viện Nghiên cứu và Phát triển biển Hàn Quốc (KORDI) đã thực hiện thăm dò trong vùng Clarion-Clipperton ở Thái Bình Dương với sự hợp tác của Tổng công ty Tài nguyên Hàn Quốc (KORES) và Viện Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM). Năm 1994, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 tại trên thế giới đăng ký với Liên Hiệp Quốc mở rộng diện tích khai thác 150.000 km2 ở vùng biển Clarion- Clipperton của Thái Bình Dương, và cố định khu vực khai thác cuối cùng 75.000 km2.
Hàn Quốc coi việc khai thác khoáng sản biển sâu như là một lựa chọn nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nguyên liệu khoáng sản không ổn định, bảo đảm ổn định dài hạn việc cung cấp các nguyên liệu kim loại chiến lược để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế. Do các dự án loại này này có độ rủi ro cao, Chính phủ có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho dự án.
Về mặt luật pháp quốc tế, Cơ quan quyền lực đáy đại dương đã được thành lập năm 1994 theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 để thực hiện chức năng quản lý quốc tế các hoạt động ở đáy biển và đại dương trên thế giới, trong đó có việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học đáy đại dương, nhằm tạo điều điện thuận lợi cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò tài nguyên và khoáng sản ở đáy biển và đại dương vì lợi ích chung của con người trong tương lai.
Một số đề xuất để định hướng cho Việt Nam
Với chính sách tích cực hội nhập, Việt Nam đã ký kết Công ước về Luật Biển năm 1982 và là thành viên của Cơ quan quyền lực đáy đại dương, tham gia đều đặn các khóa họp hàng năm của Ủy ban. Nước ta cũng có đội ngũ làm công tác điều tra, nghiên cứu địa chất khoáng sản được đào tạo khá tốt, đã có quá trình hoạt động khoáng sản ở những vùng biển gần bờ.
Đặc biệt công tác thăm dò, khai thác dầu khí các vùng biển Việt Nam và cả ở nước ngoài đang được đẩy mạnh. Về năng lực công nghệ, bước đầu nước ta đã có các trang thiết bị, công nghệ điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản biển, trong đó phát triển nhất là ngành dầu khí. Nước ta cũng đã có một số chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và các đề tài nghiên cứu khoa học độc lập về biển, trong đó có các vấn đề về địa chất, khoáng sản biển. Tuy nhiên, chúng ta chưa tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến các khoáng sản biển sâu nêu trên; Chưa có đội ngũ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Đặc biệt là chúng ta còn chưa có chiến lược, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản biển sâu. Thiết bị, công nghệ chuyên dụng còn hạn chế và nguồn tài chính còn hạn hẹp.
Về điều kiện tự nhiên, với những tài liệu hiện có, bước đầu có thể nhận định các ở vùng biển nước sâu của Biển Đông có những điều kiện thuận lợi để hình thành và tồn tại các loại khoáng sản nêu trên. Đã có những ghi nhận của thế giới về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa có nghiên cứu nào đầy đủ, có hệ thống về khoáng sản biển sâu, ngoại trừ dự án “Tổng hợp các hoạt động điều tra, khai thác khoáng sản đáy đại dương. Đề xuất định hướng cho Việt Nam” đang được thực hiện và “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” đang bước đầu khởi động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đòi hỏi về nguyên liệu khoáng sản kim loại và năng lượng ngày một gia tăng của nền kinh tế đang phát triển, với sự ra đời của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, việc tham gia ngày càng sâu hơn của Việt Nam vào hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản biển sâu là xu thế tất yếu. Để làm được điều đó, giai đoạn từ 2010 đến 2020- 2030 nước ta cần xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch tham gia hoạt động khoáng sản biển sâu; tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát và đào tạo nhân lực chuyên ngành; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, điều tra tổng hợp địa chất khoáng sản biển sâu; chú trọng các khoáng sản biển sâu như hydrate khí, sulphide đa kim và kết hạch manganese. Trước mắt, cần kết hợp các mục tiêu nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển sâu ngay trong “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam”.
Bên cạnh đó, nước ta nên chủ động hội nhập, tích cực hợp tác, cụ thể là tham gia tích cực vào các hoạt động của Cơ quan quyền lực Đại dương; cũng như lựa chọn đối tác, hợp tác, liên doanh để tham gia trực tiếp vào hoạt động này.
Với những gì đang diễn ra, có thể nhận thấy xu thế đẩy mạnh việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác khoáng sản đáy đại dương ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt đối với các cường quốc kinh tế mới nổi hoặc nghèo tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, các vấn đề về bảo vệ môi trường trong điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản đáy đại dương ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, việc khai thác mỏ các khoáng sản biển sâu ở quy mô công nghiệp đang còn nhiều vấn đề phải xem xét, bao gồm cả khía cạnh kinh tế môi trường.
Ý kiến bạn đọc về: Khai thác khoáng sản biển sâu - định hướng nào cho Việt Nam ?
-
Minh Tri (14:31:55 PM 23/09/2011)Cơ quan Quyền lực Đại dương là gì?
Xin cho biết thêm về Cơ quan Quyền lực Đại dương? Tks.
-
Hồng Minh (16:57:40 PM 23/09/2011)Tra loi
Ten day du la "Co quan quyen luc quoc te ve day dai duong" (goi tat la co quan quyen luc) la to chuc quan trong duoc thanh lap theo cong uoc cua Lien hop quoc ve luat bien nam 1982. Co quan quyen luc nay duoc lap ra nham to chuc va thuc hien, quan ly cac hoat dong se duoc tien hanh trong vung va doi voi tai nguyen cua vung trong khuon kho che dinh di san chung cua loai nguoi
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.