Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Hà Nội: Nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản
(08:11:54 AM 08/03/2015)Ảnh minh họa: TL
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 12 đơn vị khai thác đá, còn lại là khai thác cát, trung chuyển vật liệu xây dựng. Thực tế kiểm tra mới đây cho thấy, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Nội chủ yếu dưới hình thức hút cát từ lòng sông đưa lên tàu vận chuyển tới bãi chứa ven bờ. Do đó, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm thất thoát tài nguyên, vi phạm an toàn giao thông đường thủy, vi phạm pháp luật về khoáng sản, mà còn tạo ra nguy cơ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng dòng chảy và hệ thống đê kè cũng như gây ô nhiễm môi trường khu vực. Đáng lưu ý, việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường của hầu hết các đơn vị khai thác còn rất hạn chế; công tác an toàn vệ sinh lao động tại các khu khai thác mỏ đá cũng không được quan tâm, thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền triển khai thực hiện những biện pháp mạnh nhằm siết chặt hoạt động quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong khai thác khoáng sản. Thành phố đã quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm cũng như sự phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực này.
Là đơn vị chủ trì, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, báo cáo thành phố để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, các sở, ngành và cấp chính quyền cơ sở đã tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, qua kiểm tra 14 đơn vị khai thác khoáng sản cho thấy, trong số 6 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động khai thác chỉ có 1 đơn vị khai thác cát san lấp bãi nổi sông Hồng tại xã Chu Phan (Mê Linh) đang hoạt động; 5 đơn vị đã ngừng hoạt động do gặp khó khăn.
Đối với 8 doanh nghiệp còn lại, vì nhiều lý do khác nhau nên chưa tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản. Cụ thể: Công ty cổ phần khoáng sản và cơ khí, khai thác than bùn (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức); Công ty cổ phần Puzơlan Sơn Tây, khai thác puzơlan (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây); doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang, khai thác cát bãi nổi sông Hồng (xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai để được giao mặt bằng triển khai dự án. Trong 3 đơn vị này, doanh nghiệp tư nhân Hồng Giang dù chưa được thuê đất theo quy định nhưng từ năm 2014 đã khai thác cát san lấp phục vụ kinh doanh trên diện tích đất bãi nổi 24 ha. Hai đơn vị khác là Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây, khai thác đá tại xã Thạch Hòa (Quốc Oai) và Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường, khai thác mỏ cát ở bãi nổi sông Hồng tại xã Vân Nam và Vân Hà (Phúc Thọ) đã chuyển quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa hoàn thiện thủ tục để được cấp phép. Đối với trường hợp Công ty TNHH MTV Hồng Hà, mặc dù đã khai thác hết trữ lượng cát trên diện tích 31 ha bãi nổi sông Hồng (thuộc xã Trung Châu và Thọ An, huyện Đan Phượng) và chấm dứt hoạt động từ năm 2012 song đơn vị vẫn chưa trả lại mặt bằng mỏ cho địa phương quản lý và đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.
Với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex 34, từ năm 2008 được cấp phép hoạt động khai thác đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường trên diện tích 7,76 ha tại mỏ đá núi Gò Chói (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai và xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất), thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trạng, Công ty đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2011; không xuất trình được báo cáo chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất những năm gần đây. Đáng lưu ý, Công ty Cổ phần khoáng sản và cơ khí khai thác than bùn làm nguyên liệu để sản xuất phân khoáng HUMIC trên diện tích 30 ha (xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức), trong thời hạn 20 năm, nhưng từ năm 2008 đến nay, Công ty chưa thực hiện thủ tục để được giao đất và ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước, do đó, cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước. Không những vậy, từ năm 2013, Công ty này cho các cá nhân khác tự do khai thác trên mỏ với diện tích khoảng 4.000m3. Tương tự, Công ty TNHH Bình Minh khai thác đá bazan với thời hạn 15 năm, trên diện tích 26,2 ha tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cũng nợ tiền thuê đất hơn 3,6 tỷ đồng; chưa thực hiện các thủ tục để điều chỉnh giá thuê đất và ký lại hợp đồng thuê đất theo quy định…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về Luật Khoáng sản hoặc vì lợi ích cá nhân mà có hành vi khai thác khoáng sản bất hợp pháp, nhất là hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép, không phép, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ngân sách nhà nước bị thất thu. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở này cũng không phủ nhận công tác quản lý khoáng sản, đất đai tại một số địa phương bị buông lỏng kéo dài và việc xử lý thiếu kiên quyết.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, cũng như công tác quản lý, thành phố Hà Nội đang yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, thuế và thủ tục về chuyển quyền khai thác khoáng sản đối với một số doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề nghị UBND Thành phố giao Sở chủ trì, phối hợp với Cục thuế Hà Nội và các sở, ngành, quận, huyện liên quan thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật đất đai, khoáng sản, môi trường, thuế và pháp luật có liên quan trong hoạt động khoáng sản đối với 04 đơn vị, gồm: Công ty TNHH Bình Minh, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex 34, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Khai thác mỏ và Công ty Cổ phần khoáng sản và cơ khí. Trường hợp nào đủ điều kiện thì báo cáo UBND Thành phố thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản. Thời gian thực hiện thanh tra trong quý II/2015. Sở cũng đề nghị thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố đối với 02 đơn vị là: Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Du lịch Bình Minh, để báo cáo UBND Thành phố xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với 2 đơn vị là Công ty liên doanh Sungei Way Hà Tây và Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường, thành phố yêu cầu đến cuối tháng 3/2015 phải hoàn thiện các thủ tục về chuyển quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, chỉ sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì đơn vị nhận chuyển quyền mới được thực hiện các thủ tục phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ và đưa mỏ vào hoạt động. Nếu các đơn vị vi phạm quy định trong hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, sẽ thanh tra để xử lý dứt điểm.
Cùng với đó, thành phố chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền thuê đất với Nhà nước đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện chịu trách nhiệm trước thành phố về hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với lãnh đạo xã, phường và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì chuyển cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.