»

Chủ nhật, 19/01/2025, 02:20:38 AM (GMT+7)

Đồng Nai: Nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

(21:13:08 PM 07/04/2013)
(Tin Môi Trường) - Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Đồng Nai diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân vì nguồn lợi nhuận mang lại rất lớn nên ngoài các trường hợp khai thác trái phép vẫn có không ít trường hợp có giấy phép nhưng cố tình khai thác vượt quá độ sâu và khối lượng cho phép.

 

Vai trò của các cơ quan quản lý, đặc biệt là chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn nên tình trạng khai thác trái phép vẫn tiếp diễn ở Đồng Nai. 

 

Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào nhất là loại khoáng sản đất, đá, cát phục vụ ngành xây dựng. Theo quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tỉnh sẽ đưa vào khai thác 41 mỏ, diện tích trên 1,7 ngàn hécta với trữ lượng hơn 368 triệu m3; trong đó, có 31 mỏ đá, 3 mỏ sét gạch ngói và 7 mỏ cát xây dựng ở dưới sông. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch khoáng sản thành 103 khu vực với tổng diện tích trên 7 ngàn hécta và lượng tài nguyên dự báo lên đến gần 661 triệu m3. Ở Đồng Nai, khoáng sản đang khai thác, sắp đưa vào khai thác chủ yếu là đá xây dựng, sét gạch ngói và cát xây dựng, đất san lấp.


Riêng tài nguyên dễ khai thác và ít tốn kém về vốn đầu tư nhất là các mỏ đất thường được các đơn vị khai thác để làm gạch nung, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn... Do địa hình khai thác dễ, ít vốn đầu tư, đem lại lợi nhuận cao nên hàng loạt các đồi đất đã bị các đơn vị tìm mọi cách để khai thác (kể cả có phép hay không phép) gây xói lở, tạo các hầm hố mới... Điển hình như ở khu vực quy hoạch làm Cụm tiểu thủ công nghiệp rộng 50 ha giáp ranh giữa xã Tam An, huyện Long Thành và xã Tam Phước, Tp. Biên Hòa, hiện có một doanh nghiệp đang san lấp mặt bằng để phục vụ dự án. Tuy nhiên, thay vì san lấp mặt bằng, doanh nghiệp trên lại khai thác và chở đi nơi khác một khối lượng đất rất lớn làm cho khu vực này có những hầm hố sâu so với ban đầu. Với khối lượng đất được vận chuyển bằng xe có tải trọng lớn làm cho tuyến đường ở xã Tam An nối liền xã Tam Phước ra quốc lộ 51 bị cày nát khiến mùa khô cát bụi bay mịt mù còn mùa mưa thì lầy lội cùng với những cây cầu bị hư hỏng nặng và sẽ sập bất cứ lúc nào…Thời gian qua, người dân ở xã Tam An rất bức xúc và nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương mong được ngăn chặn tình trạng trên nhưng vẫn rơi vào im lặng. Trong khi đó, chính quyền xã Tam An, huyện Long Thành cho biết, nguyên nhân doanh nghiệp khai thác sâu là do đặc thù của địa hình ở đây.


Trước thực trạng trên, đầu tháng 2/2013, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Đồng Nai đã kiểm tra thực địa, lập biên bản yêu cầu ngưng khai thác đất và đang xác định khối lượng đất bị lấy đi so với hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên ngày 5/4, khi phóng viên TTXVN về xã Tam An thấy đoàn xe tải nặng vẫn ra vào vận chuyển đất khai thác. Một số hộ dân ở ấp 1 xã Tam An cho biết, đầu tháng 2, khi Công an đến lập biên bản mỏ đất, sau đó được tạm ngưng ít lâu nhưng khoảng đầu tháng 3 đến nay, tình trạng khai thác và vận chuyển đất vẫn tiếp diễn. Mặc dù báo, đài đã phản ánh nhiều nhưng đâu vẫn vào đó.


Còn tại xã Tam Phước - Tp.Biên Hòa, tình trạng khai thác đất trái phép cũng đang diễn ra rất phức tạp. Trong 3 tháng gần đây, cơ quan chức năng đã kiểm tra phát hiện 7 trường hợp khai thác đất trái phép, tạm giữ 10 xe cuốc. Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND Tp.Biên Hòa kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý lỏng lẻo khi để xảy ra tình trạng này đối với tập thể UBND xã Tam Phước và cá nhân người đứng đầu.


Không chỉ đối với các khu vực khai thác trái phép mà ngay với 3 địa điểm được cấp phép tại huyện Long Thành và Cẩm Mỹ, mới đây, khi Cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường đến các địa điểm này kiểm tra thực địa đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai ngưng cấp phép cho 3 điểm khai thác đất trên.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 2/2013 trên địa bàn tỉnh có 46 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động; trong đó, UBND tỉnh cấp 40 giấy phép còn lại là của các bộ cấp phép. Trong các mỏ được cấp phép, có nhiều mỏ được cấp phép khai thác đến năm 2040 với trữ lượng 14,3 triệu mét khối... Để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định và giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp huyện và xã trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quyết định của UBND tỉnh nên tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đất vẫn diễn ra hết sức phức tạp.


Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai yêu cầu người dân các địa phương trong tỉnh khi phát hiện các trường hợp chính quyền địa phương biết mà không xử lý, có thể gọi điện trực tiếp đến Sở để phản ánh. Đơn vị này sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, hiện cơ quan công an cũng đang tiến hành rà soát tất cả các địa điểm khai thác đất trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh.

TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đồng Nai: Nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI