»

Chủ nhật, 24/11/2024, 02:56:03 AM (GMT+7)

Cần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi tại Phú Thọ

(10:20:04 AM 05/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Cấp phép tràn làn, khai thác không theo quy hoạch, không thực hiện thăm dò đánh giá trữ lượng trước khi khai thác, bới múc bừa bãi, hủy hoại tài nguyên môi trường là thực trạng trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. *

Ảnh minh họa 

 

Cấp phép tràn làn, khai thác bừa bãi

 

Mặc dù chưa thực hiện thăm dò trữ lượng, không nằm trong quy hoạch nhưng mỏ khai thác sắt của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư kinh doanh khoáng sản Việt Phú Thọ vẫn được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác với sản lượng 190 nghìn tấn/năm trên địa bàn 3 xã Mỹ Thuận, Minh Đài, Văn Luông, huyện Tân Sơn.

 

Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phá hủy đường giao thông. Mới đây, đất bùn của các mỏ khai thác của doanh nghiệp đã chôn lấp toàn bộ cánh đồng ba vụ rộng hơn 47.000 mét vuông, khiến toàn bộ diện tích này không thể canh tác, thiệt hại của bà con là rất lớn. 


Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng mới kiểm tra và phát hiện hàng loạt các sai phạm của doanh nghiệp. Đó là không có giấy phép xây dựng, không có biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào khai thác. Doanh nghiệp không cung cấp được thiết kế mỏ, quyết định phê duyệt Giám đốc điều hành mỏ, đặc biệt là không cung cấp được hợp đồng với tổ chức, cá nhân đủ tư cách để thu gom, xử lý chất thải nguy hại. 


Tương tự, các mỏ khai thác sắt của Công ty cổ phần khoáng sản Phú Đức tại huyện Thanh Sơn cũng không nằm trong quy hoạch, doanh nghiệp cũng không thực hiện việc thăm dò trữ lượng trước khi khai thác nhưng vẫn được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép từ năm 2009. Hiện doanh nghiệp khai thác trên địa bàn các xã Thượng Cửu, Tân Minh, Văn Luông với sản lượng 180 nghìn tấn/năm. 

 

Sau nhiều lần người dân khiếu nại việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường làm thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống người dân, các cơ quan chức năng mới xuống kiểm tra thực địa. Ngay tại thời điểm kiểm tra, Công ty cổ phần khoáng sản Phú Đức khai thác không đúng trong mốc giới, đổ chất thải ngoài vị trí được cấp phép, việc xúc đổ đất đá khai thác trên khai trường ra bãi thải chưa kịp thời do vậy đất, bùn thải theo nước mưa trôi xuống làm xô lấp 4.300m2 đất của 17 hộ dân. UNBD tỉnh đã ra quyết định yêu cầu Công ty cổ phần khoáng sản Phú Đức tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ sắt xã Tân Minh và đền bù số tiền hơn 134 triệu đồng cho 17 hộ dân. 

 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ từ năm 2008 đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã có 140 mỏ khoáng sản được Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép hoạt động. Trong đó có tới 9 mỏ sắt, 22 mỏ đá, 9 mỏ cao lanh cấp phép vượt quá chỉ tiêu quy hoạch. Nhiều mỏ than, thạch anh, serpentin quarzit không nằm trong quy hoạch, không thực hiện thăm dò đánh giá trữ lượng vẫn được các cơ quan chức năng cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, còn hàng chục doanh nghiệp khác không thực hiện thăm dò trữ lượng cũng vẫn được cấp phép hoạt động.


Việc cấp phép tràn làn, không theo quy hoạch, không thăm dò trữ lượng đã gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên lớn, gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động khai thác quặng, kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân. Không chỉ gây lãng phí tài nguyên, mà còn thất thu ngân sách ở các sắc thuế tài nguyên, thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Theo báo cáo của Chi Cục thuế Phú Thọ, trong 140 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, hàng năm đóng góp vào ngân sánh nhà nước rất thấp, đạt từ 30 -50 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng thu ngân sách của tỉnh. 


Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp chưa chấp hành các quy định của Nhà nước trong khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là khai thác, mua bán khoáng sản thời gian dài nhưng không công khai nộp thuế; trong khi đó, công tác quản lý của ngành thuế thời gian qua phần lớn dựa vào số liệu tự kê khai chứ chưa đi sâu vào kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa ngành thuế với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến thất thu thuế và không khuyến khích được doanh nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản... 

 

Bên cạnh đó, công tác quản lý trong hoạt động khoáng sản còn lỏng lẻo, việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý hoạt động khoáng sản thiếu đồng bộ, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện. Cán bộ quản lý trong lĩnh vực địa chất khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp xã đều thiếu và yếu chuyên môn, nghiệp vụ. 


Thêm nữa là các doanh nghiệp hoạt động yếu, thiếu vốn, đầu tư không đồng bộ, một số có lợi thế, có thị trường khai thác ồ ạt, không theo thiết kế, không theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến môi trường, chở quá khổ quá tải, phá hỏng đường giao thông, gây sạt lở bờ sông, gây mất trật an ninh xã hội. Hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ khai thác chế biến tiên tiến, chủ yếu khai thác thô sau đó xuất bán ra thị trường, một số chỉ chờ thị trường xuất khẩu… 

 

Siết chặt quản lý khai thác


Để siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản, tỉnh Phú Thọ đang tiến hành lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa ban đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây sẽ là sơ sở pháp lý và tạo tiền đề cho các ngành, các cấp chính quyền lập các quy hoạch chuyên ngành một cách thống nhất và hiệu quả, tránh trồng chéo, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế. Đồng thời xác định tiến độ thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng giai đoạn, cũng như khu vực dự trữ tài nguyên đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh. 

 

Theo quy hoạch, tỉnh sẽ đưa thêm trên 100 mỏ, điểm mỏ, trong đó có nhiều mỏ, điểm mỏ đang hoạt động gồm than, sắt, quặng, mi ca, thạch anh, serpentin, đá phụ gia... vào quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng sẽ huy động từ 1.200-1.500 tỷ đồng vốn phục vụ cho công tác thăm dò mới và thăm dò nâng cấp trữ lượng và đầu tư khai thác các loại khoáng sản. Trong đó dành khoảng 28-37 tỷ đồng phục việc thăm dò. 

 

Tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, thu thuế tài nguyên, ký quỹ môi trường theo luật định, phải cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, sử dụng triệt để khoáng sản chính và khoáng sản có ích đi kèm… 


Trước mắt, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên khoáng sản trên địa bàn; đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tỉnh kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với những đơn vị không chấp hành đúng quy trình kỹ thuật, gây tác động xấu đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường và làm hỏng hệ thống đường giao thông. Những dự án chậm tiến độ, khai thác không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến môi trường, trật tự xã hội, kiên quyết không gia hạn giấy phép, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động. 


Tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tu bổ, trả lại hiện trạng ban đầu của các tuyến giao thông bị phá hỏng do việc vận chuyển đá, quặng gây ra. Việc tham gia thẩm định và cấp phép khai thác khoáng sản phải có sự tham gia của chính quyền cấp huyện và ngành công an. 

 

Phú Thọ cũng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất chủ trương cấp phép thăm dò, khai thác quặng sắt đối với các trường hợp xin cấp mới nhằm tập trung quản lý chặt các mỏ đã được cấp phép để đầu tư chế biến sâu.

 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thu hồi giấy phép khai thác đối với những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, nhiều lần sai phạm; bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải ký cam kết và thực hiện nghiêm 5 nội dung quy định trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản là khai thác theo thiết kế, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động, các quy định về vật liệu nổ công nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Lâm Đào An
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi tại Phú Thọ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI