»

Thứ bảy, 18/01/2025, 23:57:58 PM (GMT+7)

Bùng phát nạn khai thác vàng trái phép ở miền Trung

(08:20:41 AM 09/04/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Mỗi khi miền Trung bắt đầu bước vào mùa khô, những dòng sông, suối khô cạn là nạn đào đãi vàng trái phép lại rộ lên. Mặc cho các ngành chức năng, các cấp chính quyền tổ chức truy quét, tiêu hủy thiết bị, máy móc, họ vẫn đào sông, phá rừng.

 

 

 Thiết bị, máy móc đào đãi vàng, những thửa ruộng của người dân bị đối tượng khai thác dùng xe múc xâm hại tại huyện Sơn Tây.

 

Khai thác liên tỉnh

 

 

Lòng suối Nước Mua chảy qua xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nằm ven tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua Quảng Ngãi bị băm nát, nham nhở hầm hố; những thửa ruộng lúa xanh rì bị múc sâu hoắm, nứt toác… Giữa núi rừng vắng lặng, tiếng máy múc, máy sàng vàng sa khoáng nổ âm vang cả góc rừng. Thấy chúng tôi xuất hiện ngoài bãi vàng, gần chục người đang khai thác chạy vào rừng để ẩn nấp.

 

Ngược về Tây Trà, dòng sông Hà Riềng chảy qua thị trấn Trà Phong đục ngầu, cuộn xoáy. Gần 100 người dân bản địa với những dụng cụ thô sơ đang cần mẫn tìm vàng dưới hố sâu. Ánh mắt chăm chú dán vào lòng chảo đang nhịp nhàng quay tròn, bà Hồ Thị Măng (45 tuổi), dân tộc Ca Dong, cho biết mới đi đãi vàng được 2 ngày. Thấy bà con đi làm nhiều, mình cũng đi làm theo may ra kiếm được chút ít bán lấy tiền mua gạo. Còn Hồ Văn Minh (24 tuổi) mới học Trung cấp kế toán ở TP Quảng Ngãi xong, chưa có việc làm nên tranh thủ ra suối đãi vàng. Cả nhà Minh có 4 anh em trai, tất cả đều đang hì hụi đào đãi. Anh Hồ Văn Phương (anh trai Minh) cho tôi xem chiếc lọ thủy tinh nhỏ, trong đó đựng sẵn nước, đã có một số vàng cám đãi.

 

“Vợ chồng mình cũng làm rẫy, nhưng đi đãi vàng được hơn nên bỏ rẫy ra đây làm, khi nào nước lũ dâng thì không đãi nữa, lại về với rẫy”. Vừa nói, anh Phương vừa quay đều chiếc chảo trên tay, đôi mắt ánh lên khi trong đáy chảo xuất hiện những chấm vàng nhỏ li ti còn đọng lại rồi đưa ngón tay lên miệng chấm nước miếng dính những chấm vàng đó cho vào lọ. Một ngày được nhiều không? “Bốn anh em bán chia nhau cũng được khoảng 100.000 đồng/người” - Phương thật thà nói.

 

Phía bên kia, dòng sông Vàng qua xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam), hàng chục tổ máy thi nhau tời, hút, tiếng động cơ chát chúa, tiếng xà beng va vào đá, tiếng nước xối ầm ào. “Mỏ” này cách “mỏ” kia chưa đầy chục mét. Ở mỗi điểm khai thác vàng thường có 4 - 5 người đang đánh vật với đống đất đá, với lõng bõng nước và bùn. Lần theo tiếng động cơ, chúng tôi đến khu khai thác của tổ thợ nhà ông Đinh Văn Sang (thôn Điềm, xã Tư). Theo ông Sang, vùng đất này trước đây đã được Xí nghiệp Vàng Phú Nếp khai thác, nay gia đình thuê người làm lại. Dù đã được khai thác nhưng nếu làm kỹ, “công nghệ” này vẫn cho phép tận thu những hạt vàng cám cuối cùng dưới lòng sông.

 

Theo chính quyền xã Tư, trong số 87 tổ khai thác vàng trái phép được phát hiện vào cuối năm 2011, chỉ có 17 tổ của người địa phương. Chính từ những lần làm thuê cho các chủ vàng, người dân học được cách khai thác, tự mua máy móc, tổ chức thành những nhóm, tổ tiếp tục mở rộng địa bàn khai thác vàng trái phép. Cùng với đó, việc sử dụng xe múc, tàu cuốc cũng bắt đầu xuất hiện.

 

Rời công trường vàng ở thôn Điềm, những ngày cuối tháng 3, chúng tôi theo chân lực lượng chức năng đến khu vực rừng Khe Cọp (thuộc tiểu khu 292, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Len lỏi hơn 10km trên những lối mòn của cánh rừng cuối cùng cũng đã tiếp cận được điểm nóng về khai thác vàng trái phép. Thấy động, các đối tượng đang khai thác bỏ máy móc chạy vào rừng sâu.

 

Tuy nhiên, do “trận địa” đã được bố trí chốt chặn nên 13 đối tượng bị bắt giữ tại chỗ. 5 cối máy xay đá, 5 lán trại, máy phát điện và nhiều dụng cụ để khai thác vàng trái phép khác cũng bị tiêu hủy tại chỗ. Tại hiện trường, nhiều hầm hào đã được đục sâu vào lòng núi, nhiều cây rừng đã ngã gục.

 

Xử lý bế tắc

 

 

 

Dù việc khai thác vàng sa khoáng dai dẳng hàng chục năm nay, ở hầu hết các địa phương miền Trung nhưng hầu như các biện pháp giải quyết vẫn bế tắc. Bởi cứ truy quét xong thì lại tái diễn. Nếu như thời gian trước đối tượng khai thác từ những địa phương phía Bắc vào tham gia thì nay cả dân địa phương cũng bỏ nương rẫy xuống suối tìm vận may khiến công tác xử lý càng khó khăn.

 

Sở TN-MT Quảng Nam cho rằng khai thác vàng trái phép chưa được ngăn chặn do địa bàn rộng, đi lại cách trở. Thêm vào đó, công tác quy hoạch, cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Công tác quản lý sau cấp phép và quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa thật chặt chẽ. Một số địa phương còn cấp phép sai quy định và “bật đèn xanh” cho các đối tượng khai thác trái phép.

 

Qua đó, UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn yếu: Thẩm quyền cũng như quyền lợi và nghĩa vụ đối với địa phương có tài nguyên khoáng sản chưa rõ và chưa hợp lý. Việc thiếu tài liệu điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản cũng làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ, lập quy hoạch và cấp giấy phép. Số lượng và năng lực chuyên môn cán bộ các cấp trong lĩnh vực này còn hạn chế, lại đảm đương nhiều công việc. Hơn nữa, kinh phí để tổ chức thanh tra, kiểm tra, truy quét còn eo hẹp. Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên vẫn còn một số huyện chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Chính quyền cấp xã hầu như đứng ngoài cuộc, thậm chí có nơi còn cho khai thác khoáng sản trái phép để tăng thu ngân sách.

 

Riêng đối với Thừa Thiên-Huế, đầu tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có công văn nói rõ chủ tịch UBND các huyện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khoáng sản vàng nói riêng trên địa bàn mình quản lý. Giám đốc công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo lực lượng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, hỗ trợ lực lượng để tiến hành truy quét, đẩy đuổi, trục xuất các đối tượng khai thác vàng trái phép.

 "Việc khai thác vàng tràn lan trái phép phá nát lòng sông, chặn dòng chảy của nước khi vào mùa lũ sẽ gây sạt lở nghiêm trọng. Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an phải kiên quyết xử lý dứt điểm"

Ông Phạm Tấn Hoàng,
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi)

 

 

 

Hà Minh/ SGGP
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bùng phát nạn khai thác vàng trái phép ở miền Trung

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI