»

Chủ nhật, 19/01/2025, 00:01:01 AM (GMT+7)

Bắc Kạn: Chưa được cấp phép khai thác mỏ, vẫn xây nhà máy

(19:23:08 PM 21/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Dự án xây dựng nhà máy điện phân chì – kẽm của công ty TNHH Ngọc Linh (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) là một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng của địa phương khi Bắc Kạn chủ trương quản lý hiệu quả lĩnh vực khoáng sản theo hướng chế biến sâu và thành phẩm.

 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch và vẫn chưa giải quyết được bài toán nguồn nguyên liệu khi nhà máy đi vào vận hành. 

 
Một góc nhà máy điện phân chì – kẽm của công
ty TNHH Ngọc Linh (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn).

 Nhà máy ngàn tỉ… giữa rừng

 

Nằm ngay trên Km 40 tỉnh lộ hướng từ Chợ Đồn đi Ba Bể, dự án nhà máy điện phân chì – kẽm do công ty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư được quy hoạch tại địa điểm khá thông thoáng, thuận tiện của xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Nó được đánh giá là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn trong việc quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản theo chiều sâu.

 

Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2009 với công suất vận hành 31.000 tấn/năm, vốn đầu tư ban đầu hơn 1.000 tỉ đồng. Thời điểm hiện tại, chủ dự án đã tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở, hệ thống nhà xưởng quy mô hoành tráng. Công ty Ngọc Linh cũng đã ký hợp đồng sản xuất và dây chuyền thiết bị với đối tác Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, thông tin với báo chí, lãnh đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn đã thừa nhận, dự án nhà máy điện phân chì – kẽm Ngọc Linh vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch, dù UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Song song với việc chấp thuận dự án nhà máy điện phân chì kẽm tại địa phương, Bắc Kạn cũng đã tiến hành cấp phép cho chủ đầu tư được phép khai thác 13 điểm mỏ chì – kẽm tại Bắc Kạn. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy hoạt động.

 

Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Du cho biết: hiện tại, Bắc Kạn mới phê duyệt cấp phép cho Ngọc Linh một điểm mỏ chì kẽm Bó Liều (thuộc xã Đồng Lạc và xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn) với tổng diện tích 102,5ha; trữ lượng 80.000 tấn; công suất khai thác 20.000 tấn/năm. Với quy mô của một dự án sản xuất chì kẽm thành phẩm có công suất thuộc loại lớn như Ngọc Linh, mỏ chì kẽm Bò Liều chưa đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu khi nhà máy vận hành, đó là chưa nói tới dự án này chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Về vấn đề này, theo ông Du, Bắc Kạn cũng đã nhiều lần trao đổi với chủ đầu tư về việc nếu như sau này, khi nhà máy đi vào vận hành sẽ không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Thế nhưng, chủ đầu tư nhất mực khẳng định, họ sẽ tiến hành thu mua nguyên liệu từ các đơn vị khác. “Khi nhà máy đưa vào hoạt động, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu là việc của doanh nghiệp, cho nên, họ nói như thế thì tỉnh cũng đành phải chịu!”, ông Du giải thích.

 

“Một việc rất khó khăn”

 

Phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Kạn, ông Trần Nguyên lo ngại, việc cấp phép mỏ cho các chủ đầu tư trong đó có Ngọc Linh là một việc rất khó khăn. Theo quy trình và theo luật khoáng sản mới sửa đổi, chủ đầu tư phải tiến hành công tác thăm dò, khảo sát đánh giá trữ lượng đồng thời phải xây dựng nhà máy chế biến sâu (thành phẩm) mới được cấp mỏ. Song, với những điểm mỏ đã cấp cho các đơn vị khai thác trước thời điểm luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010, quy trình cấp mỏ ở các thời điểm khác nhau, do đó, khi tiến hành cấp mới xảy ra việc chồng chéo trên cùng một diện tích. Những đơn vị xin cấp mỏ trước đó họ chỉ có xưởng sơ chế, theo luật Khoáng sản mới sửa đổi thì không đúng. “Chúng tôi phải làm trung gian hoà giải để các bên ngồi lại với nhau, ví dụ như bên khai thác sẽ cung cấp nguyên liệu cho bên chế biến. Tuy nhiên, rất khó thống nhất vì lý do lợi nhuận. Doanh nghiệp khoáng sản trực tiếp khai thác và sản xuất mới có lợi nhuận cao, nếu đứng ra mua quặng đã qua sơ chế, tỷ lệ lợi nhuận sẽ thấp hơn nên họ cũng không chịu “xuống nước”, ông Nguyên nói.

Ông Du cũng cho biết, theo tài liệu điều tra đánh giá, Bắc Kạn hiện có khoảng 273 điểm mỏ và điểm quặng với 24 loại khoáng sản, trong đó khoáng sản có tiềm năng như: chì, kẽm, sắt, vàng, vật liệu xây dựng… Tổng trữ lượng tài nguyên chì kẽm khoảng 2 triệu tấn, trữ lượng sắt khoảng 20 triệu tấn. Hiện nay, trên địa bàn có 46 giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, bốn doanh nghiệp thực hiện chế biến và ba nhà máy chế biến khoáng sản đang trong giai đoạn thi công xây dựng (nhà máy sắt xốp của Matexim; nhà máy điện phân chì – kẽm của công ty TNHH Ngọc Linh; nhà máy luyện gang thép KCB Thanh Bình).

 

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ba nhà máy này, Bắc Kạn cũng thống nhất chủ trương cấp mỏ cho các chủ dự án để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất. Có điều với thực trạng hiện tại, rất khó đảm bảo nhà máy Điện phân chì – kẽm Ngọc Linh sẽ có đủ nguyên liệu vận hành trong thời gian tới khi đưa vào sử dụng.

 

Sử dụng nhiều lao động thủ công Trung Quốc

 

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án, theo phản ánh của người dân, công ty Ngọc Linh đã sử dụng phần lớn lao động Trung Quốc vào các phần việc thủ công như thợ nề, thợ hàn… Thời kỳ cao điểm, hàng trăm công nhân Trung Quốc có mặt tại Chợ Đồn để triển khai dự án.

 

Đại tá Ma Văn Lả, giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời điểm triển khai dự án, chủ dự án xin phép được sử dụng 300 lao động người Trung Quốc tại công trường, nhưng Bắc Kạn chỉ chấp thuận số lượng thấp hơn. Thời điểm hiện tại, số lượng lao động người Trung Quốc đã về nước theo tiến độ xây dựng dự án và vì lý do hết thời hạn trong visa. Chỉ còn một nhóm khoảng vài chục công nhân có mặt tại công trường.

 

“Chúng tôi cũng đã rất sát sao trong công tác quản lý để tránh xảy ra các vấn đề phức tạp do lao động người Trung Quốc sang làm việc. Về cơ bản, không có nhiều điều đáng tiếc xảy ra. Một vài lao động Trung Quốc khi về nước có mua những khoảnh thớt nghiến làm quà, nhưng chúng tôi cũng đã ngăn chặn và giải thích, đó là việc vi phạm pháp luật Việt Nam” – giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết. 

(Nguồn: Thái Bình/SGTT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bắc Kạn: Chưa được cấp phép khai thác mỏ, vẫn xây nhà máy

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI