Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Khoáng sản Việt Nam – Cái thế giới cần, ta không có
(00:23:00 AM 18/06/2011)
>> Khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới: Nhiều nhưng chưa cần
- Thưa ông, xem ra, còn có những ý kiến khác nhau về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam?
Phải thừa nhận Việt Nam có vị trí địa chất, địa lý độc đáo, là nơi giao cắt của hai vành đai sinh khoáng lớn Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, ở vùng nhiệt đới gió mùa có phát triển mạnh các quá trình phong hoá thuận lợi cho sự hình thành khoáng sản.
- Cán bộ Tổng hội Địa chất VN đo sản trạng (các thế lớp đất đá) quặng sắt ở tỉnh Hà Giang.
Qua 65 năm nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm khoáng sản của các nhà địa chất Việt Nam, cùng với các kết qủa nghiên cứu của các nhà địa chất Pháp từ trước Cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã phát hiện hàng nghìn điểm mỏ và tụ khoáng của hơn 40 loại khoáng sản, từ khoáng sản năng lượng, kim loại đến khoáng chất công nghiệp, và vật liệu xây dựng.
Nhiều năm qua, chúng ta khai thác nhiều khoáng sản như than, dầu khí, vàng, đồng, chì, kẽm, thiếc, apatit, felspat, đá vôi, cát cuội sỏi, v.v. Tuy nhiên, từ những cái chúng ta phát hiện, từ những thứ đã khai thác, sử dụng, việc đánh giá về tài nguyên khoáng sản nước ta đúng là không phải giống nhau, đúng là vẫn còn có những ý kiến khác nhau.
Bên cạnh ý kiến khẳng định Việt Nam là nước giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó có các loại rất lớn, nhất nhì thế giới, còn có ý kiến đánh giá ở mức khiêm tốn hơn. Nhóm ý kiến này nhận xét Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên khoáng sản ở mức đa dạng và phong phú mà thôi. Thậm chí, có nhóm ý kiến cho rằng nhiều loại khoáng sản Việt Nam phân bố tản mạn, không có mỏ lớn, khoáng sản của Việt Nam "không ra tấm, ra món".
Có tiềm năng
- Ông thiên về nhóm ý kiến nào?
Lạc quan tếu cũng chết mà bi quan quá cũng hỏng. Tôi xin nêu phác thảo sau đây để đủ thấy nguồn tài nguyên nước ta quả thực là đa dạng và phong phú.
Thứ nhất, nhóm khoáng sản năng lượng gồm có dầu khí, than khoáng, urani và địa nhiệt. Về dầu khí, Việt Nam có tiềm năng đáng kể. Với trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại 814,7 triệu tấn dầu quy đổi, đến ngày 2-9-2009, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu quy đổi, đưa Việt Nam đứng hàng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia.
Về than các loại, Việt Nam cũng là nước có tiềm năng. Bể than Quảng Ninh được khai thác từ hơn 100 năm nay, phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ở Việt Nam, đã phát hiện nhiều tụ khoáng urani ở Đông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tài nguyên urani ở Việt Nam được dự báo trên 218.000 tấn U308, có thể là nguồn nguyên liệu khoáng cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Về địa nhiệt, Việt Nam có nhiều nguồn nước nóng, ở phần đất liền có 264 nguồn có nhiệt độ là 300C trở lên. Các nguồn nước nóng chủ yếu được phân bố ở Tây Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, nhờ khoan thăm dò, khai thác dầu khí, chúng ta cũng phát hiện được nhiều nguồn nước nóng ở dưới sâu thuộc Bể Sông Hồng và Bể Cửu Long. Tiềm năng địa nhiệt của Việt Nam không lớn nhưng có thể coi là nguồn năng lượng bổ sung cho các nguồn năng lượng truyền thống.
Thứ hai, về nhóm khoáng sản kim loại, Việt Nam có nhiều loại như sắt, mangan, chrome, titan, đồng, chì, kẽm, cobalt, nickel, nhôm, thiếc, vonfram, bismut, molybden, lithi, đất hiếm, vàng, bạc, platin, tantal-niobi, v.v.
Thứ ba, về nhóm khoáng chất công nghiệp, Việt Nam có nhiều loại khoáng chất công nghiệp như apatit, phosphorit, baryt, fluorit, pyrit, serpentin, than bùn, sét gốm sứ, magnesit, dolomit, felspat, kaolin, pyrophylit, quartzit, cát thuỷ tinh, disthen, silimanit, sét dẻo chịu lửa, diatomit, graphit, talc, atbest, muscovit, vermiculit, bentonit, thạch anh tinh thể. Các mỏ lớn đáng chú ý là apatit, baryt và graphit.
Thứ tư, với nhóm vật liệu xây dựng, Việt Nam có nhiều mỏ như sét gạch ngói, sét xi măng, puzzolan, cát sỏi, đá vôi, đá hoa trắng, đá ốp lát, đá ong. Ngoài các loại khoáng sản kể trên, từ năm 1987, chúng ta còn phát hiện nhóm đá quý ruby, saphia, peridot, v.v. Riêng ruby ở Yên Bái và Nghệ An có chất lượng cao được thế giới đánh giá đạt chất lượng quốc tế, tương đương với ruby nổi tiếng của Myanmar.
Nhưng không giàu có
- Thế thì bảo Việt Nam giàu tài nguyên khoáng sản có quá đáng đâu, thưa ông?
So sánh với các nước ở trong khu vực Đông Nam Á và thế giới thì thấy nước ta có diện tích đất liền không lớn nhưng có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự sinh thành và phát triển khoáng sản. Song, với nguồn tài nguyên khoáng sản đã biết, cũng chỉ có thể xếp nước ta vào hàng các nước có tiềm năng khoáng sản đáng kể, chứ không thể nói là giàu có. Hai nhận định ấy sẽ dẫn đến hai cách nhìn, hai cách hành động khác nhau một trời một vực.
Người ta dễ bị mê hoặc bởi các con số vốn chỉ phản ánh được một mặt của vấn đề. Trong cách tư duy của chúng ta, không may lại rất sùng bái con số mà ít xem xét tổng thể, trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Nhìn nhận sự vật một cách đơn lẻ thì thấy thế này nhưng, khi đặt nó vào mối quan hệ qua lại với các đối tượng khác, khi xem xét một cách tổng thể, tình hình lại khác.
Một, sự thật là Việt Nam không có tiềm năng lớn về các khoáng sản năng lượng. Dầu khí chỉ đảm bảo khai thác khoảng 30 năm nữa, do vậy cần tăng cường tìm kiếm thăm dò để tăng trữ lượng phục vụ lâu dài. Than biến chất cao (anthracit) với trữ lượng đã được đánh giá đạt nhiều tỷ tấn cần phải khai thác sâu hàng trăm mét và hơn nữa mới bảo đảm cho nhu cầu.
Than biến chất thấp ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng dự báo có tài nguyên lớn đến vài trăm tỷ tấn nhưng, ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn và phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội và môi trường. Tiềm năng urani và địa nhiệt không đáng kể và chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng.
Hai, Việt Nam có nhiều khoáng sản kim loại nhưng trữ lượng không nhiều. Rất nhiều khoáng sản kim loại (vàng, bạc, đồng, chì , kẽm, thiếc, v.v), thế giới rất cần trong khi trữ lượng không có nhiều, chỉ khai thác mấy chục năm nữa sẽ cạn kiệt. Trong khi đó, Việt Nam có ít khoáng sản ấy, không đủ để tiêu dùng trong nước, chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Ba, Việt Nam chưa phát hiện được kim cương - loại khoáng sản quý có giá trị kinh tế kỹ thuật cao. Các nhà địa chất đã phát hiện ở Việt Nam có ruby chất lượng cao nhưng trữ lượng chưa rõ. Các loại đá quý khác cũng chưa được phát hiện nhiều. Thực tế nhóm đá quý được phát hiện ở Việt Nam chưa đóng góp gì đáng kể cho phát triển kinh tế đất nước.
Bốn, như tôi đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn Tiền Phong chủ nhật tuần trước, nhiều loại khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng mà ta có nhiều thì không phải là khoáng sản có giá trị kinh tế cao và thế giới cũng có nhiều, đủ dùng nhiều năm nữa.
Sai lầm phải trả giá
- Theo ông, các ý kiến khác nhau về đánh giá tiềm năng khoáng sản Việt Nam là bình thường hay bất thường? Có người cho đấy là biểu hiện của sự chia rẽ trong giới khoa học?
Ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Cứ thấy ý kiến khác nhau là chụp cho cái mũ mất đoàn kết thì thật là lạ. Cốt lõi của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nền tảng triết học của chủ nghĩa Mark-Lenine, chính là quy luật phát triển dựa trên các mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn. Không có mâu thuẫn thì làm gì có động lực phát triển. Làm gì có cấu trúc tự nhiên hay xã hội nào mà, ở đó, mọi thứ giống nhau, đồng nhất. Làm gì có vấn đề nào chỉ có một nhóm ý kiến duy nhất…
Chúng ta cần học cách thay đổi tư duy trong bối cảnh toàn cầu mới, học cách đánh giá sự thật như nó vốn có thay vì chỉ thuần túy thấy màu hồng, thậm chí tô hồng quá mức. Mấy mươi năm qua, hệ thống giáo dục và truyền thông của chúng ta luôn vẽ lên bức tranh một Việt Nam “rừng vàng biển bạc” và làm dấy lên một niềm tự hào về non sống gấm vóc. Nuôi dưỡng một tâm lý dân tộc như thế là chính đáng, cần thiết khi mà, suốt hơn 100 năm, chúng ta cần thổi bùng hào khí Đông A, lòng yêu quê hương đất nước, để cứu nước và giữ nước.
Nhưng 35 năm cả nước sống trong hòa bình, chúng ta hầu như vẫn không thay đổi tư duy về lòng tự hào, hầu như chưa tạo thành một thói quen mới - cần thấy rõ cả mặt trái, mặt hạn chế, để có thể tự xác định năng lực thực sự của mình đến đâu, lợi thế cạnh tranh thực sự của mình là ở chỗ nào, đặng đạt được phát triển bền vững dựa trên năng lực của chính mình.
Chúng ta được đào tạo trong một hệ thống giáo dục mà, ở đó, người ta thích dùng các sáo ngữ hơn là tiếp cận với thực tế. Chúng ta thích nói đến “duy vật biện chứng” nhưng lại ít áp dụng tư duy ấy vào thực tiễn.
Các nhà vạch định chính sách cần lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, cân nhắc chiến lược khai thác khoáng sản dựa trên việc thu thập đa dạng các ý kiến, thay vì chỉ tiếp cận một chiều.
Phân tích sâu về đặc điểm tiềm năng tài nguyên khoáng sản của Việt Nam trong bối cảnh chung về tài nguyên khoáng sản của khu vực và thế giới cho ta thấy rõ loại khoáng sản thế giới cần thì ta không có, loại khoáng sản ta có nhiều thì thế giới không cần nhiều, không có nhu cầu lớn.
Như tôi đã nói, đánh giá tài nguyên khoáng sản của đất nước rất quan trọng vì khoáng sản là tài sản quý của quốc gia, là nguồn lực để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội quốc phòng. Đánh giá không đúng đắn, khách quan, khoa học về tiềm năng khoáng sản của đất nước, sẽ khó có hoạch định đúng đắn, khó xác định được chiến lược xây dựng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ đất nước bền vững phù hợp với thực tiến.
Để góp phần xây dựng và phát triển đất nước những năm tới, cần đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá các loại khoáng sản mà thế giới và trong nước rất cần, trữ lượng của chúng đang dần cạn kiệt như đầu khí, than, vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc, v.v, thay vì dồn lực khai thác những thứ ta có nhiều mà thế giới chưa cần nhiều. Phải hết sức cẩn thận. Nhận thức sai lầm sẽ phải trả giá trong hành động.
Cám ơn ông.
Than biến chất thấp ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng dự báo có tài nguyên lớn đến vài trăm tỷ tấn nhưng, ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn và phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội và môi trường.
Loại khoáng sản thế giới cần thì ta không có, loại khoáng sản ta có nhiều thì thế giới không cần nhiều, không có nhu cầu lớn.
Ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Cứ thấy ý kiến khác nhau là chụp cho cái mũ mất đoàn kết thì thật là lạ.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa
(Tin Môi Trường) - Trong khuôn viên Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có cây thị cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Cây có tuổi đời hàng trăm năm, ra quả trĩu cành...