Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Dành phần khoáng sản cho thế hệ sau
(00:22:41 AM 18/06/2011)
(ảnh minh họa: internet)
Sử dụng tài nguyên khoáng sản như thế nào cho hợp lý?
Một trong những nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững là “Trong khi đạt tới điều kiện và chất lượng cuộc sống tối ưu cho con người đương đại, sự phát triển hiện tại không được làm tổn hại tới tiềm năng thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của thế hệ mai sau”.
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo. Có nghĩa là mọi khai thác khoáng sản cho hôm nay đều làm giảm tiềm năng về tài nguyên khoáng sản cho thế hệ mai sau. Khai thác khoáng sản là một trong những ngành có tác hại lớn nhất tới môi trường. Có nghĩa là khai thác khoáng sản cho hôm nay có thể để lại những hậu quả môi trường lớn, thậm chí khôn lường cho thế hệ mai sau.
Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, tiềm năng khoáng sản của nước ta có hạn, vậy thế hệ ngày nay khai thác tài nguyên này tới đâu, gia tăng hay giảm quy mô khai thác, có trách nhiệm gì và có dành phần khoáng sản lại cho các thế hệ mai sau?
Thực chất, đó chính là mối quan hệ giữa bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản với phát triển khai thác và sử dụng khoáng sản. Đây là mối quan hệ đa chiều, phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố về điều kiện tự nhiên, công nghệ, kinh tế - xã hội, không chỉ ở phạm vi trong nước mà cả quốc tế, không chỉ là vấn đề của hiện tại mà liên quan tới cả quá khứ và tương lai… Không dễ gì có câu trả lời đầy đủ, chuẩn xác và ngay tức khắc. Càng không dễ gì có câu trả lời chung cho mọi trường hợp.
Về nguyên lý, cách tốt nhất để bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản là khai thác và sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất. Khi tài nguyên khoáng sản được khai thác và sử dụng một cách hiệu quả nhất có nghĩa là chúng đã được chuyển hóa thành những giá trị cao hơn giá trị nguyên thủy của chúng.
Dạng nguyên thủy của tài nguyên khoáng sản có thể mất đi nhưng giá trị được chuyển hóa ở mức cao hơn của nó vẫn tiếp tục tồn tại và phục vụ cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, tiến hành “khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả nhất” trong thực tế là vấn đề không đơn giản.
Tài nguyên khoáng sản có thể được bảo vệ và tiết kiệm trực tiếp bằng cách khống chế hợp lý quy mô và tốc độ khai thác, cũng như hạn chế tới mức tối thiểu thất thoát tài nguyên khoáng sản trong quá trình điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Với tiến bộ khoa học và công nghệ như ngày nay, có thể đòi hỏi không được bỏ phí thứ gì trong khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn nhiều và là giải pháp cơ bản để bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản chính là phải sử dụng tài nguyên khoáng sản ở trạng thái vật chất, với quy mô và trong những điều kiện hợp lý sao cho có thể phát huy cao nhất giá trị của chúng.
Đây là vấn đề không chỉ phụ thuộc vào bản thân tài nguyên khoáng sản, mà còn phụ thuộc vào trình độ khoa học, công nghệ và quản lý, trạng thái kinh tế - xã hội, phạm vi không gian và thời gian cũng như phụ thuộc vào sự điều tiết của quy luật thị trường…
“Dành phần khoáng sản cho thế hệ mai sau” là đạo lý và trách nhiệm không ai có thể thoái thác. Nhưng, khó ai có thể rành mạch được cần dành loại khoáng sản nào, dành bao nhiêu cho thế hệ mai sau và “thế hệ mai sau” ở đây là cho tới bao giờ, trong khi nhu cầu khai thác và sử dụng khoáng sản hiện tại ngày càng gia tăng?
Tài nguyên khoáng sản là có hạn và không tái tạo nhưng khi sức sản xuất của con người còn nhỏ bé thì chúng dường như vô tận. Cùng với sự lớn mạnh của sức sản xuất, tài nguyên khoáng sản ngày càng khan hiếm và chắc chắn sẽ tới lúc cạn kiệt.
Nước ta có tiềm năng tài nguyên khoáng sản không thua kém nhiều nước trên thế giới. Mặc dầu quá trình khai thác khoáng sản ở Việt Nam dường như mới bắt đầu tăng tốc, nhưng cũng không nằm ngoài quy luật nêu trên.
Đạo lý và trách nhiệm “dành phần khoáng sản cho thế hệ mai sau” không phải chỉ hành động theo nghĩa trực tiếp là dành phần khoáng sản nào đó cho tương lai mà vấn đề cơ bản chính là khai thác và sử dụng khoáng sản một cách hiệu quả nhất, chuyển hóa chúng thành những giá trị cao nhất, hơn hẳn giá trị nguyên thủy của tài nguyên. Trong giá trị đó có phần xứng đáng “dành cho thế hệ mai sau”.
Thế hệ mai sau có thể tiếp thu đất nước với tiềm năng tài nguyên khoáng sản ngày càng nhỏ đi nhưng họ sẽ được sở hữu những giá trị to lớn đã được chuyển hóa từ khoáng sản để lại.
Nói một cách khác, họ được tiếp thu một đất nước giàu mạnh hơn, mà khoáng sản đã có phần đóng góp trong đó. Nhờ vậy, họ sẽ chủ động và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn khoáng sản còn lại, cũng như ở vị thế cao hơn để có thể tiếp cận những nguồn nguyên liệu mới thay thế.
Về vấn đề thứ hai, khai thác khoáng sản là một trong những ngành có tác hại lớn nhất tới môi trường, do vậy nó có thể góp phần làm giảm chất lượng cuộc sống của ngay thế hệ đương đại và cả thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, khác với tính không tái tạo của khoáng sản, ngoài khả năng can thiệp của con người, tác hại môi trường trong khai thác khoáng sản ngày càng có thể được khống chế hữu hiệu bởi công nghệ hiện đại.
Trong thực tiễn, khai thác khoáng sản trên thế giới và ngay ở trong nước, đã có bước chuyển từ thụ động xử lý một phần sang chủ động phòng ngừa và xử lý triệt để các tác hại môi trường, ứng dụng các công nghệ thân thiện môi trường và thậm chí còn cải tạo nâng cấp chất lượng môi trường.
Có thể khẳng định, sứ mệnh bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững trong khai thác khoáng sản là vấn đề thuộc trách nhiệm và năng lực chủ quan của những người trong cuộc.
Có thể khái quát về các công cụ chủ yếu để đạt tới sự phát triển bền vững trong khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản như sau: Công cụ thuộc phạm trù quản lý gồm hệ thống các quy định pháp lý, cơ chế và nghệ thuật điều hành; Công cụ thuộc phạm trù công nghệ sản xuất gồm hệ thống thiết bị, quy trình công nghệ, hệ thống thiết chế kỹ thuật và trình độ con người; Kinh nghiệm có thể được nhìn nhận riêng như một dạng công cụ đặc biệt, mặc dù nó nằm ngay trong hai công cụ nêu trên.
Đối tượng điều chỉnh của Luật Khoáng sản - nhìn từ góc độ bền vững
Trong hệ thống các quy định pháp lý về khoáng sản thì Luật Khoáng sản có vai trò cơ bản. Luật Khoáng sản là nền tảng pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp cân đối giữa phát triển khai thác khoáng sản với tiềm năng khoáng sản, phù hợp với vị trí, giá trị và nhu cầu của chúng trong nền kinh tế quốc dân, thực hiện các giải pháp bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, cũng như thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Có nghĩa Luật Khoáng sản có vai trò là nền tảng pháp lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong khai thác khoáng sản.
Luật Khoáng sản cần phải có nội dung bao quát toàn ngành vì cho tới nay. Đây là luật chuyên ngành duy nhất điều chỉnh các hoạt động khoáng sản (không kể dầu khí). Đối tượng điều chỉnh của Luật chứa đựng hai nội dung chuyên ngành lớn và có liên quan hệ thống với nhau là hoạt động địa chất khoáng sản có vai trò tiền đề và hoạt động khai thác khoáng sản có vai trò mục tiêu (có thể gọi chung là hoạt động khoáng sản).
Mục tiêu cuối cùng của hoạt động khoáng sản không dừng lại ở phát hiện và bảo quản tài nguyên khoáng sản, mà phải đạt tới các sản phẩm khoáng sản được đưa ra lưu thông trên thị trường và tạo hiệu quả kinh tế - xã hội. Như vậy, phần chủ yếu trong đối tượng mà Luật Khoáng sản điều chỉnh thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Từ góc độ phát triển bền vững thì Luật Khoáng sản phải là nền tảng pháp lý để tiến hành khai thác và sử dụng khoáng sản một cách hiệu quả nhất, chuyển hóa chúng thành những giá trị cao nhất đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả thế hệ đương đại và thế hệ mai sau.
Nếu coi hoạt động khoáng sản là đối tượng điều chỉnh của Luật Khoáng sản thì nội hàm của khái niệm hoạt động khoáng sản cần đầy đủ những nội dung sau.
Hoạt động khoáng sản là hệ thống các tác động của con người để chuyển hóa tài nguyên khoáng sản thành sản phẩm khoáng sản, bao gồm điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, thăm dò khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác, phân loại và làm giàu khoáng sản, vận chuyển và sử dụng cũng như xuất nhập khẩu sản phẩm khoáng sản, nghiên cứu khoa học và công nghệ về khoáng sản cũng như công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản và những hoạt động liên quan khác.
Hành vi của con người trong hoạt động khoáng sản là yếu tố quyết định hiệu quả và sự phát triển bền vững của nó. Có cả một hệ thống các chủ thể tham gia hoạt động khoáng sản.
Luật Khoáng sản phải nhận diện và khẳng định về mặt pháp lý đầy đủ tất cả các chủ thể liên quan trực tiếp tới hoạt động khoáng sản, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Trung ương và địa phương); Các đơn vị chuyên ngành địa chất (Thực hiện điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên và thăm dò khoáng sản); Các chủ đầu tư và chủ doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; Các tập thể và cá nhân, những người lao động trực tiếp tham gia khai thác và chế biến khoáng sản; Cộng đồng xã hội địa phương thuộc khu vực khai thác và chế biến khoáng sản; Các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường chuyên ngành khoáng sản cũng như các tổ chức tư vấn chuyên ngành khoáng sản; Các chủ thể quốc tế tham gia hoạt động khoáng sản tại Việt Nam; Chủ thể có chức năng trọng tài tranh chấp…
Trên cơ sở nhận diện đầy đủ các chủ thể pháp lý nêu trên, Luật Khoáng sản phải là nền tảng pháp lý để xác định trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong hoạt động khoáng sản nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tối đa và bảo đảm phát triển bền vững.
Nói một cách khác, Luật Khoáng sản không phải chỉ là công cụ quản lý của riêng Nhà nước hoặc một cơ quan nhà nước, mà phải trở thành công cụ của cả cộng đồng xã hội, trước hết là của các chủ thể pháp lý nêu trên để vận hành một nền công nghiệp khai thác khoáng sản có hiệu quả tối ưu và phát triển bền vững.
Luật Khoáng sản là một luật chuyên ngành, đồng thời là một phần không tách rời và đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật Khoáng sản không quy định trái hoặc mâu thuẫn với các luật khác trong phạm vi điều chỉnh của chúng, nhưng phải bổ sung ở mức cần thiết các điều luật trong vùng “đặc thù” hoặc vùng “giáp ranh” giữa Luật Khoáng sản và các luật khác, nơi mà các luật khác thường không thể hiện đầy đủ hết những khoảng trống pháp lý có liên quan trực tiếp tới hoạt động khoáng sản.
Các điều luật của Luật Khoáng sản phải có giá trị thực thi trực tiếp và thực chất. Khắc phục một thực trạng là Luật Khoáng sản chỉ có vai trò như “Luật khung”, “Luật nguyên tắc”, trong khi các điều khoản cụ thể để thực hiện lại phần lớn được quy định trong các văn bản dưới Luật.
Luật Khoáng sản không nên né tránh những nội dung cụ thể, những vấn đề gai góc, những vấn đề chuyên môn không thuận đối với người soạn thảo, né tránh quy định định lượng và các chỉ tiêu tài chính… để ủy thác quá nhiều nội dung pháp lý vào các văn bản dưới luật.
Những nội dung nêu trên trong hoạt động khoáng sản đều vận động và tác động lẫn nhau trong mối quan hệ hệ thống. Nếu Luật Khoáng sản muốn điều chỉnh hữu hiệu toàn bộ hệ thống (hoạt động khoáng sản), thì cần cân đối một cách hợp lý các nội dung, không bỏ qua hoặc coi nhẹ một yếu tố nào.
Các chương mục của Luật Khoáng sản cần bám sát đối tượng từ tài nguyên khoáng sản trong lòng đất cho tới khi trở thành các sản phẩm hàng hóa khoáng sản trên thị trường.
Chỉ như vậy, Luật Khoáng sản mới thực hiện hữu hiệu vai trò đặt nền tảng pháp lý cho hoạt động khoáng sản, đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững, đạt tới sự tổng hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm những mục tiêu này được thực hiện trong mối quan hệ nhân quả và cân đối cao nhất cho cuộc sống đương đại và thế hệ mai sau.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.