Tài nguyên - Thiên nhiên » Khoáng sản
Chảy máu đá quý
(00:22:09 AM 18/06/2011)
Có nơi không còn đá quý
Các kết quả điều tra cũng như khai thác trong những năm 90 của thế kỷ trước và khai thác nhỏ lẻ của dân địa phương cho thấy tiềm năng tài nguyên đá quý ruby, saphire, spinel của Việt Nam là tương đối lớn, tập trung ở một số nơi như Lục Yên (Yên Bái) trong tầng đá hoa; Yên Bình (Yên Bái) trong tầng đá biến chất cổ phức hệ Sông Hồng; Quỳ Châu (Nghệ An) trong tầng đá phiến, gơnai và đá hoa; và Đak Song (Đắk Nông) trong tầng đá bazalt bị phong hóa.
Có đại biểu cho rằng cứ với tốc độ khai thác đá quý như hiện nay, con cháu của chúng ta có thể phải ra ước ngoài xem đá quý có nguồn gốc từ Việt Nam. (Ảnh: Phạm Mạnh)
Theo TS Phạm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Đá quý&Vàng Hà Nội, các mỏ ruby thuộc tỉnh Yên Bái nằm rải rác dọc theo Quốc lộ 70 kéo dài từ thị xã Yên Bái lên huyện Lục Yên, với các điểm mỏ nổi tiếng như Tân Cương (nơi khai thác được viên ruby Ngôi sao Việt Nam nặng 2.58 kg và hiện được coi là báu vật quốc gia (một mảnh vỡ của viên đá này nặng 290 carats (cts – đơn vị đo trọng lượng đá quý, 1ct = 0,2 gram) được bán đấu giá năm 1999 với giá 290.000 USD), Trúc Lâu (nơi khai thác được viên ruby sao nặng 1.96 kg cũng được coi là báu vật quốc gia) và Lục Yên (hiện nay các hoạt động khai thác vẫn đang được tiếp tục). Tân Hương có ruby, spinel; Trúc Lâu có ruby sao và spinel; Tại Lục Yên, ngoài ruby (hồng ngọc), saphire (lam ngọc), còn có các loại đá quý khác như spinel (hồng phớt tím), tourmaline (đá lục ma lin), amazonit (còn gọi là felspat hay đá hộ mệnh), granat (đá thạch lựu), v.v…
Phát biểu tại hội thảo “Đá quý Việt Nam – Tiềm năng, hiện trạng và giải pháp” ngày 26/3 tại Hà Nội, ông Đào Trọng Cường, Phó Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam, nói đá quý là sản phẩm mà trái đất ban cho không nhiều quốc gia, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngành đá quý mang lại lợi ích không nhỏ cho đất nước.
Kể từ năm 1987, năm tìm thấy mẫu hồng ngọc tại Yên Bái, tức sau gần ba thập kỷ phát hiện những mỏ đá quý lớn như Lục Yên (Yên Bái), Quỳ Châu (Nghệ An), Bình Thuận, và Đắk Lắk khai thác rầm rộ. Đến nay có nơi mỏ đã khai thác trắng không còn đá quý nữa, Kỹ sư Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam, cho biết.
“Đá quý của Việt Nam đang bị chảy máu sang các nước, chủ yếu Châu Âu, Nhật Bản, Indonesia, Úc, Mỹ do các nước này không có loại đá đó hoặc có cũng rất ít”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đá cảnh Gỗ lũa Tranh tượng Dân gian Việt Nam, trao đổi với VFEJ bên lề hội thảo.
Theo các chuyên gia, đá quý khai thác được phần lớn bán ở dạng thô chưa qua chế tác và nung đốt nâng cao chất lượng, vì vậy hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh đạt thấp.
“Việt Nam nên chế tác chứ cứ bán thô như thế này thì tiếc lắm”, ông Nguyễn Văn Mỹ thổ lộ, “Do chưa có luật nên việc trao đổi, mua bán đá quý ở Việt Nam còn hạn chế, vì vậy đá quý mới cứ chảy ra nước ngoài”
Ông Lê Mạnh Tuấn, kỹ sư vật lý hạt nhân, phụ trách đơn vị sưu tầm phát triển kỳ thạch Việt Nam, nói tiềm năng đá quý của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên nếu không có cách khai thách hợp lý, đá quý sẽ cạn kiệt.
“Đừng để hai ba đời nữa con cháu chúng ta phải sang nước ngoài để xem đá quý của Việt Nam”, ông Tuấn lo lắng.
Cần có luật đá quý
Về hoạt động khoáng sản, lần đầu tiên và duy nhất Chính phủ đã có quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế tác và sử dụng đá quý giai đoạn đến 2015, có xét đến 2025 do Bộ Công thương được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT ngày 4/8/2008, định hướng cho các hoạt động khoáng sản đá quý.
“Tuy nhiên, gần ba năm trôi qua, các hoạt động thăm dò, khai thác đá quý vẫn không được triển khai” ông An nhấn mạnh, “Trong khi nạn khai thác đá quý trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương ngoài vòng kiểm soát của nhà nước.”
Công tác điều tra thăm dò tài nguyên khai thác không theo kịp với tốc độ đào đãi tự do, tàn phá tài nguyên của nhân dân. Trong khi đó công tác quản lý nhà nước về tài nguyên kém hiệu lực cộng với sự yếu kém trong năng lực quản lý, thực hiện của bộ máy nhà nước nên đã góp phần làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đá quý thường diễn ra ngoài tầm kiểm soát.
Ông Mỹ đề nghị “Nhà nước nên có luật đá quý để tránh tình trạng chảy máu đá quý ra nước ngoài.”
Theo ông An, cần sớm ban chiến lược đối với ngành đá quý để góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội, đảm bảo khoáng sản đá quý được bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả và định hướng cho xây dựng, phát triển ngành.
Cần đầu tư xây dựng quy hoạch hoạt động điều tra địa chất đá quý và tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản đá quý đã được phê duyệt theo Quyết định 20/2008/QĐBTC để đảm bảo đánh giá được tài nguyên, làm cơ sở cho các hoạt động khoáng sản thăm dò, khai thác, chế tác đá quý trong tương lai.
Có đại biểu còn đề nghị khoanh vùng, quy hoạch lại một số vùng nhất định thành công viên đá quý, như công viên đá Đồng Văn, cho con cháu sau này.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết trong số 1000 mẫu đá mà ông sưu tầm, có cả hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đi đánh giặc Nam Hán, Thạch Sanh chém đầu Mãng Xà Vương, Thúy Kiều ngồi gảy đàn, Trống Mái (Vịnh Hạ Long), chúa sơn lâm, qui, phượng, khủng long, khỉ, cá chép, lợn, v.v…
“Tôi sang Mỹ thấy các nhân viên văn phòng thường đặt đá thạch anh (đá trắng) trên bàn làm việc. Theo quan niệm của các nước, đặt đá thạch anh trên bàn làm việc sẽ giúp đầu óc minh mẫn. Còn nếu đặt đá thạch anh (màu xanh) trong phòng ngủ, vợ chồng sẽ đằm thắm, chung thủy.”
|
- Theo Hội Đá quý Việt Nam, trong Quyết định “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn đến 2015, có xét đến 2025” của Bộ Công thương kỳ ngày 4/8/2008 có 22 điểm mỏ, quặng được thống kê để xem xét cho việc đầu tư quy hoạch thăm dò và khai thác của đất nước thì có đến tám điểm thuộc địa phận tỉnh Yên Bái. Điều đó cho thấy tiềm năng đá quý vùng này được đánh giá vào loại hàng đầu Việt Nam. Trên bản đồ đá quý Việt Nam, vùng Lục Yên thể hiện ít nhất chín loại đá quý gồm ruby, saphia, spinel, tourmaline, humit, thạch anh, pargasit, amazonit, và tectit.
|
- Theo tài liệu của Liên hiệp Hội Khoa học Địa chất Thế giới, tổng giá trị tài nguyên khoáng sản đá quý khoảng 15 tỉ USD. Xét về cơ cấu giá trị đá quý thì kim cương chiếm 80%, đá quý màu chiếm 20%. Thị trường nhập khẩu đá quý thế giới có sự tham gia của gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch gần 84 tỷ USD năm 2005 và dự báo năm 2010 có thể lên đến 120 – 130 tỷ USD. Các nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu nhiều nhất là Mỹ, Bỉ, Ấn Độ, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc, v.v… Thị trường xuất khẩu đá quý cũng khá đa dạng với 120 quốc gia tham gia. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
- Tây Ninh: Nhiều sai phạm về hoạt động khai thác khoáng sản
- Công ty Cổ phẩn Phước Phúc Nhân chuyên khai thác đất phạt 233 triệu đồng vì dính nhiều vi phạm
- Nghi vấn doanh nghiệp lớn ở Lâm Đồng khai thác khoáng sản trái phép
- Công ty nào đề xuất khai thác bô xít quy mô lớn ở Bình Phước?
- Phú Thọ: Siết chặt quản lý, sử dụng đất công ích
- Khai thác quặng đất hiếm: Nhiều rủi ro cho môi trường
- Nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái từ khai thác đất hiếm
- Các nguồn thải và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong khai thác quặng đất hiếm
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.