Ngày 13-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trương Xuân Lam - trưởng phòng côn trùng học thực nghiệm Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và công nghệ VN), cho hay loài côn trùng mà người dân vẫn gọi là “kiến ba khoang” chỉ có hình thái giống loài kiến, còn về mặt khoa học thì thuộc bộ cánh cứng (trong khi kiến thuộc bộ cánh màng). Loài côn trùng này có hình dáng thon dài 5-7mm, có ba khoang màu đen - đỏ (hoặc vàng nhạt) - đen, sinh sống trên đồng ruộng. Do tập tính “hướng sáng” nên khi trời tối, loài này thường bay vào vùng có ánh đèn nêông. “Đó là lý do mà những chung cư gần cánh đồng thường xuất hiện loài bọ này” - TS Lam nói.
Theo TS Lam, những vết phồng rộp kéo dài trên các vùng cơ thể bệnh nhân không phải do bị đốt mà do tiếp xúc với loài bọ này. Trên bụng của loài bọ này có hai tuyến độc có tên khoa học là pederin. Theo tài liệu nước ngoài, độc tố này mạnh gấp 10 lần độc tố của rắn hổ, song do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ngoài da nên không nguy hiểm như nọc độc rắn. “Khi tiếp xúc với da người, nó tự tiết ra chất này để phòng vệ. Chất độc này có khả năng thấm qua da nên gây phỏng da, rộp da, thậm chí nếu vùng tiếp xúc ở mắt có thể gây mù tạm thời” - TS Lam khẳng định. Song với những mảng da tổn thương lớn thì thường do chủ thể chà xát vết tiếp xúc ban đầu, cộng với tác động của mồ hôi, nhiễm trùng làm loang ra và nặng thêm. Do đó khi bị loài bọ này bám vào người, không nên dùng tay di, giết mà nên búng nó ra rồi bôi thuốc tím hoặc nước muối nhẹ để sát khuẩn, tránh tổn thương lan rộng. Thông thường vùng viêm da sẽ khỏi sau 3-5 ngày.
TS Lam cũng khuyến cáo người dân cần có những biện pháp phòng ngừa thích hợp: “Đơn giản nhất là cần hạn chế lượng ánh sáng trong nhà vào buổi tối, có thể đóng các cửa sổ. Khi loài côn trùng này bay vào nhà thì lấy chổi quét ra”.