Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Bài 7: TH True Milk không chỉ "đầu độc" bằng... phân gia súc?: "Lời hứa gió... có bay"?
“Treo” hàng trăm hộ dân nơi… ô nhiễm?
Để thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô lớn, huyện Nghĩa Đàn phải di đời 650 hộ dân của 7 xóm: đó là Đông Lâm, Tân Lâm, Nghĩa Chính, Cuồn Đá thuộc xã Nghĩa Lâm và Sơn Trung, Sơn Hạ, Làng Bé thuộc xã Nghĩa Sơn.
Vì thế gần 5 tháng trước, Ban giải phóng mặt bằng của huyện Nghĩa Đàn đã về tiến hành kiểm đếm nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn chưa có một thông tin gì về thời gian di dời. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường, mất đất sản xuất, không có việc làm đang khiến người dân bức xúc, nóng ruột.
Anh Nguyễn Văn Hóa ở xóm Đông Lâm chia sẻ: “Về mặt nguyên tắc, sau khi kiểm đếm, các hộ gia đình không được xây dựng, cơi nới. Nhà tôi muốn xây dựng trang trại chăn nuôi, thả thêm ít con lợn nhưng vốn đầu tư cho chuồng trại, hệ thống nước sạch tính sơ sơ cũng đến hàng chục triệu đồng. Nhưng sợ rồi xây lên được vài tháng, chưa có thu nhập hoặc chưa hoàn vốn thì lại phải chuyển đi nơi khác, nghĩ cũng bấp bênh. Giờ không phát triển chăn nuôi thì tôi cũng không có việc gì làm”.
Không chỉ anh Hóa mà nhiều hộ dân nơi đây đều chung một niềm lo lắng. Họ chỉ biết thả thêm con gà, một vài con trâu. Nhưng không có đất nông nghiệp thì lấy đất đâu để trồng cỏ, trồng ngô cho trâu ăn.
Chị Nguyễn Thị Ba ở xóm Tân Lâm cũng sốt ruột vì “vô công rỗi nghề” nên phải mượn đất của họ hàng xa để trồng ngô, trồng cỏ. Hàng ngày chị phải đi xe máy hàng chục cây số cắt cỏ về cho trâu. Chị Ba nói: “Đường xa cũng phải cố gắng thôi. Ngày trước nuôi 4 con trâu thấy nhẹ nhàng vì sẵn cỏ, sẵn ngô. Giờ cả nhà có mỗi một con trâu nhưng không biết lấy gì cho nó ăn, may có họ hàng cho mượn đất”.
Việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đến nơi ở mới đã làm xáo trộn rất lớn đến cuộc sống của người nông dân bao đời nay vốn yên bình, êm ả. Đối với người dân xóm Tân Lâm, ai cũng hiểu đây là dự án lớn, là chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước nên ai nấy đều chấp thuận. Thế nhưng, hơn 5 tháng nay, các hộ dân nơi đây cứ thấp thỏm chờ đợi.
“Sẽ sớm di dời…”
Ông Trần Hồng Lý – xóm trưởng xóm Tân Lâm cho biết: “Trong các đợt lãnh đạo huyện về tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã đề cập rất nhiều về vấn đề bao giờ thì chuyển đến nơi ở mới. Thế nhưng, lãnh đạo các cấp vẫn chưa có ý kiến về thời gian cụ thể như thế nào cả”.
Tân Lâm là xóm chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường nặng nhất. Lo lắng cho sức khỏe và tương lai của con em, 25 hộ dân của xóm đã làm đơn tự nguyện tái định cư. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi để thực hiện việc tái định cư nên hầu hết đang trong chờ vào các cấp chính quyền.
Trước những nỗi băn khoăn, lo lắng của người dân địa phương, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho hay: “Việc xác định thời gian di dời trong 1 tháng, 2 tháng hay 1 quý thì chúng tôi không thể trả lời được. Vì đây là dự án lớn, khối lượng đền bù rất nhiều. Chúng tôi sẽ phối kết hợp với Ban giải phóng mặt bằng của Tỉnh và doanh nghiệp để thực hiện tái định cư trong thời gian nhanh nhất để bà con sớm ổn định cuộc sống”.
Nói về kế hoạch di dời, ông Lê Hồng Sơn bảo: Sẽ thực hiện di dời theo hai đợt và ưu tiên cho vùng chịu ảnh hưởng môi trường nặng hơn, đặc biệt là xóm Tân Lâm. Trước mắt, Chính quyền hối thúc doanh nghiệp đầu tư vốn để hoàn thành việc xây dựng nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư. Đồng thời, tổ chức các đợt họp dân, vận động nhân dân, ai có khả năng tự tái định cư, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính. Mặt khác, nhắc nhở chính quyền địa phương nơi có hộ tái định cư chuyển đến giúp đỡ, hỗ trợ để họ sớm hòa nhập.
Đối với 25 hộ của xóm Tân Lâm làm đơn tự nguyện tái định cư, chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư chi trả 100% tiền đền bù bao gồm nhà cửa, đất vườn, đất ở, tài sản trên đất, và tiền hỗ trợ vận chuyển. Vẫn biết công tác thực hiện tái định cư cho một dự án lớn không hề đơn giản nhưng không thể để người dân phải chờ đợi quá lâu.
Người xưa có câu “an cư lạc nghiệp”. Vậy thử hỏi, một khi các hộ dân thuộc diện tái định cư nơi đây chưa thể ổn định chỗ ở thì làm sao họ có thể phát triển kinh tế được?
(Còn nữa)