»

Thứ bảy, 18/01/2025, 18:44:32 PM (GMT+7)

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng

(11:09:46 AM 07/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Đánh giá thực trạng, tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với từng địa phương là mục tiêu của hội thảo: Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo do tỉnh Hậu Giang tổ chức, ngày 6/11 với sự tham gia của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ và lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Chia[-]sẻ[-]kinh[-]nghiệm[-]ứng[-]phó[-]biến[-]đổi[-]khí[-]hậu[-]và[-]nước[-]biển[-]dâng

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng -Ảnh: TL


Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã nêu thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp và thủy sản là hai trụ cột kinh tế chính của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm vùng này đóng góp trên 50% sản lượng lúa và khoảng 75% sản lượng trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cuộc sống của nông dân và ngư dân ở đây còn thấp và bấp bênh, chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn. Diện tích canh tác các loại cây trồng như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, năng suất và sản lượng suy giảm, mực nước biển dâng làm sự xâm nhập mặn gia tăng, diện tích canh tác nông nghiệp bị thu hẹp, đất đai bị xói mòn và xâm thực nhiều hơn; các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, sẽ bị xâm lấn, khai thác và hủy hoại. Vùng này cũng chịu nhiều rủi ro do khô hạn kéo dài đồng thời với hiện tượng thời tiết bất thường như gia tăng các trận mưa có cường độ cao kèm theo lốc xoáy, bão lũ khó dự báo và khó kiểm soát. Mực nước biển dâng có thể làm vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập và tình hình xâm nhập mặn trầm trọng thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đã nêu một số giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó chú trọng đến việc thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới như các kiểu kiến trúc nhà, ngoại cảnh, các trang thiết bị phòng tránh thiên tai ở mức cộng đồng, tìm các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết - khí hậu khắc nghiệt, điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Theo đại diện tỉnh Hậu Giang, kết quả thống kê về khí tượng thủy văn và kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng năm cho thấy số giờ nắng trong năm gia tăng, số ngày nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng gây nguy cơ cháy rừng, lượng mưa trung bình năm diễn biến thất thường ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, tại xã Lương Nghĩa, năm 2011 có 9 điểm sạt lở, độ mặn là 5,0 phần nghìn; đến năm 2014, cũng tại địa phương này đã có 16 điểm sạt lở, độ mặn đo được lên đến 12,9 phần nghìn. Một số sông, kênh lớn thường xuyên bị nhiễm mặn, nước mặn xâm nhập sâu và lưu lại lâu làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.

Hậu Giang đã đề xuất 30 dự án ưu tiên về ứng phó biến đổi khí hậu và nhiều dự án tập trung vào lĩnh vực ngăn mặn, thoát lũ, chống sạt lở; trong đó tỉnh đang thực hiện 2 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu do Trung ương hỗ trợ kinh phí là dự án xây dựng hệ thống cống ngặn mặn Nam kênh Xà No và dự án nâng cấp bờ bao kết hợp đường giao thông từ thị trấn Cây Dương đến ngã ba Vĩnh Tường.

Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Kiên Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Võ Duy Linh cho biết: Tỉnh Kiên Giang đã xây dựng 49 nhiệm vụ và dự án cụ thể về ứng phó biến đổi khí hậu cho 3 giai đoạn 2013 - 2015, 2016 - 2020 và sau năm 2020. Sau 3 năm thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, Kiên Giang đã thực hiện được một số nhiệm vụ và dự án, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá với mục tiêu từng bước khép kín tuyến đê biển đoạn đi qua thành phố Rạch Giá, điều tiết nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; dự án thành phần trồng rừng ngập mặn tại Kiên Giang với mục tiêu sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Kiên Giang kết hợp quản lý có hiệu quả các khu bảo tồn...

Còn đại diện tỉnh Bến Tre chia sẻ kinh nghiệm xây dựng 15 mô hình canh tác trên đất nhiễm mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, lực chọn 4 giống lúa có khả năng chịu mặn có năng suất cao, xác định ngưỡng chịu mặn một số cây ăn quả chủ lực của tỉnh như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh...

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã nêu một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đang được triển khai hiệu quả tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như mô hình luân canh lúa - tôm bền vững , mô hình tôm - rừng kết hợp, mô hình cua - rừng kết hợp, sử dụng năng lượng mặt trời để chạy thuyền, sử dụng năng lượng mặt trời để nuôi tôm, hệ thống điện gió góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính hay mô hình nhà máy nhiệt điện đốt trấu...

Nguyễn Xuân Dự
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI