|
Mỗi khi có người kêu đi vớt xác chết dù bất kể ở đâu, những ngư dân này đều gác lại công việc đánh bắt thủy sản, để đi tìm tử thi.
Anh Nguyễn Thành Trung (37 tuổi, ở làng chài xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết “Tôi làm nghề này từ năm 20 tuổi đến nay. Mới đầu thì cũng thấy sợ, nhất là lần đầu tiên đi mò xác chết. Nhưng đi riết rồi cũng quen, bây giờ thì trở nên bình thường. Cứ đến nơi là nhảy xuống nước với mong muốn làm sao nhanh chóng tìm được xác đưa lên cho người thân của họ đem về chôn cất”. Theo anh Trung, khởi đầu cả 4 người đều không quen biết nhau, nhưng từ việc tham gia nhiều vụ vớt xác nên dần dần bốn người trở thành quen biết và tự thành lập ra “đội” vớt xác. “Giờ đây có nhiều người biết tụi này, ở xa người ta cũng tìm tới như dưới Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay trên Đà Lạt (Lâm Đồng)…Tại vì mình nhiệt tình và “làm được” nên người ta hay tới kêu”, anh Trung nói.
Ớn lạnh ở hồ tử thần
Gần 20 năm trong nghề, nhóm của anh Trung không biết đã vớt được bao nhiều cái xác. “Tụi tôi đi vớt nhiều lắm, không nhớ hết, với lại ai đi nhớ mấy cái đó làm gì. Tuy nhiên, khu vực mà có nhiều người chết và tụi tôi hay tới vớt nhất là ở hồ Đá (còn gọi là hồ tử thần-PV), nằm trong khuôn viên làng Đại học thuộc xã Đông Hòa, TX.Dĩ An, Bình Dương”.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (40 tuổi) người tham gia vớt xác nhiều lần ở hồ đá nói: “Trung bình mỗi năm ở hồ Đá có 5-6 người chết, có năm tới hơn chục người. Tôi nhớ, có năm, 4 cô gái cùng quê Nghệ An trước khi về quê ăn Tết (tháng 2.2010-PV) rủ nhau ra chụp hình, nhưng không biết sao lại rớt xuống hồ và cả bốn đều nằm lại dưới đó.” Anh Dũng nhớ lại “Lúc tôi lặn xuống thấy ngay 2 cô nằm trong tư thế ôm nhau, tôi ra hiệu cho thằng Trung đưa lên. Tôi tìm thêm lát thì gặp 2 cô còn lại đang nằm cạnh nhau cách chỗ lúc nãy khoảng 4m”. Theo anh Dũng, sở dĩ hồ Đá có nhiều nạn nhân chết nhiều như vậy là do mọi người chủ quan, không cẩn thận. Hồ được tạo thành do khai thác đá có độ sâu rất lớn, trượt chân là có thể chìm xuống hơn 20m. Hơn nữa, vách lại dựng đứng khó có chổ bấu víu, xung quanh và dưới đáy lại toàn đá nên nước rất lạnh làm tăng cảm giác sợ hãi cho người rớt xuống và dễ dẫn đến bị chuột rút. Đã có trường hợp mấy thanh niên bơi giỏi ra ngồi nhậu ven hồ, hứng lên lại thách đố cùng nhau bơi qua bờ bên kia (vài trăm mét). Do có rượu trong người cộng thêm độ lạnh của nước nên mới bơi tới nữa hồ đã đuối sức, bị chuột rút và chết. “Nếu như ở sông độ rộng chừng đó tụi tôi có thể bơi khỏe bởi nước động, mệt mình có thể men theo dòng chảy để nước đẩy đi. Chứ nước ở trong hồ tĩnh lại lạnh rất nguy hiểm, tôi đây cũng không dám bơi từ bờ này sang bờ kia”, anh Dũng nói.
Cũng bởi vì nước lạnh, lại tĩnh nên mỗi lần vớt xác ở đây nhóm của anh Trung gặp phải nhiều khó khăn. “Do nước hồ đứng nên sức ép rất lớn, khó có thể thể lặn lâu. Ở sông tụi tôi có thể ở dưới nước hàng giờ mới lên, còn ở hồ quá lắm 30 phút là hết chịu nổi”, anh Trung lý giải. Tuy vậy, nhưng từ trước đến nay ở hồ Đá chỉ một trường hợp “đội” thợ vớt xác này tìm không được người và đến bây giờ anh Dũng vẫn cứ thắc mắc về trường hợp “kỳ lạ” này. Anh Dũng nói “Ở hồ Đá nếu chỉ rõ chính xác vị trí rơi xuống nước, tụi này xuống mò là thấy liền bởi thi thể không di chuyển được. Nhưng cái lần thất bại trước đây, rõ ràng là thằng Trung sờ thấy cái chân rồi, nhưng xác chết lại tuột ra khỏi tay nó và di chuyển vào chỗ sâu hơn. Do ống thở không tới, nên nó đành trồi lên nối dây dài hơn. Sau đó, tôi xuống lặn xuống lại nhưng vẫn tìm không thấy.”
Làm việc thiện là chính
Mỗi chuyến đi vớt xác các anh cũng làm hợp đồng giao kèo thời gian, tiền bạc rõ ràng. Xong việc, người nhà nạn nhân thấy anh em nhiệt tình, cực khổ có khi họ cho thêm tiền, nhưng có lúc gặp những gia đình nghèo khổ người ta không đủ tiền, đưa bao nhiều đánh lấy bấy nhiêu. “Như mới đây lặn tìm xác 2 chết là anh em ruột quê ở Cẩm Mỹ (Đồng Nai) chết đuối dưới sông Đồng Nai, bên phía công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa), tụi tôi nhận vụ này là 12 triệu nhưng về tới thấy gia cảnh nghèo khó họ đưa mình 5 triệu cũng nhận.”, anh Trung cười nói.