Cộng đồng » Hoạt động thiện nguyện
Bản tin bão cuối cùng của nữ phóng viên Hồng Sen
(18:06:02 PM 11/11/2013)Lễ khâm liệm Hồng Sen - Ảnh: TIẾN THÀNH
Thượng tá Huỳnh Tiến Dũng - trưởng Công an huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - cho biết hiện tại vụ tai nạn đang được công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Thượng tá Dũng xác nhận khoảng 20g đêm 9-11 trên đoạn ngã ba quốc lộ 1A, đường tránh thị trấn Đức Phổ, trong lúc một mình trên xe máy đi từ hướng Nam Bắc, chị Hồng Sen bị xe khách do tài xế Nguyễn Văn Hùng (huyện Tây Sơn, Bình Định) lái cùng chiều tông vào.
Tài xế Hùng cho biết xe đang chở khách từ Bình Định ra Đà Nẵng. Lúc đó có mưa lớn, ông chạy tốc độ khoảng 70 km/g và "va vào chị phóng viên”. Theo nhiều người dân chứng kiến, chị Sen đang đi trong phần đường xe máy thì bị xe khách húc hất văng trên chục mét. Chị được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm nhưng do vết thương quá nặng nên không qua khỏi.
Đồng nghiệp của chị Sen, anh Kỳ, kể lại sáng 9-11, dự báo siêu bão 14 đổ bộ vào miền Trung, dù là nữ và đang có con nhỏ 3 tuổi nhưng chị Sen vẫn xuống cơ sở nắm tình hình và được phân công đến các xã phía bắc của huyện thu thập thông tin về việc phòng chống bão của người dân. Đến chiều tối, đang trên đường trở về cơ quan làm chương trình phát lúc 21g chị bị xe khách 16 chỗ tông.
Ông Phạm Ngọc Âu - trưởng Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ - xác nhận chị Sen được cơ quan phân công theo dõi, đưa tin về cơn bão Haiyan tại hai xã Phổ Văn và Phổ Quang. Khi đang trên đường đi tác nghiệp thì bị nạn.
Chị Sen là nữ phóng viên năng động, yêu nghề, được đồng nghiệp cơ quan tin yêu. Chị còn là một cộng tác viên tích cực của báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH Quảng Ngãi. Sống cùng cha mẹ chồng đã cao tuổi, mọi chi tiêu trong gia đình trông cậy vào khoản tiền lương hơn 2,3 triệu đồng của chị Sen và vài sào ruộng.
Ngoài hỗ trợ trước mắt số tiền 6 triệu đồng, UBND huyện đang xem xét việc giải quyết chế độ cho chị Sen vì đây là trường hợp tử vong trong khi đi công tác, ông Lê Văn Mùi - chủ tịch UBND huyện Đức Phổ - cho biết.
ĐÀI TT - TH ĐỨC PHỔ
Bản tin bão số 14 (phát lúc 19 giờ tối 9-11)
Duyệt chương trình: Phạm Ngọc Âu
Người soạn: Thanh Kỳ
Phát thanh viên: Thanh Kỳ - Hồng Sen
Quý vị và các bạn thân mến!
Mời quý vị và các bạn nghe thông tin về cơn bão số 14 và công tác phòng chống bão lũ tại một số địa phương trên địa bàn huyện.
Thông tin về cơn bão số 14
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được vào lúc 10 giờ sáng nay ngày 9-11, tâm bão số 14 cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220 km về phía bắc đông bắc, với sức gió tối đa 163 km/h, tức bão cấp 15. Bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc khoảng 30 - 35 km/giờ. Đến 10 giờ ngày 10-11, tâm bão trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị với sức gió mạnh nhất 166 km/giờ, tức bão cấp 14.
Bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn cho biết khu vực nam vịnh Bắc bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay có gió mạnh tới 88km/giờ. Khu vực Trung Trung bộ có mưa to, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung bộ và Bắc bộ, nhiều nơi có mưa rất to.
Ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường từ 4 - 6m, sóng biển 5 - 8m, vùng gần tâm bão trên 10m. Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10-11 gió sẽ mạnh.
Ông Bùi Minh Tăng, giám đốc Trung tâm Khí tượng và thủy văn trung ương, nhận định bão số 14 là cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử từng vào biển Đông, có thể sánh ngang với những cơn bão mạnh nhất trên Trái đất từ trước tới nay như bão Andrew, bão Katrina vào Mỹ, bão Nargis đổ bộ vào Myanmar. Việt Nam từng bị nhiều cơn bão mạnh nhưng chưa cơn bão nào có gió mạnh hơn 149km/giờ, trong khi Haiyan gió mạnh tới 220km/giờ.
Bão số 14 là cơn bão thứ 30 hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vị trí hình thành ban đầu ở vĩ độ rất thấp khoảng 5-6 vĩ độ Bắc và ở giữa Thái Bình Dương, từ 147-148 kinh độ Đông. Phạm vi bán kính ảnh hưởng của bão rất rộng, ở mức 400-500 km.
Theo kinh nghiệm của các nước từng trải qua thì sức tàn phá của cơn bão như bão số 14 rất thảm khốc. Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ cao bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống. Bão có thể phá hủy gần như tất cả các nhà cấp 4, bất kể đã xây dựng với kết cấu tốt thế nào. Người dân hãy chủ động phòng chống để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Tin họp khẩn cấp triển khai chống bão số 14
Sáng nay ngày 9-11, huyện ta đã tổ chức cuộc họp để triển khai công tác phòng chống bão số 14. Tham dự cuộc họp có bí thư Huyện ủy Huỳnh Quý, phó bí thư thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi và các PCT UBND huyện, đại diện các phòng, ban, hội đoàn thể và lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện yêu cầu các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân không được chủ quan, cần chủ động ứng phó mưa bão; vận động cán bộ và nhân dân chằng chống nhà cửa, cơ quan, trường học và có phương án di dời dân ở những vùng nguy hiểm nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Các xã, thị trấn cần khẩn trương chuẩn bị phương tiện di dời dân đến nơi an toàn; phối hợp với 2 đồn biên phòng hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền và tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu hay các lều canh nuôi trồng thủy sản trước, trong và ngay sau bão. Đơn vị điện lực và Công ty cổ phần điện Đức Phổ có phương án cắt điện hợp lý; đồng thời hướng dẫn nhân dân sử dụng phương án tích điện để phòng chống mưa bão. Các cơ quan đơn vị chủ động bảo quản tài liệu tránh bị dột ướt và sau 2 giờ phải báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống bão về Ban chỉ huy PCLB – TKCN huyện. Tại cuộc họp, chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi đã lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải khẩn trương thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra. Đồng chí nói:
(Phát biểu của CT.UBND huyện Lê Văn Mùi)
HỒNG SEN
Di dời 42 hộ dân ở xã Phổ Văn đến nơi an toàn
Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, chiều nay ngày 9-11, chính quyền xã Phổ Văn đã di dời 42 hộ dân với 208 khẩu ở các vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Trong đó có 20 hộ dân ở thôn Thủy Triều nằm cạnh bờ bắc sông Trà Câu đến trụ sở UBND xã và 22 hộ dân ở thôn Văn Trường nằm dọc bờ tây sông Thoa đến những nhà dân được xây dựng kiên cố. Ban chỉ huy PCLB - TKCN xã cũng đã tổ chức chốt chặn tại đầu cầu Đò Mốc để ngăn người và phương tiện qua lại khi nước sông Thoa dâng cao. Các thành viên trong ban chỉ huy đã đến từng hộ gia đình vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
HỒNG SEN
Phổ Hòa: di dời 100 hộ dân nằm dọc sông Lò Bó đến nơi an toàn
Cũng trong chiều nay ngày 9-11, Ban chỉ huy PCLB - TKCN xã Phổ Hòa đã tổ chức di dời 100 hộ dân với 425 nhân khẩu ở các thôn An Thường và Hòa Thạnh nằm dọc sông Lò Bó đến trụ sở UBND xã và HTXNN để trú bão số 14. Chính quyền xã cũng đã cung cấp lương thực cho những hộ dân được di dời. Xã cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc và trang thiết bị y tế để sơ cứu cho người bị nạn. Ban chỉ huy PCLB - TKCN đã cử lực lượng phối hợp với Trạm quản lý thủy nông số 6 canh gác, bảo vệ hồ chứa nước Liệt Sơn. Đài truyền thanh xã liên tục phát sóng thông tin về cơn bão số 14 để người dân biết hướng di chuyển của bão và chủ động phòng chống…
MINH KỲ
Quý vị và các bạn vừa nghe thông tin về cơn bão số 14 và công tác phòng chống bão lũ tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Đài chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cơn bão này vào lúc 21 giờ. Mời quý vị và các bạn chú ý đón nghe!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
- Cộng đồng góp 1 thì Vinamilk góp thêm 1 để nhân đô hỗ trợ cho học sinh các tỉnh gặp thiên tai
- Mang trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
- Vinamilk hỗ trợ hơn 550.000 sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu cho người dân vùng lũ
- Vingroup tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ
- Hành trình 17 năm gieo niềm vui đến trẻ em của Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam
- Giao lưu Chương trình “Sát Cánh Cùng Gia Đình Việt" tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
- Giải bóng rổ thiện nguyện kêu gọi giúp đỡ các em nhỏ bị căn bệnh bẩm sinh
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"
(Tin Môi Trường) - "Chia sẻ từ trái tim" là cuốn sách gồm 50 bài giảng nhân quả của thầy Thích Pháp Hòa với mong muốn giúp cho con người chuyển hóa nỗi khổ đau và xây dựng lối sống tỉnh thức.
Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?
(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa
(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.