Nhọc nhằn nghề quét rác
(15:42:16 PM 18/02/2013)
Nghề vất vả
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có một thời để học hành và nuôi dưỡng những ước mơ cho tương lai của mình nhưng có một điều chắc chắn rằng không ai mơ ước sau này mình sẽ trở thành người công nhân “quét rác”. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ của mỗi người, đều cho đó là công việc vất vả, phải chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, hàng ngày trên địa bàn TPHCM vẫn có hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vượt qua những thị phi đời thường để làm việc và chính công việc thầm lặng của họ đã góp phần xây dựng TP ngày một văn minh hiện đại.
Mỗi ngày TPHCM thải ra môi trường khoảng 6.000 - 7.000 tấn rác các loại, điều gì sẽ xảy ra nếu như khối lượng này không được quyét dọn, thu gom và xử lý? Điều đó cho thấy, công việc thu gom rác thải hàng ngày của những công nhân vệ sinh môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường TP. Có thể nói, nghề quét và thu gom rác vẫn đang là nghề vất vả nhất trong các nghề vất vả. Rác thải thường có mùi hôi thối, bẩn thỉu, ai đi qua cũng muốn bịt mũi và vượt cho nhanh nhưng với người công nhân vệ sinh môi trường thì hàng ngày họ vẫn sống chung với rác.
Chị Trần Thị Lan, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 2 tâm sự: chị đã có 7 năm làm nghề quét rác tại khu vực phường Bình An. Thời gian làm việc của chị thường bắt đầu từ 5 giờ sáng đến đêm khuya. Đó là những ngày thường, còn khi đột xuất xe vận chuyển có sự cố hoặc vào dịp lễ tết, ngày mưa bão hay cuối tuần lượng rác tăng đột biến thì phải làm đến 2 - 3 giờ sáng. Về đến nhà tranh thủ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ lại phải dậy lo công việc buổi sáng. Vệ sinh môi trường là một công việc đặc thù, thường xuyên phải làm việc trực tiếp ở lòng lề đường và tiếp xúc với nhiều phương tiện giao thông, điều này luôn đặt người lao động trong những hoàn cảnh nguy hiểm.
Chị Lan cho biết thêm, ai đã từng dọn rác có nguồn lây nhiễm bệnh như bơm kim tiêm, bông băng gạc do con nghiện để lại đều phải rùng mình. Chỉ một chút sơ sẩy là có thể bị kim đâm dù các chị đã được trang bị găng tay. Ngày nắng có nỗi khổ của ngày nắng, ngày mưa có cái nhọc của ngày mưa. Mấy chị em phụ nữ lao công vẫn nói về cái nghề của mình: cái gì cũng dở, “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”.
Những công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với người dân nhưng không phải ai cũng thông cảm với cái nghề vất vả này, thậm chí có những người còn coi thường công việc của họ. Anh Nguyễn Thế Sơn, quê Đồng Nai, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 1 chia sẻ, công việc thì vất vả nhưng đôi khi vẫn bị người dân xem thường. Anh kể, một hôm đang thu gom rác dưới lòng đường, một người dân một tay bịt mũi, một tay xách túi rác rồi gọi “ê rác” và vứt ngay bịch rác xuống lòng đường mà không bỏ vào xe của anh đang kế bên. Cái túi ni lông bị vỡ ra, rác vương vãi khắp nơi, gặp những trường hợp như vậy anh thấy buồn lắm. Thậm chí có nhiều người chỉ nhắc họ bỏ rác đúng giờ, đúng điểm quy định nhưng họ cũng tỏ thái độ khó chịu. Có lần dừng để quét rác trước một quán nhậu trên đường Cống Quỳnh khoảng 10 đến 15 giây nhưng anh cũng bị những người phục vụ ở đây ra đạp xe rác của anh và quát mắng. Thấy ấm ức nhưng anh cũng không nói được câu nào. Đã gần 30 tuổi nhưng anh chưa lập gia đình. Anh nói vui, làm nghề này, tối ngày đi gom rác, thời gian đâu mà hẹn hò, vả lại con gái họ thích người mình yêu sạch sẽ, thơm tho chứ người lúc nào cũng đầy mùi rác như mình thì ai thích. Biết là nói đùa nhưng những lời tâm sự của anh Sơn đã nói lên sự nhọc nhằn của những người công nhân môi trường.
Cần sự sẻ chia
Vào những ngày lễ tết là khoảng thời gian những người thân trong gia đình hay bạn bè thường thăm hỏi, vui vẻ với nhau. Nhưng với công nhân làm vệ sinh môi trường thì những thời điểm như vậy công việc của họ lại nhiều hơn mọi ngày. Vì thế, với họ lễ, tết lại là khoảng thời gian buồn và tủi thân nhất. Chị Lan bùi ngùi, chừng ấy năm trong nghề là chừng ấy năm chị không được ăn tết cũng gia đình. Những ngày cuối năm, nhìn những gia đình ấm cúng quây quần bên nhau, nhiều lúc chị cũng buồn, cũng thấy tội cho chồng và cho con bởi không giao thừa nào chị có mặt ở nhà! Năm nào công việc cũng như thế nên bọn trẻ con ở nhà cũng quen cảnh đón tết thiếu mẹ. Tất nhiên chị cũng muốn các con sau này học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp đàng hoàng để đỡ vất vả. Nhưng nếu có làm nghề lao công chị cũng thấy vui bởi chính con người mới làm nên giá trị của công việc. Bất cứ nghề nào lương thiện giúp ích cho đời này đều đáng để tự hào.
Anh Nguyễn Văn Thức, quê Long An, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty Dịch vụ công ích quận 3 cũng tâm sự, anh làm nghề quét rác được 10 năm nay, tuy nhà chỉ cách TP chừng 40 cây số nhưng cũng chưa có năm nào anh được về đón tết cùng gia đình. Công việc vất vả của nghề này thì ai cũng thấy rồi, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng những đêm giao thừa, khi mọi nhà quây quần bên mâm cơm tất niên, anh lại hay vắng nhà khi ấy. Lủi thủi trên đường, nghĩ thương mình, thương vợ con đến lạ. Mấy năm rồi muốn có một ngày lễ trọn vẹn bên gia đình cũng khó bởi khi mọi người nghỉ mình lại đi làm. Cũng may vợ con anh đều thông cảm và động viên anh rất nhiều. Đi làm vào ngày lễ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán cũng buồn lắm. Có năm giao thừa đang làm thì con gọi ý ới cũng muốn về nhà với con lắm nhưng không được. Nhưng rồi anh lại nghĩ đó là sự phân công của xã hội và khi đã theo một nghề nó là cái nghiệp. Và mỗi khi ngoảnh nhìn lại đoạn đường mình vừa dọn sạch sẽ hơn, thoáng đãng hơn, người đi lại thoải mái, trẻ nhỏ vui vẻ chơi đùa anh lại thấy vui.
Không chỉ có chị Lan, anh Sơn, anh Thức… mà còn rất nhiều những công nhân vệ sinh môi trường khác đang hàng ngày phải đối mặt với những vất vả, rủi ro mà công việc để lại. Có lẽ, khi cùng gia đình vui chơi du xuân trên những tuyến đường TP thật sạch đẹp, ít ai nghĩ đến những giọt mồ hôi, công sức của những người công nhân vệ sinh môi trường. Và nếu không chú ý, cũng ít ai biết được rằng, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang ngày lặng lẽ, cần mẫn làm công việc của mình - công việc làm sạch đẹp cho TP. Để cùng chia sẻ những nhọc nhằn, vất vả với những người lao công và góp phần xây dựng môi trường của TP ngày càng xanh - sạch - đẹp, thiết nghĩ mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác trong việc thực hiện quy định vứt rác đúng thời gian, địa điểm. Nghĩ về công việc của những công nhân vệ sinh môi trường thì lời bài hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...” càng khiến chúng tôi thấy thấm thía hơn.
|
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
- "Rốn lũ" Bình Định sau bão
- Nợ lương ở các công ty công ích: Sở Tài nguyên - môi trường TP HCM nhận sai sót
- Nhà ngập cả mét bùn, 13 người Thanh Hóa chết, mất tích sau lũ
- Tình người trong cơn lũ dữ ở Thanh Hóa
- Lũ khủng khiếp cuốn đứt chân đường dẫn lên cầu treo Chôm Lôm
- Thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào
- Những hình ảnh xúc động tại tâm lũ Yên Bái
- Vượt lên số phận
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"
(Tin Môi Trường) - "Chia sẻ từ trái tim" là cuốn sách gồm 50 bài giảng nhân quả của thầy Thích Pháp Hòa với mong muốn giúp cho con người chuyển hóa nỗi khổ đau và xây dựng lối sống tỉnh thức.
Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?
(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.
Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon
(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa
(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.