»

Thứ bảy, 18/01/2025, 07:49:04 AM (GMT+7)

Người đàn ông liệt hai chân và cuộc mưu sinh trên biển

(13:33:38 PM 26/09/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-5 năm nay, ngư dân vùng cửa Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi đã quen với cảnh: Gà gáy canh đầu tiên là thấy vợ chồng anh Huỳnh Minh Sơn (48 tuổi) và chị Huỳnh Thị Đông (45 tuổi) lò dò ra biển.

 

 
Đi phía trước là anh chồng hai tay chống hai nạng, kéo lê đôi chân liệt. Còn phía sau là chị vợ vai mang dầm chèo lặng lẽ đi.
 
 
Khi anh Sơn đã ngồi vững vào thúng và từ từ đi ra cửa biển là chị Đông quay về xóm. "Chân cẳng tui thế này, biết đi biển là khó. Mà hổng đi biển hả, tui có 5 đứa con, biết lấy gì mà sống đây?"-anh Sơn thường nói buồn với bà con như vậy.
 
 
Buổi trưa định mệnh
 
 
"Thúng chuẩn bị tấp dzô bờ là thúng ông Sơn. Bị liệt mà vẫn đi biển thấy tội nghiệp hông!". Anh công an xã Bình Đông, Phạm Đường chỉ tay nhìn một chiếc thúng máy đang từ ngoài biển chầm chậm vào bãi cát. Khi chiếc thúng ấy tấp vào bờ, không giống đàn ông vạn chài nhảy xuống nước ào ào kéo thúng, kéo ghe vào, còn anh Sơn thì dùng hai tay đu mình trườn qua be thúng rồi nhoài mình ra đu hai tay từ từ thả hai chân xuống nước biển lạnh ngắt.
 


 
Mỗi ngày anh Sơn lê từng bước chân trên đôi tay ra biển
 
 
 
Anh cười cười nói nhỏ với chị Đông, vợ anh Sơn, lội nước đi ra đứng cạnh bên chồng: "Chắc được trên 200.000 đồng đó bà. Hơn hôm qua một chút". Nói đoạn anh quay sang tôi bảo: "Anh vào sau chót, hôm nào cũng vậy hết. Vì mình tàn tật, đâu được như người ta".
 
 
Ngồi trên be thúng, vừa ăn vội miếng cơm sáng do chị Đông mang ra, anh Sơn vừa vỗ vỗ vào hai chân, kể chuyện: "Ở nhà thấy vợ con nheo nhóc quá. Mới liều đi biển vậy chớ. Đôi chân này vô dụng từ năm 2003 lận, trong một lần lặn biển".
 
 
Hồi đó trước năm 2003, anh Sơn sống bằng nghề tôm hùm. Cái nghề này tuy không khá giả nhưng cũng đủ nuôi vợ con. Chiều chiều rỉ rả vài ly rượu, cầm cây đàn ca vài bản với bạn chài. Thế rồi có một lần, có người kháo vào tai anh Sơn: "mày đi lặn đồ cổ không. Trúng lắm! Đi một chuyến bằng cả đời lặn tôm hùm".
 
 
Nghe rủ mê quá, Sơn nói: "Chơi thì chơi. Sợ gì!". Thế là anh Sơn bỏ nghề lặn tôm hùm, theo ghe ông Năm Đỏ ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra vùng biển gần đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) lặn đồ cổ.
 
 
"Nói cho chú biết là, ở vùng biển này lúc đó, đồ cổ vô số kể. Chỉ có xúc chứ hổng biết làm sao cho hết. Tui lặn về, bán đổ bán tháo chớ có đúng giá đâu. Vậy mà tiền vô như nước" – anh Sơn nhớ lại.
 
 
Đi chuyến đầu tiên, anh Sơn về khao cả xóm. Thời điểm đó, uống bia Dung Quất đã "xịn" rồi, vậy mà Sơn nhà ta đãi bia Sài Gòn hẳn hoi. Cả xóm chài ở bãi Sau, xã Bình Đông lóa mắt. Chuyến thứ hai về, Sơn đưa vợ đi đổ... 4 cây vàng và cất nhà xây.
 
 
Tưởng phen này giàu to, anh Sơn lại tiếp tục theo tàu ra đảo Cù Lao Chàm làm phiên thứ ba. Ai ngờ, chuyến lặn hôm ấy là định mệnh của tay lặn tứ chiến này. Đó là buổi trưa ngày 1-3-2003, vì đồ cổ quá nhiều nên các tay thợ lặn ham của. Ở tầm 75 – 80 mét dưới đáy biển, thợ lặn quên bén mất phải tuân thủ quy luật lên – xuống và phân ra từng giai đoạn giảm áp giữa chừng.
 
 
"Hồi nằm dưới đáy, tui nghe người mệt rồi, vì lúc xuống nhanh quá. Đến khi quá giờ hơn 30 phút dưới nước, tui lại không lên. Đến khi trên ghe kéo tui lên thì đi quá nhanh. Một phần là do thấy đồ cổ nhiều, lên - xuống nhanh đỡ tốn thời gian. Phần khác, lúc ấy lực lượng biên phòng đang tiến đến điểm lặn. Vì lặn lén lút nên anh em trên ghe sợ bị phạt, tịch thu đồ cổ và ghe nên lật đật kéo tui lên nhanh quá"-anh Sơn kể.
 
 
Lên đến ghe, anh Sơn ngất đi không biết gì nữa. Anh em trên ghe lặn đưa anh Sơn về trả về cho chị Đông. "Đúng là khi đi trai tráng, khi về bủng beo. Ảnh về, chị thấy ảnh xanh dờn như lá chuối. Thấy mà đứt ruột" – chị Đông lắc đầu.
 
 
"Ước gì có 30 triệu trong tay!"
 
 
Khi anh Sơn rơi vào cảnh ngộ liệt toàn thân. Chị Đông mang tất cả tài sản có được đưa anh đi chữa bệnh. Nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy hai tháng, sau đó chuyển về Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng một tháng. Vậy mà bệnh tình của anh Sơn vẫn không thuyên giảm, còn tài sản trong nhà thì cứ vơi dần và đến khi không còn đồ gì để bán. Sau đó, chị Đông đưa anh Sơn về nhà chữa trị tại nhà. 
 
 
Chị Đông vui cùng chồng khi anh Sơn đi biển trở về
 
 
Để tập đi lại, anh Sơn nhờ gia đình làm hai cây tre từ nhà ra sân. Anh vịn vào đó đi lại. Nhờ kiên trì tập luyện, nên sau 2 năm, đôi chân anh Sơn có phần đỡ hơn tí đỉnh, cử động được nhưng không thể đi lại.
 
 
Chỉ hai cây nạng đang kè kè bên mình, anh Sơn cho hay là anh mua của một người trong xóm với giá 70.000 đồng. "Giá như có tiền mua được cây nạng đắt tiền hơn, có ba hay năm chấu thì bám dưới đất dễ hơn. Chứ cây nạng này bị trượt té hoài. Chân cẳng không bao giờ hết lở loét".
 
 
Từ ngày anh Sơn lâm bệnh, lần lượt ba đứa con lớn trong nhà đang học THCS và THPT bỏ học giữa chừng. Con gái lớn là Huỳnh Thị Diện đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở Dung Quất, còn hai con trai kế cận mới 14 và 16 tuổi thì bỏ học đi biển.
 
 
"Nói thiệt, nếu không có ba đứa nhỏ đi làm, thì cả nhà 7 miệng ăn chỉ có... uống nước biển mà sống" – chị Đông giãi bày. Nhìn con bỏ tuổi thơ, bỏ trường bỏ lớp kiếm cơm, anh Sơn đành tập đi biển.
 
 
Lần đầu tiên ra thúng, anh lay hoay chừng 30 phút vẫn không leo lên được. May lúc ấy đứa con thứ ba là Huỳnh Minh Phụng đi theo sau thấy vậy đỡ anh Sơn và từ đó, nó cũng theo ba chèo thúng ra khơi, quên đi tuổi thơ đùa vui với bạn bè cùng trang lứa.
 
 
Đi được vài năm, cu Phụng thấy ba tự đi một mình được, nên theo người ta vào Vũng Tàu làm thuê cho tàu cá ở đây. "Thế ra biển, anh làm sao mà thả lưới?". "Người ta đứng, còn mình ngồi thả lưới. Cứ rải lưới rồi cho thúng đi chầm chậm. Vì ngồi kéo lưới, thả lưới nên cái sạp giữa thúng phải cao lên chừng hơn gang tay so với người ta. Nói vậy chớ lâu lâu lại bị té xuống biển. Hai chân thì chịu chết, chỉ dùng hai tay bơi vào thôi. Nói thiệt, nếu gặp sóng lớn thì theo hà bá thôi" – anh Sơn bông đùa.
 
 
Vì tàn tật, hầu như hôm nào thúng của anh Sơn cũng về sau chót. Bởi nếu làm nhanh, lật đật thì dễ bị té xuống biển, nên anh Sơn chọn giải pháp an toàn, làm chậm mà chắc.
 
 
Trò chuyện với vợ chồng anh Sơn, tôi mới hay, vì không có tiền sắm thúng, hai đứa con trai là Huỳnh Minh Cảnh và Huỳnh Minh Phụng đã vào Vũng Tàu làm thuê kiếm sống. Bây giờ, cả nhà còn bốn năm miệng ăn đều phụ thuộc vào những ngày đi biển của anh Sơn. Hôm nào trúng, anh kiếm được 300.000 đồng, nhưng thường thì 100.000 đến trên 200.000 đồng.
 
 
"Nếu bữa nào chỉ được 100.000 đồng thì chỉ dư được 20.000 – 30.000 đồng chứ mấy em. Đủ đong gạo". Anh Sơn cười ao ước: "ước gì bây giờ, tui có 30 triệu đồng trong tay. Tui mua một chiếc ghe nhỏ để cho hai thằng nhỏ về quê, rồi ba cha con cùng làm. Khỏi phải đi biển bắc bờ nam... ".
 
 
Nói xong, anh Sơn nhìn ra phía biển. Từng cơn sóng nhấp nhô xô mấy chục con thúng tròng trành...
 
 

PHẠM ANH (Quảng Ngãi Online)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Người đàn ông liệt hai chân và cuộc mưu sinh trên biển

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"

Tác phẩm mới: "Chia sẻ từ trái tim"

(Tin Môi Trường) - "Chia sẻ từ trái tim" là cuốn sách gồm 50 bài giảng nhân quả của thầy Thích Pháp Hòa với mong muốn giúp cho con người chuyển hóa nỗi khổ đau và xây dựng lối sống tỉnh thức.

Tin Môi Trường
 Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?

Đổi nhựa lấy quà, và sau đó?

(Tin Môi Trường) - Những chương trình trao đổi đồ nhựa lấy quà được thực hiện ở nhiều cộng đồng hay sự kiện liên quan đến môi trường để khuyến khích người dân thu gom nhựa cho tái chế.

VACNE 30 năm
 Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon

Nông dân hồ hởi với tín chỉ carbon

(Tin Môi Trường) - Không chỉ trồng cây lấy lương thực, hoa trái, người nông dân ngày nay còn thu hoạch được cả tín chỉ carbon.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa

(Tin Môi Trường) - Chương trình Đô thị giảm nhựa được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai kế hoạch hành động. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam, để đạt được những kết quả bước đầu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, Chính phủ Việt Nam nói chung ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đến Chính phủ Việt Nam, cộng đồng cư dân các địa phương trong cả nước.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI