Thảm sát kinh hoàng, 18 phu vàng bị lôi vào rừng bắn chết
(22:15:37 PM 04/08/2014)Giới làm vàng sa khoáng khắp Việt Nam 28 năm qua vẫn truyền tai nhau câu chuyện 18 “phu” vàng bị giết cùng một lúc như một bài học để đời.
Ngày 12/10/1986, một nhóm làm vàng sa khoáng gồm 19 thanh niên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đang ngồi trong lán trại, bất ngờ bị 24 đối tượng vác súng, mã tấu đến bắt đi rồi áp giải vào rừng sâu hành quyết.
Địa điểm xảy ra vụ “hành quyết” 18 'phu' vàng (Ảnh: Phòng Hồ sơ tư liệu Công an Quảng Nam)
Trong giây phút sinh tử, nhờ linh tính mách bảo từ trước, duy nhất anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1967, ngụ xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) chạy thoát được. Xa lộ Pháp luật đã tìm gặp lại nhân chứng duy nhất của vụ thảm sát kinh hoàng này. Xấp xỉ 10 ngàn đêm, muốn chìm vào giấc ngủ, ông đều phải nhờ đến rượu, nếu không những ám ảnh về cảnh 18 người bạn bị “hành quyết” trong rừng sâu lại hiện về nhức nhối tâm trí.
Cán bộ xã cầm đầu nhóm sát nhân
Qua rất nhiều kênh thông tin từ công an, chính quyền, chúng tôi mới lần ra được tên tuổi người đàn ông duy nhất còn sống sót trong vụ thảm sát 18 phu vàng năm xưa. Biết địa chỉ của ông đang sinh sống cùng vợ con ở tổ 4 thôn 1 (xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), nhưng khi liên hệ tìm gặp, ông Sơn (tên thường của ông Nguyễn Văn Hòa) lại chối đây đẩy: “Tôi đang ở tuốt… Cà Mau lận”.
Phải đến khi nhờ lãnh đạo địa phương mở lời giúp, lúc này ông Sơn mới chịu nhận tên tuổi của mình. Hóa ra, đã 28 năm, ông vẫn luôn bị ám ảnh, lo sợ có người lạ nào đó tìm hỏi về mình.
Ông Hòa vốn mồ côi cha từ nhỏ, hai mẹ con lay lắt sống trong nghèo khổ. Năm 1983, chàng trai phải nghỉ học, ở nhà đi làm thuê đủ nghề kiếm tiền giúp mẹ. Thời gian này, ông theo đám bạn cùng xã đi lên huyện Trà My (Quảng Nam) làm vàng sa khoáng.
Hai năm chui rúc hết các khe suối này đến dòng sông khác để đào đãi nhưng vẫn không đủ ăn, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Đầu năm 1986, một số thanh niên Tiên Phước rủ nhau đi “làm ăn xa”, kéo lên sông Bung ở huyện Giằng (nay thuộc huyện Nam Giang, Quảng Nam) đãi vàng. Nhóm bạn vượt hàng trăm cây số đi tìm “miền đất hứa”, ngoài ông Hòa, còn có Trần Văn Đắc (16 tuổi) Hoàng Ngọc Tấn (17 tuổi), Nguyễn Xuân Tuấn (21 tuổi), Nguyễn Văn Hùng (25 tuổi), Nguyễn Văn Hương (16 tuổi, người em con chú của ông Hòa, cùng ngụ thôn 1, xã Tiên Lộc), Lê Văn Chính (19 tuổi, ngụ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Ông Hòa năm đó mới 19 tuổi.
Tập hợp đủ người, nhóm mua sắm mắm muối, gạo, bỏ vào ba lô, lên đường. Ngày đó khổ cực, phương tiện đi lại rất khó khăn, không có xe nên cả nhóm đi bộ mất bốn ngày trời mới đến nơi.
Chọn địa điểm thuận lợi, nhóm người chặt cây rừng để dựng lán trại che nắng mưa rồi vùi mình vào công việc. Tại đây, nhóm ông Hòa gặp một nhóm người 12 người khác quê khu vực Ga An Mỹ ở Tam Kỳ (nay TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cũng đang làm vàng sa khoáng, nên kết thân nhau cùng làm ăn chung.
Như thường lệ, sau một buổi làm việc vất vả, chiều 10/10/1986, 19 người trong nhóm vào lán trại ngồi ăn cơm (anh Nguyễn Văn Hương đã đi về quê). Bất ngờ có một người quen tên Dũng (dân buôn trầm hương, quê xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) từ trên núi chạy xuống thông báo: “Chạy nhanh đi chứ người dân tộc đang xuống đó”, rồi “ba chân bốn cẳng” biến mất vào rừng.
Nhóm thanh niên còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, đã thấy xuất hiện 24 người dân tộc thiểu số ở huyện Giằng, trong đó có A Lăng Tiêng (sau này ông Hòa mới biết tên, cũng như chức vụ của Tiêng khi ấy đang làm Bí thư xã Tà Bing, huyện Giằng), mặt mày đằng đằng sát khí, mang đầy súng ống, mã tấu xông vào lán trại.
A Lăng Tiêng đi lên hàng đầu, cầm tờ giấy gì đó và thông báo “đọc lệnh bắt”, dẫn giải về trụ sở, “ai chống, bắn ngay tại chỗ”. Nhóm “phu” vàng dù không rõ nguyên nhân của “lệnh bắt” nhưng thấy nhóm người có súng quá hung hăng nên không một ai dám chống trả.
Ông Nguyễn Văn Hòa, người sống sót duy nhất trong vụ thảm sát
Các nạn nhân đã bị bắn chết, còn bị chặt đầu
Nhóm người lạ lúc đến bắt có thông báo, áp giải 19 “phu” vàng về trụ sở chính quyền, thế nhưng họ lại không làm như vậy mà dẫn đi vào rừng sâu.
Qua hơn một ngày áp giải, khi trời đổ mưa, thấy nhóm “tù binh” đói, lạnh, A Lăng Tiêng lệnh cho dừng lại và bắt nhóm “tù binh” dựng bếp, nhóm lửa nấu cơm cho cả đoàn người cùng ăn rồi đi ngủ.
Qua sáng hôm sau, mọi việc diễn biến trở lại như ngày đầu tiên: Bị trói, bị dẫn giải đi không rõ phương hướng. Đến ngày 12/10/1986, vì đã quá mệt, nhóm “phu” vàng không lê lết nổi, nên 24 đối tượng người dân tộc thiểu số rút súng AK, cạc bin và mã tấu chĩa vào yêu cầu tiếp tục hành trình.
Đi đến khoảng 15h chiều, đoàn người hướng về khu vực có một ngọn núi dựng đứng. Trong lúc vừa lên dốc núi, bất ngờ hai đối tượng dẫn đầu thông báo: “Sai đường rồi quay lại thôi”. Nói xong, một tiếng nổ chát chúa vang cả rừng. Kinh hoàng nhìn lại phía sau, ông Hòa thấy 4,5 người trong nhóm làm vàng của mình đã ngã gục xuống đất, máu me chảy đầy người.
Những “phu” vàng còn lại vội bỏ chạy tán loạn. Vì ông Hòa đi phía trước nên nhanh trí chạy ngang qua phía cánh trái vào rừng, mặc cho hai khuỷu tay vẫn đang bị trói bằng dây mây.
“Trong lúc chạy thoát thân khỏi làn đạn và “cơn mưa” mã tấu của những tên truy đuổi, tôi bị ngã vào đá, gai rừng không biết bao nhiêu lần, mình đầy vết thương nhưng nghiến răng chịu đau, mặc kệ. Chạy gần ba tiếng đồng hồ, tôi dừng lại tự cởi trói được.
Trong năm đêm bốn ngày lạc trong rừng, tôi không hề ngủ, đói lả người chỉ biết ăn lá cây rừng và uống nước suối mà sống. Dù khi ấy không nghĩ 18 người bạn còn lại đã bị bắn, giết chết hết, nhưng tôi vẫn quyết tâm bằng mọi cách phải sống để báo cho công an biết và mong được về với mẹ”, ông Hòa rùng mình hồi ức.
Người sống sót khỏi cuộc thảm sát nhớ lại, may mắn nhờ vào linh tính mách bảo mà đã thoát chết kì diệu. Trong khi đó, nhóm “đao phủ” đã tàn sát toàn bộ 18 người bạn của ông Hòa. Chúng quyết tìm cho bằng được người chạy trốn để “giết người diệt khẩu”, tổ chức truy tìm, quyết liệt theo dấu. Người chạy trốn thì cứ men theo con suối để tìm người cứu, thay vì đi trên đường mòn trong rừng.
Sau năm đêm bốn ngày đói, mệt, cuối cùng ông Hòa cũng tìm được đến đường nhựa và gặp một xưởng mộc. Sau khi ông kể lại cuộc hành quyết kinh hoàng trong rừng, nhũng người ở xưởng mộc đã cho ông một bộ quần áo mặc, cho ăn, dùng xe đạp chở thẳng lên trụ sở Công an huyện Giằng để trình báo.
Trình bày cho công an huyện nghe, nhưng lúc đầu thậm chí công an không chịu tin có sự việc kinh hoàng như vậy. Phải đến khi ông quả quyết: “Tôi sẽ dẫn mấy đồng chí đi vào nơi xác người nằm la liệt”, Công an huyện Giằng, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) mới bắt đầu vào cuộc điều tra, xác minh.
Những ngày tiếp theo, ông theo chân công an ăn ngủ tại trụ sở công an huyện. Trở lại hiện trường, đến cả các điều tra viên kỳ cựu cũng kinh hãi trước sự dã man khó hiểu của các sát nhân: Hơn 10 thanh niên sau khi bị bắn chết, còn bị chém lìa đầu.
23/24 sát thủ lần lượt chết bí ẩn sau khi ra tù
Hai mươi tư đối tượng gây ra vụ giết người tàn bạo lần lượt bị công an bắt sau đó. Giữa năm 1987, vụ án được đưa ra xét xử công khai tại huyện Giằng. Ông Hòa trở thành nhân chứng duy nhất đối diện với 24 “sát thủ”. Các bị cáo giải thích, những nạn nhân có râu mép ngoài bị bắn, còn bị chặt lìa đầu vì “người có râu mép là “ma dữ”, theo tục lệ phải làm như thế”.
Cũng đến khi diễn ra phiên tòa, nhân chứng duy nhất của vụ án mới biết nguyên nhân những “phu” vàng vô tội bị 24 người dân tộc thiểu số ở huyện Giằng mang súng, mã tấu giết hại.
Hồ sơ lưu tại cơ quan điều tra, khởi nguồn sự việc chính là từ nhân vật buôn trầm hương tên Dũng (người đã chạy xuống lán của nhóm “phu” vàng thông báo). Người này họ tên đầy đủ là Hồ Văn Dũng.
Đầu tháng 10/1986, trong lúc đi rừng, Dũng bị con trai của A Lăng Tiêng cùng vài thanh niên người dân tộc thiểu số ở huyện Giằng chặn đường cướp hết đồ đạc. Dũng đã cùng 3 đối tượng cùng quê lên kế hoạch giết chết con trai của A Lăng Tiêng.
Biết được nguyên do, A Lăng Tiêng bức xúc kêu dân làng mình “đi tìm người Kinh giết hại để báo thù”. Dũng kịp chạy trốn, trên đường tẩu thoát, gặp nhóm “phu” vàng, Dũng chỉ kịp nói mấy câu không đầu không đuôi rồi lo thoát thân như đã nêu.
Hồ sơ vụ án cũng nêu mức án tòa đã tuyên với 24 sát nhân. Hai trong số đó bị tuyên phạt mức án 14 năm tù, 22 bị cáo còn lại còn lại lãnh án từ 2 đến 8 năm. Sau khi ra tù, 23 đối tượng đã lần lượt theo nhau chết, chỉ còn lại một mình kẻ chủ mưu A Lăng Tiêng còn sống.
Năm 1987, ông Hòa về lại quê nhà, lập gia đình với người bạn học cùng thời cấp hai. Vợ chồng sinh được 5 đứa con. Kinh tế gia đình quá khó khăn, con cái đứa nào cũng bỏ dở con chữ, đi làm công nhân ở miền Nam. Cũng từ ngày ấy, cứ nghe đến chữ “vàng” ông lại sợ đến sởn gai ốc. Ông tâm sự: “Hai mươi tám năm qua, hễ nghe nói đến nghề đào vàng lại sợ lạnh người, run cầm cầm như phản xạ”. Đêm nào nằm ngủ, ông cũng mơ thấy cuộc bắn giết kinh hoàng.
Còn một nỗi niềm khác hàng chục năm qua ông đau đáu chưa thực hiện được. Người sống sót năm xưa rất muốn đến nhà 13 người bạn quê ở Ga An Mỹ, để thắp cho họ nén nhang, thăm hỏi gia đình họ ra sao. Chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông chưa có dịp đi được.
Căn nhà lụp xụp, cuộc sống nghèo khó, nên ông Hòa chưa thực hiện được ước nguyện đến thăm nhà 13 người bạn 'phu' vàng bị giết.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
- Sấm sét ngày càng nhiều, tại sao?
- 200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế
- ”"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư dời thành công cổng đền nặng hơn 100 tấn đi được 63 mét
- Cỏ Pili - Loại cỏ đặc biệt biết chuyển động khi bị ướt
- Phát hiện “thần điểu" giống khủng long bạo chúa T-rex
- Nguy cơ băng ở Bắc Băng Dương biến mất sớm hơn dự báo
- Linh vật SEA Games 31 - loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới
- Hoa ưu đàm "3.000 năm xuất hiện một lần" có thật không?
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
(Tin Môi Trường) - Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một báu vật thiên nhiên quý hiếm, đang được bảo tồn trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành tới thăm quan.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Phú Yên thành lập Công viên địa chất
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Phú Yên lập Công viên địa chất để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.