Sự thực về năm thành lập thành phố Sài Gòn
(22:13:57 PM 18/11/2015)Chợ Bến Thành.
Trong dịp kỷ niệm 300 năm ngày chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức thiết lập bộ máy cai trị trên vùng đất bao gồm Sài Gòn - TP.HCM ngày nay (1698-1998), nhiều bài nghiên cứu và tư liệu lịch sử về Sài Gòn được phổ biến trên các phương tiện truyền thông, trong đó có một vấn đề gây không ít thắc mắc, đó là thành phố Sài Gòn được chính thức thành lập vào năm nào? Đây là vấn đề không bao giờ cũ, vì đến nay vẫn còn không ít sách báo xác định về thời điểm này mà không có một chứng cứ nào có tính thuyết phục.
Có lẽ một trong những tác phẩm “mở đường” cho việc xác định năm thành lập thành phố Sài Gòn là quyển “X” của tác giả Y (*) được xuất bản năm 1988. Ở trang 80 của tác phẩm này, tác giả đã viết như sau: “Ngày 8.1.1877, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh chính thức thành lập Thành phố Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn được chúng xếp vào loại “Thành phố lớn” (Grande Municipalité) hay là “Thành phố cấp I” (Municipalité de première classe) và do đó phải được thành lập bằng sắc lệnh “ (hết trích).
Trong tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 236 ra ngày 10.2.1997, với bài viết “Đinh Sửu (1877) Thành phố Sài Gòn được thành lập” (trang 75), tác giả N...(*) cũng xác định thời điểm thành lập Thành phố Sài Gòn là năm 1877, với các chi tiết trình bày không khác gì những điều tác giả Y đã nêu. Từ đó, trong sinh hoạt văn hoá kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh, nhiều sách báo tiếp tục khẳng định thời điểm trên (“Hỏi đáp 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” – Tập 2 –NXB Trẻ - 1998, trang 22; Nhật báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư 6.6.1998, trang 7…)
Chúng tôi thiển nghĩ xác định thời điểm thành lập một thành phố lớn như Sài Gòn -TP.HCM là một việc làm cần thiết và trong trường hợp có những ngộ nhận về vấn đề này thì sự đính chính lại còn cần thiết hơn nữa. Để tạo cơ sở cho những quan điểm sẽ được trình bày ở phần sau, trước tiên xin nêu ra đây một số sử liệu khách quan mà chúng tôi đang có trong tay, liên quan đến những năm tháng đầu tiên thành phố Sài Gòn rơi vào tay thực dân Pháp.
Có thể nói một trong những văn kiện chính thức đầu tiên trong đó người Pháp đã sử dụng cụm từ “Thành phố Sài Gòn” (Ville de Saigon) là bản “Báo cáo chính thức” (Rapport officiel) ngày 27.2.1861 do phó Đô đốc Charner gửi cho Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp, tường trình chi tiết việc đánh chiếm đồn Chí Hoà ( mà họ gọi sai là Kỳ Hòa) của ta. Báo cáo này đăng lần đầu trong “Tạp chí Hải quân và Thuộc địa” ( Revue Maritime et Coloniale) tháng 5.1865, trang 546-553 và được đăng lại trong tác phẩm “ Tư liệu dùng cho (việc nghiên cứu) lịch sử Sài Gòn” (Documents pour servir à l’histoire de Saigon - 1859 -1865) của Jean Bouchot, xuất bản tại Sài Gòn năm 1927, các trang 29-36. Trong báo cáo đó, ít nhất hai lần Charner sử dụng từ “ Ville de Saigon” để chỉ vùng đất mà ông ta vừa chiếm được cách đó hai ngày (25.2.1861). Từ thời điểm ấy, cụm từ ”Ville de Saigon” được thực dân Pháp sử dụng thường xuyên trong các văn kiện chính thức, điển hình là “Dự án mở rộng Thành phố Sài Gòn” do Trung tá công binh Coffyn soạn ngày 30.4.1862, quyết định ngày 3.10.1865 của Đề đốc G. Roze “quy định giới hạn của thành phố Sài Gòn”…
Ngày 4.4.1867, phó Đô đốc De La Grandière ban hành Nghị định số 53 “Tổ chức một Ủy ban Thành phố Sài Gòn” đăng trong Công báo Nam kỳ thuộc Pháp (Bulletin officiel de la Cochinchine française ( BOCF)) năm 1867 – trang 359-367). Đây là văn kiện đầu tiên quy định việc thành lập một bộ máy hoàn chỉnh có trách nhiệm quản lý và điều hành thành phố Sài Gòn, mà mấy năm trước đó chỉ được các thống đốc quân sự quản lý bằng những biện pháp chắp vá, rời rạc. Nghị định này có 50 điều khoản, bao gồm mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của Ủy ban thành phố như: Nhiệm vụ của Ủy ban thành phố; thể thức chỉ định các ủy viên; các khoản thu, chi; các hoạt động tư pháp và chuyển nhượng, kế toán; các buổi họp v.v... Văn kiện căn bản này được sửa đổi bởi Nghị định số 131 ngày 8.7.1869, cải danh Ủy ban thành phố (Commission municipale) thành Hội đồng thành phố (Conseil municipal) và sửa đổi một số chi tiết về thành phần nhân sự của Hội đồng (BOCF 1867 – trang 232-234).
Ngày 8.1.1877, Tổng thống Pháp Mac Mahon ban hành “Sắc lệnh về tổ chức cấp thành phố của thành phố Sài Gòn” (nguyên văn: “Décret concernant l’organisation municipale de la ville de Saigon). Đây là văn kiện đầu mối của sự ngộ nhận về thời điểm thành lập thành phố Sài gòn, chúng tôi xin được phân tích chi tiết hơn:
- Sắc lệnh có 77 điều khoản, sắp xếp trong 10 chương. Điều 1 của sắc lệnh mở đầu bằng câu: “Thành phố Sài Gòn được nâng cấp thành công xã” (La Ville de Saigon est érigée en commune).
- Những chương sau gồm có:
* Chương II ( điều 2 – điều 17) – Sự thành lập Hội đồng thành phố (trình bày về nhân sự, thể thức bầu cử và đề cử hội viên...)
* Chương III (điều 18 – điều 30) – Hội nghị Hội đồng thành phố.
* Chương IV, V, VI (điều 31 – điều 46) – Bổ nhiệm Đốc lý và các phụ tá, quyền hạn của Đốc lý, quyền hạn của Hội đồng...
* Chương VII ( điều 47 – điều 61) – Vấn đề thu chi của ngân sách thành phố.
* Chương VIII ( điều 62 – điều 72) – hoạt động tư pháp và chuyển nhượng.
* Chương IX ( điều 73 – điều 76) – Kế toán.
* Chương X ( điều 77) – Các quy định khác. (**)
Tuyệt nhiên trong sắc lệnh này (và cả Thông tư của Bộ Hải quân và Thuộc địa hướng dẫn thi hành sắc lệnh) không có điều khoản nào nói đến việc thành lập (création) thành phố; cũng không có từ nào liên quan đến việc sắp xếp thành phố Sài Gòn vào loại “Thành phố lớn” (Grande municipalité) hay “ Thành phố cấp I” (Municipalité de première classe) như đã được tác giả Y nêu trong tác phẩm dẫn trên.
***
Từ những dữ kiện vừa nêu, chúng tôi xin đưa ra mấy nhận định sau:
1) Việc cụm từ “ Thành phố Sài Gòn” (Ville de Saigon) được thực dân Pháp sử dụng trong văn bản chính thức ngay sau khi vừa chiếm xong Sài Gòn (và tiếp tục về sau) chứng tỏ rằng trước đó, họ đã mặc nhiên xem Sài Gòn là một thành phố. Đó cũng là lý do khiến trong nhiều thập niên sau đó, không hề có văn kiện nào chính thức thành lập thành phố Sài Gòn.
2) Thành phố Sài Gòn được quản lý bằng một cơ cấu tương đối hoàn chỉnh đầu tiên là Ủy ban thành phố kể từ 1.7.1867 (ngày có hiệu lực thi hành của nghị định ngày 4.4.1867). Dữ kiện này có thể góp phần bổ sung, làm rõ hơn một chi tiết trong tác phẩm ”Góp thêm tư liệu Sài Gòn- Gia Định từ 1859- 1945” (Nhà xuất bản Trẻ - 1998) của Giáo sư Nguyễn Phan Quang, trong đó tác giả đã viết:
… Hội đồng thành phố Sài Gòn được thành lập theo Nghị định (sic) ban hành ngày 8.1.1877…
… Lại có tài liệu chép: Từ năm 1869 đã có Hội đồng thành phố Sài Gòn gồm 13 uỷ viên, trong đó Trương Vĩnh Ký và Tang Kinh Ho là hai ủy viên bản xứ đầu tiên… ( Sđd – trang 38-39).
3) Sắc lệnh ngày 8.1.1877 chỉ nhằm mục đích chính là áp dụng việc quản lý thành phố Sài Gòn theo mô hình công xã (commune) và thể chế hoá các vần đề liên quan đến hoạt động của Hội đồng thành phố, trong đó có những điều chỉnh về thành phần, chức năng, nhiệm vụ… đã được quy định trước đây. Câu đầu tiên trong điều1 của sắc lệnh ngày 8.1.1877 (đã dẫn trên) cho thấy “thành phố Sài Gòn” đã có trước khi sắc lệnh được ký ban hành. Văn kiện này dù ở cấp cao nhất (do Tổng thống Pháp ban hành) cũng chỉ là sự tiếp nối những nghị định có trước của Thống đốc Nam kỳ về tổ chức và điều hành Hội đồng thành phố Sài Gòn. Bằng chứng là sau khi sắc lệnh ngày 8.1.1877 được Thống đốc Nam kỳ Duperré phổ biến bằng nghị định ngày 16.5.1877, các hội viên của Hội đồng thành phố đương nhiệm đã phản ứng sôi nổi vì cho rằng sắc lệnh này hạn chế quyền hạn của họ. Về sau, trong phiên họp ngày 20.8.1879, họ quyết định thành lập một tiểu ban gồm các hội viên: Vienot, Bandier, Trương Vĩnh Ký, Denis,và Jourdan, có nhiệm vụ nghiên cứu, đưa ra một thỉnh nguyện nhằm cải cách tổ chức của thành phố. Cũng vì lẽ đó mà đến ngày 29.4.1881, Tổng thống Pháp lại ban hành một sắc lệnh khác sửa đổi sắc lệnh ngày 8.1.1877 ( Tập san Hội cổ học Ấn – Hoa ( BSEI) – Tome II – năm 1935).
4) Cũng xin nói thêm là trong tác phẩm dẫn trên, ở trang 81, tác giả Y cũng xác định: “Ngày 20/10/1879, Thống đốc Nam kỳ Lơ Miarơ Đờ Vile (sic) ra nghị định thành lập Thành phố Chợ Lớn (Municipalité de Chợ lớn)”
Trên thực tế, trong nghị định ngày 20.10.1879, Le Myre de Vilers cũng chỉ“thành lập một Hội đồng thành phố Chợ lớn”. (Nguyên văn: Institution d’un conseil municipal à Cholon). Thành lập một Hội đồng thành phố (để quản lý một thành phố đang tồn tại) và thành lập một thành phố là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau.
***
Các nhận định trên cho phép chúng tôi đưa ra những quan điểm sau:
A) Việc không có một văn kiện chính thức nào “thành lập thành phố Sài Gòn” chứng tỏ là khi vừa chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã mặc nhiên xem địa phương này là một thành phố, các văn kiện lập qui do họ ban hành sau đó chỉ nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể thức quản lý và điều hành thành phố mà thôi. Việc thành lập “Uỷ ban thành phố Sài Gòn” bằng Nghị định ngày 4.4.1867 là một ví dụ. Vì những lẽ ấy, nếu hiểu việc“thành lập thành phố” là một hành vi nhằm đưa một đơn vị hành chính từ vị trí chưa phải là thành phố trở thành thành phố thì rõ ràng là không thể xác định một cách cụ thể thởi điểm thành lập thành phố Sài Gòn.
B) Còn nếu muốn hiểu một cách “phóng khoáng” hơn, theo đó, thành phố Sài Gòn được xem như hình thành kể từ khi có một bộ máy quản lý có quy mô nhất định, hoạt động theo những nguyên tắc chặt chẽ và hợp lý, thì thời điểm hình thành thành phố phải là ngày 4.4.1867 (ngày ban hành nghị định thành lập Uỷ ban thành phố đầu tiên) hoặc ngày 1.7.1867 (ngày nghị định trên có hiệu lực thi hành).
Dù với cách hiểu nào thì việc xác định sắc lệnh ngày 8.1.1877 được Tổng thống Pháp ban hành nhằm “thành lập thành phố Sài Gòn” là một ngộ nhận cần được đính chính.
....................................
Ghi chú:
(*) Xin được miễn nêu tên cụ thể.
(**) Chúng tôi rất biết ơn bác Đỗ Văn Anh (1924-2008) một cây bút sử học tại Sài Gòn từ thập niên 1960, người đã cố công tìm cho kỳ được văn bản sắc lệnh ngày 8.1.1877 để giúp chúng tôi làm chứng cứ chính trong việc bàn thảo vấn đề nêu trên.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
- Sấm sét ngày càng nhiều, tại sao?
- 200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế
- ”"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư dời thành công cổng đền nặng hơn 100 tấn đi được 63 mét
- Cỏ Pili - Loại cỏ đặc biệt biết chuyển động khi bị ướt
- Phát hiện “thần điểu" giống khủng long bạo chúa T-rex
- Nguy cơ băng ở Bắc Băng Dương biến mất sớm hơn dự báo
- Linh vật SEA Games 31 - loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới
- Hoa ưu đàm "3.000 năm xuất hiện một lần" có thật không?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.