»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:34:32 PM (GMT+7)

"Kho báu chôn sống trinh nữ để giữ của"

(09:46:43 AM 14/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Người dân Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) chẳng ai biết miếu thờ (thường gọi là quán Bạch Tuyết) có từ bao giờ, chỉ biết đến giờ họ vẫn truyền tai nhau câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc ngôi miếu và những điều kỳ lạ xảy ra.


 


Chôn sống trinh nữđể giữ kho báu?

 Ông Nguyễn Văn Đức, một người dân sống cạnh ngọn núi Bạch Tuyết kể rằng khi ông còn bé tí, toàn bộ cái làng Linh Thượng này chưa có người ở mà là một rừng cây rậm rạp, toàn cây cổ thụ 6-7 người ôm, đầy rẫy những rắn, báo hoa mai (một loại báo to hơn con mèo một chút), người đi chỉ cách nhau vài mét có khi đã không nhìn thấy nhau rồi.

Thời chiến tranh chống Mỹ, bom đạn tàn phá, người chết nhiều, nên người ta chặt dần cây để đóng quan tài dự trữ. Dần dà rừng thưa dần, dân bắt đầu chuyển lên sinh sống và hình thành làng. Ngôi miếu Bạch Tuyết trên ngọn núi có từ bao giờ cũng không ai biết.

 Xung quanh ngôi miếu thờ, người dân Vân Côn vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện đầy màu sắc liêu trai. Các cụ cao niên trong làng kể với con cháu rằng, cách đây hàng nghìn năm khi phong kiến Trung Quốc đô hộ nước ta, chúng ra sức vơ vét của cải, vàng bạc, châu báu. Đến khi bị đuổi về nước, số lượng vàng bạc quá lớn không nỡ bỏ lại, chúng liền xây dựng một hầm đá để chôn cất.

Trong quá trình xây dựng, chúng đã bắt một thiếu nữ trinh trắng, xinh đẹp tên là Bạch Tuyết về nuôi cho “ăn trắng mặc trơn”. Khi hầm đào xong, chúng liền chôn toàn bộ của cải xuống hầm và chôn sống thiếu nữ đồng trinh kia ở cửa hầm để “làm thần giữ của”. Chính từ những lời đồn thổi này nên đã có nhiều cuộc tìm kiếm kho báu diễn ra.

Tại đây người ta còn phát hiện có một đường hầm dẫn vào ngôi miếu, hàng chục người đã bỏ công sức đào bới những mong sẽ tìm kiếm được vàng bạc, châu báu...

 Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa có một nàng công chúa xinh đẹp tên là Bạch Tuyết thường rời kinh đi du ngoạn núi sông. Khi đi qua vùng đất này, thấy phong cảnh hữu tình, cô cho dựng một quán để nghỉ ngơi. Khi nàng mất, dân làng tưởng nhớ thường đến quán thắp hương, khấn vái, và cái tên quán Bạch Tuyết được người làng gọi từ bao giờ không ai biết.

Cuộc săn tìm “kho báu” bí mật dưới miếu thờ

Cách đây ba chục năm, ông Nguyễn Tài (tên thường gọi là Hận) nổi tiếng khắp huyện Hoài Đức khi bỏ tiền thuê thợ đào quả đồi Bạch Tuyết để tìm kho báu như lời đồn đại. Chúng tôi đã tìm đến để được nghe chính ông kể về thực hư kho báu dưới lòng đất kia. Đã 30 năm trôi qua (từ năm 1983) nhưng ông vẫn nhớ như in từng chi tiết.

 Ông kể, năm ông về đây ở, đồi Bạch Tuyết chưa có ai ở mà những năm ấy người ta đào dần đào mòn đất ở quả đồi này bán đi để làm đường, làm nền nhà. Đào mãi hết lớp đất ven chân núi, bỗng người dân phát hiện một con đường bằng đá phiến nằm sâu dưới lòng đất.

Khi đó ông Hận đang công tác ở Hòn Gai nghỉ phép về quê. Khi tình cờ đi qua, ông Hận thấy dân làng Linh Thượng bàn tán xôn xao nên dừng lại xem. Ông thấy con đường bằng đá ở đây rất kỳ lạ, đó là những viên đá to, rộng chừng 2m, dù bị chôn vùi dưới đất không biết từ bao giờ nhưng trông vẫn mới, còn nguyên cả bụi đá. Lúc đó, những lời đồn thổi về kho báu trên núi Bạch Tuyết càng được dịp lan truyền rầm rầm. Người ta bảo đây chính là con đường hầm dẫn đến kho báu, nhưng tất thảy đều e ngại “hồn ma trinh nữ” kia.

 Vốn là người ham tìm hiểu, khám phá nên khi được những người dân làng rủ rê làm “chủ đầu tư”, sau nhiều đắn đo ông Hận đã đồng ý. “Người ta bảo con đường đá này là đường hầm được người Trung Quốc đào để chôn của cải, vàng bạc. Tôi cũng nghĩ nó do bàn tay con người làm ra, thì tất phải có cái gì đó minh chứng cho điều đó.

Tôi suy nghĩ nhiều về khả năng có thể trong chiến tranh thời phong kiến, khi triều đình chạy giặc, trong lúc loạn lạc có những binh thư chiến lược không mang theo được nên đào hầm cất giấu ở đây. Bởi vậy tôi nói với những người tham gia đào hầm: Các anh đào nếu được vàng bạc, châu báu thì các anh lấy, còn nếu được những gì thuộc về binh thư chiến lược thì các anh để lại cho tôi để tôi cung tiến vào đền chùa hay bảo tàng” - ông Hận kể lại.

 Hồi đấy, kinh tế ông Hận thuộc hàng khá giả nhất vùng nên ông bỏ toàn bộ tiền mua dụng cụ, tiền ăn uống cho những người tham gia đào hầm. Hàng chục thanh niên trong vùng đã gia nhập đoàn tìm kiếm kho báu, những mong sẽ được đổi đời.

Ngay những buổi đào đầu tiên cũng có nhiều chuyện lạ, ông Hận bảo nếu phải bây giờ có cho thêm tiền ông cũng không dám đào, hồi đấy thế nào không sợ ma quỷ thần thánh mới dám đứng ra “đầu tư” cho anh em đào. Trước khi đào hầm có ngôi miếu cũ không ai thờ, có anh phá ngôi miếu ấy đi để đào thì về nhà tự nhiên như bị thần kinh mất mấy hôm cứ chửi bố, chửi mẹ. Rồi khi toán thợ đang đào lại có cô gái ở đâu gần đó như bị ma nhập, cứ lên núi liên tục quát mắng: Ai cho phép các anh phá nhà, phá cửa của tôi.

 Nhóm thợ đào được khoảng 50m thì con đường đá dẫn đến một tảng đá lớn chắn ngang, không thể đào tiếp nữa nên họ đợi ông đi công tác về “chỉ đạo” tiếp. Ông bảo đào tiếp xung quanh hòn đá lớn đó thì quả nhiên thấy một hòn đá nhỏ tròn xoe, đường kính khoảng 40cm. Nhóm thợ lấy búa tạ đập hòn đá đó, thấy lộ ra một miệng hang, bên trong là một căn hầm rộng khoảng 12m2, soi đèn thì thấy phía hòn đá đối diện có tạc hình một con rùa hướng xuống phía dưới, cạnh đó khoét một cái hốc giống như cái khám đựng đồ thờ cúng.

 Ngay chính giữa hầm có một đống đất khoảng nửa m3, nhóm thợ xúc bỏ đống đất thì thấy toàn những than củi, mảnh sành, mảnh đá, có cả những chiếc chén còn nguyên. Lúc đó trong hầm tối om nên ông Hận bảo nhóm thợ đào lên phía nóc hầm để lộ thiên lấy ánh sáng. Mọi người đào lên phía trên thì lại gặp một tảng đá lớn nặng đến 5-6 tấn, có một đỉnh nhọn hoắt chĩa thẳng xuống chỗ mô đất.

Không đào được lên phía trên, ông lại chỉ đạo đào xuống phía dưới và lần này lại gặp 3 tảng đá lớn nữa. Nhóm thợ dùng búa tạ phá bỏ tảng đá này khuân lên trên và tiếp tục đào sâu xuống vài mét nữa nhưng không thấy gì. Lúc này đất chặt dần đến nỗi dùng máy khoan cũng không khoan được, hơn nữa sợ nguy hiểm nên ông quyết định dừng cuộc đào bới tìm kiếm kho báu ở đây. Nghe nói sau đó chính quyền cho khai thác thêm vài ngày nữa nhưng cũng không thấy gì.

 Cuộc tìm kiếm kho báu khép lại trong nỗi thất vọng tiếc nuối của nhóm thợ. Không biết có hay không sự trừng phạt của thánh thần như lời đồn thổi của người dân nhưng ông Hận ngồi điểm lại thì có tới 2/3 những người tham gia tìm kho báu hồi ấy đã chết, số còn lại cũng không gặp nhiều may mắn.

Sau này không biết vô tình hay hữu ý, một anh thợ máy xúc làm công trình ở đây đã xúc đất lấp miệng hang lại, những phiến đá cũ thì bị người dân mang về nhà hết, không ai còn ảo vọng sẽ tìm được kho báu trên ngọn núi này nữa nhưng người ta vẫn tin rằng có một kho báu khổng lồ chưa được khám phá.

Những câu chuyện ma mị

Quán Bạch Tuyết không lớn. Người ta đã xây dựng thêm nhiều hạng mục mới để thờ cúng, “di tích” cũ để lại chỉ là 4 tảng đá lớn nhuốm màu thời gian. Điều lạ là ngay chính giữa những tảng đá này mọc lên rất nhiều cây cối xanh tốt, rậm rạp. Chính những câu chuyện xung quanh núi Bạch Tuyết đã khiến ngôi miếu được nhiều người cho là linh thiêng.

Một người dân sống cạnh miếu cho biết, rất nhiều người khi lên núi làm những điều “phạm” đã gặp những hậu quả không hay, người thì gia đình lục đục, người thì bị điên, có người còn bị “bắt mạng”. Trước đây, cứ thi thoảng lại có em học sinh hoặc người dân quanh miếu bị “ma nhập”, đưa lên miếu cúng lễ thì lại khỏi…

Người dân Vân Côn vẫn còn nhớ câu chuyện khủng khiếp xảy ra cách đây hơn chục năm. Đó là vào năm 1997, có một chàng trai cao ráo, đẹp trai, hiền lành ở làng bên cạnh trong một lần lên quán Bạch Tuyết chơi nhìn thấy con rắn bò từ trong núi ra đã dùng một cây gỗ lớn đánh chết. Khi trở về nhà, cậu bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ, mắt đờ đẫn còn mồm thì liên tục đòi lấy nàng Bạch Tuyết.

Trông con như người mất hồn, cả gia đình lo lắng mời thầy về xem và làm lễ giải hạn. Thầy phán rằng trong tháng 8 âm lịch phải giữ chàng trai trong nhà, nếu qua được ngày 30 là thoát, không thì sẽ mất mạng. Gia đình nghe thế thì vội vàng cắt cử người luân phiên theo dõi chàng trai không rời mắt.

 Một hôm, trong thôn có một đám cưới, cha mẹ chàng trai phải đi dự cưới, họ cẩn thận gọi vài bạn bè của chàng trai đến nhờ trông hộ. Nhưng mải vui chơi, những người bạn này đã quên không để ý đến chàng trai. Đến chiều, khi bố mẹ trở về không thấy con đâu, mọi người hốt hoảng đi tìm và chết đứng khi phát hiện chàng trai đã treo cổ trên xà nhà tự bao giờ, điều lạ là khuôn mặt vẫn hồng hào, thanh thản như còn sống.

Khi chàng trai chết, một tấm ảnh để thờ cũng không có, vì vậy người nhà đành chụp lại khuôn mặt chàng trai lúc đó để thờ. Tuy nhiên sau đó, gia đình không đủ can đảm nhìn lại tấm ảnh thờ đó nên đã bỏ đi.

 Câu chuyện về chàng trai dần nguôi ngoai và nhiều người đã quên đi. Cho đến hơn chục năm sau, ở làng lại có một sự việc kỳ lạ. Một người phụ nữ sinh sống gần núi thường xuyên lên thắp hương, bỗng một hôm chân tay múa may quay cuồng, miệng liên tục tự nhận mình là Bạch Tuyết Hoa và yêu cầu phải làm lễ cưới, nếu không sẽ giáng họa xuống cả làng.

Khi được đưa về nhà, người phụ nữ vẫn tỉnh tỉnh, mơ mơ, liên tục đòi sắm lễ vật để làm lễ cưới. Người nhà đành tìm đến gia đình chàng trai nọ và bàn bạc sắm lễ vật làm đám cưới với hai hình nộm, một nam, một nữ. Kỳ lạ là sau đám cưới, người phụ nữ kia trở lại bình thường, không còn bị “Bạch Tuyết” nhập nữa. Cũng từ đây, sự linh thiêng của miếu Bạch Tuyết được đồn thổi và thêu dệt thêm người dân trong làng và khắp nơi về đây thắp hương lễ bái mong được phù hộ.

Đem những lời đồn đại trên đến Ủy ban nhân dân xã Vân Côn, ông Nguyễn Sỹ Tiến, cán bộ văn hóa Vân Côn cho biết, thực ra trên đỉnh núi này thờ bà chúa Hẹ và quan Thượng Lềnh, chứ không phải thờ hồn ma trinh nữ như người ta nói. Nếu theo truyền miệng thì dưới bốn tảng đá ấy có chôn ấn tín nhưng cũng không ai biết là ấn tín gì. Chuyện có kho báu cũng là lời đồn đại không có cơ sở, và chuyện ma quỷ, thần thánh cũng đã bị thêu dệt lên nhiều.

(Theo ANTĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: "Kho báu chôn sống trinh nữ để giữ của"

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.

Tin Môi Trường
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI