»

Chủ nhật, 19/01/2025, 00:08:47 AM (GMT+7)

Chuyện tìm nước ngầm ở nơi Đại tướng yên nghỉ

(11:44:52 AM 28/10/2013)
(Tin Môi Trường) - Ít người biết việc tìm ra nguồn nước ngọt phục vụ cho công trình này lại vô cùng gian nan. Và người tìm ra mạch nước chính là TS Vũ Bằng - người được mệnh danh là ông “tia đất”.

Vùng hiếm nước nhất tỉnh Quảng Bình

 

 

Từ lâu, TS Vũ Bằng vốn đã nổi tiếng khắp nước bởi việc chế tạo thành công máy đo tia đất để vẽ bản đồ mạch nước ngầm, bản đồ địa chất trong lòng đất. TS Bằng đã mất hàng chục năm mày mò, tự bỏ kinh phí và áp dụng những kiến thức vật lý hiện đại để phát hiện ra hiện tượng bức xạ từ. Nhiều nhà khoa học khẳng định đây là phát hiện mang tính đột phá có thể mang lại nhiều đổi thay trong lĩnh vực điện từ, phát triển hàng loạt công nghệ đo lường mới và giải thích hầu hết các hiện tượng tự nhiên chưa biết đến, đặc biệt các hiện tượng được coi là thần bí. Ông cũng đã công bố giả thuyết mới về nguồn gốc từ trường trái đất.

 

Nói một cách ngắn gọn là ông Bằng có một phương pháp tìm ra mạch nước ngầm vô cùng hiệu quả, chính xác. Điều này đã được nhiều tổ chức kiểm chứng và trong thực tế, ông cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp, cá nhân giải quyết triệt để bài toán khó này.  

 

TS Bằng kể lại rằng, ông có duyên nợ đặc biệt với mảnh đất Quảng Bình. Cũng vì tình cờ ông đã giúp UBND tỉnh Quảng Bình cùng một số ban quản lý dự án nằm trên địa bàn tỉnh tìm ra mạch nước ở những vùng khỉ ho cò gáy, địa hình hiểm trở. Chính ở Khu công nghiệp Hòn La ông đã tìm ra mỏ nước ngầm khổng lồ và đánh bại tất cả những phương pháp thăm dò tìm nước trước đó. Cái duyên với mảnh đất Quảng Bình lại đến một lần nữa khi ông được mời đi tìm mạch nước cho gia đình một nhân vật huyền thoại của Việt Nam, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Khi ấy là đầu năm 2006, ông được mời tìm mạch nước ở Vũng Chùa - Đảo Yến. Bản thân ông cũng không biết được rằng, nơi đó chính là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Cách đây hơn 7 năm, vào một buổi sáng mùa hè, TS Bằng nhận được một cuộc điện thoại số lạ. Đầu dây bên kia giới thiệu rằng, anh là Võ Điện Biên, con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Võ Điện Biên thay mặt gia đình ngỏ ý muốn nhờ ông tìm mạch nước ngầm ở Vũng Chùa - Đảo Yến. Đây là một công việc khó bởi dải đất này rất hẹp, địa hình bị chia cắt mạnh và gia đình đang vô cùng lo lắng về việc này.

 

Ngay thời điểm ấy, TS Bằng chợt nhớ lại có lần ông Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình nói rằng, phía tây của tỉnh toàn núi cao rắn chắc nên rất nghèo nước ngầm. Phía đông là dải đồng bằng ven biển, diện tích hẹp, các nguồn nước thường nhiễm mặn, nhất là lúc triều cường.

 

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm trọn trong khu vực này. Bây giờ địa danh này mới trở nên nổi tiếng chứ như trước đây nó vô danh với người đời. Thực ra nhiều người biết đến địa danh Hòn La hơn vì nó là khu kinh tế mở có dự án, có công nghiệp. Nó cũng nổi tiếng về hàng loạt thất bại tìm kiếm nước ngầm. Đã có lúc, việc tìm kiếm nước ngầm ở đây trở nên vô vọng, cả một loạt dự án có nguy cơ bị đổ bể nếu không tìm ra mạch nước.

 

Ông Phạm Văn Lương cho hay: “Nhiều cơ quan và nhà khoa học, chuyên gia địa chất thủy văn, địa vật lý đã nghiên cứu, khảo sát thăm dò nguồn nước ngầm trong khu vực này nhưng không thể tìm ra”.

 

TS Bằng (giữa) cùng đoàn khảo sát tại Vũng Chùa - Đảo Yến
 

Vũng Chùa có lẽ còn vô vọng hơn. Chỗ đất cằn khoảng 2.500m dài và chỉ 200m rộng ấy bị chắn bởi dãy Núi Mũi cả về phía bắc, một phần phía đông và tây; phía nam là sóng biển vỗ ì oạp. TS Bằng cũng nhớ lại, kỹ sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & Khai thác nước ngầm Đồng Hới đã có lần thừa nhận, công ty ông và nhiều đơn vị nghiên cứu chính thống khác đều bó tay. “Đảo Yến - Vũng Chùa được giới địa chất quy vào vùng nghèo nước nhất của tỉnh”, ông Quảng nói.

 

Chính vì thế, việc nhận lời tìm cho được nước ngầm ở Vũng Chùa - Đảo Yến là sự rất tự tin của TS Bằng!

 

Trước khi lên đường, anh Võ Điện Biên còn nói thêm với TS Bằng: “Chúng tôi muốn biết nước ngầm ở Vũng Chùa có hay không và nếu có thì nằm ở đâu. Chúng tôi muốn đơn vị có khả năng tìm nước nhanh, tránh khoan mò. Chúng tôi tin anh sẽ làm được việc ấy”.

 

Địa danh bí ẩn

 

Ít ngày sau, TS Bằng và kỹ sư cao cấp địa chất công trình và địa chất thủy văn Nguyễn Trọng Hoan lên đường vào Quảng Bình, trong lòng bồn chồn lo âu. Họ đi cùng một số thành viên gia đình Đại tướng, trong đó có Giáo sư Võ Hồng Anh và bà Võ Hòa Bình là con gái của Đại tướng. Đoàn xuất phát từ Hà Nội lúc sáng sớm và tối mịt thì đến xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Đêm đó, họ ngủ lại Khách sạn Sông Loan - Roòn. Sáng sớm hôm sau, cả đoàn đi ngược về phía cảng Hòn La, hướng về Vũng Chùa - Đảo Yến. Trên đường ra hiện trường, đoàn dừng lại ăn mì tôm tại một quán ngã ba cảng Hòn La. Quán đơn sơ ấy là của một người được thuê trông nom Vũng Chùa. Giờ nó trở thành trụ sở ban điều hành Công ty Đông Sơn, đơn vị vận hành dự án khu nghỉ dưỡng Đảo Yến - Vũng Chùa.

 

Sau khi xem xét vùng đất này, vốn có kiến thức về phong thủy, TS Bằng ngỡ ngàng thấy rằng, mạch đất ở đây cực kỳ đẹp. Bây giờ ông khẳng định việc chọn địa danh này làm chốn an giấc ngàn thu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là rất đắc địa.

 

Máy khoan đang khoan điểm đầu tiên tại Vũng Chùa
 

Ông Bằng giở bản đồ và xem địa thế mảnh đất. Ở đó, dãy núi Trường Sơn kéo ra biển thành dãy Đèo Ngang hùng vĩ. Xem lại địa chất thì thấy rằng, ở đây toàn là đất đá khô cằn, nhưng là nơi phát tích rất nhiều huyền thoại về những danh nhân xa xưa.

 

Dưới chân Hoành Sơn Quan là một thôn nhỏ có tên Minh Sơn. Thôn ấy nghèo, người dân thưa thớt nhưng ẩn giấu một loạt di tích người xưa để lại, trong đó đặc biệt linh thiêng là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công chúa - ngôi đền nhỏ dưới bóng núi non trùng điệp đã có hơn 500 năm hiển linh, được người đời không chỉ trong vùng mà ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… vào hương khói hằng năm.

 

Những ngọn núi chạy dài qua thôn Minh Sơn cắt mảnh đất này thành nhiều thung lũng khác nhau. Thiên tạo ngàn năm đã hình thành nên các hòn đảo nhỏ đẹp như tranh vẽ như Hòn La, Mũi Ông, Hòn Cỏ, Đảo Yến, Đảo Chim, Hòn Nồm, Hòn Bớc… Từ lâu, đã có một địa danh mà nhiều người cho rằng rất linh thiêng. Nơi này chỉ dành cho bậc khai quốc hoặc những người hiển đạt khoa bảng mới có thể an nghỉ vĩnh hằng để hộ vệ quốc gia cho con cháu ngàn đời thanh bình, còn người trần mắt thịt thì khi mất không thể an táng ở đây.

 

Địa danh ấy không hề được tìm thấy trên bản đồ của Google, cũng không có trên trang thông tin của cỗ máy tìm kiếm này. Trong các di cảo của người xưa viết về Đèo Ngang, cũng như địa chí Quảng Bình từ mấy trăm năm nay, địa danh ấy không hề được biết đến. Người dân địa phương chỉ có những bậc cao niên tinh ý mới biết đó là nơi chốn xứng tầm cho người có công trạng lớn với quê hương. Đó là Mũi Rồng.

 

Dưới núi Mũi Rồng là thung lũng Rồng rất đẹp, ở giữa núi Mũi Rồng cao sừng sững, hai bên chạy theo hướng vòng cung Đông Nam, địa hướng lý tưởng, không lệch li nào khi đưa la bàn ra kiểm chứng. Người dân gọi nơi này là Mũi Rồng là quá chuẩn bởi nhìn lên ngọn núi chính diện trung tâm, đỉnh của nó như cái mào rồng, thẳng trục Đông Nam, biển giữa bãi Rồng với Đảo Yến kín gió, thanh bình, đất này quá thiêng, long mạch rất đẹp.

 

Nếu có người anh hùng yên nghỉ ở nơi đây thì Mũi Rồng chính là nơi linh thiêng của đất, trời - nơi cuối cùng chưa được đưa vào dư địa chí, nơi thảo dã cho người anh hùng thanh thản thiên thu.

 

Địa hướng lý tưởng rồi nhưng vấn đề mạch nước vẫn luôn làm nhiều người âu lo.

 

Gian nan tìm mạch nước

 

Trở lại chuyện tìm mạch nước ở Vũng Chùa, đúng 7 giờ 30 sáng hôm ấy, cả đoàn người hối hả vào việc. TS Bằng vạch lộ trình khảo sát dài 2,5km từ Mũi Rồng chạy dọc theo chân Núi Mũi, rồi quay lại theo tuyến sát biển cũng có độ dài tương tự. Cả đoàn nín thở theo dõi từng bước đi, động tác của TS Bằng. Trên tay ông chỉ có chiếc máy thăm dò đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn do chính ông chế tạo. Một thành viên gia đình Đại tướng cầm con lắc theo sau TS Bằng. Con lắc hay được giới cảm xạ học dùng để tìm nước ngầm.

 

Cả đoàn lầm lũi đi, không ai nói với ai lời nào, tâm trạng đều rất căng thẳng. Cái nắng giữa mùa hè như thiêu như đốt. Khoảng 9 giờ sáng, xuất hiện tín hiệu đầu tiên. Khung dây kim loại hình chữ nhật, bộ phận cảm biến của máy bắt đầu xoay. Khu vực ấy ngay dưới chân nhà sàn. TS Bằng reo lên: “Có nước rồi!”. Cả đoàn người giật mình quay lại, nửa tin, nửa ngờ vì không ai nghĩ rằng, tín hiệu báo có nước lại đến nhanh như vậy. Mọi người nháo nhào tìm que đánh dấu, người lấy dao chặt cây bụi, phát tuyến.

 

Tại điểm khoan thứ hai, lưu lượng nước tìm thấy rất khả quan.
 

Vùng có tín hiệu nước ngầm được khoanh lại trải dài tầm 90m. Dựa trên công thức của riêng mình, TS Bằng xác định độ sâu mạch nước ngầm khoảng 45m. Điểm khoan đầu tiên được tính toán sẽ là điểm giữa chiều rộng vùng bức xạ. Nối khung dây với một máy đo, TS Bằng nhận định lưu lượng nước dự kiến có thể đạt 1,5m3/giờ. Tất cả hy vọng đổ dồn vào vị trí quan trong nhất này bởi nó nằm sát nhà sàn trong vùng trung tâm dự án.

 

Hai tiếng sau, khoảng 11 giờ, mạch thứ hai được tìm thấy gần một lạch suối, cách mạch thứ nhất nửa cây số. Theo tính toán, mạch này sâu 55m nhưng lưu lượng khá hơn mạch đầu tiên, có thể đạt 2m3/giờ. Buổi chiều, cả đoàn vẫn tiến hành đo tiếp. Khi đo đến tận đầu vào của khu Vũng Chùa, đoàn phát hiện mạch thứ ba. Mạch này ở độ sâu 70m, lưu lượng lớn hơn hai mạch đầu tiên, khoảng 3m3/giờ. Tổng thời gian khảo sát kéo dài mất ngày rưỡi. Cả ngày đầu tiên đo tổng quát. Nửa ngày thứ hai, đo tái kiểm tra.

 

Thông tin TS Bằng đưa ra là thế, việc quan trọng nhất là khoan thăm dò để đảm bảo độ chính xác của thông tin ấy. Không ai nói ra nhưng tất cả mọi người đều vẫn nửa tin nửa ngờ trước chiếc máy quá đơn giản của TS Bằng.

 

Công ty Đông Sơn lập tức tìm đội khoan. TS Bằng giới thiệu luôn một đội khoan ở TP Đồng Hới từng khoan thành công nhiều nơi do ông khảo sát ở Quảng Bình. Kết quả, sau hơn ba tháng hì hụi khoan, tại vị trí dự báo đầu tiên, lỗ thứ nhất xuống độ sâu 45, nước đã trào lên trong niềm vui vỡ òa của mọi người. Tuy nhiên, đúng như tính toán ban đầu, mạch này lưu lượng nước không nhiều.

 

Tiếp tục khoan lỗ thứ hai, sự cố đã xảy ra. Lỗ khoan kéo dài 15 ngày đã bị kẹt do dụng cụ khoan rơi xuống giếng. Phải làm lỗ khoan khác cách lỗ khoan kẹt nửa mét. Lỗ khoan này kết thúc sau 20 ngày và các thông số thực tế về độ sâu và lưu lượng nước đều khớp với dự đoán. Ở độ sâu 30 đã có nước, có lưu lượng đạt 1m3/giờ.

 

Vị chi, tổng lưu lượng nước ở hai vị trí khoan đầu tiên đạt 3m3/giờ, tương đương 72m3/ngày đêm. Phấn khởi với thành công này, vị trí mỏ nước thứ ba được để lại. TS Bằng thở phào nhẹ nhõm, công việc của ông được giao đã thành công hơn mong đợi.

 

“Cũng từ thành quả này và cũng là cái duyên của tôi với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời gian sau nữa, tôi lại tiếp tục được đề nghị chuyển sang kiểm tra môi trường đất khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến”, TS Bằng nhớ lại.

 

Khu nhà ở 30 Hoàng Diệu, tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TS Bằng cũng nhiều lần đến khảo sát tia đất, trong đó có 1 lần đo đạc tìm vị trí để khoan khai thác nước ngầm phục vụ cho tưới cây trong vườn và làm sống lại hòn non bộ trong khuôn viên. TS Bằng phấn khởi nói: “Đại tướng từng bảo rằng, ông không muốn sử dụng lãng phí nước công cộng vào những việc như thế. Tôi đã làm công việc của mình với cả niềm vinh dự và tự hào”.

(Theo Petrotimes /Người đưa tin)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chuyện tìm nước ngầm ở nơi Đại tướng yên nghỉ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.

Tin Môi Trường
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI