Giai thoại “kho báu người Tàu” và sự thật về những cái chết bí ẩn
(08:08:54 AM 15/03/2013)Trong vòng 3 tháng, rất nhiều chó, trâu… trong vùng lăn ra chết một cách kỳ lạ. Hơn thế nữa, quanh khu đồi Cây thị có 5 người chết tức tưởi với cùng một biểu hiện. Những câu chuyện “liêu trai” cứ được thêu dệt ngày càng nhiều khiến người dân không dám bước chân ra khỏi nhà vào lúc trời xẩm tối.
Một trong hai cây thị cổ thụ ở đồi Cây thị |
“Thần giữ của” trừng phạt
Khi chúng tôi ghé vào quán nước ven đường hỏi lại câu chuyện cũ, những người đàn bà trong quán nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngại. Phải kiên trì bắt chuyện một hồi, họ mới nhỏ giọng kể lại cho chúng tôi nghe sự việc kinh hoàng xảy ra 10 năm về trước.
Câu chuyện được chắp nối lại như sau: Vào một buổi trưa mùa hè năm 2002, có một người lạ đi vào quán nước ven đường ở xã Động Lâm hỏi thăm người dân về một địa danh với đặc điểm hết sức kỳ lạ: “Chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị vẹo, cây khế khòng kheo”. Ban đầu, người dân bảo không có nơi nào như thế, nhưng sau đó, mấy người già trong làng chỉ ông ta đến khu đồi Cây thị thuộc khu 5, xã Động Lâm.
Khoảng 3 tháng sau, vào lúc xế chiều, có một người Trung Quốc cầm một cái bồ đến hỏi thăm nhà ông Nguyễn Văn D. và xin nghỉ trọ một hôm. Ông D. đồng ý cho người đàn ông này ngủ nhờ ở gian trong. Sớm hôm sau, khi ông D. tỉnh dậy thì không thấy người lạ kia đâu nữa mà lại thấy cửa ra khu vườn sau nhà mở toang. Ông D. chạy ra thì thấy cả khoảng đất to… nở tung lên một cách hết sức tự nhiên, không giống như lấy xẻng hay máy móc gì đào cả.
Ông D. chưa kịp định thần thì như bị ma xui quỷ khiến, ông đi ra giữa bãi đất và nhìn thấy mấy thỏi vàng. Ông liền cầm lấy mang vào nhà. Bà con ở quanh vùng ai cũng thấy lạ khi ông D. tự nhiên cho gọi hết con cái làm ăn xa về, sắm sửa đồ đạc, mua trâu, bò... và trở nên giàu sang trông thấy.
Sau này, người ta mới đồn rằng, câu nói vần “chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị vẹo, cây khế khòng kheo” là cái mốc để người đàn ông Trung Quốc xác định vị trí mà tổ tiên của ông ta đã chôn kho báu. Thời chiến tranh loạn lạc, của cải không mang theo được nên họ phải đem chôn.
Họ còn chôn sống một cô gái đồng trinh để làm “thần giữ của” kho báu này. Và việc để lại những thỏi vàng là cách người Trung Quốc gieo tai họa xuống đầu người nào có lòng tham, cầm và dùng những thỏi vàng đó như là vật thế thân cho họ. Câu chuyện mang màu sắc hoang đường không được xác thực đã tồn tại hàng chục năm nay.
Sợ bị tai họa, một số người dân đã phục hồi lại chiếc giếng méo |
Người ta kể tiếp, sau hôm đó, những bất hạnh bắt đầu xảy đến với gia đình ông D. và những người sống gần đó. Nạn nhân đầu tiên là anh Nguyễn Tiến Sỹ, con trai của ông D.
Anh Sỹ đang khỏe mạnh, sau buổi đi làm trên đồi chè về thì ngã lăn ra, co giật liên hồi, sùi bọt mép và tử vong. Mới đầu người ta nghĩ rằng anh Sỹ bị bệnh động kinh, nhưng rồi sau đó bà Lê Thị Lực và bà Nguyễn Thị Vĩnh (những người sống gần khu đồi Cây thị) cũng đột nhiên chết với biểu hiện tương tự. Hai người này vốn đang bình thường, khỏe mạnh, tự nhiên lăn đùng ra, co giật, sùi bọt mép và chết trên đường đi cấp cứu.
Người dân càng hoang mang tột độ khi ông D., cũng với biểu hiện tương tự, chết trong ngày giỗ cụ thân sinh ra ông. Cái chết cuối cùng làm tăng thêm nỗi ám ảnh kinh hoàng về "thần giữ của, rắn tinh bắt người…" là của bà Vũ Thị Bỉnh (vợ ông D.) khi chưa tròn 49 ngày để tang chồng. Sau sự việc đó, nhiều người đã không chịu được áp lực, phải chuyển đi nơi khác.
Sự thật những cái chết bí ẩn
Hết đổ vạ cho “thần giữ của” lại đổ vạ cho "rắn thần" ngụ trên cây thị, nhiều người dân sống gần đó đã hoang mang mà tin theo lời thầy cúng sắm sửa lễ lạt. Bà Nguyễn Thị Thêm - trước đây là trưởng khu 5, xã Động Lâm - cho biết câu chuyện kho báu chẳng rõ thật giả ra sao nhưng đúng là ở đây có những địa danh như trong câu nói “chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị vẹo, cây khế khòng kheo”.
Ngày trước, trên đồi cây thị có một cái ao chẳng bao giờ cạn nước (bây giờ đã bị lấp để canh tác). Cái giếng méo không phải được xây như bây giờ mà nằm ở cạnh đường dưới chân đồi. Có hai cây thị cổ thụ, quả cây nào cũng méo, chẳng cây nào cho quả tròn cả. Cây khế thân khòng kheo cho quả nào cũng bị đẹn.
Chồng bà Thêm, ông Nguyễn Quang Huy (76 tuổi), cho biết thêm: “Thật ra chuyện về kho báu, người dân ở đây đã nghe từ rất lâu. Năm 1968, có 2 người Trung Quốc sang đây hỏi thăm nhà ông Hồng Đại (khi đó là chủ khu đất này). Họ đề cập luôn rằng sẽ lấy của cải và chia cho ông rồi hẹn ngày giờ đến đào và yêu cầu ông giữ bí mật.
Tuy nhiên, ông Hồng Đại báo với dân quân để chờ 2 người Trung Quốc quay lại. Đến ngày hẹn, chờ mãi mà chả thấy 2 người đó đâu. Ông Đại với mấy dân quân đào vị trí mà 2 người lạ đã chỉ (cạnh chiếc giếng cũ) thì thấy mấy mảnh ván gỗ. Thật ra những mảnh ván ấy là của cụ Lý Mải ngày trước bắc cầu cạnh giếng để rửa chân.
Khoảng 1 tháng sau, ông Hồng Đại lên đồi thì thấy mấy mảnh của cái tiểu sành và một số dấu vết đào bới quanh đó. Nhưng ông không quan tâm những chuyện nhảm nhí như vậy, ông vẫn sống cuộc sống bình thường ở đồi Cây thị. Sau này ông chết vì tuổi già, con cháu mới bán đất để đi nơi khác làm ăn. Sự thật có kho báu hay không thì chẳng ai biết, mà có thì người ta cũng mang đi từ hồi đó rồi. Chuyện gây hoang mang như vậy là từ miệng những ông, bà thầy cúng mà ra cả”.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Đàn (SN 1966), con trai của ông D.. Người ta đồn rằng, bố mẹ anh Đàn vì nhặt được vàng nên bị trừng phạt như vậy. Khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cái chết kỳ lạ của 5 người dân gần đồi Cây thị, gia đình anh Đàn đã bị cả làng ghét bỏ. Họ phá ruộng, ném mảnh chai xuống ruộng của gia đình anh để phản đối.
"Hung thủ" có thể là bả chuột
Ông Lương Ngọc Khuê - Phó vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) - cho biết để điều tra những cái chết bí ẩn, đoàn kiểm tra (gồm các chuyên gia của vụ, khoa Chống độc và khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai, phòng Xét nghiệm chống độc - Viện Dinh dưỡng) đã xem xét từng trường hợp tử vong. Họ nhận thấy, cả 5 nạn nhân đều có cùng biểu hiện: đang khỏe mạnh bình thường, sau bữa ăn 2 - 3 giờ đột nhiên co giật, cứng người, chết ngay tại chỗ, chết trên đường đi cấp cứu hoặc khi vừa được đưa đến trung tâm y tế huyện.
Các chuyên gia nhận định, những triệu chứng trên rất giống với các biểu hiện ngộ độc nặng, bệnh nhân thường bị suy hô hấp và tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân gây độc có thể là thuốc bảo vệ thực vật hoặc hoá chất diệt chuột. Nhiều gia đình ở Động Lâm bán các mặt hàng này, trong đó có 2 người đã tử vong là bố con anh Sỹ.
Anh Đàn lý giải: “Hồi xảy ra sự việc, mèo trong làng bị bán hết, chuột bọ hoành hành. Lúc này, người dân nơi đây buôn bán rất nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc chuột ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Thời gian ấy, chó chết một loạt, sau đó đến trâu ở một số khu trong làng cũng chết với triệu chứng sùi bọt mép. Mẹ tôi (bà Bỉnh - PV) ngày đó có buôn bả ngửi - một loại bả rất độc hại. Rất có thể chất độc từ những loại bả, loại thuốc trên là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người và động vật.
Sau này, những cán bộ y tế trên tỉnh về phun thuốc cả khu này thì không có chuyện gì xảy ra nữa. Có điều, khi xảy ra chuyện, vì quá hoang mang nên gia đình tôi có mời thầy cúng về để cầu cho gia đình được bình an. Phải chăng, vì hành động đó mà câu chuyện “thần giữ của” báo oán, "rắn thần" bắt súc vật, bắt người… cứ đày đọa làm khổ gia đình tôi suốt cả thập kỷ qua?”.
Một lãnh đạo UBND xã Động Lâm cho biết: “Vào thời điểm đó, tôi là phó chủ tịch xã, có nhiệm vụ theo dõi toàn bộ sự việc. Khi xảy ra một, hai trường hợp đầu, chúng tôi nghĩ là cảm mạo bình thường. Nhưng đến những trường hợp sau, chúng tôi đã báo lên huyện, lên tỉnh để trên cho người xuống kiểm tra.
Hồi đó, chúng tôi đã vận động gia đình cho cán bộ y tế mổ khám nghiệm tử thi bà Bỉnh (nạn nhân cuối cùng) thì phát hiện trong dạ dày của nạn nhân có chất ethyl methylnitrosocarbamate và elsholtzia ketone, mẫu gan và mẫu máu đều có elsholtzia ketone. Đây là những hóa chất bảo vệ thực vật có độc tính cao và khả năng gây tử vong chỉ với liều rất nhỏ.
Kết luận của Bộ Y tế nhận định, 5 trường hợp tử vong là do ngộ độc cấp tính. Ủy ban xã cũng đã có thông báo về nguyên nhân của những cái chết để gia đình các nạn nhân và bà con trong xã yên tâm làm ăn, sinh sống”.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy nhiều ý kiến người dân cho rằng, UBND xã không tuyên truyền tích cực về vấn đề này. Thông tin mà người dân nắm được rất mù mờ. Vì thế mới có đất cho những thầy cúng hành nghề và tung tin thất thiệt.
Sự việc đáng lẽ có thể giải quyết một cách đơn giản ngay từ khi nó mới xảy ra, nhưng thực tế nó đã gây ra quá nhiều phiền hà và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với gia đình những người xấu số.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
- Sấm sét ngày càng nhiều, tại sao?
- 200 năm huyền thoại kênh Vĩnh Tế
- ”"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư dời thành công cổng đền nặng hơn 100 tấn đi được 63 mét
- Cỏ Pili - Loại cỏ đặc biệt biết chuyển động khi bị ướt
- Phát hiện “thần điểu" giống khủng long bạo chúa T-rex
- Nguy cơ băng ở Bắc Băng Dương biến mất sớm hơn dự báo
- Linh vật SEA Games 31 - loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới
- Hoa ưu đàm "3.000 năm xuất hiện một lần" có thật không?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk
(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ
(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.