(Tin Môi Trường) - Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh vừa thống nhất danh mục bảo tồn nhà vườn Huế trong năm 2018 theo Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng".
Ảnh: IE
Theo đó, sẽ tiếp tục có 3 nhà vườn tiêu biểu của các hộ: Nguyễn Hữu Thông (Sum Viên), địa chỉ 313 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, thành phố Huế; Nguyễn Thị Tâm, địa chỉ 31 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát, thành phố Huế; Nhà thờ họ Tôn Thất (Tôn Thất Hùng), địa chỉ 7 kiệt 72 Thân Văn Nhiếp, phường Thủy Biều, thành phố
Huế được hỗ trợ trùng tu trong năm 2018.
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên -
Huế đã tổ chức trùng tu, bảo tồn 5 nhà vườn
đặc trưng (trong tổng số 14 nhà vườn
đặc trưng được trùng tu đợt 1, giai đoạn từ nay đến năm 2020), với mức hỗ trợ từ 600 - 750 triệu đồng/nhà. Đó là các nhà vườn: Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn tại số 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp; nhà vườn của gia đình ông Lê Lương tọa lạc tại số 38 Nguyễn Hoàng, phường Kim Long; nhà vườn Hoàng Kim Khánh, địa chỉ 145 Vạn Xuân, phường Kim Long; nhà vườn của ông Hồ Xuân Doanh, phường Thủy Biều; phủ thờ Diên Khánh Vương, đường Nguyễn Sinh Cung phường Vỹ Dạ.
Để bảo tồn kiến trúc nhà vườn Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên -
Huế đã xây dựng và ban hành "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn
Huế đặc trưng". Các nhà vườn được chọn trong danh mục, tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nhà vườn từ "Quỹ bảo trợ nhà vườn Huế". Các nhà vườn trong diện bảo tồn đảm bảo các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600 m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng
Huế (như nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện gỗ chạm trổ công phu).
Nhà vườn
Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc theo lối truyền thống Huế, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XX, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; có cấu trúc hệ kèo gỗ còn giữ được các yếu tố gốc của ngôi nhà. Nhà (còn gọi là nhà rường) thường được làm bằng gỗ với nhiều nét hoa văn chạm trổ, trong liên kết của kết cấu nhà, thay cho đóng đinh là kỹ thuật mộng tinh xảo. Nhà rường ở
Huế có nhiều dạng: Một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu… (rường là cách nói ngắn gọn của rường cột), nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định.
Dù lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hài hòa hợp lý, tạo cho nhà rường cái thần thái riêng biệt. Tuy rộng, hẹp khác nhau nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: Cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng thường xây bằng gạch, lối vào ngõ được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận. Bình phong cũng thường xây bằng gạch. Sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ, một mảnh sân rộng rồi mới đến nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây, hoa quanh năm tươi tốt.
Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tùng, Phó trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học
Huế cho rằng "Nhà vườn truyền thống
Huế cần được bảo tồn thích nghi dựa vào cộng đồng". Đây cũng chính là đề tài do Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tùng làm chủ biên đã được trao giải Bạc (không có giải Vàng) - giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2016. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tùng, sự chuyển đổi của các nhà vườn truyền thống cho phù hợp với cuộc sống hiện đại là điều không tránh khỏi. Vì vậy, mục tiêu của việc bảo tồn là dựa vào các yếu tố làm nhà vườn biến đổi để từ đó đề xuất giải pháp cho ngôi nhà có thể biến đổi sao cho phù hợp, đồng thời vẫn giữ được các giá trị tiêu biểu.
Chẳng hạn, các yếu tố làm biến đổi ngôi nhà là gia tăng nhân khẩu, kinh tế, thờ tự, lũ lụt, các yếu tố khác và sự kết hợp các yếu tố trên. Cơ bản, nhà vườn biến đổi theo 3 hướng: Hướng ngang, hướng thẳng đứng và hướng kết hợp ngang - thẳng đứng. Với tác động của mỗi yếu tố, đều có giải pháp riêng. Ví dụ, dưới tác động của lũ lụt thì khuyến khích xây gác lửng, ưu tiên xây ở nhà phụ. Trường hợp bắt buộc xây nhà 2 tầng thì cần xây phía sau nhà chính để giảm ảnh hưởng xấu đến giá trị ngôi nhà.
Một số giải pháp khác cũng được đề cập đến là bảo tồn nhà vườn dựa vào cộng đồng; đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong chính sách bảo vệ nhà vườn (theo dự án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn) như: Sử dụng vật liệu địa phương, gam màu truyền thống, lược giản quá trình đăng ký tham gia dự án, điều chỉnh các quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan, thành lập hội nhà vườn... Ngoài ra, cần thiết lập các tuyến du lịch nhà vườn, kết hợp với các tour du lịch ở các di sản khác sao cho thuận lợi, phù hợp vì du lịch là sự quảng bá, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn, góp phần có thêm kinh phí trong tái sử dụng và bảo quản ngôi nhà.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Tùng còn đề xuất: Cần lập hội nhà vườn. Hội này sẽ đóng vai trò đại diện các nhà vườn truyền thống, được chính quyền công nhận. Hội thay mặt các chủ nhân thỏa thuận, làm việc với chính quyền, các công ty lữ hành và tổ chức khác về các mặt du lịch, chính sách, sửa chữa, bảo quản... thông qua các chính sách, điều lệ. Chính quyền tạo cho các nhà vườn truyền thống chủ động trong mọi hoạt động trên cơ sở pháp luật. Các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư là những nhà tư vấn cho Hội về mặt chuyên môn như sửa chữa, cải tạo...