Tài nguyên - Thiên nhiên » Động vật
Saola chính thức được phát hiện lại sau 15 năm tại Việt Nam
(10:58:20 AM 13/11/2013)Ảnh Saola, chụp từ bẫy ảnh
“Khi lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Saola được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một “báu vật”, nên chúng tôi vô cùng hạnh phúc.” Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam chia sẻ. “Đây là một khám phá nghẹt thở, một số người tin rằng Saola đã biến mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam, và ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự phục hồi quần thể của loài này.”
Loài Saola thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài Linh dương, Saola – còn được gọi là Kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện với hai cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50cm. Lần cuối cùng Saola được ghi nhận là ở Lào năm 2010. Người dân tại tỉnh Bolikhamxay, Trung Lào, đã bắt được một cá thể Saola, nhưng cá thể này đã chết sau đó. Trước đó, lần cuối cùng Saola được ghi nhận trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamxay cũng qua hoạt động bẫy ảnh.
“Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Saola được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998,” ông Đặng Đình Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Khu Bảo tồn Saola Quảng Nam chia sẻ. “Đây là một thời khắc quan trọng đối với những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ sự đa dạng sinh học đặc biệt của quốc gia, đồng thời là một bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả những nỗ lực bảo tồn sinh cảnh của Saola và hôm nay có thể khẳng định rằng đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài Saola của Việt Nam.”
Tại khu vực Saola được ghi nhận bởi bẫy ảnh, Dự án Dự trữ Các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CarBi) của WWF đã và đang thực hiện một cách tiếp cận thực thi pháp luật mới trong đó các nhân viên Tuần tra bảo vệ rừng được tuyển chọn từ cộng đồng địa phương và được đồng quản lý bởi WWF và Ban quản lý Khu Bảo tồn Saola. Đội Tuần tra bảo vệ rừng cùng với các cán bộ Kiểm lâm của Ban quản lý Khu bảo tồn tuần tra hàng ngày để tháo dỡ bẫy và xử lý các vụ việc về săn bắt, khai thác và xâm phạm bất hợp pháp vào Khu bảo tồn.
“Saola thường bị mắc bẫy là do thợ săn đặt để bắt các loài động vật khác như nai, mang, chồn và các loài thú khác – phần lớn phục vụ cho việc buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã,” Tiến sỹ Thịnh cho biết. “Từ năm 2011, các đợt tuần tra của Đội Tuần tra bảo vệ rừng và cán bộ Kiểm lâm các Khu bảo tồn Saola đã tháo dỡ được hơn 30.000 bẫy trong khu sinh cảnh của Saola và phá huỷ hơn 600 lều trại bất hợp pháp của thợ săn. Sự kiện tái phát hiện Saola là một minh chứng cho những nỗ lực hết sức mình và không mệt mỏi của các cán bộ Kiểm lâm và Đội tuần tra bảo vệ rừng.”
Saola là loài thú mới được phát hiện vào năm 1992 bởi một nhóm các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp Việt Nam cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và WWF khi nghiên cứu đa dạng sinh học rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh, Việt Nam), gần biên giới Việt Nam và Lào. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng kỳ lạ trong nhà một thợ săn và họ biết rằng có một điều gì đó thực sự khác thường. Đó là phát hiện đầu tiên về một loài động vật có vú lớn trên thế giới trong vòng 50 năm và là một trong những phát hiện về loài tuyệt vời nhất thế kỷ 20.”
Sau hơn 20 năm, hiểu biết về sinh thái và tập tính của Saola vẫn còn rất hạn chế, và sự khó khăn trong việc nắm bắt loài động vật bí ẩn này đã ngăn cản các nhà khoa học đưa ra ước tính chính xác về quần thể loài. Có thể còn khoảng 200 hoặc chỉ còn vài chục cá thể Saola ở các cánh rừng rậm dọc biên giới Việt – Lào.
“Đây là những bức ảnh chụp loài hoang dã quan trọng nhất của châu Á, có thể là của thế giới trong vòng 10 năm qua,” ông William Robichaud, Điều phối viên Nhóm Bảo tồn Saola của Uỷ ban Bảo tồn loài của IUCN cho biết. “Đây cũng là những bằng chứng đáng khích lệ về hiệu quả của mô hình tuần tra rừng để bảo vệ Saola khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhưng cần phải có thêm ngân sách để WWF và các đối tác của tổ chức có thể mở rộng sáng kiến này đến các khu sinh cảnh của Saola tại Việt Nam và Lào.”
Saola là biểu tượng cho sự đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn – chạy dọc biên giới Lào và Việt Nam. Điểm nóng đa dạng sinh học này tự hào về sự đa dạng độc đáo các loài động vật quý hiếm với nhiều loài không thể tìm thấy ở nơi khác trên hành tinh. Cùng với sự phát hiện của Saola, hai loài khác là Mang lớn và Mang Trường Sơn cũng đã được phát hiện trong những khu rừng Trường Sơn năm 1994 và 1997.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ những giải pháp giám sát và thực thi pháp luật thành công để đảm bảo rằng những cá thể Saola còn lại và các loài khác có cơ hội sống còn tốt nhất.” Ông Carsten Killian, Cán bộ Quản lý Dự án cấp cao của KfW - Ngân hàng Phát triển của Chính phủ Đức – nhà tài trợ của CarBi chia sẻ. “Chúng tôi hy vọng phát hiện đáng ghi nhớ này sẽ là một niềm tự hào đối với những nỗ lực bảo tồn một trong những loài động vật lớn quý hiếm và đặc biệt nhất thế giới.”
Hình ảnh của Saola khẳng định sự tồn tại của loài này tại dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam và sẽ giúp WWF cùng đối tác tìm kiếm những cá thể khác và đưa ra những mục tiêu bảo vệ cần thiết. WWF cũng tạo sinh kế thêm cho cộng đồng xung quanh các Khu Bảo tồn Saola nhằm giảm săn bắt bất hợp pháp và tạo thêm thu nhập cho người dân. Công việc này là một hỗ trợ quan trọng đối với những nỗ lực bảo vệ và thực thi pháp luật, mà thiếu chúng loài Saola có thể đã biến mất vĩnh viễn.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
- Phát hiện nhím "Ma cà rồng" ở Việt Nam
- Cua biển có màu sắc như đã luộc chín ở Cà Mau
- Loài cá biển đầu tiên “tuyệt chủng do con người”
- Hỗ trợ bảo tồn loài Gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam
- Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
- Ninh Thuận: Bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển
- Báo động tình trạng “tận diệt” chim trời tại Diễn Châu (Nghệ An)
- WWF khởi động sáng kiến mới về voi châu Á trong khu vực
Bài viết mới:
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.