»

Thứ hai, 20/01/2025, 05:32:28 AM (GMT+7)

Kiến ba khoang bị oan!

(10:57:11 AM 11/10/2015)
(Tin Môi Trường) - Thời gian gần đây báo chí đưa tin dồn dập về “kiến ba khoang tấn công người”. Dưới mắt của dân chúng hiện nay, kiến ba khoang là con vật nguy hiểm, đáng sợ, đáng ghét, cần phải tiêu diệt không nương tay. Con kiến không biết nói, chúng không thể tự minh oan cho mình.

Kiến[-]ba[-]khoang[-]bị[-]oan!
Kiến ba khoang - Ảnh: jeffdelonge


Các nhà bảo vệ môi trường mặc dù biết chắc kiến ba khoang bị oan, nhưng ít ai nói một lời đàng hoàng giải oan cho chúng. Bênh vực con kiến khi có quá nhiều “nạn nhân” của kiến ba khoang đang đau rát ngứa ngáy, dễ bị coi là một thằng khùng.


Xin hãy bình tĩnh, ngay các “nạn nhân” của kiến ba khoang cũng nên bình tĩnh. Kiến ba khoang là con vật hiền lành, không cắn, không đốt ai cả. Khi chúng sơ ý bò lên cơ thể người ta, bị người ta lấy tay giết đi, chính chất độc tiết ra từ con kiến bị giết đó gây dị ứng da, gây viêm, đau rát, gây ngứa ngáy. Như vậy sao có thể gọi một cách hồ đồ là kiến ba khoang “tấn công người” ? Nói cho công bằng và chính xác thì nạn nhân ở đây chính là con kiến, còn con người chẳng qua là nạn nhân của chính mình.


Nhưng vấn đề không phải là bênh vực con kiến ba khoang bằng cách chứng minh nó vô tội. Sự bênh vực như vậy có lẽ không thuyết phục được ai, vì con người vốn coi trọng sự dễ chịu trong hiện tại của mình hơn mạng sống của các loài chúng sanh khác. Vấn đề là con kiến ba khoang không những không có tội mà còn có công.


Con vật này không phải là con kiến “lạ” mới xuất hiện gần đây. Nó là con vật sống trên ruộng đồng vườn tược Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, là người bạn tốt của bà con nông dân chúng ta, vì nó chính là một trong những con thiên địch tốt nhất trên đồng ruộng, chuyên ăn của các loài sâu rầy gây hại hoa màu. Nó có tên khoa học là Paederus fuscipest thuộc họ Staphilinidae (Cánh cụt), bộ Coleoptera (Cánh cứng). Thực ra nó không phải là con kiến nhưng vì nó giống con kiến, lại có từng khoang đen và đỏ, nên người ta gọi nó là kiến ba khoang, dân gian gọi nó là kiến gạo, kiến kim, kiến lác hay kiến hoang…


Nơi ở của kiến ba khoang là gốc cây, bờ cỏ hoặc chỗ có rơm hay lá mục. Mỗi khi trên ruộng, trong vườn có sâu cuốn lá hay rầy nâu xuất hiện, chúng tìm đến để chui vào từng tổ sâu tổ rầy, xơi từng chú một, chúng còn ăn cả rầy sáp và ấu trùng các loài côn trùng gây hại khác. Chúng có thể bò trên mặt nước để diệt sâu rầy trên các ruộng lúa.


Khoảng 50 năm trở về trước, Việt Nam ta chẳng hề sử dụng thuốc trừ sâu mà lúa ngô rau đậu vẫn trĩu hạt và tốt lá tươi cành, chính là nhờ ơn những con thiên địch như thế này. Thiên nhiên tự mình cân bằng, khi những loài gây hại cho cây cối phát triển thái quá, tự khắc có những loài khác khắc chế. Cha ông ta làm cái gì cũng thuận với thiên nhiên, do vậy mà mùa màng tươi tốt, môi trường sống an lành.


Từ khi “Tây” đưa phương pháp canh tác mới vào, cùng với việc tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ đã khiến cho hệ sinh thái trên vườn ruộng mất cân bằng ngày càng trầm trọng. Các loài thiên địch thì mai một dần, còn sâu rầy gây hại thì liên tục biến tướng để thích nghi, dường như đó là mục đích của các nhà sản xuất thuốc “bảo vệ thực vật”, để không ngừng sản xuất ra các loại thuốc mới.


Kiến ba khoang chẳng thích thú gì việc vào nhà, vào trường học hay bệnh viện. Chẳng có điều gì tốt lành dành cho chúng ở những nơi này. Chúng phải tìm chỗ trú thân, vì nơi ở tự nhiên của chúng ngày càng bị thu hẹp.


Tạo hóa sinh ra con gì đều ban cho con đó một vài khả năng tự vệ. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong cơ thể kiến ba khoang có chứa pederin, một loại chất độc gây bỏng da, và viêm da. Chất này được hình thành do quá trình tương tác giữa các chất trong cơ thể kiến ba khoang với các vi khuẩn ký sinh. Đây là vũ khí tự vệ để khỏi bị các loài côn trùng khác, như nhện, tiêu diệt. Khi con kiến ba khoang bị chà cho chết, các chất này tiết ra mạnh mẽ nhất. Đó là nguyên nhân của các vết thương khó chịu trên da thịt con người. Tất nhiên điều này xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn của kiến ba khoang.


Trên báo chí, trên các diễn đàn hiện nay, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp tiêu diệt và phòng tránh kiến ba khoang. Theo chúng tôi, không được tiêu diệt chúng, vì chúng là loài thiên địch quý hiếm còn sót lại rất cần được bảo vệ. Chỉ nên phòng tránh. Nhưng phòng tránh căn bản nhất là không tiêu diệt môi trường sống tự nhiên của chúng. Điều này chỉ có thể làm được nếu trở lại phương thức canh tác tự nhiên, hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Nếu tiếp tục sử dụng các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ với tần suất dày đặc như thế này thì con người sẽ phải tiếp tục trả giá, không chỉ kiến ba khoang mà sẽ còn rất nhiều những con vật khác đe dọa đến sự sống và sức khỏe của con người. Tình hình rắn lục đuôi đỏ tràn vào nhà dân chắc chắn cũng xuất phát từ nguyên nhân tương tự.


Cứ mỗi hành vi ngông cuồng của con người xâm hại đến thiên nhiên thì lập tức bị thiên nhiên giáng trả. Rừng bị phá, thiên nhiên giáng trả bằng lũ lụt và hạn hán. Hủy diệt cỏ cây và làm ô nhiễm môi trường, thiên nhiên đáp trả bằng bệnh tật. Kiến ba khoang tràn vào nhà chỉ là sự cảnh báo tiếp theo, một sự cảnh báo nhắc lại mà thôi.

Theo TNO
Từ khóa liên quan: Kiến ba khoang, bị oan
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Kiến ba khoang bị oan!

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI