»

Chủ nhật, 24/11/2024, 01:37:58 AM (GMT+7)

Đập thủy điện có thể gây tuyệt chủng loài cá tra dầu sông Mekong

(14:37:40 PM 20/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mekong có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất và hiếm nhất trên thế giới, một nghiên cứu mới nhất của tổ chức WWF cho biết.

Đập thủy điện có thể gây mối đe dọa tuyệt chủng đối với loài cá tra dầu sông Mekong - Ảnh: WWF

 

Nghiên cứu do WWF thực hiện này làm sáng tỏ nhiều thông tin về hiện trạng ít được biết đến của loài cá này, bao gồm các số liệu về quần thể, sự phân bố, các mối đe dọa và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài. Hiện nay vẫn chưa có số liệu chính xác về quần thể loài này, tuy nhiên, người ta ước tính chỉ còn khoảng hai trăm cá thể trưởng thành. 

 

Với kích thước khổng lồ, chiều dài có thể đạt tới 3 mét và cân nặng khoảng 300 kg, loài cá này sẽ không thể vượt qua đập Xayaburi trong hành trình di cư hàng năm của chúng, và đây có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài, báo cáo cho biết..

 

“Một loài cá với kích thước như vậy sẽ không thể bơi qua một chướng ngại vật lớn như một con đập để tới thượng nguồn là nơi đẻ trứng của chúng,” tác giả của nghiên cứu, giáo sư Zeb Hogan tại trường Đại Học Nevada, cho biết. “Sinh vật khổng lồ này cần dòng chảy lớn và thông thoáng để có thể di cư. Chúng còn cần nguồn nước có chất lượng với những điều kiện dòng chảy nhất định để thực hiện vòng đời của mình bao gồm cả việc sinh sản và kiếm mồi.”

 

Quần thể cá tra dầu sông Mekong đã bị suy giảm mạnh do việc đánh bắt quá mức,  sinh cảnh bị phá hủy và sự xuất hiện của các con đập trên các nhánh sông Mekong. Một con đập trên sông Mun, nhánh lớn nhất của sông Mekong, đã chặn đường di cư của loài cá tra dầu và cô lập sông Mun với phần còn lại của lưu vực sông Mekong. Báo cáo của WWF tuyên bố con đập gây nhiều tranh cãi – Xayaburi có thể làm gián đoạn, thậm chí là ngăn cản quá trình sinh sản, và gia tăng tỉ lệ tử vong của loài cá này nếu chúng bơi qua các tuốc-bin của đập.

 

“Có khả năng cá tra dầu  Mekong sử dụng những nhánh sông, nơi xây đập Xayaburi, làm hành lang di cư của chúng. Những cá thể trưởng thành di cư từ các khu vực sinh trưởng ngập nước lũ, qua khu vực xây đập Xayaburi, tới các khu sinh sản tại thượng nguồn,” tiến sĩ Hogan cho biết thêm. “Cũng có khả năng chúng đẻ trứng tại khu vực sẽ xây con đập.”

 

Tại cuộc họp do Ủy ban sông Mekong tổ chức năm 2011, các Bộ trưởng phụ trách các vấn đề  Môi trường và Nguồn nước đã nhất trí đề nghị Lào hoãn đưa ra quyết định xây dựng đập Xayabury để nghiên cứu thêm về những tác động của con đập lên tới môi trường.  Tuy nhiên, vào tháng 11 năm ngoái Lào đã đơn phương quyết định khởi  công công trình.  

 

Những mối quan ngại xung quanh dự án  Xayaburi, trị giá 3.5 tỉ đô la Mỹ, tập trung vào  việc thiếu các dữ liệu và những tính toán đầy đủ về  các tác động của con đập, đặc biệt tới nguồn thủy sản và dòng chảy trầm tích.

 

Pöyry, một công ty Phần Lan chịu trách nhiệm tư vấn cho Lào về xây dựng đập, đã lập luận rằng có thể xây “đường di cư cho cá” để giúp chúng vượt qua các tuốc-bin và bơi xuôi ngược dòng. Tuy nhiên, giải pháp này chưa bao giờ được thử nghiệm trong thực tế.

 

“Để xây được đường di cư loại này, cần nghiên cứu về loài cá,  khả năng bơi của chúng và dòng chảy hút chúng về phía các đường di cư, ” Tiến sĩ Eric Baran từ Trung tâm Cá Quốc tế cho biết. “Vẫn cần phải nghiên cứu để đảm bảo những giải pháp đưa ra có tính thực tế.”

 

Cá tra dầu Mekong đã từng phân bố rộng rãi dọc lưu vực sông Mekong, từ Myanmar cho tới tây nam Trung Quốc. Cho đến đầu những năm 1990, quần thể loài này vẫn còn tương đối dồi dào. Từ đó tới nay, số lượng loài này đã bị giảm mạnh và chỉ được tìm thấy tại sông Mekong và các nhánh của nó tại Lào, Cam-pu-chia và Thái Lan.

 

Số liệu đánh bắt loài này cũng chứng minh cho sự sụt giảm quần thể nghiêm trọng, từ hàng ngàn cá thể cuối những năm 1880, tới hàng chục cá thể trong những năm  1990, và hiện nay con số này chỉ là một vài cá thể. Mặc dù Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia đều đã ban hành những quy định về đánh bắt cá tra dầu Mekong, trong đó Thái Lan và Cam-pu-chia nghiêm cấm đánh bắt, nhưng loài này vẫn bị đánh bắt bất hợp pháp hoặc bị đánh bắt không chủ ý.  

 

“Việc đánh bắt cần phải được kiểm soát để đảm bảo cá tra dầu Mekong không trở thành mục tiêu đánh bắt bất hợp pháp,” Tiến sĩ Hogan phát biểu. “Đánh bắt ngẫu nhiên cũng cần được theo dõi bởi đó là số liệu duy nhất và tốt nhất hiện nay cung cấp thông tin về sự phân bố, lịch sử vòng đời và số lượng quần thể loài này.”

 

Báo cáo cũng đưa ra những biện pháp chính  để ngăn chặn sự biến mất của loài này, trong đó bao gồm các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ các hành lang di cư và sinh cảnh  trọng yếu của chúng, tăng cường hợp tác quốc tế như quy hoạch quản lý lưu vực vì loài này phải di cư trên một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia để hoàn thành vòng đời của mình.

 

“Cá tra dầu  sông Mekong tượng trưng cho sự vẹn toàn sinh thái của dòng Mekong vì loài này rất dễ bị tổn thương dưới áp lực đánh bắt và sự thay đổi của dòng sông. Tình trạng của chúng là chỉ số sức khỏe của toàn bộ dòng sông, và sự duy trì nòi giống loài là một phần quan trọng trong quản lý bền vững lưu vực sông Mekong.” Tiến sĩ Lifeng Li, Giám đốc chương trình Nước ngọt Toàn cầu của WWF phát biểu.

“Chúng ta có thể bảo tồn được loài cá tra dầu sông Mekong, nhưng cần phải có sự cam kết từ tất cả các nước trong khu vực hạ lưu sông Mekong, cũng như từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ - điều mà hiện nay đang thiếu,” ông nói.

THÚY QUỲNH (WWF-Việt Nam)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đập thủy điện có thể gây tuyệt chủng loài cá tra dầu sông Mekong

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI