»

Thứ hai, 25/11/2024, 20:28:26 PM (GMT+7)

Cứu lấy gấu

(08:11:26 AM 12/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Có tận mắt chứng kiến những chú gấu bị tâm thần, mắt mờ, cụt tay... mới thấy nhiều người ác thật...

 

Gấu Hope cụt tay bất lực trước trái dừa - Ảnh: Đức Tuyên
 
7g30 sáng 10-3, anh Trần Văn Quản, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (Đồng Nai), vừa cất tiếng gọi to, ngay tức khắc, dẫn đầu đàn gấu là Top, sau đó đến Grall, Chaince, Misa, Kim, Sally, Lorna, Sunshine, Molly... và sau cùng là Hope chạy ra sân chơi. Đây là khu huấn luyện phục hồi gấu bán hoang dã nằm trong VQG Cát Tiên. Sau hàng chục năm huấn luyện, đến nay đã có 16 con gấu đạt trình độ hoang dã ở mức 80% và được thả ra khu vực này.
 
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã VQG Cát Tiên (gọi tắt là trung tâm) vừa tiếp nhận thêm bảy con gấu ngựa do một người dân tỉnh Đồng Nai “hiến tặng”, như vậy số gấu đang được cứu hộ tại đây đã lên 35 con (trong đó có bảy con gấu chó). Chức năng của trung tâm là tiếp nhận gấu bị săn bắt, nuôi nhốt trong dân... sau đó chăm sóc, chữa bệnh và huấn luyện chúng trở về với cuộc sống hoang dã để thả về rừng.
 
Gấu cụt tay, gấu tâm thần

Trong số 35 con gấu tại trung tâm, có lẽ Hope có hoàn cảnh éo le nhất. Năm 2003, lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai bắt được vụ vận chuyển trái phép chín con gấu ngựa, trong đó có Hope. Ngay sau đó số gấu này được chuyển đến trung tâm. Các cán bộ tại đây kể lại ngày tiếp nhận Hope đã bị cụt mất toàn bộ bàn tay (chi trước bên trái), còn bàn tay phải cũng bị cụt toàn bộ ngón. Không biết Hope bị bẫy nghiến cụt tay hay vì những kẻ săn bắt đã chặt lấy đi nhưng ông Lương Văn Hiến - giám đốc trung tâm - nhớ lại: “Lúc tiếp nhận, vết thương nơi hai tay của Hope vẫn mới nguyên, máu còn nhỏ ra, sưng tấy nhiễm trùng, sức khỏe rất yếu”.

 
Các chuyên gia hi vọng cứu sống được gấu mà cái tên Hope (hi vọng) cũng ra đời từ đấy. Và sau hơn hai tháng được các chuyên gia của Quỹ quốc tế bảo tồn gấu cùng các nhân viên trung tâm tận tình cứu chữa, Hope mới qua khỏi cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe. Giờ đã nặng trên 1 tạ, thân thể khỏe mạnh, thế nhưng để di chuyển Hope phải tì cả khuỷu tay xuống đất để tập tễnh đi với cái đầu cứ chúi về phía trước. Tội nhất là khi được cho ăn dừa, những con gấu khác dùng móng tay, răng để xé, tước sơ dừa rồi bửa vỡ sọ dừa ra, riêng Hope loay hoay mãi cũng không thể dùng đôi tay đã bị cụt mà bửa dừa ra ăn, uống nước như các bạn. Thấy vậy, anh Trung, nhân viên trung tâm, đành phải bổ đôi trái dừa khác rồi quăng vào cho Hope.
 
Anh Mai Xuân Giang - cán bộ Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã  - đang được biệt phái về trung tâm cho biết những con gấu tiếp nhận từ trong dân về thường rất hay bị bệnh béo phì hoặc suy dinh dưỡng và con nào cũng bị stress nặng. Sở dĩ bị những bệnh đó là do người nuôi cố cho gấu ăn nhiều để khai thác mật, đến khi chúng bị cạn kiệt sức khỏe, gầy đói mới thôi. “Như gấu Sunshine khi được đưa về trung tâm cứu hộ đã liệt hai chân sau do bị người ta khai thác mật quá mức. Các nhân viên phải chăm sóc gần bốn tháng Sunshine mới dần hồi phục sức khỏe” - anh Giang nói.
 
 
Ngoài ra, cũng do bị khai thác mật quá mức mà cả hai mắt Sunshine đều bị mờ với thị lực chỉ đạt 20%. Những ngày đầu mới được thả ra khu vườn chơi, Sunshine không nhìn thấy đường, đi đụng đầu vào cây côm cốp cho đến khi được các nhân viên ở đây giúp đỡ mới về chuồng được. “Giờ thị lực của Sunshine đã được cải thiện đến 80%” - anh Quản cho biết. Thế nhưng, Sunshine chỉ mới hồi phục về sức khỏe. Còn tinh thần vẫn là một vấn đề cần rất nhiều thời gian để chữa trị. Sau biết bao ngày tháng bị người nuôi chụp thuốc mê, chọc cái kim dài khoảng 10cm vào ổ bụng để hút mật ra, giờ đây Sunshine vẫn bị stress nặng, thậm chí tình trạng bệnh đã chuyển qua giai đoạn “tâm thần”. Khi được thả ra sân chơi, Sunshine chỉ đứng một chỗ với ánh mắt đờ đẫn, người lúc lắc, đầu đung đưa qua lại như con lật đật và lao xuống hồ tắm vẫy vùng nước bắn tung tóe, sau đó lại lên đứng dưới tán cây gật gù, lúc lắc.
 
Tương tự, gấu Đồi cũng chung tình trạng “tâm thần” như Sunshine. Sau khi được giải thoát tại một cơ sở ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tính đến nay Đồi đã về trung tâm được gần chục năm nhưng vẫn chưa trở lại bình thường. Do bị tâm thần khá nặng nên Đồi vẫn bị nhốt trong chuồng, lúc nào cũng đứng lắc lư thân thể như Sunshine với ánh nhìn vô định.
 
35 cá thể gấu đang được cứu hộ, huấn luyện tại trung tâm là 35 cảnh đời khác nhau nhưng có một điểm chung nhất là đều đã trải qua quãng đời bị con người ngược đãi trong những chiếc cũi sắt. Ngày về gần lại với rừng của Nicky là những giờ phải uống thuốc để trị ghẻ lở khắp thân thể. Chaince cũng phải chữa trị vết thương nơi bàn tay phải chỉ còn một ngón. John trở nên hung dữ. Còn Misa, Top, Grall, Sally, Lorna, Tai Mèo... luôn ở trong trạng thái trầm cảm, lười vận động. Và để có được tính hoang dã dần tăng lên như ngày hôm nay, các chuyên gia, tình nguyện viên trong và ngoài nước đã phải ngày đêm huấn luyện từng con gấu như chăm sóc từng đứa con mọn.
 
Để gấu tìm lại chính mình

Một ngày làm việc của các nhân viên trung tâm bắt đầu từ 6g sáng nhận thức ăn đặt từ hôm trước để đưa về trại. Sau đó lên khẩu phần ăn cho từng con gấu. Con nào béo giảm chất đạm, gầy tăng dưỡng chất, thêm thuốc vào khẩu phần ăn cho những chú gấu đang được trị bệnh tiêu chảy, ghẻ lở, hắc lào rụng lông, tăng chất xơ, rau quả cho gấu béo phì, khám bệnh cho một số con bị bệnh nặng... Kế đến là vào khu rừng bán hoang dã dọn rác, nhặt thức ăn thừa, kiểm tra hệ thống hàng rào điện xung quanh và mỗi gốc cây nơi gần rào lưới B40. Sau đó gài thức ăn trong những bụi rậm, trên cây, dưới hồ nước để gấu tự đi tìm thức ăn như trong tự nhiên. Đến 7g30, anh Quản lần lượt mở cửa từng chuồng gấu, gọi chúng đi ra kiếm ăn.

Xong nhóm gấu bán hoang dã, các nhân viên lại xoay trần với những con gấu chưa thuần. “Cực nhất là tập ăn cho gấu mới đưa về trung tâm” - anh Quản nói. Anh Quản và một số nhân viên ở đây đã được gửi đi nước ngoài học tập nên tỏ ra rất chuyên nghiệp trong cách huấn luyện đưa gấu về với tập tính sống hoang dã. Anh Quản kể đầu tiên là tập cho gấu ăn theo khẩu phần ăn khoa học đã được lập như cháo, cơm, các loại trái cây chuối, thanh long, dưa hấu, cà chua, khoai lang, xoài, ổi, rau muống, mía, bắp, dừa... cùng mật ong, mứt dâu, bơ đậu phộng, lá cây rừng và thêm thức ăn công nghiệp dành cho chó.
Giai đoạn này các chuyên gia cũng dùng nhiều biện pháp để giảm stress cho gấu.
 
Sau thời kỳ tập ăn, cho ăn thả dàn no căng bụng là tới giai đoạn huấn luyện cho gấu đói. Khẩu phần ăn dần được giảm xuống để tạo cảm giác đói cho gấu để chúng trỗi dậy tập tính tự tìm thức ăn. Tiếp đến là đặt tên cho từng con gấu và gọi để chúng nhận biết mình tên gì. Kế đến là lựa bạn, ghép 2-4 con thành một nhóm để khi chúng thân với nhau rồi sẽ ghép với nhóm bán hoang dã và đưa ra cuộc sống ngoài khu rừng. Sau nữa là tập cho gấu tự đi tìm thức ăn được giấu trên cây, bụi rậm, đục lỗ nhỏ rồi bơm mật ong vào lóng tre...
 
Giai đoạn sau cùng là tập cho gấu leo cây khá công phu mà theo anh Quản thì không ít lần còn gặp nguy hiểm. Ban đầu bỏ đồ ăn vào túi dù hay dùng ống mật ong cột dây vắt qua chạc ba của cành cây và thòng xuống từ trên cao để nhử gấu đến lấy. Hễ gấu với tay lấy thì người huấn luyện lại kéo dây cho gói đồ lên cao dần để dụ gấu trèo cây. “Khi gấu đã biết trèo cây là lúc tập tính hoang dã của gấu đã trở lại 70-80%. Để đạt được giai đoạn này nhanh hay chậm còn tùy thuộc độ thông minh, tình trạng của mỗi con gấu khi đưa về trung tâm, nhưng ít nhất cũng mất 7-9 tháng huấn luyện liên tục” - anh Quản chia sẻ.
 

 Thả về đâu?


Theo các chuyên gia, sau giai đoạn leo cây, gấu có thể đã sẵn sàng để về với cuộc sống tự nhiên. Thế nhưng ông Lương Văn Hiến cho biết: “Đau đầu nhất với chúng tôi hiện nay là tìm môi trường thích hợp để thả gấu về rừng. Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nơi và nhận thấy khu vực rừng của VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) là nơi có môi trường phù hợp cho gấu ngựa sống. Thế nhưng chúng tôi cũng không dám đưa gấu ra đây để thả về rừng vì công tác bảo vệ nơi này chưa tạo được sự yên tâm”.
 
700 USD cho một cái tên Tây
 
Như các trung tâm cứu hộ khác, nguồn kinh phí để Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã VQG Cát Tiên hoạt động chủ yếu dựa vào các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài. Để có thêm nguồn kinh phí, ngay như việc đặt tên gấu cũng được Quỹ bảo tồn gấu kêu gọi các mạnh thường quân nước ngoài tài trợ tên thông qua chương trình “Name sponsor” - một mạnh thường quân được đặt tên cho một con gấu và đổi lại thường phải trả khoảng 700 USD/tên/năm. Do đó đa số gấu có tên nước ngoài là vậy.
Đức Tuyên (Tuổi trẻ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cứu lấy gấu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Sáng 17/11/2024, các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng thôn An Phú, xã Hoà Phú (huyện Ứng Hoà – Tp. Hà Nội) đã long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa và cây Nhội cổ thụ được trồng trong khuôn viên Đình làng cách đây hơn 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI