(Tin Môi Trường) - Sáng thứ Hai, ngày 27/8, Tổ chức Động vật Châu Á thực hiện cứu hộ toàn bộ 5 cá thể gấu ngựa tại một trang trại tư nhân tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Theo ghi nhận của Tổ chức Động vật Châu Á, đây là chuyến cứu hộ gấu lớn nhất từ đầu năm tới nay trên cả nước. Cả năm cá thể gấu trên đều là gấu ngựa, được gắn chip đăng kí và chủ nuôi làm đơn tự nguyện chuyển giao về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Tổ chức Động vật Châu Á đã xúc tiến các thủ tục cần thiết với Cục Kiểm lâm – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm Tiền Giang cũng như gia đình chủ nuôi để đảm bảo cho quá trình cứu hộ được diễn ra sớm nhất và đầy đủ các yêu cầu thủ tục.
Một cá thể gấu
Năm cá thể
gấu ngựa đều được gắn chip, bốn cả thể đực và một gấu cái được nuôi nhốt trong một
trang trại tư nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Theo chủ nuôi, các cá thể này đã được ông nuôi từ những năm 1997, 1998, tính tới nay, chúng đã sống trong các chuồng nuôi này trên dưới 20 năm. Trong đơn gửi Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang, chủ gấu bày tỏ nguyện vọng “giao số lượng gấu trên về Trung tâm
Cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo để có điều kiện chăm sóc tốt hơn”. Quá trình cứu hộ được thực hiện bởi Tổ chức Động vật Châu Á dưới sự chứng kiến của Kiểm lâm Tiền Giang, và hai đại diện của các tổ chức phi chính phủ khác.
Để chuẩn bị tốt nhất cho công tác cứu hộ, đoàn công tác của Tổ chức Động vật Châu Á bao gồm các bác sỹ thú y, y tá và chuyên gia chăm sóc gấu giàu kinh nghiệm và chuyên môn đã có mặt tại
trang trại trước một ngày để đưa ra các phương án cứu hộ sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp khó khan nhất. Cả hai phương án dụ gấu sang lồng vận chuyển và gây mê khám sức khỏe cho gấu đều được đưa ra. Hôm nay, trước khi công tác cứu hộ thực sự được tiến hành, một lần nữa bác sỹ Mandala Hunter (Quốc tịch Mỹ) và y tá Sarah Donald (quốc tịch Úc) khám lâm sàng gấu trong khoảng 30 phút và quyết định 4 cá thể có thể di chuyển bằng phương pháp dụ sang lồng và một cá thể gấu sẽ được gây mê khám sức khỏe và đưa vào lồng vận chuyển.
Năm cá thể gấu đã được đặt tên, Mai và Kim là gấu cái, còn lại ba cá thể gấu đực được đặt tên là Mekong (kỷ niệm nơi cứu hộ Tiền Giang), LeBon, và Star. Trong năm cá thể gấu này, chủ nuôi gấu nhốt chung Mai và Mekong vào một chuồng đã 10 năm nay với mong muốn để gấu sinh sản, nhưng không thành công. Tình trạng sức khỏe của gấu rất khó đoán, bởi chúng đều bị nhốt trên dưới 20 năm, gấu Mai và Lebon có thể bị mù hoặc đục thủy tinh thể, Kim bị mất ½ lưỡi (theo lời kể của chủ gấu, cá thể này có thói quen liếm song sắt và bị một cá thể gấu khác cắn). Giống như phần lớn gấu ở
trang trại khác, chúng đều bị hói đầu do thói quen dụi đầu vào chuồng, răng miệng sâu nghiêm trọng do thức ăn không phù hợp…
Chú gấu đầu tiên bước sang lồng vận chuyển
Star là cá thể đầu tiên được di chuyển bằng phương pháp dụ sang lồng. Trong khi các bác sỹ thu hút sự chú ý của chú bằng cách cho ăn đồ ngọt để quan sát được dễ dàng và gấu không hoảng sợ, thì nhân viên của Tổ chức cắt khóa chuồng và ghép lồng vận chuyển chuyên biệt vào sát lồng gấu, sau đó, gấu sẽ được dụ tự bước sang lồng vận chuyển bằng các thức ăn nhử mà chú yêu thích. Ba cá thể khác là Mekong, Mai và Lebon cũng sẽ được cứu hộ bằng phương pháp tương tự. Riêng Mai và Mekong, hai cá thể gấu ở chung 1 lồng sẽ được lần lượt dụ sang lồng vận chuyển. Trong khi một chuyên gia thu hút sự chú ý của Mai bằng đồ ăn, Mekong sẽ được một chuyên gia khác dụ sang lồng vận chuyển ở một vị trí khác. Quá trình này đòi hỏi độ chính xác cao, khéo léo và nhiều kinh nghiệm.
Gấu Kim là cá thể được các bác sỹ gây mê, khám sức khỏe tại hiện trường và sau đó đưa vào lồng vận chuyển. Các bác sỹ đã sắp xếp một khu khám dã chiến ngay trong khu nhà kho tại trang trại, gấu Kim sẽ được khám sức khỏe khá chi tiết, bao gồm các khâu kiểm tra mắt, răng, khớp xương, các chi, siêu âm ổ bụng, lấy mẫu máu, lông, và các thương tổn nghiêm trọng nếu có. Quá trình gây mê cũng hỗ trợ các kiểm lâm viên có mặt tại hiện trường cứu hộ kiểm tra số chip của gấu đảm bảo trùng khớp với hồ sơ quản lý. Tất cả các chú gấu sau khi được khám sức khoẻ, sẽ được đưa vào lồng vận chuyển chuyên dụng của Tổ chức Trong suốt quá trình này cho đến khi tỉnh lại, một chuyên gia thú y quan sát đảm bảo gấu được an toàn và theo dõi các bất thường (nếu có). Nhìn chung, quá trình gây mê và khám gấu diễn ra thuận lợi, gấu Kim ngoài việc mất ½ lưỡi, còn có 3 răng sâu cần nhổ bỏ, viêm khớp chi trước. Với dị tật ở miệng như vậy, Kim hẳn đã rất khó khăn và đau đớn trong việc ăn uống, Tổ chức Động vật Châu Á sẽ đưa ra các pháp đồ dinh dưỡng và chữa trị phù hợp với sức khỏe của Kim khi về Trung tâm
Cứu hộ gấu Việt Nam.
Chăm sóc gấu sau gây mê
Giải thích tại hiện trường cứu hộ, PGS, TS. Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á cho biết: “Quá trình cứu hộ hôm nay diễn ra khá suôn sẻ, phần lớn là nhờ sự tổ chức bài bản, phối hợp nhịp nhàng và chuyên môn của các nhân viên Tổ chức Động vật Châu Á. Chúng tôi rất vui khi phần lớn gấu đều phản ứng khá tích cực với các bước cứu hộ. Ngay khi về đến Trung tâm
Cứu hộ Gấu Việt Nam, các cá thể này sẽ được chăm sóc sức khỏe toàn diện và sẽ sớm phục hồi, hòa nhập tại các khu bán tự nhiên của Trung tâm. Chúng tôi cũng ghi nhận sự hỗ trợ trực tiếp của cơ quan kiểm lâm Tiền Giang, của gia đình chủ nuôi cũng như các đơn vị có mặt.”
Chia sẻ về sức khoẻ của các cá thể gấu, bác sỹ Mandala Hunter, của Trung tâm
Cứu hộ Gấu Việt Nam, người trực tiếp khám cứu hộ trăn trở: "Chúng tôi đã hoàn thiện việc cứu hộ cho toàn bộ gấu và khám sức khoẻ cho cô gấu Kim. Năm cá thể gấu này đã sống trong
trang trại từ 18 đến 20 năm, có thể là khi còn là gấu con. Tình trạng sức khỏe của chúng nhìn chung đều có các vấn đề về răng miệng, vỡ răng, thậm chí như Kim bị mất lưỡi, và có vấn đề về khớp. Gấu hôm nay đều không hoảng loạn, và khá bình tĩnh khi chúng tôi cứu hộ, cả năm bạn gấu đều có vẻ tin tưởng và tôi hy vọng chúng sẽ sớm phục hồi.”
Hành trình đưa gấu về mái nhà với các khu bán tự nhiên tại Tam Đảo còn phải vượt qua hơn 1700 km. Theo dự kiến, đoàn cứu hộ sẽ về đến Trung tâm
Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào trưa thứ Sáu, 31/8/2018.
Toàn cảnh khu nuôi nhốt gấu
Đây là chuyến cứu hộ đầu tiên của Tổ chức Động vật Châu Á trong năm 2018. Thêm
5 cá thể gấu này, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công 198 cá thể
gấu ngựa và gấu chó. Hiện có 178 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm
Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Sau khi
5 cá thể gấu này được cứu hộ,
Tiền Giang còn 9 cá thể gấu đang được nuôi nhốt trong trang trại. Theo Cục Kiểm lâm Việt Nam, cả nước còn khoảng gần 800 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể.
ThS. Phan Thị Thùy Trinh - Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam