»

Thứ hai, 20/01/2025, 20:59:16 PM (GMT+7)

Buôn rùa quý, thành tỷ phú trong nháy mắt

(19:09:40 PM 28/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Vào những năm 80 của thế kỷ trước, loài rùa hộp ba vạch xuất hiện rất nhiều tại Việt Nam. Chỉ vài năm sau, loài rùa này được các thương lái Trung Quốc lùng mua ráo riết để chế biến thành "thuốc tiên" chữa bệnh ung thư. Càng ngày, loài rùa này ngày càng khan hiếm và giá trị của chúng được đẩy lên "trên trời". Thời gian gần đây, người muốn mua loài rùa này phải trả cái giá gần chục ngàn USD/kg (tương ứng với gần 300 triệu đồng/kg).

Loài rùa hộp ba vạch được các nhà khoa học gọi tên quốc tế là Cuora trifasciata. Nhưng từ lâu, những kẻ săn trộm và giới buôn lậu gọi chúng bằng cái tên đơn giản và phù hợp với giá trị mà chúng mang lại là: Rùa vàng. Hiện rùa ba vạch là mặt hàng khá "hot" trên thị trường được nhiều đại gia trong nước và thế giới sẵn sàng chi tiền để mua cho bằng được. Vì thế, những kẻ săn trộm và giới buôn lậu ngày đêm bỏ công săn lùng. Nhiều chuyên gia cho biết, hiện loài rùa này không còn thấy xuất hiện ở ngoài tự nhiên.

Trở thành tỷ phú trong nháy mắt

Vài năm trở lại đây, những kẻ săn trộm các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam thường kháo nhau rằng, nếu người nào có cơ may săn được một con rùa ba vạch trong tự nhiên thì sẽ trở thành tỷ phú. Bởi giá trị của loài rùa này được rao bán ở ngoài thị trường "chợ đen" có giá lên đến hàng ngàn USD/kg. Thậm chí có giá chục ngàn USD nếu còn nguyên con. Thông tin trên thực sự là miếng mồi hấp dẫn để các tay thợ săn mới vào nghề đặt mục tiêu tìm kiếm. Ông Trần Văn Bảy, một thợ săn động vật quý hiếm tại các tỉnh Tây Nguyên nay đã giải nghệ, hiện ngụ tại TP.HCM cho biết: "Cách đây khoảng 15 năm, tôi là một trong những người đầu tiên săn lùng loài rùa này để bán cho thương lái. Thời điểm đó, 1kg thịt loài rùa này có giá 30 - 40 triệu đồng. Còn bán nguyên con thì chúng có giá từ 70 - 100 triệu đồng. Các thương lái Trung Quốc tìm mua rùa để chế biến thuốc chữa bệnh ung thư".

Rùa ba vạch có giá trị "khủng" tại thị trường “chợ đen”.

Theo ông Bảy, loài rùa này phân bố chủ yếu ở một số vùng rừng núi và trung du thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh và rải rác khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Chúng thường sinh sống ở môi trường ẩm thấp và những dòng suối nhỏ trong rừng. Vì thế, công việc săn lùng loài rùa này không dành cho những cho tay thợ săn mới vào nghề hoặc còn non kinh nghiệm. Bên cạnh đó, loài rùa này đánh hơi người rất tốt. Chúng hễ ngửi thấy hơi người là bò xuống suối hoặc bò vào khe núi để trốn. "Để bắt được 1 con rùa ba vạch, tôi phải ăn dầm nằm dề trong rừng hàng tháng trời và đặt hàng chục chiếc bẫy rùa. Tuy nhiên, rất hiếm khi bẫy được chúng. Trong thời gian gần 4 năm đi săn loài rùa này, tôi chỉ bắt được khoảng 3 con và bán được gần 100 triệu đồng. Sau này, vì số lượng rùa ba vạch ngày càng khan hiếm nên tôi bỏ nghề xuống TP.HCM làm thuê để kiếm sống", ông Bảy chia sẻ.

Loài rùa ba vạch hiện được một số nhà hàng phục vụ đặc sản rừng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận tổ chức thu mua để chế biến món ăn cho khách "VIP". Tại đây, mỗi đĩa thịt rùa ba vạch có giá rất đắt, khoảng 5-10 triệu đồng/đĩa nặng 100gram. Tuy giá vô cùng đắt đỏ nhưng nhiều người sẵn sàng chi tiền để thưởng thức. Anh T., giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị giáo dục tại TP.HCM cho biết: "Thịt rùa ba vạch được nhiều người đồn thổi là "thần dược" chữa bách bệnh. Những bệnh thông thường chỉ cần ăn vài miếng thịt là khỏi ngay. Người mắc các bệnh ung thư, thường xuyên ăn thịt loài rùa này và phối hợp với thuốc tây sẽ hết bệnh trong thời gian ngắn. Từ khi biết thông tin trên, tôi đều đặt nhà hàng để được thưởng thức rùa ba vạch. Tuy nhiên, phải hy hữu lắm, nhà hàng này mới lùng mua được 1 con còn sống".

Một số thương lái kinh doanh mặt hàng "đặc biệt" này tiết lộ, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện khá nhiều rùa ba vạch giả. Nhiều tay thợ săn vì nghĩ đến món lợi quá lớn mà loài rùa này mang lại nên đã tìm những loài rùa tương tự, có hình dáng tương đồng nhau để quảng cáo là rùa ba vạch. Anh Phạm Văn Sơn (ngụ TP. Buôn Ma Thuột, tay thợ săn rùa ba vạch tại khu vực Tây Nguyên) tiết lộ: "Để nhận dạng loài rùa đặc biệt này, phải căn cứ vào đặc điểm trên mai chúng có 3 vạch màu xám đen, chạy theo 3 gờ nối (1 gờ ở sống lưng, 2 gờ ở hai bên. Ngoài ra, loài rùa này có yếm gồm 2 mảng cử động được, có thể khép kín như cái hộp".

Rùa ba vạch đã tuyệt chủng ở Việt Nam?

Thông tin rùa ba vạch tại Việt Nam có tác dụng chữa được nhiều bệnh tật, trong đó bệnh ung thư được xuất phát từ việc người Trung Quốc đổ xô mua loài rùa này cách đây nhiều năm. Lương y Nguyễn Hữu Nghĩa, chuyên nghiên cứu về các vị thuốc đông y tại TP.HCM cho biết: "Trước đây, có nhiều thương lái Trung Quốc qua Việt Nam nói rằng muốn mua rùa ba vạch với số lượng không hạn chế. Họ còn nói, rùa ba vạch có thể chữa được bệnh ung thư, hóa chất chống nhiễm xạ trong quân sự, chế biến vị thuốc trong các bài thuốc dân gian". Bên cạnh đó, còn xuất hiện thông tin cho rằng, loài rùa này còn có thể điều chế được một loại doping dành cho vận động viên thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, những thông tin này chưa được kiểm chứng về độ xác thực.

Lương y Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm, ngoài việc thương lái Trung Quốc săn lùng ráo riết rùa ba vạch để làm thuốc chữa bệnh ung thư thì các thợ săn người Việt cũng cho rằng, loài rùa này nếu được chế biến làm món ăn sẽ chữa được nhiều bệnh nan y. Bốn chân của loài rùa ba vạch nếu được ngâm rượu sẽ tăng cường khả năng phòng the của đàn ông. Bên cạnh đó, thịt loài rùa này nếu được chế biến thành bột sẽ là chất dinh dưỡng vô cùng tốt cho trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng... Và những thông tin trên cũng chỉ là lời đồn thổi chứ chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào để đánh giá nhưng trên thực tế, loài rùa ba vạch vẫn trở thành đối tượng bị săn lùng ráo riết nhất trong một thời gian dài. Do bị săn lùng "điên cuồng" từ các tay thợ săn và các thương lái Trung Quốc nên rùa ba vạch gần như đã biến mất ngoài tự nhiên tại Việt Nam. Nhiều thợ săn loài rùa này xác nhận, đã nhiều năm nay chưa thấy rùa ba vạch xuất hiện.

Trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm của Chính phủ Việt Nam, rùa ba vạch là loài rùa duy nhất nằm trong nhóm 1B. Nhóm này tương đương với các loài như hổ, voi, tê giác, bò tót, rắn hổ mang chúa. Người săn bắt, sở hữu, buôn bán trái phép có thể bị truy tố hình sự. Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, chuyên gia đa dạng sinh học Việt Nam, trường ĐH Đà Lạt cho biết: "Tôi thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về rùa nhiều năm nay nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy rùa ba vạch được một lần duy nhất tại viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Một số đồng nghiệp của tôi từng thực hiện cuộc tổng điều tra về thực trạng buôn bán rùa trái phép ở Việt Nam và đã thấy một con rùa nặng khoảng 1kg".

Ngày nay, người Trung Quốc đã nhân nuôi thành công rùa ba vạch. Giá rùa nuôi nhốt thường rẻ hơn tự nhiên khoảng 5-6 lần. Hiện 1kg rùa ba vạch nuôi rơi vào khoảng 60 triệu đồng. Còn tại thị trường "chợ đen" ở Việt Nam, rùa ba vạch được bán với 2 mức giá: Rùa nhân tạo có giá khoảng 60 triệu/kg; rùa ba vạch tự nhiên có giá khoảng 300 triệu đồng/kg. Sở dĩ có sự chênh lệch rất lớn này là do rùa bắt được ngoài tự nhiên hiếm hơn và được cho là có giá trị cao hơn.

Nhiều người đang tung tin đồn để trục lợi              

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thị trường, một số thương lái đưa ra thông tin, tại các tỉnh miền Tây, một vài cơ sở tư nhân đã nhân giống thành công rùa ba vạch trong môi trường nuôi nhốt. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu rùa tại Việt Nam nhận định, điều kiện khí hậu tại các tỉnh miền Tây không phù hợp cho rùa ba vạch sinh sản. Do vậy, những thông tin trên là những lời quảng cáo bịa đặt. Rất có thể các thương lái này rao bán loại rùa khác có hình dáng bên ngoài giống rùa ba vạch để trục lợi.


Theo Người đưa tin
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Buôn rùa quý, thành tỷ phú trong nháy mắt

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI