»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:41:09 PM (GMT+7)

Tìm hậu duệ cho Rùa hồ Gươm

(00:29:28 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Bên cạnh việc chữa trị vết thương trên mình cụ Rùa hồ Gươm, cần có những nghiên cứu sâu hơn về giống rùa này nhằm duy trì nòi giống và bảo tồn quỹ gene, các nhà khoa học đề xuất.

>> Rùa Hồ Gươm nổi liên tiếp bốn ngày

 

Rùa ở hồ Gươm được cho là cùng loài với một con khác ở hồ Đồng Mô (Hà Nội), và từng tồn tại ở Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình. Nếu điều này được chứng minh, các nhà khoa học cho rằng có khả năng lai tạo chúng để nhân giống. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến khác cho rằng rùa ở hồ Gươm là loài hoàn toàn mới, khác biệt.

Theo tài liệu của chương trình bảo tồn rùa châu Á (Asia Turle Propram), thế giới ghi nhận còn bốn con rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học là Rafetus swinhoei). Trong đó, ở Việt Nam có hai cá thể, một sống ở hồ Gươm và một ở hồ Đồng Mô, hai con còn lại ở Trung Quốc.

 

Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) tại hồ Đồng Mô, Sơn Tây, năm 2008. Ảnh: ATP.

Khả năng nhân giống cụ rùa

Tim McCormack, giám đốc ATP, cho rằng nhân giống rùa Hoàn Kiếm nói chung, cụ rùa hồ Gươm nói riêng là việc làm thiết thực nhất lúc này để bảo tồn loài rùa này trước nguy cơ tuyệt chủng. “Nói dại, nếu một mai cụ Rùa ra đi mà chưa có con cháu nối dõi tông đường thì sẽ là tổn thất rất lớn không chỉ về mặt sinh học, mà cả về tâm linh đối với người Việt", ông nói.

ATP cho rằng rùa ở hồ Gươm và rùa ở hồ Đồng Mô là cùng loài và có thể lai tạo giống được. Tuy nhiên giới khoa học trong nước có ý kiến trái chiều. Chẳng hạn Phó giáo sư Hà Đình Đức, người có hơn 20 năm nghiên cứu rùa ở hồ Gươm, cho rằng đây là loài hoàn toàn mới, không giống bất cứ con rùa nào đã được biết đến.

Mặc dù vậy, theo ông Tim McCormack, nếu có đủ điều kiện về môi trường sống cho con đực con cái, thì ngay cả khi ghép đôi sinh sản động vật không cùng loài cũng không có vấn đề gì.

Trên thực tế, khi ghép cá thể không cùng loài, có thể sinh ra con lai, như ghép ngựa và lừa sẽ ra con la. Tương tự, với loài rùa nói chung, khi tìm ra con rùa gần loài, cũng sinh ra một số con lai, McCormack phân tích.

"Về mặt khoa học, thế hệ đầu tiên (F1), con sinh ra có thể bị vô sinh hoặc vẫn tiếp tục sinh sản được. Những con sinh sản được ở lứa F1 cho ra đời con thuộc lứa F2, F3... Trong các lứa ấy, thế nào cũng có con mang gene thuần với gene một trong hai cá thể ban đầu, lứa F0, tức là mang gene thuần của Rùa ở hồ Gươm", Tim McCormack khẳng định.

Cũng theo ông McCormack, những nỗ lực tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm ngày càng trở nên khó khăn. Trung Quốc trong hai năm 2008, 2009 đã "se duyên" cho hai con rùa Hoàn Kiếm, thu được 600 trứng trong 3 năm, nhưng không trứng nào nở thành con.

 

 

Cụ Rùa Hồ Gươm năm 2005. Ảnh do Phó giáo sư Hà Đình Đức cung cấp.

"Trường hợp xấu nhất, được coi là giải pháp cuối cùng phải nghĩ tới việc ghép đôi sinh sản rùa ở Đồng Mô với rùa ở Trung Quốc, tạo giống mới cho rùa loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này", McCormack nói.

Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được xác nhận là giống đực, con rùa này có thể ghép đôi sinh sản với cá thể cái Rùa Hoàn Kiếm ở Trung Quốc. Trong hội thảo về rùa vừa qua ở Singapore, phía Trung Quốc rất ủng hộ phương án này, McCormack cho biết sau khi trở về từ hội nghị.

Nếu phương án được phía Việt Nam chấp thuận, một nửa số cá thể con nở thành công sẽ được đưa về Việt Nam mỗi năm; còn cá thể rùa đực ở hồ Đồng Mô sẽ được đưa trở lại hồ Đồng Mô sau một số năm thực hiện ghép đôi nhân giống.

Cho đến nay chưa ai biết giới tính của cụ Rùa trong hồ Gươm. Để xác định điều này cần có sự quan sát kỹ lưỡng hoặc lấy mẫu ADN.

Nghi ngại

Tuy nhiên, phó giáo sư Hà Đình Đức (người có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu về rùa Hoàn Kiếm), giáo sư Lê Trần Bình (Viện công nghệ sinh học) và nhiều nhà khoa học khác cho rằng, Rùa Hồ Gươm không phải loài Rafetus swinhoei, mà là loài mới được đặt Rafetus leloii. Ông Đức cho rằng không thể nhân giống hai cá thể không cùng loài.

Ông Hà Đình Đức nói rằng, về mặt khoa học hai loài khác nhau khi giao phối trứng sẽ không thụ tinh nên nhân giống sẽ không kết quả. Nếu hai loài khác nhau giao phối có thể sinh ra cá thể con F1 nhưng thế hệ này bất thụ (không có khả năng sinh sản). Trên thế giới cũng chưa thấy nghiên cứu nào nhân giống hai loài rùa khác nhau, mà chỉ biết khi lừa đực giao phối với ngựa cái sẽ sinh ra con la; ngựa đực giao phối với lừa cái sinh con Hinny đều bất thụ.

 

 

Ảnh so sánh sọ rùa hồ Gươm và giải Thượng hải. Theo ông Đức, rùa hồ Gươm là loài mới, không phải giải Thượng Hải. Ảnh: Hà Đình Đức.

Giáo sư Mai Đình Yên, phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, cho rằng cũng như bất kỳ loài nào, duy trì nòi giống là việc nên làm, chưa kể rùa Hoàn Kiếm là rùa quý hiếm, trên thế giới chỉ còn 4 con sống sót.

“Dù muốn hay không, cụ Rùa cũng như bao nhiêu sinh vật khác, một ngày nào đó sẽ chết, nên những nghiên cứu về giống loài của rùa tại Việt Nam là cần thiết để tuy trì nòi giống của cụ Rùa, một loài vật còn mang giá trị tâm linh”, giáo sư Yên nói.

Trước tiên, theo giáo sư Yên, phải xem giới tính cụ, sau đó, xác định cụ thuộc loài nào rồi so sánh với với 3 con rùa còn lại trên thế giới, cùng loài nào thì nên “ghép đôi”.

Theo ông yên, việc ghép đôi lai tạo nên được thử nghiệm trên cá thể rùa ở Đồng Mô trước với hai cá thể rùa ở Trung Quốc. “Nếu mọi việc tốt đẹp, sau đó mới tiến hành với cá thể rùa ở hồ Hoàn Kiếm”.

Các nhà khoa học cảnh báo, sức ép về mặt tâm linh là yếu tố gây khó khăn trong hoạt động liên quan đến cụ rùa. Ngoài ra, với kích thước lớn, việc vận chuyển rùa Hoàn Kiếm cũng là một yếu tố gây khó khăn. Ông Yên cũng cho rằng có thể còn tồn tại những con rùa cùng loài Hoàn Kiếm khác nữa trên lãnh thổ Việt Nam chưa được tìm thấy.

Theo Hương Thu/VnExpress
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tìm hậu duệ cho Rùa hồ Gươm

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

Bảo tồn, phát triển dược liệu quý dưới tán rừng

(Tin Môi Trường) - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương hiện có 648.370 ha rừng với hàng trăm loài dược liệu quý. Để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loại dược liệu bản địa, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu bản địa dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều mô hình đã được thực hiện thành công, mở ra hướng phát triển sinh kế cho người dân miền núi giảm nghèo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI