»

Thứ năm, 28/11/2024, 23:55:01 PM (GMT+7)

Manh nha cây thần kỳ ở Việt Nam

(00:31:59 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Một tiệm cà phê ở Tokyo, Nhật Bản, cho khách thưởng thức món cà phê mang tên miraculin mà không cần dùng đường hoặc chất tạo ngọt tổng hợp với giá hơi đắt, khoảng 15 USD/ly. Miraculin trong chuyện kể ấy của Dược sỹ Phạm Hữu Hiền (MBA, Trường Đại học Nam Columbia, Mỹ) là thành phần chính của một loài cây mang tên Kỳ Diệu có mặt ở Việt Nam khoảng chục năm nay nhưng có lẽ chưa nhiều người biết đến.

Chuyện kể rằng, năm 1725, có một nhà thám hiểm người Pháp tên là Des Marchais, sau khi đi khảo sát vùng tây châu Phi về, đã viết về tập tục kỳ lạ của thổ dân vùng này. Các thức ăn của họ đều rất chua và không hề có đường. Tuy nhiên, sau khi nhai một loại trái cây có màu đỏ thì các vị chua này đã trở thành ngọt lịm mà không cần phải bỏ thêm đường. Đến năm 1852, cây mới được Tiến sỹ W.F. Daniel mô tả tỉ mỉ về đặc tính kỳ lạ này và định danh là Synsepalum dulcificum, họ Sapotaceae đồng thời đặt cho nó cái tên “cây thần kỳ”.

 

 

Cây có trái quanh năm được chào bán giá ít nhất 900.000 đồng/cây.

Khắc tinh của béo, tiểu đường

 

Theo Dược sỹ Phạm Hữu Hiền, cây thần kỳ là cây tiểu mộc, có thể cao đến sáu mét sau 10 năm, trồng thích hợp ở vùng đất khô ráo, độ pH thiên về acid, có độ ẩm cao, ưa nắng nhiều. Cây cho ra một loại trái khi chín có màu đỏ rất đẹp sau mùa mưa.

 

Trái khi chín rất mau hỏng, mặc dù được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp. Sở dĩ cây được gọi là kỳ diệu là vì trái của nó khi nếm sẽ làm cho các vị khác như chua, đắng của cam, chanh, hay bất cứ thứ quả gì, đều bị biến đổi thành vị ngọt; tên địa phương của cây là taami, asaaledidi. Thành phần chính của cây là miraculin.

 

 

Một trại ươm giống cây Thần Kỳ ở huyện Hóc Môn, TP HCM

 

Dược sỹ Hiền cho hay, một tiệm cà phê ở Tokyo đã cho khách thưởng thức món cà phê miraculin mà không cần dùng đường hoặc chất tạo ngọt tổng hợp với giá hơi mắc, khoảng 15 USD. Trái cây kỳ diệu do hãng Namco, Nhật Bản, cung cấp. Hiện nay các nhà khoa học Nhật Bản đang dự định ghép gene miraculin vào cây rau diếp để sản xuất đại trà sau khi thí nghiệm ghép gene miraculin trên vi khuẩn E. coli bị thất bại.

 

Miraculin được tiên lượng sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai như chất tạo ngọt không sinh năng lượng (calorie), để dùng trong công nghiệp thực phẩm thay thế cho các chất tạo ngọt nhân tạo nhiều độc hại, và có thể ứng dụng trong lĩnh vực phòng bệnh một số bệnh như tiểu đường, giảm cân.

 

Ở trong dung dịch acid yếu, nhiệt độ bảo quản 40 C, miraculin có thể bảo quản trong vòng một tháng. Vẫn theo DS Hiền, cơ chế tác dụng của miraculin chưa được biết rõ. Có giả thuyết cho rằng, miraculin tương tranh với tiếp thể acid trên bề mặt gai vị giác để tạo nên một hiện tượng kỳ diệu, biến bất kỳ vị chua nào đang có trên lưỡi thành vị ngọt.

 

Tác dụng này có thể kéo dài khoảng hơn một giờ và sẽ biến mất nhanh chóng, nếu làm một ngụm trà nóng. Vì miraculin không tạo ra năng lượng (calorie) và là hợp chất tạo vị ngọt thiên nhiên nên nó được thổ dân châu Phi dùng từ nhiều trăm năm nay.

 

Nhiều nhà sản xuất kỳ vọng nó sẽ có ứng dụng rộng rãi để chữa nhiều bệnh cần sử dụng các chất tạo ngọt tổng hợp và tránh dùng saccaroz (đường mía) như bệnh tiểu đường, bệnh béo phì, v.v…



Tuy nhiên, do chưa được Cơ quan Thuốc&Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận nên việc sử dụng và trồng cây kỳ diệu chỉ nằm trong lãnh vực cây cảnh tại nước này. Hiện tại, chỉ có Nhật Bản đang dự kiến đưa việc sử dụng miraculin ở tầm mức thực phẩm công nghiệp, dù Mỹ là nước có ý tưởng đầu tiên.

 

Có ý kiến chỉ trích FDA khi cơ quan này chưa cho phép lưu hành miraculin trên thị trường là do muốn bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất chất tạo ngọt nhân tạo. Lý do FDA đưa ra là miraculin chưa được chứng minh độ an toàn khi dùng trong thực phẩm. Các nhà chỉ trích đã mỉa mai rằng, các chất tạo ngọt nhân tạo như saccarin, aspartame thì được FDA công nhận độ an toàn và cho phép lưu hành trên thị trường, dù trong thực tế có một số tai biến đã được ghi nhận, trong khi đó, miraculin đã được thổ dân châu Phi dùng hàng trăm năm nay và là hợp chất thiên nhiên thì bị coi là có vấn đề. Họ bảo rằng, không biết là ai đang có vấn đề.

 

DS Hiền tiên đoán, Mỹ có nguy cơ tụt hậu so với Nhật trong lãnh vực này nếu vẫn còn muốn duy trì cơ chế bảo vệ các nhà sản xuất hóa chất tổng hợp, dù các cơ sở nuôi trồng cây kỳ diệu có rất nhiều tại Mỹ, tập trung tại Florida, trong khi Nhật không có cơ sở nào.

 

 

 

Manh nha ở Việt Nam

 

Câu chuyện cây thân kỳ ở Việt Nam hiện nay có lẽ hơi giống ở Mỹ hơn là ở Nhật Bản, nghĩa là thiên về chơi làm cảnh thay vì nghĩ đến làm thuốc hay thực phẩm chức năng.

 

Chúng tôi hỏi một số chuyên gia ở các đơn vị nghiên cứu thực vật và dược liệu hàng đầu ở Hà Nội thì, thật ngạc nhiên, hầu hết đều không biết. Từ Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đến Viện Di truyền Nông nghiệp (khoa cây cảnh) và Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, hầu như ai nấy đều lắc đầu và bảo cho biết tên khoa học để tìm hiểu rồi trả lời sau. Đến như Công ty Cổ phần Traphaco, một trong những doanh nghiệp khoa học tiên phong trong sản xuất các sản phẩm dược liệu ở nước ta, cũng chưa thấy quan tâm đến loài cây ngoại lai nhưng lại được hầu như cả thế giới biết đến này.

 

Thế mà, trên thực tiễn, cây Thần Kỳ (Mircale Tree) đã du nhập vào Việt Nam từ đầu thiên niên kỷ 2000 và mãi ba bốn năm gần đây mới bắt đầu rộ lên ở TP Hồ Chí Minh với tư cách là cây cảnh và cây thuốc, cây dinh dưỡng kỳ diệu.

 

 

Tại nhà vườn Thần Kỳ, cây Thần Kỳ tuổi rưỡi, cao 30 cm, được chào bán 200.000 đ/cây tặng kèm ba trái Thần Kỳ để thử

 

Minh Nguyễn là chủ một nhà vườn độc đáo mang luôn cái tên Kỳ Diệu tọa ở Ấp Chán, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Trò chuyện với chúng tôi, anh tự nhận mình có lẽ là người đầu tiên đưa cây này vào Việt Nam mà thực chất là món quà khoảng chục cây do một người bạn Việt kiều tặng cách đây 10 năm.

 

Nghe bạn kể về các đặc tính kỳ diệu của nó, Minh Nguyễn lục lọi trên internet tìm hiểu để, đến bây giờ, anh trở thành một trong những đầu mối cung cấp cây thần kỳ lớn nhất TP HCM. Do không có chuyên môn về dược học và thực vật, anh mới chỉ khai thác nó ở góc độ cây cảnh hay bonsai và nghe nói bán khá chạy.

 

Cây rẻ nhất là 30.000 đồng khoảng 2-4 năm sau sẽ cho quả có đặc tính thần kỳ. Muốn cây cho quả sau 1-2 năm, phải mua với giá 100.000-150.000 đồng/cây. Còn muốn mua cây đã có quả đỏ ửng lộng lẫy, anh bán với giá không dưới 600.000 đồng/cây cho mùa Tết Nguyên đán sắp tới. Với những cây có quả và có cả thế, anh ra giá cả chục triệu bạc.

 

Cả TP HCM hiện có 3-4 nhà vườn nhận giống với khối lượng lớn từ nhà vườn Thần Kỳ. Cách đây vài ba tháng, một số nhà buôn cây cảnh ngoài Hà Nội vào đặt vấn đề với Minh Nguyễn muốn chuyển cây này ra Hà Nội và đấy là dự án mới nhất của chủ vườn Thần Kỳ.

 

 

Trên một số diễn đàn mạng đã xuất hiện dịch vụ rao bán cây Thần Kỳ mà không thấy đảm bảo cho khách hàng về chất lượng, nguồn giống, vì chúng có thể được nhập trực tiếp từ nước  ngoài, khiến cây khó thích nghi, ra trái không đều hoặc thậm chí bị chết trong khi giá cây có thể lên đến hàng triệu đồng.

Một trong những cửa hàng bán cây thần kỳ trên mạng đông khách nhất đưa ra các chào mời như bán từ hạt giống, trái, cây Thần Kỳ lớn nhỏ, đến các sản phẩm phục vụ cho việc trồng cây. Thậm chí, cửa hàng đó có bày bán các viên nén bào chế từ cây Thần Kỳ, bột cây Thần Kỳ, trái Thần Kỳ khô, xuất xứ từ Mỹ, Anh. Còn ai muốn thứ, có thể mua một quả giá 10.000 đồng/quả.

Theo Quốc Trung – Quốc Dũng/TP
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Manh nha cây thần kỳ ở Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI